Triều Tiên phóng 2 tên lửa đạn đạo liên tiếp
Quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên hôm nay đã tiếp tục phóng thêm 2 tên lửa đạn đạo, vài ngày sau vụ thử tên lửa hành trình.
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên năm 2019 (Ảnh minh họa: KCNA)
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) hôm nay 15/9 cho biết, Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa đạn đạo từ bờ biển phía đông nước này về phía biển Nhật Bản.
Lực lượng tuần duyên Nhật Bản cho biết 2 tên lửa Triều Tiên đã rơi ngoài vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Tình báo Mỹ và Hàn Quốc vẫn đang phân tích thông tin về vụ phóng mới của Triều Tiên.
“Quân đội chúng tôi vẫn hợp tác chặt chẽ với Mỹ và duy trì trạng thái sẵn sàng”, thông báo của JCS cho biết.
Hiện vẫn chưa rõ tầm bắn của tên lửa Triều Tiên. Bình Nhưỡng cũng chưa lên tiếng về vụ việc.
Vụ phóng mới nhất là vụ phóng tên lửa đạn đạo thứ hai của Triều Tiên trong năm nay. Vụ phóng diễn ra chỉ vài ngày sau khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa hành trình tầm xa vào ngày 11/9 và 12/9.
Triều Tiên mô tả 2 tên lửa hành trình tầm xa được phóng vào cuối tuần trước là loại “vũ khí chiến lược có ý nghĩa quan trọng”, bay được quãng đường khoảng 1.500 km trước khi đánh trúng mục tiêu và rơi xuống vùng lãnh hải của nước này. Một số chuyên gia đánh giá đây có thể là tên lửa hành trình đầu tiên có năng lực hạt nhân của Triều Tiên.
Theo Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, các vụ phóng tên lửa mới cho thấy Triều Tiên “tiếp tục phát triển chương trình quân sự và đe dọa các nước láng giềng cũng như cộng đồng quốc tế”.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn nhận định của một số chuyên gia cho rằng, tên lửa vừa thử nghiệm của Triều Tiên có thể giống tên lửa Tomahawk của Mỹ hay Hyunmoo-3C của Hàn Quốc. Tuy tên lửa hành trình bay chậm hơn tên lửa đạn đạo nhưng chúng có thể bay ở tọa độ thấp và khó bị phát hiện.
Video đang HOT
Triều Tiên đã tăng cường các hoạt động quân sự gây căng thẳng trong những tuần gần đây. Ngày 9/9, Triều Tiên tổ chức lễ duyệt binh hoành tráng với sự tham gia của các lực lượng vũ trang nhân kỷ niệm ngày Quốc khánh. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng không phô diễn tên lửa đạn đạo hay tên lửa hành trình nào trong sự kiện này.
Hồi tháng 8, Triều Tiên đã cảnh báo về một “cuộc khủng hoảng an ninh lớn” nhằm phản đối cuộc tập trận quân sự phối hợp giữa Hàn Quốc và Mỹ vào mùa hè. Triều Tiên cũng có dấu hiệu khởi động lại lò phản ứng hạt nhân sản xuất plutonium tại khu phức hợp Yongbyon của nước này.
Theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Triều Tiên bị cấm mọi hoạt động liên quan tới tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng vẫn duy trì chương trình tên lửa trong những năm qua.
Hiện chưa rõ Triều Tiên đã làm chủ được công nghệ chế tạo đầu đạn thu nhỏ có thể trang bị cho tên lửa hành trình hay chưa, song hồi đầu năm nay, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho biết, phát triển bom nhỏ hơn là mục tiêu hàng đầu của nước này.
Giới chuyên gia nhận định Triều Tiên có thể tiến tới triển khai tên lửa mới thử nghiệm trên tàu ngầm và khiến nó càng khó bị phát hiện hơn.
Vì sao Triều Tiên thử tên lửa hành trình nhưng lại gọi là 'vũ khí chiến lược'
Khi Mỹ gặp các đồng minh ở Tokyo, Triều Tiên đã phóng một quả tên lửa hành trình, vốn là "vũ khí chiến thuật", và tuyên bố đây là "vũ khí chiến lược quan trọng".
Triều Tiên phóng thử tên lửa hành trình tầm xa mới. Ảnh: AFP/KCNA
Sáng 13/9, các phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin Bình Nhưỡng đã thử tên lửa hành trình mới vào cuối tuần trước. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) khẳng định các quả tên lửa vừa phóng là "vũ khí chiến lược có ý nghĩa quan trọng", đã bay xa 1.500km trước khi đánh trúng mục tiêu và rơi xuống lãnh hải của đất nước trong các cuộc thử nghiệm vào ngày 11 và 12/9.
Cùng ngày 13/9, các nhà ngoại giao cấp cao của Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đã gặp nhau tại Tokyo để thảo luận về Triều Tiên theo kế hoạch từ trước.
Tuy nhiên, vụ phóng tên lửa vào cuối tuần qua được cho là một hành động tính toán khéo léo của Bình Nhưỡng, vì cả những lý do khác chứ không chỉ là thời điểm.
Một "vũ khí chiến thuật" mang tính chiến lược?
Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cấm Triều Tiên sở hữu hoặc thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo (bao gồm cả các phương tiện phóng vệ tinh), nhưng tên lửa hành trình thì được phép. Tên lửa đạn đạo bay theo hình parabol trong khi tên lửa hành trình bay có điều khiển, thường ôm sát địa hình hoặc đại dương.
Các hình ảnh của KCNA cho thấy một tên lửa hành trình được bắn từ một phương tiện di động, chứ không phải từ một hầm phóng cố định. Tính linh hoạt của vũ khí, nhờ dễ phân tán và che giấu, sẽ giúp nâng cao khả năng sống sót khi xảy ra chiến sự.
Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên trong một cuộc diễu binh. Ảnh: KCNA/AFP
Tầm bắn của loại tên lửa mà Triều Tiên mới phóng thử đặt toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc và Nhật Bản - bao gồm các căn cứ quan trọng của Mỹ như Pyongytaek ở Hàn Quốc và Yokosuka, Okinawa ở Nhật Bản - trong vùng nguy hiểm.
Tên lửa hành trình là vũ khí chiến thuật, được sử dụng để tấn công các mục tiêu quân sự chính xác. Trong khi đó từ "chiến lược" cho thấy tên lửa có thể được sử dụng để phóng vũ khí hủy diệt hàng loạt, như đầu đạn hạt nhân mini, tới mục tiêu.
Nhưng một quả tên lửa hành trình lại được Bình Nhưỡng giới thiệu bằng tính từ "chiến lược". Điều này khiến giới quan sát nhận định về khả năng Triều Tiên có thể hạt nhân hoá tên lửa hành trình.
Khả năng hạt nhân hóa tên lửa hành trình gây ra một vấn đề đau đầu khác cho các nhà hoạch định phòng thủ khu vực, vốn đã bối rối trước kho vũ khí gồm nhiều loại tên lửa và nhiều tầm bắn của Triều Tiên.
Ông Chun In-bum, một tướng quân đội Hàn Quốc đã nghỉ hưu, nhận xét với tờ Asia Times rằng cho dù ý định của Bình Nhưỡng chỉ là gửi một tín hiệu chính trị, thử nghiệm vũ khí hay cả hai điều đó, thì việc hạt nhân hoá tên lửa chiến thuật vẫn là là một "khả năng đáng kể".
Ông Chun cảnh báo: "Những tên lửa hành trình này có một chức năng khác, vì chúng có thể mô phỏng máy bay hoặc các loại vũ khí đánh lừa khác để thực sự có thể thách thức hệ thống phòng thủ của chúng ta. Đây là một tập hợp các khả năng mới của Triều Tiên."
Khi đặt vụ thử vào bối cảnh của các chương trình nghị sự ngoại giao tại Tokyo thì thời điểm của nó dường như hoàn hảo. Sự kiện không chỉ đưa Triều Tiên trở lại tầm ngắm của Washington sau cuộc rút lui bị chỉ trích ở Kabul, mà còn được công khai vào đúng ngày các nhà ngoại giao cấp cao Mỹ bắt đầu một loạt cuộc họp tại Nhật Bản.
Đội hình diễu binh của Triều Tiên vào rạng sáng 9/9 kỷ niệm 73 năm quốc khánh. Ảnh: KCNA/Reuters
Theo kế hoạch, Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Sung Kim có chương trình họp ba bên tại Nhật Bản từ 13-15/9 với Vụ trưởng Vụ châu Á và châu Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản Funakoshi Takehiro và Đặc phái viên của Hàn Quốc về Hòa bình và An ninh Bán đảo Triều Tiên Noh Kyu-duk.
Quan chức Mỹ cũng sẽ gặp các quan chức cấp cao khác của Nhật Bản để thảo luận về nhiều vấn đề không chỉ bao gồm cam kết của Mỹ đối với việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên, mà còn cả vấn đề Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản vào những năm 1970.
Nhưng sau vụ phóng tên lửa, ba đại diện ngoại giao sẽ có một số vấn đề mới để thảo luận.
Leif-Eric Easley, Phó giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Ewha Womans ở Seoul, cho biết: "Điều khiến vụ thử này trở nên khiêu khích là tuyên bố công khai của Triều Tiên rằng những tên lửa hành trình này là vũ khí chiến lược, ngụ ý ý định thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để lắp trên chúng".
Cuộc chạy đua tên lửa?
Động thái của Bình Nhưỡng diễn ra chỉ 4 ngày sau khi nước này tổ chức cuộc duyệt binh vào lúc nửa đêm và 6 ngày sau khi Hàn Quốc bắn thử thành công tên lửa đạn đạo sản xuất trong nước từ một tàu ngầm đang lặn có tên Dosan An Chang-Ho. Đây là quốc gia phi hạt nhân đầu tiên từng có vụ thử như vậy.
Tàu ngầm Dosan An Chang-Ho của Hàn Quốc. Ảnh: navyrecognition
Vụ thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm lặn cho thấy Hàn Quốc - quốc gia mới được Mỹ chấp thuận dỡ bỏ trần dài hạn đối với các chương trình phát triển tên lửa - hiện đã tham gia cuộc chạy đua tên lửa với Triều Tiên.
Hôm 2/9, một thông cáo ngân sách đã công bố rằng Seoul đang phát triển một tên lửa đạn đạo đất đối đất có thể mang đầu đạn nặng 3 tấn.
Tuy nhiên, đến nay, Triều Tiên đã tiến hành sáu vụ nổ nguyên tử và sở hữu một số lượng đầu đạn không xác định, vượt trội Hàn Quốc. Vũ khí hạt nhân chắc chắn mang lại cho Bình Nhưỡng một sức răn đe rất mạnh. Tuy nhiên, chương trình này lại thất bại trong việc giành được chiến thắng về mặt ngoại giao - chính trị. Quan hệ Mỹ - Triều và quan hệ liên Triều phần lớn đã bị đóng băng kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội vào năm 2019.
Sự đóng băng đó đã khiến Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un rơi vào tình thế khó khăn chiến lược. Thất bại trong đàm phán với một vị tổng thống Mỹ (nay đã mãn nhiệm) khiến Triều Tiên vẫn bị cô lập và chịu các lệnh trừng phạt khắc nghiệt. Chiến lược ngoại giao của ông Kim trong tương lai vẫn chưa rõ ràng.
Theo KCNA, nhà lãnh đạo Triều Tiên - người từng giám sát các vụ phóng tên lửa đạn đạo trong quá khứ, với những bức ảnh đã trở thành biểu tượng - đã không có mặt trong vụ thử tên lửa vào tuần trước. Đây có thể là điều đáng quan tâm.
Ông Chun In-burn nhận xét: "Ông Kim Jong-un không có mặt cũng là một tuyên bố chính trị. Ông ấy đang nói: Tôi sẵn sàng đàm phán, nhưng theo điều kiện của tôi, tôi có những năng lực tuyệt vời này".
Tên lửa Triều Tiên vừa thử có thể xuyên thủng lưới phòng không Tên lửa hành trình Triều Tiên vừa phóng thử có tầm bắn xa và khả năng lẩn tránh radar, xuyên thủng lưới phòng không đối phương, theo giới chuyên gia. Triều Tiên thông báo phóng thử một loại tên lửa hành trình tầm xa mới hồi cuối tuần qua, gọi đây là vũ khí chiến lược có ý nghĩa quan trọng. Quả đạn...