Triệt xóa đường dây mua bán dữ liệu cá nhân, lừa đảo 10 tỷ đồng
Tuấn, Tùng, Thắm đã lập các đường link trang web giả mạo có hình thức, giao diện các trang web của ngân hàng và công ty cho vay tài chính để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân sinh sống tại Việt Nam.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Tĩnh vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can bắt tạm giam 5 đối tương về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”.
Đối tượng Đinh Quốc Tuấn, Nguyễn Phúc Vinh, Nguyễn Thị Thắm.
Qua công tác nắm tình hình các đối tượng lợi dụng không gian mạng xâm phạm trật tự an toàn xã hội, phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Tĩnh phát hiện nhóm công khai “Data chất lượng toàn quốc” với gần 1.000 thành viên. Trên nhóm này có tài khoản facebook “Thư vũ” do đối tượng Nhữ Thị Nguyên quản lý và sử dụng thường xuyên thường xuyên đăng bài bán giữ liệu cá nhân từ Công ty tài chính và công các thành viên mua, bán thông tin dữ liệu khách hàng với nhiều giữ liệu khác nhau như: thẻ tín dụng, chứng khoán, bất động sản… Trước tình hình đó, lực lượng chức năng đã xác lập chuyên án để đấu tranh làm rõ.
Bằng các biện pháp nghiệp vũ, cơ quan điều tra xác định đối tượng Nguyễn Phúc Vinh (SN 1999), trú tại Ấp 4, xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An và Nhữ Thị Nguyên (SN 1988), trú tại Số 33A, đường Chuyên Dùng 9, khu phố 3, Phường Phú Mỹ, Quận 7, TP Hồ Chí Minh có mối quan hệ tình cảm và sống chung với nhau như vợ chồng. Tháng 6/2021, Vinh sử dụng nhiều tài khoản facebook tham gia vào các nhóm mua bán data trên mạng.
Thông qua các nhóm này Vinh đã nhiều lần thu thập, mua lưu trữ về máy tính cá nhân của mình hơn 45.000 dữ liệu thông tin cá nhân khách hàng của các Công ty tài chính. Sau đó, Vinh cung cấp các dữ liệu data trên cho Nguyên, cùng tìm người mua để bán thu lợi nhuận. Để tìm kiếm người mua, Nguyên và Vinh lập nhiều tài khoản facebook, telegram… tham gia vào các hội nhóm mua bán data trên mạng xã đăng tải các bài viết chào bán data.
Đối với mỗi data “ nóng” (data trong ngày) Vinh và Nguyên bán với giá 3.000đ/1 thông tin khách hàng, đối với mỗi data “nguội” (Data cũ), Vinh và Nguyên bán với giá từ 1.000đ đến 2.000đ. Hầu hết data “nóng” đều được Vinh chỉnh sửa từ hơn 45.000 data sẵn có bằng cách chỉnh thời gian vay để phù hợp với thời gian bán cho người mua. Kết quả điều tra bước đầu xác định Nguyễn Phúc Vinh và Nhữ Thị Nguyên đã bán 629.050 dữ liệu thông tin cá nhân khách hàng cho nhiều người khác nhau, thu lợi bất chính số tiền trên 340 triệu đồng.
Tiếp tục điều tra mở rộng về hành vi mua bán dữ liệu cá nhân, Ban chuyên án phát hiện nhóm tội phạm do các đối tượng người Việt Nam cầm đầu mua dữ liệu cá nhân từ Nguyễn Phúc Vinh và Nhữ Thị Nguyên để thực hiện hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại Campuchia.
Cụ thể: Cuối tháng 9/2022, Đinh Quốc Tuấn (SN 1987) trú tại Số 23, ngách 62/10, Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội; Nguyễn Thị Thắm (SN 1990), trú tại Số 10, ngõ 19 Nguyễn Công Trứ, phường Đồng Nhân, TP Hà Nội và cho Nguyễn Xuân Tùng (SN 1990), trú tại TDP 6, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trần Yên, tỉnh Yên Bái đều sinh sống, làm việc tại thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia bàn bạc với nhau về việc mua dữ liệu cá nhân của các khách hàng có như cầu vay tài chính để gọi điện lừa đảo.
Tuấn, Tùng, Thắm đã cùng nhau bàn bạc, góp tiền để mua sắm trang thiết bị và thuê nhân viên gọi điện thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân sinh sống tại Việt Nam. Nhóm đối tượng thuê nhà tại thủ đô Phnôm Pênh, mua sắm hơn 20 bộ máy tính, điện thoại và thuê 20 đến 25 nhân viên gọi điện và lập các đường link trang web giả mạo có hình thức, giao diện các trang web của ngân hàng và công ty cho vay tài chính để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Video đang HOT
Hàng ngày, Tùng mua dữ liệu cá nhân (từ Nguyễn Phúc Vinh và Nhữ Thị Nguyên) và đưa cho nhóm nhân viên để gọi điện và đưa ra các thông tin như: Công ty tài chính đang có chương trình cho vay tiền lãi suất thấp, cho vay số tiền lớn không giới hạn, thủ tục vay đơn giản không cần cung cấp chứng minh nhân dân hay sổ hộ khẩu… Khi người vay đồng ý thì các đối tượng gọi điện sẽ xin số điện thoại có tài khoản zalo và chuyển cho đối tượng khác sử dụng tài khoản zalo giả kết bạn và gửi cho người vay đường link đã tạo sẵn.
Các đối tượng yêu cầu bị hại nhập các thông tin như họ tên, ngày tháng năm sinh, số căn cước công dân, kê khai mức thu nhập, số tài khoản ngân hàng, số điện thoại người thân và lựa chọn mức tiền vay, khi các bị hại nhấn vào mục rút tiền thì ứng dụng web giả mạo sẽ đưa ra nhiều lỗi khác nhau và yêu cầu phải nộp một khoản tiền mới tiếp tục được giải ngân và sẽ được nhận lại khoản tiền đã nộp.
Các đối tượng gửi các số tài khoản ngân hàng giả mạo để người bị hại nộp tiền và tiếp tục đưa ra nhiều lý do như: Hồ sơ khách hàng không đảm bảo, tự ý rút tiền trái phép, hệ thống bị đông cứng đóng băng toàn bộ số tiền giải ngân, phải mua bảo hiểm khoản vay mới rút được tiền và yêu cầu bị hại tiếp tục nộp tiền để được giải ngân…
Với phương thức thủ đoạn như trên, từ tháng 10/2022 đến tháng 3/2023, nhóm đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhiều bị hại trên khắp cả nước với số tiền hơn 10 tỷ đồng.
Căn cứ tài liệu điều tra thu thập được, đến nay Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”, ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Nguyễn Xuân Tùng, Đinh Quốc Tuấn, Nguyễn Thị Thắm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nhữ Thị Nguyên, Nguyễn Phúc Vinh về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh thông báo đề nghị ai là bị hại của vụ án thì liên hệ với Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh, địa chỉ: Số 268, đường Nguyễn Huy Tự, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, SĐT 069.2628312 để được giải quyết
Khi mua tài khoản ngân hàng dễ như... mua rau
Thời gian qua, tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông và thiết bị điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp.
Giúp sức cho loại tội phạm này nhận và tẩu tán số tiền chiếm đoạt được là các đối tượng thu thập, mua bán thông tin, tài khoản cá nhân cũng như kẽ hở từ chính hoạt động của một số ngân hàng.
Muốn mua bao nhiêu cũng có
Kết quả điều tra các vụ án liên quan đến hoạt động sử dụng không gian mạng và thiết bị công nghệ để lừa đảo của lực lượng Công an cho thấy hầu hết các đối tượng tội phạm đều sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ. Những tài khoản này có bằng cách thuê người khác mở, mua tài khoản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài khoản của người khác. Bên cạnh đó, nhiều tài khoản còn được mở bởi giấy tờ cá nhân giả và mua bán "sang tay", với cùng mục đích là thực hiện và che giấu các hành vi phạm pháp, bao gồm nhận tiền lừa đảo, gian lận, rửa tiền; chuyển nhận tiền đánh bạc...
Công an TP Đà Nẵng kiểm tra, bắt quả tang một ổ nhóm chuyên đăng ký tài khoản ngân hàng online để bán
Do nhu cầu của các đối tượng lừa đảo rất lớn, "thị trường" mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng đã thu hút nhiều người tham gia, trong đó có cả nhân viên ngân hàng và công ty tài chính, nơi quản lý nhiều kho dữ liệu cá nhân của khách hàng. Nhiều đối tượng đã lập các tài khoản trên mạng xã hội Facebook, Telegram, Zalo, công khai đăng tin mua bán tài khoản ngân hàng. Chỉ cần số tiền từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu, đối tượng lừa đảo có thể "mua đứt" một tài khoản với đầy đủ thông tin, mật khẩu đăng nhập, sim điện thoại đăng ký nhận mã OTP. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng còn cho thuê tài khoản với mức phí theo từng tháng hoặc 5-10% số tiền mỗi lần giao dịch.
Với sự vào cuộc quyết liệt, 2 năm trở lại đây, công an các địa phương đã bóc gỡ, triệt phá hàng loạt ổ nhóm mua bán thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng, góp phần ngăn chặn các vụ lừa đảo trên không gian mạng quy mô lớn. Điển hình là chuyên án của Phòng An ninh mạng Công an TP Đà Nẵng đấu tranh triệt phá thành công vụ án Bùi Trọng Tấn cùng đồng bọn mua bán trái phép hơn 1.000 tài khoản ngân hàng. Những tài khoản này được các đối tượng giao cho những người ở nước ngoài sử dụng vào mục đích đánh bạc hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác nhằm thu lợi bất chính.
Quá trình điều tra, sao kê những tài khoản ngân hàng được các đối tượng mua bán cho thấy lượng tiền giao dịch qua những tài khoản này là rất lớn, trung bình mỗi tài khoản như vậy có lượng tiền giao dịch lên đến hơn 100 tỷ đồng, có tài khoản giao dịch lên đến 300 tỷ đồng... Với vụ án này, Công an TP Đà Nẵng trở thành đơn vị đầu tiên trên cả nước khởi tố xử lý hành vi mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng, làm án điểm để nhiều đơn vị các tỉnh, thành khác liên tục khám phá xử lý thời gian qua.
Từ đầu năm đến nay, Công an TP Đà Nẵng tiếp tục điều tra, triệt phá nhiều ổ nhóm, đường dây tạo lập, mua bán thông tin tài khoản ngân hàng hoạt động chuyên nghiệp. Nổi bật trong số này là chuyên án triệt phá 2 ổ nhóm mua bán dữ liệu cá nhân, sim rác, tạo và mua bán hơn 30.000 tài khoản ngân hàng và ví điện tử tại khu chung cư The OriGarden (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) liên quan đến 11 đối tượng, do Nguyễn Văn Hiếu (sinh năm 1993) và Phan Văn Luân (sinh năm 1997, cùng trú tỉnh Thừa Thiên - Huế) cầm đầu vào tháng 6/2023.
Tháng 9/2023, Công an huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh đã phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh và công an các tỉnh Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh làm rõ đường dây thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng liên quan đến Tăng Văn Long (sinh năm 1983), Trương Thị Quỳnh Mai (sinh năm 1991, cùng trú TP Hồ Chí Minh) và Huỳnh Văn Tâm (sinh năm 1983, trú tỉnh Sóc Trăng).
Kết quả điều tra cho thấy các đối tượng đã thuê hàng trăm tài khoản của người khác tại nhiều ngân hàng, sau đó cho các đối tượng khác thuê lại với giá từ 1-6 triệu đồng/tháng. Nhiều tài khoản trong số này được sử dụng để nhận hàng tỷ đồng tiền lừa đảo của các nạn nhân hoặc nhận và chuyển tiền đánh bạc.
Công an quận Hải Châu bắt tạm giam đối tượng Hoàng Đức Nhu
Mới đây nhất, ngày 15/10, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An phá thành công chuyên án, bắt 8 đối tượng trong đường dây mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Phạm Ngọc Đạt (sinh năm 2002, tại thị trấn Anh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An cầm đầu). Quá trình điều tra, Cơ quan công an xác định trước đây Đạt đi xuất khẩu lao động tại Campuchia.
Thời gian làm việc tại đây, Đạt biết một số đối tượng là người Việt Nam hoặc nước ngoài tại Campuchia có nhu cầu mua lại thông tin tài khoản ngân hàng của người khác với giá cao để phục vụ các hoạt động phi pháp. Khi trở về Việt Nam, Phạm Ngọc Đạt đã lôi kéo thêm 7 thanh niên cùng quê tham gia hoạt động mua bán thông tin tài khoản ngân hàng.
Với lý do cần mua lại nhiều tài khoản ngân hàng nhằm chạy các chương trình quảng cáo, các đối tượng đã mua được nhiều tài khoản với giá mỗi tài khoản 1,5 triệu đồng và liên hệ, bán lại cho các đối tượng tại nước ngoài với giá 4 triệu đồng mỗi tài khoản. Các tài khoản sau khi được Đạt bán cho đối tượng ở Campuchia đều sử dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với lượng tiền giao dịch lên đến hàng trăm tỷ đồng...
Hàng loạt vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng thông qua việc mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng đã được công an nhiều địa phương phát hiện, xử lý trong thời gian gần đây. Từ các vụ lừa đảo qua mạng, Cơ quan công an đã làm rõ, bắt giữ hàng loạt đối tượng liên quan đến hành vi thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng. Tuy vậy, loại tội phạm này vẫn tiếp tục hoạt động ở nhiều nơi.
Những kẽ hở bị tội phạm lợi dụng
Trong số hàng vạn tài khoản ngân hàng được mua bán bị phát hiện, có rất nhiều tài khoản được tạo ra từ những thông tin cá nhân bị đánh cắp và nạn nhân không hề biết sự tồn tại của những tài khoản đứng tên họ. Theo Thượng tá Lê Cao Tâm, Trưởng phòng An ninh mạng Công an TP Đà Nẵng, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức để đánh cắp hoặc mua lại thông tin, hình ảnh CCCD, CMND, hộ khẩu mà người dân sử dụng để đăng ký sử dụng các dịch vụ online như mua hàng trả góp, xin việc, vay tiền qua app, xác nhận tài khoản mạng xã hội...
Tang vật liên quan đến hoạt động mua bán thông tin tài khoản ngân hàng bị cơ quan Công an thu giữ
Khi đăng ký các dịch vụ nói trên, cùng với việc cung cấp giấy tờ, thông tin cá nhân, khách hàng thường được yêu cầu chụp ảnh chân dung, gọi video qua các ứng dụng như một bước xác minh. Và, bằng nhiều cách, các thông tin, hình ảnh này đã được mua bán, sử dụng trái phép để mở tài khoản ngân hàng trực tuyến nhằm bán cho kẻ gian sử dụng vào các mục đích phạm tội, vi phạm pháp luật như lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc vay vốn của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính; chuyển nhận tiền đánh bạc, tổ chức đánh bạc; giả mạo, giả danh cán bộ công an, tòa án, viện kiểm sát, hải quan, thuế... gọi điện đe dọa yêu cầu chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra; hoặc làm quen qua mạng xã hội và hứa hẹn gửi quà, tiền, đánh vào lòng tham của một số người rồi yêu cầu họ chuyển tiền phí, lệ phí và tiền "bôi trơn" vào tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định để chiếm đoạt...
Kết quả điều tra nhiều vụ án cho thấy, các đối tượng tội phạm rất tinh vi. Chúng sử dụng những thông tin, hình ảnh thu thập được và một số biện pháp thủ công đơn giản nhưng "đánh lừa" được yêu cầu xác thực khuôn mặt trong ứng dụng mở tài khoản ngân hàng trực tuyến. Ở một số ngân hàng, việc "hậu kiểm" được thực hiện sau khi khách hàng mở tài khoản trực tuyến 10 ngày nhưng cũng không phát hiện hành vi gian lận hoặc trước khi bị phát hiện, các tài khoản này đã kịp sử dụng để phục vụ các hành vi phạm pháp.
"Việc các đối tượng dùng thông tin không chính chủ vẫn mở được các tài khoản ngân hàng là do có sai sót, hạn chế của ứng dụng cũng như việc quản lý ứng dụng của ngân hàng. Không ít trường hợp, hành vi mua bán thông tin tài khoản ngân hàng còn có sự tiếp tay của nhân viên ngân hàng" - một cán bộ an ninh khẳng định.
Trước đó, hồi tháng 6, qua công tác nắm tình hình, trinh sát kỹ thuật trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng Công an TP Đà Nẵng phát hiện nhiều nhóm đối tượng có hành vi đăng tải lên các trang mạng xã hội Facebook, Telegram, Zalo bài viết có nội dung liên quan đến việc nhận tra soát thông tin cá nhân của khách hàng tại nhiều hệ thống ngân hàng trên toàn quốc để thu phí nhằm thu lợi bất chính. Nhận định hoạt động này là phương thức thủ đoạn mới, vi phạm nghiêm trọng đến việc lộ lọt thông tin cá nhân của người dân, Phòng An ninh mạng đã báo cáo Giám đốc Công an thành phố xác lập chuyên án, tập trung áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ xác minh làm rõ đường dây mua bán, trao đổi trái phép thông tin tài khoản ngân hàng và đã triệu tập làm việc đối với Hoàng Đức Nhu (sinh năm 1993, thường trú tỉnh Lào Cai, tạm trú tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cùng một số cá nhân khác có liên quan.
Qua đấu tranh, Nhu khai nhận từ tháng 10/2022 có tham gia nhóm Facebook tên "Tài khoản ngân hàng A.T.M". Nhóm này có nhiều tài khoản Facebook đăng tải các bài viết có nội dung liên quan đến việc trao đổi, mua bán thông tin tài khoản ngân hàng của người khác để thu lợi. Vụ việc sau đó được chuyển đến Cơ quan CSĐT Công an quận Hải Châu, TP Đà Nẵng tiếp tục xử lý.
Tháng 9/2023, Cơ quan CSĐT Công an quận Hải Châu đã thực hiện lệnh bắt tạm giam Hoàng Đức Nhu về hành vi "Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng". Trung tá Phan Minh Viên, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Hải Châu cho biết, với sự giúp sức của nhân viên hàng chục ngân hàng, Nhu đã mở, mua bán trên 1.000 tài khoản để thu lợi bất chính số tiền lớn. Cơ quan Công an đang tiếp tục củng cố hồ sơ tài liệu để xử lý trách nhiệm của các nhân viên ngân hàng có hành động tiếp tay cho hành vi phạm tội của đối tượng này.
Thời gian qua, Cơ quan Công an tại nhiều địa phương liên tục khuyến cáo người dân về việc bảo mật giấy tờ tùy thân cũng như các thông tin cá nhân, không để kẻ gian lợi dụng để mở, mua bán thông tin tài khoản ngân hàng hoặc sử dụng vào các mục đích khác; đồng thời không bán tài khoản cho các đối tượng để thu lợi. Cơ quan Công an cũng đề nghị Bộ Thông tin - Truyền thông và các nhà mạng xử lý triệt để vấn đề sim "rác"; đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tại các tỉnh, thành phố hoàn thiện quy trình kiểm soát nội bộ, phối hợp chặt chẽ với công an các địa phương thực hiện các biện pháp để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả, kịp thời tội phạm liên quan đến hoạt động mua bán thông tin tài khoản ngân hàng trái phép..
Lừa sếp cũ chơi Rforex để chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng Chị Q từng là cấp trên của Thắng ở một cơ quan Nhà nước. Tháng 4/2020, Thắng giới thiệu với chị Q về sàn Rforex uy tín, bản thân Thắng có tham gia kinh doanh lợi nhuận cao. Sau đó, Thắng cho chị Q xem tài khoản của mình có số dư 52.025,68 USD khiến chị Q tin và nạp hơn 8,2 tỷ...