Triển khai chương trình GDPT mới, nhiều trường vùng cao ‘3 thiếu’
Các trường học vùng cao đang được ngành giáo dục địa phương quan tâm, chỉ đạo, huy động nguồn lực để đảm bảo đủ nguồn nước sinh hoạt cho học sinh.
Cứ đến thời điểm mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau) hàng năm là lúc tình trạng thiếu nước tại các trường vùng cao càng trở nên trầm trọng, vậy hiện các địa phương, các trường đã cải thiện vấn đề này thế nào để đảm bảo môi trường sinh hoạt, học tập cho các em học sinh?
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về tình hình nước sinh hoạt tại các trường học trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Đào – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn cho biết:
“Hiện, các trường, điểm trường trên toàn huyện Tràng Định đã cơ bản khắc phục được việc thiếu nước, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, tổ chức bữa ăn bán trú,… của trường. Do thương thầy cô, thương các con, phụ huynh một số đơn vị cũng khoan đục giếng, dẫn được đường nước tự động vào trường”.
Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Tài nguyên và môi trường)
Theo bà Đào, tính đến tháng 10/2022, trên địa bàn chỉ còn 3 trường chưa thể khắc phục được tình trạng thiếu nước. Các đơn vị thiếu nước do nguyên nhân khách quan như các trường nằm trên đỉnh đồi khiến đường dẫn nước xa, vị trí của trường không có nguồn nước ngầm dù đã có kinh phí xã hội hóa hỗ trợ khoan giếng.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục huyện Tràng Định cũng đã có những biện pháp để nhanh chóng giải quyết, bổ sung nguồn nước thiếu cho các trường như huy động nguồn ủng hộ từ các ban ngành, đoàn thể tại địa phương; huy động các trường tự tiết kiệm ngân sách; huy động công sức, kinh phí từ phía các phụ huynh học sinh.
Hơn nữa, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tràng Định cũng cùng các nhà trường chủ động thực hiện các giải pháp để từng bước giải quyết tình trạng thiếu nước, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nhất là tại các trường vùng khó trên địa bàn.
Bà Đào cũng thông tin thêm, mặc dù nước sinh hoạt đã cơ bản được đáp ứng, tuy nhiên, các trường trên địa bàn còn đang thiếu nhiều trang thiết bị dạy học, thiếu phòng học Tin học – Ngoại ngữ,…
Một số điểm trường còn khó triển khai các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học do mạng internet chưa ổn định. Bên cạnh đó, bàn ghế của một số trường cũng xuống cấp, dù huyện có dành kinh phí để mua bổ sung nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được hết cho tất cả trường.
Cũng trao đổi về vấn đề trên, ông Châu Ngọc Vĩnh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết:
“Hiện địa bàn huyện Nam Giang có tổng 26 trường học các cấp, hầu hết các trường đều đã có đủ nước sinh hoạt. Tuy nhiên, về việc đảm bảo nguồn nước sạch, chất lượng, chỉ có hơn 55% số trường của địa bàn có hệ thống lọc nước. Do Nam Giang còn là huyện nghèo, nên các hệ thống lọc này chủ yếu đến từ nguồn từ thiện của các mạnh thường quân ủng hộ cho trường.
Video đang HOT
Các trường còn lại thì nguồn nước chủ yếu được dẫn về từ khe suối, mức độ nước tùy thuộc vào thời tiết, nếu thời tiết khô hạn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc vệ sinh, ăn bán trú của trẻ,… Nguồn nước uống cũng do các thầy cô giáo tự chuẩn bị thêm bình lọc nhỏ, hoặc mang nước đi cho các con uống nên cũng khá vất vả”.
Theo ông Vĩnh, do 80% số người dân trên địa bàn là dân tộc thiểu số nên kinh tế của các gia đình cũng rất khó khăn, do vậy ông Vĩnh mong muốn rằng, ngành giáo dục nên quan tâm hơn đến việc tăng cường hệ thống lọc nước để mang đến nguồn nước sạch cho các em học sinh vùng cao được đảm bảo sức khỏe, phụ huynh yên tâm cho con tham gia học tập.
Cũng theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Giang, theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 thì dự kiến trong giai đoạn 2021-2025, các trường nội trú, bán trú của các vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được cải thiện hệ thống lọc nước để đảm bảo sinh hoạt.
Do đó, ông Vĩnh cũng hi vọng Đề án sớm được triển khai ở địa phương để các em học sinh yên tâm đến trường tham gia học tập mà không phải lo lắng các vấn đề khó khăn khác.
Mặc dù đã cơ bản đáp ứng được việc đủ nước sinh hoạt, tuy nhiên, để đảm bảo nguồn nước sạch vẫn là thách thức của nhiều đơn vị trường học. Theo thầy Đinh Anh Công, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Hướng Phùng, thuộc huyện Hướng Hóa, một huyện khó khăn về nước sinh hoạt của tỉnh Quảng Trị cho biết:
“Hiện Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Hướng Phùng vẫn đang sử dụng nước giếng khoan để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày cho các em học sinh.
Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn nước sạch, an toàn cho các em thì tôi mong ngành giáo dục có thể quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho những trường vùng khó như chúng tôi để mang đến môi trường học tập tốt nhất cho các em, bởi huyện Hướng Hóa là một địa phương khó khăn, nên việc đề xuất tăng cường thêm kinh phí cũng gặp nhiều hạn chế.”.
Bên cạnh đó, thầy Công cũng cho biết thêm, dù chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đã triển khai được hai năm nhưng trường vẫn chưa có thiết bị dạy học theo chương trình mới mà chỉ đang sử dụng các trang thiết bị dạy và học của chương trình cũ.
Đặc biệt là tình trạng thiếu máy tính, hiện một lớp học của trường có 40 học sinh/lớp, tuy nhiên chỉ có 20 máy. Do đó, thầy Công cũng mong rằng, bên cạnh bổ sung nguồn nước sạch, trường cũng cần nhanh chóng được bổ sung đầy đủ các trang thiết bị học tập để công tác giảng dạy của giáo viên được đảm bảo, giúp chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 được diễn ra thuận lợi hơn.
Trường vùng cao gỡ khó với Chương trình mới lớp 10
Việc triển khai Chương trình GDPT 2018 với lớp 10 có nhiều điểm mới và khó. Đây cũng là trở ngại với học sinh vùng cao huyện Mường Tè (Lai Châu).
Học sinh vùng cao Mường Tè gặp khó với Chương trình GDPT mới.
Học sinh gặp khó
Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở bậc THPT được xây dựng theo hướng phân hóa và gần với định hướng nghề nghiệp của học sinh. Năm học 2022 - 2023, Chương trình GDPT mới áp dụng đối với lớp 10 và cuốn chiếu cho những năm học tiếp theo với lớp 11, 12.
Theo đó, học sinh sẽ có 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
5 môn học lựa chọn từ ba nhóm môn học, mỗi nhóm chọn ít nhất một môn học. Cụ thể, nhóm môn Khoa học xã hội gồm: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Nhóm môn Khoa học tự nhiên, gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học. Nhóm môn Công nghệ và nghệ thuật gồm: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật.
Chương trình GDPT lớp 10 được đánh giá là mới cả về nội dung lẫn hình thức học. Việc học thế nào cho phù hợp với chương trình mới luôn là nỗi băn khoăn của không ít học sinh lớp 10 và phụ huynh.
Năm học này, trường THPT huyện Mường Tè có 13 lớp với 519 học sinh. Trong đó, có 231 học sinh lớp 10. Để chủ động bắt nhịp với chương trình GDPT mới, ngay từ khi chuẩn bị bước vào năm học, nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh và thông báo đến toàn thể học sinh, đăng ký nguyện vọng vào các lớp. Cùng với đó, toàn bộ giáo viên nhà trường đã được tập huấn về chương trình, SGK và phương pháp giảng dạy mới.
Tiết học của cô trò lớp 10A1, trường THPT huyện Mường Tè.
Sau hơn 2 tháng triển khai với phương pháp giảng dạy mới, nhiều học sinh nhà trường cho rằng lượng kiến thức của chương trình mới nặng và khó.
Em Vũ Hà Anh, học sinh lớp 10A1 chia sẻ: "Em cảm thấy khó khi học theo chương trình mới. Nhất là với việc học sinh tự tìm hiểu kiến thức ở nhà, lên lớp giáo viên chỉ cần chốt lại kiến thức trọng tâm. Nhiều kiến thức bọn em chưa được tìm hiểu nên rất khó khăn trong việc xác định đâu là trọng tâm của bài".
"Em thấy chương trình mới khó so với bản thân và các bạn ở đây vì lượng kiến thức mới tương đối nhiều. Trong khi đó, đa số học lực của các bạn trong lớp đều ở mức trung bình. Em cũng cảm thấy lo lắng cho việc thi đại học sau này khi mà mình phải đổi mới phương pháp tiếp cận kiến thức" - em Ngô Ngọc Diệp, học sinh lớp 10A1 nói.
Chia sẻ về vấn đề này, thầy Nguyễn Xuân Bính, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Qua khảo sát ý kiến của học sinh, đa số các em đều cho rằng lượng kiến thức khó so với trình độ của bản thân. Điều đó là do các em bị hổng kiến thức ở lớp dưới. Cùng với đó, học sinh vẫn có thói quen nắm bắt kiến thức theo phương pháp truyền thụ. Chính vì vậy, khi thay đổi phương pháp mới, các em phải chủ động nắm bắt kiến thức nên việc thay đổi đang gặp khó".
Theo thầy Bính, đối với chương trình cũ có phân ra đối tượng vùng miền, lựa chọn các kiến thức phù hợp để giảng dạy cho từng học sinh. Tuy nhiên, chương trình mới đang truyền tải lượng kiến thức lớn nên nhiều em chưa bắt nhịp được với
Tập trung gỡ khó
Trước những khó khăn gặp phải, trường THPT huyện Mường Tè đã tập trung các giải pháp gỡ khó. Theo thầy Nguyễn Xuân Bính, để đạt được hiệu quả, nhà trường vẫn kết hợp giữa 2 phương pháp giảng dạy cũ và mới. Kết hợp giữa việc học sinh tự tìm hiểu kiến thức với thầy cô giảng dạy để các em nắm được kiến thức trọng tâm của chương trình.
"Đối với đội ngũ, nhà trường tăng cường bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn nghiệp vụ. Khuyến khích phát huy năng lực tự nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, công tác. Bên cạnh đó, đa dạng các hình thức tập huấn, quan tâm đến giao lưu học tập kinh nghiệm, tổ chức hội thảo chuyên đề để truyền đạt ý tưởng, tạo động lực để giáo viên thổi hồn vào bài giảng một cách thiết thực và hiệu quả hơn" - thầy Bính cho biết.
Cũng theo thầy Bính, hiện nhà trường còn thiếu 8 giáo viên. Trong đó, nhà trường chỉ có 1 giáo viên thể dục dạy 13 lớp.
"Mỗi tuần giáo viên thể dục dạy thừa 9 tiết. Tuy nhiên, chúng tôi đã phân phối để giáo viên giảng dạy không quá 30 tiết mỗi tháng. Đồng thời, tham mưu bổ sung biên chế đối với những môn học còn thiếu. Đặc biệt là các môn học theo Chương trình GDPT mới" - thầy Bính nói.
Trường phổ thông DTNT huyện Mường Tè hiện có 85 học sinh lớp 10 và chia làm 2 lớp. Theo đó, lớp 10A1 lựa chọn tổ hợp Hóa, Lý, Tin, Sinh; lớp 10A2 chọn tổ hợp Giáo dục kinh tế và pháp luật, Địa, Công nghệ, Tin.
Học sinh trường phổ thông DTNT huyện Mường Tè tham gia hoạt động trải nghiệm.
Thầy Tống Minh Đức, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Bên cạnh việc cho các em chọn lớp theo sở trường, nguyện vọng, nhà trường đã chú trọng tổ chức hoạt động giáo dục lao động và hướng nghiệp cho học sinh. Thông qua hoạt động này, giáo viên sẽ giúp học sinh hình thành được những phẩm chất và năng lực, chuẩn bị tâm thế để bước vào cuộc sống sau này".
Theo thầy Đức, việc tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp sẽ giúp học sinh có hiểu biết, chọn đúng nghề nghiệp trong tương lai phù hợp với năng lực của bản thân và nhu cầu của xã hội.
Bên cạnh các hoạt động học tập, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí... Mục đích nhằm giúp học sinh sảng khoái tinh thần, minh mẫn học tập, mở mang trí tuệ, phát triển thể chất, giáo dục thẩm mĩ, phát triển nhân cách.
Trao đổi về phương pháp học hiệu quả cùng chương trình mới, cô Nguyễn Thị Hiền, giáo viên Toán của trường phổ thông DTNT huyện Mường Tè chia sẻ: "Chương trình GDPT mới theo hướng khuyến khích học sinh tự học, tự trải nghiệm. Những phần mở rộng, gắn với thực tiễn để học sinh tự tìm hiểu. Thông qua cách học mới, học sinh sẽ ứng dụng những kiến đã tìm hiểu vào thực tiễn nên sẽ giúp các em cuốn hút vào bài học".
"Thời gian tới, nhà trường tăng cường tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh hiểu rõ nội dung Chương trình, SGK mới và việc lựa chọn tổ hợp môn phù hợp với năng lực, thực tế của trường. Nhà trường rất mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp quản lý giáo dục, sự đồng hành của phụ huynh thực hiện Chương trình một cách hiệu quả, tích cực" - thầy Tống Minh Đức chia sẻ.
Những người 'gánh chữ' lên non vùng biên ải Để giúp các em đọc thông, viết thạo và biết làm phép tính, thầy giáo cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã biên giới Tam Hợp, huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An) 'gánh chữ' lên non đến học trò vùng biên ải. Giờ thể dục giữa giờ của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc...