Trẻ ùn ùn nhập viện vì nắng nóng
Nắng nóng kéo dài tại các tỉnh phía Nam khiến nhiều loại bệnh diễn biến phức tạp, lượng trẻ đến khám và điều trị tại 2 bệnh viện nhi luôn ở mức cao. Để tránh nhiễm bệnh trẻ cần chế độ chăm sóc, ăn uống hợp lý từ các bậc phụ huynh.
Khu vực khám bệnh luôn trong tình trạng đông nghẹt
Theo thống kê của bệnh viện Nhi Đồng 1, mỗi ngày bệnh viện đang phải căng mình tiếp nhận khoảng 5.000 – 6.500 bệnh nhi đến khám. Số bệnh nhi nhập viện điều trị nội trú lên tới 1.300 – 1.400 trẻ. Tiêu hóa và hô hấp là hai loại bệnh “bùng phát” trong thời gian gần đây. Tính đến ngày 19/4, khoa hô hấp của bệnh viện đang điều trị cho hơn 140 trẻ, mỗi ngày vẫn tiếp nhận thêm 20 ca mắc mới chủ yếu là bệnh viêm phế quản, viêm phổi. Trong khi đó, khoa Tiêu hóa có gần 140 trẻ điều trị, trong đó số mắc bệnh tiêu chảy là 60 ca.
Nhìn đứa con gái hơn 2 tuổi thở co kéo một cách khó nhọc trên giường bệnh tại khoa Hô hấp bệnh viện Nhi Đồng 1, chị Nguyễn Thị Mai (ngụ tại quận 7, TPHCM) cho biết: “Thời tiết nắng nóng nên ngày cũng như đêm, tôi luôn mở quạt để giảm nhiệt cho con. Cách đây 3 ngày bé ngủ dậy liên tục quấy khóc, người nóng hầm hập, thở co kéo sau một ngày uống thuốc nhưng tình trạng của bé ngày càng nặng hơn nên tôi đưa con vào đây điều trị. Qua các kết quả kiểm tra, bác sĩ cho biết con tôi bị viêm phế quản”. Nhiều trường hợp khác tại khoa cũng mắc bệnh về đường hô hấp do uống nhiều nước đá hoặc nằm máy lạnh quá lâu.
Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra tại bệnh viện Nhi Đồng 2. Thống kê của phòng Kế hoạch Tổng hợp cho thấy trong tháng 3 bệnh viện đã tiếp nhận gần 60.000 ca hô hấp, gần 5.900 ca rối loạn tiêu hóa và hơn 4.400 ca tiêu chảy. Đây là những loại bệnh liên quan đến thời tiết nắng nóng. Tính riêng hai tuần đầu của tháng 4, có hơn 14.000 ca khám bệnh về hô hấp trong đó có 830 trẻ phải nhập viện điều trị. Bệnh viện cũng tiếp nhận và khám cho hơn 2.600 ca đến khám các bệnh tiêu hóa, trong đó có 382 trường hợp phải nhập viện điều trị.
Anh Lê Việt Hùng, ngụ tại quận Thủ Đức chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi đi làm nên nhờ bà nội đưa đón và chăm sóc bé Quân (5 tuổi) sau giờ học. Buổi chiều đi học về do đói bụng nên thằng bé đã ăn thức ăn còn thừa từ sáng để trên bàn bếp. Tối đến thấy con kêu đau bụng “miệng nôn trôn tháo” nên vợ chồng tôi tức tốc mang cháu đến bệnh viện, thằng bé bị mất nước nhiều xuống sức trông thấy”.
Video đang HOT
BS Nguyễn Thanh Hùng, Phó giám đốc bệnh viện, cảnh báo: “Thời tiết nắng nóng làm thức ăn dễ bị ôi thiu nếu trẻ ăn phải sẽ dẫn đến ngộ độc thực phẩm hoặc các chứng bệnh về đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, việc nằm máy lạnh hoặc nằm quạt liên tục sẽ khiến trẻ mắc phải các chứng bệnh về hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản”.
“Phòng bệnh vừa đông vừa nóng chúng tôi đưa con ra đây cho mát”
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, thời tiết nắng nóng sẽ còn tiếp diễn tại các tỉnh Đông Nam Bộ và TPHCM, nhiệt độ cao nhất trong ngày có thể đạt đến 35o-36oC. Cột áp thấp nóng phía Tây đang phát triển nên thời tiết nắng nóng vẫn sẽ duy trì trong những ngày tới.
Trước tình hình trên, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh vào những ngày nắng nóng, không nên cho trẻ nằm quạt hay phòng máy lạnh quá lâu. Nếu phải đưa trẻ đi ngoài trời nắng, cha mẹ cần đội mũ, trùm khăn và mặc áo cẩn thận cho các cháu. Không cho trẻ ăn thức ăn để đã lâu vì thời tiết nóng rất dễ khiến thức ăn bị ôi thiu. Hạn chế tối đa việc cho trẻ uống nước đá vì các cháu rất dễ bị viêm họng, luôn giữ vệ sinh cho trẻ, giúp các cháu tránh các bệnh ngoài da và bệnh tay chân miệng…
Bệnh tay chân miệng đang giảm Theo báo cáo của Viện Pasteur TPHCM, tuần thứ 15 của năm 2012 (từ 9 – 15/4), số bệnh nhân tay chân miệng trong tuần toàn khu vực phía Nam giảm 5,4% so với tuần trước, không có thêm trường hợp tử vong. Tổng số mắc tích lũy tính đến tuần 15/2012 là 12.199 ca, trong đó có 15 ca tử vong. Tính từ đầu năm tổng số ca mắc tay chân miệng tăng 368% so với cùng kỳ 2011 (2.606 ca).
Vân Sơn
Theo Dân trí
Quảng Trị: Bệnh tay chân miệng tăng đột biến
Tại tỉnh Quảng Trị, trong 3 tháng đầu năm đã có 246 ca tay chân miệng, trong khi đó, cả năm 2001 chỉ có 164 ca.
Các thầy cô giáo hướng dẫn vệ sinh tay cho các em.
Tại tỉnh Quảng Trị, tính đến ngày 6/4/2012 đã có 246 ca mắc tay chân miệng, ghi nhận ở 60 xã, phường, thị trấn của 9/9 huyện, thị xã, thành phố. Trong khi đó, cả năm 2011 toàn tỉnh Quảng Trị có 165 ca mắc bệnh tay chân miệng.
Trước tình hình trên, sáng 11/4, Sở Y tế Quảng Trị đã tổ chức phát động hưởng ứng "Chiến dịch quốc gia phòng, chống bệnh tay chân miệng" với hơn 1.000 sinh viên, học sinh Trường Trung cấp Y tế Quảng Trị, Tiểu học Hùng Vương (TP Đông Hà) tham dự.
Tại buổi lễ, Ban chỉ đạo chiến dịch phòng chống bệnh CTM đã đưa ra những phương hướng thiết thực để phòng chống như:
- Tăng cường công tác phối hợp giữa ngành y tế và giáo dục đảm bảo thực hiện các chiến dịch ra quân vệ sinh môi trường lớp học,
- Thực hiện phương châm 3 sạch "ăn sạch, uống sạch, đồ chơi sạch"
- Tăng cường công tác giáo dục và hướng dẫn cho phụ huynh, học sinh cách phòng chống bệnh
- Tăng cường tập huấn cho giáo viên về công tác vệ sinh và giám sát bệnh tại trường học
- Tăng cường công tác tuyên truyền tới cộng đồng
- Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc, hóa chất, trang thiết bị, phương tiện sẵn sàng phòng, chống dịch
- Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch phát hiện sớm ca bệnh CTM để sớm xử lý dịch thu dung, cách ly và điều trị bệnh nhân kịp thời hạn chế đến mức thấp nhất số trường hợp tử vong...
Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo cùng thầy cô giáo đã hướng dẫn cho các em rửa tay đúng cách sát khuẩn bằng xà phòng và phát tờ rơi tuyên truyền về bệnh CTM. Đồng thời, tổ chức mít-tinh diễu hành qua các ngả đường của TP. Đông Hà. Sau lễ phát động, tại các trường trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng bắt đầu hưởng ứng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn học sinh rửa tay, vệ sinh cá nhân...
Nguyễn Hương
Theo Dân trí
16 ca tử vong và một hội nghị nặng tính phong trào Hội nghị gần như mang tầm quốc gia, do bộ trưởng cùng hai thứ trưởng bộ Y tế chủ trì, được kỳ vọng sẽ gợi mở nhiều vấn đề giữa lúc bệnh TCM vẫn diễn biến phức tạp và khó lường. Nhưng rốt cuộc hội nghị gây thất vọng cho không ít người tham dự. Chỉ mới bước qua 3 tháng đầu năm...