Trẻ mầm non làm quen tiếng Anh: Vẫn “khan” nhân lực
Phát triển đa ngôn ngữ từ sớm được chuyên gia giáo dục khẳng định cần thiết và đóng vai trò quan trọng cho quá trình phát triển chung của trẻ.
Làm quen tiếng Anh sớm giúp trẻ tăng cường khả năng giao tiếp. Ảnh: NTCC
Tại Lào Cai, ngành Giáo dục đã quan tâm và đáp ứng nhu cầu của nhiều bố mẹ mong muốn cho trẻ mầm non (MN) làm quen với tiếng Anh. Tuy nhiên, việc triển khai còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
Nhu cầu từ thực tế
Ông Đỗ Văn Tân – Trưởng phòng GD&ĐT Sa Pa cho biết: Nhu cầu cho trẻ MN làm quen tiếng Anh từ phụ huynh khá nhiều bởi các em sống và học tập gắn liền với môi trường phát triển du lịch.
Đáp ứng nguyện vọng trên, ngành Giáo dục Sa Pa đã có 17/21 trường MN triển khai hoạt động này. Các trường MN ở trung tâm thị xã Sa Pa triển khai sâu, rộng hơn so với các trường vùng khó.
Tại huyện Bắc Hà – Lào Cai, nơi du lịch đang phát triển mới chỉ có 4/20 trường MN tổ chức cho trẻ MN làm quen tiếng Anh với người nước ngoài, đạt tổng số 13 lớp/444 trẻ.
Theo ông Bùi Văn Tiến – Trưởng phòng GD&ĐT Bắc Hà, cho trẻ MN làm quen với tiếng Anh hoàn toàn dựa trên cơ sở nhu cầu và nguyện vọng của phụ huynh. Các trường triển khai đa số ở vùng thuận lợi, HS có nhu cầu phát triển và giao tiếp bằng tiếng Anh cao hơn. Còn với trường vùng khó, chưa có điều kiện tổ chức, tỷ lệ trẻ theo học các lớp làm quen tiếng Anh không đồng đều giữa các độ tuổi, các trường. Không có trường nào đạt tỷ lệ 100% trẻ từ 3 – 5 tuổi đăng ký.
Tại thành phố Lào Cai, tỷ lệ các trường MN triển khai cho trẻ làm quen với tiếng Anh cao hơn hẳn với 29/31 trường (cả công lập và tư thục). Tỷ lệ trẻ làm quen tiếng Anh đạt 5.662/8.800 (64,3%). Số trẻ làm quen tiếng Anh chủ yếu ở lớp 5 tuổi, với tỷ lệ 50 – 60% ở mỗi trường.
Video đang HOT
Cô Nguyễn Thị Hiền – Hiệu trưởng Trường Mầm non Linh An (thành phố Lào Cai) cho hay: Từ nhu cầu của phụ huynh, nhà trường đã triển khai lớp cho trẻ làm quen tiếng Anh. Với trẻ 5 tuổi đạt 70%; trẻ 3, 4 tuổi đạt 50 – 60%. Nhu cầu cho trẻ làm quen tiếng Anh từ sớm của phụ huynh tăng hàng năm, trẻ MN được làm quen với tiếng Anh sớm cũng có kiến thức nền tảng, kỹ năng giao tiếp tốt hơn khi bước vào bậc học tiếp theo.
Chị Hà Hồng Gấm có con 5 tuổi học Trường MN Hoa Đào (thị xã Sa Pa) bày tỏ: Sau quá trình làm quen với tiếng Anh, con đã mạnh dạn hơn. Gặp khách du lịch, con có thể nói được những câu cơ bản như: Chào hỏi, giới thiệu tên tuổi, hỏi thăm sức khỏe, nơi tới… Gia đình rất vui và thấy quyết định cho con làm quen tiếng Anh từ mẫu giáo là đúng đắn và cần thiết.
Cho trẻ làm quen tiếng Anh qua trò chơi tại Trường Mầm non Linh An (thành phố Lào Cai). Ảnh: NTCC
Gỡ khó nguồn nhân lực
Mới đây, Sở GD&ĐT Lào Cai có hướng dẫn thực hiện Chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo trong các cơ sở giáo dục MN tại Lào Cai. Theo đó, phải bảo đảm các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất tối thiểu, sĩ số trẻ theo độ tuổi/lớp (lớp mẫu giáo 3 – 4 tuổi: 25 em; mẫu giáo 4 – 5 tuổi: 30 em; mẫu giáo 5 – 6 tuổi: 35 em)
Cùng đó, các cơ sở giáo dục MN cũng phải bảo đảm nguyên tắc và phân bổ thời lượng đủ 35 tuần/năm, tối thiểu 2 hoạt động làm quen tiếng Anh/tuần, mỗi hoạt động từ 25 – 30 phút. Giáo viên (GV) sẽ phải cập nhật, bổ sung văn bằng, chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao, mở rộng chuyên môn nghiệp vụ vào hồ sơ lưu trữ…
Đây là những điều kiện được các cấp quản lý đánh giá hợp lý. Tuy nhiên, khó khăn hơn cả là thiếu GV tiếng Anh.
Ông Đỗ Văn Tân chia sẻ: Tỷ lệ HS đăng ký làm quen tiếng Anh tăng hàng năm, song ngành Giáo dục chưa thể đáp ứng 100%. Tới nay, nhiều trường vùng sâu, khó khăn của Sa Pa vẫn chưa thể triển khai. Nguyên nhân chính do thiếu GV giảng dạy. Mặt khác, GV tiếng Anh cho bậc MN cũng chưa có biên chế nên không thể tuyển dụng.
Ngoài ra, ông Tân cũng lo lắng khi chương trình tiếng Anh giảng dạy tại các cơ sở giáo dục MN chủ yếu do các trường xây dựng, chưa được đánh giá, góp ý kiến trên diện rộng. Để bảo đảm khung chương trình, sự phù hợp với trẻ theo vùng, miền, lứa tuổi, tâm lý… cần có hội thảo lớn hơn trong ngành để đánh giá, thống nhất, chia sẻ kinh nghiệm.
Bà Nguyễn Thị Huệ – Phó Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Lào Cai nêu quan điểm: Để thực hiện cho trẻ làm quen với tiếng Anh tại thành phố Lào Cai nghiêm túc, đạt hiệu quả, vào đầu năm học phòng GD&ĐT đã thành lập tổ cốt cán tiếng Anh để tổ chức dạy thử. Nếu GV nào đáp ứng điều kiện, chất lượng, trình độ, năng lực phù hợp, các trường có thể lựa chọn để hợp đồng giảng dạy tại trường. Mặt khác, cuối năm nhà trường tổ chức khảo sát để đánh giá chất lượng trẻ sau quá trình làm quen tiếng Anh.
Làm quen tiếng Anh cho trẻ mầm non: Lo học phí cao, chất lượng thấp
Nhiều người cho rằng, Thông tư 50 của Bộ GD&ĐT (ban hành chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mầm non, có hiệu lực từ 31/3) đáp ứng nhu cầu của phụ huynh muốn cho con tiếp cận ngoại ngữ sớm.
Tuy nhiên, các trường mầm non hiện không có vị trí việc làm cho giáo viên tiếng Anh, muốn dạy học đều phải liên kết với các trung tâm, nên lo ngại vấn đề học phí cao, chất lượng thấp.
Theo Thông tư 50, các trường có thể dạy tiếng Anh cho trẻ bé nhất từ 3-4 tuổi
Chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và khả năng của trẻ đối với việc làm quen với tiếng Anh tại các cơ sở giáo dục mầm non có đủ điều kiện. Chương trình giúp trẻ được trải nghiệm, hứng thú với tiếng Anh, chuẩn bị cho việc học tiếng Anh ở bậc tiểu học.Theo Thông tư 50, các trường có thể dạy tiếng Anh cho trẻ bé nhất từ 3-4 tuổi.
Ở phần hướng dẫn thực hiện, Thông tư không bắt buộc tất cả các trường mầm non phải dạy học tiếng Anh mà còn tùy điều kiện từng trường, nhu cầu (gia đình trẻ mong muốn, tự nguyện cho con học) và khả năng của trẻ để dạy học. Bộ chỉ quy định, việc cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh đạt 35 tuần/năm, tối thiểu 2 hoạt động làm quen với tiếng Anh/tuần, mỗi hoạt động khoảng từ 25 đến 35 phút. Trong đó, chú trọng phát triển năng lực giao tiếp thông qua kĩ năng nghe và nói. Theo dõi và kịp thời hỗ trợ trẻ giao tiếp, tương tác bằng tiếng Anh.
Khó đánh giá chất lượng?
Chị Đặng Thị Thu Hương (có con học lớp 1) nói rằng, chị từng cho con theo học tiếng Anh ở trường mầm non 3 năm nhưng không hiệu quả. Đầu tiên, con học ở một trường tư, nhà trường liên kết với một trung tâm dạy tiếng Anh ở ngoài thu phí 420.000 đồng/tháng, trong đó 1 buổi giáo viên nước ngoài, 1 buổi giáo viên Việt Nam đứng lớp. Sau hơn 1 năm, chị chuyển con về học trường bán công lập; trường này liên kết với một trung tâm khác dạy liên kết thu phí hơn 600.000 đồng/tháng.
Trung tâm cử giáo viên nước ngoài dạy 2 buổi/tuần, mỗi giờ 40 phút, nhưng trung tâm không cho phép trẻ mang giáo trình về nhà. Khi phụ huynh thắc mắc và bày tỏ mong muốn được dự giờ không báo trước, đại diện trung tâm không đồng ý.
Chị Hương nói rằng, sau 3 năm làm quen với tiếng Anh, con chị chủ yếu đọc được một số từ, không nói được câu nào. "Ngán ngẩm với cách dạy học tiếng Anh ở trường mầm non, nhưng chị sợ phiền đến giáo viên đứng lớp nên đành nộp tiền cho con học và đăng ký học thêm trung tâm ở ngoài", chị nói.
Nhiều phụ huynh cho trẻ học tiếng Anh từ 3-4 tuổi. Do đó, Thông tư 50 nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Tuy nhiên, các trường mầm non vùng khó khăn không dễ triển khai dạy tiếng Anh vì thiếu giáo viên ngoại ngữ. Nhiều phụ huynh băn khoăn, khi liên kết với các trung tâm, ngoài mức phí cao, việc kiểm soát chất lượng cũng sẽ khó đảm bảo.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay ở Hà Nội, dạy học tiếng Anh trong trường mầm non đều phải thực hiện liên kết với một trung tâm ngoại ngữ. Bà Vũ Nguyệt Ánh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thực hành Linh Đàm (Hà Nội), cho biết, sau nhiều năm triển khai liên kết dạy học tiếng Anh cho trẻ, đến nay, các lớp nhà trẻ không học, các lớp thực hiện chương trình Montessori học 100% và các lớp khác học theo tinh thần tự nguyện.
"Khi dạy liên kết, nhà trường đánh giá giáo trình, dự giờ và đánh giá cả chất lượng để đảm bảo. Tuy nhiên, khi đăng ký học tự nguyện, không phải tất cả phụ huynh đều đăng ký", bà Ánh nói. Một số trường mầm non khác như Trường Mầm non Nhân Chính (quận Thanh Xuân), Trường Mầm non B Thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì), các trường mầm non chất lượng cao Hà Nội... đều đã dạy tiếng Anh cho trẻ.
Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non - Bộ GD&ĐT, cho biết, hiện có khoảng 30% số trẻ trên toàn quốc được làm quen tiếng Anh. Thông tư 50 sẽ là hành lang pháp lý cho các cơ sở có điều kiện tổ chức việc dạy và học ngoại ngữ hiệu quả, chất lượng.
Bà Hoàng Thị Thanh Hương, Trưởng Phòng Giáo dục mầm non - Sở GD&ĐT Hà Nội, nói: "Vấn đề nằm ở chỗ, các trường mầm non hiện nay không có tiêu chuẩn, vị trí việc làm cho giáo viên ngoại ngữ. Do đó, muốn thực hiện cho trẻ làm quen ngoại ngữ, các trường đều phải dạy liên kết". Theo bà Hương, trước đây, khi chưa có Thông tư 50, một số trường có dạy tiếng Anh nhưng không có quy định cụ thể về mục tiêu.
Ví dụ, sau khi hoàn thành chương trình học, trẻ 3-4 tuổi phải đạt kỹ năng nghe, nói nào; trẻ 4-5 tuổi phải nghe nói một số từ, cụm từ và câu quen thuộc; nghe hiểu và thực hiện được một số yêu cầu ngắn; nghe hiểu được nội dung truyện tranh rất đơn giản, phù hợp lứa tuổi...
Nay Bộ GD&ĐT đã quy định khung để các cơ sở giáo dục bám vào thực hiện. Bất kỳ trường nào, trung tâm nào thực hiện dạy học, cuối kỳ, cuối năm phải có khảo sát, đánh giá để xem trẻ đạt được những gì. "Những trẻ học tiếng Anh sẽ được đưa đến phòng riêng để học, với những trẻ không học, trường phải bố trí giáo viên trông. Như vậy, sẽ không có chuyện ép phụ huynh cho con học, ở đâu có chuyện này sẽ bị xử lý", bà nói.
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, ông Vũ Thế Hưng, cho rằng, việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh từ sớm sẽ rất tốt, thuận lợi hơn khi trẻ lên tiểu học. Tuy nhiên, hiện nay giáo viên mầm non, tiểu học, THCS còn thiếu, bậc mầm non không có định biên, nên không huy động được đội ngũ cho các cơ sở mầm non.
Tại Hà Nội, để dạy tiếng Anh bắt buộc chương trình giáo dục phổ thông mới từ lớp 3 (4 tiết/tuần), cần tới 1.500 giáo viên, trong khi thực tế mới chỉ có khoảng 800 giáo viên. Để đáp ứng chương trình mới bắt buộc từ tiểu học, Hà Nội phải tuyển dụng thêm và ưu tiên bậc học này.
Tuyên Quang: Đẩy mạnh trải nghiệm, ngoại khóa trong giáo dục mầm non Vừa qua, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Phòng GD&ĐT thành phố Tuyên Quang tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng trải nghiệm, ngoại khóa cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán toàn tỉnh cấp học mầm non. Hoạt động ngoại khóa "Ngày hội tiếng Anh" của trẻ 3 - 6 tuổi, Trường mầm non Nông Tiến, TP Tuyên Quang....