Tranh luận nóng về chương trình giáo dục sau 2015
Học sinh lớp 11, 12 có cần phải học toán? Giáo dục công dân nên là môn bắt buộc hay môn tự chọn? Có cần thiết phải biến lớp 10 thành “dự hướng”, có khối lượng kiến thức nặng nề nhất trong 12 năm học của học sinh với 15 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc?…
Có hàng loạt những vấn đề được các chuyên gia đặt ra xoay quanh dự kiến hệ thống môn học, hoạt động giáo dục sau năm 2015. Dự kiến chương trình giáo dục mới này vừa được ban soạn thảo đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa công bố tại Hội thảo Hệ thống môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015. Hội thảo diễn ra trong hai ngày 26 và 27/10, tại Hà Nội.
Lơ lửng… lớp 10
Theo dự kiến, lớp 10 sẽ được coi là lớp “dự hướng”, là giai đoạn chuyển giao giữa dạy kiến thức cơ bản ở bậc trung học cơ sở và dạy phân hoá hướng nghiệp ở trung học phổ thông, nói như giáo sư Trần Kiều, đây là lớp “lơ lửng” trong hệ thống giáo dục mới.
Giờ học của cô trò trường Trung học phổ thông Marie Curie, Hà Nội.
Theo đó, thay vì tích hợp các môn học vào hai môn khoa học xã hội và khoa học tự nhiên như bậc trung học phổ thông, lớp 10 sẽ tách ra thành 11 môn như hiện nay (gồm văn, toán, lý, hóa, sinh, sử, địa…) và 4 hoạt động giáo dục bắt buộc. Kèm theo đó là hai chuyên đề giáo dục tự chọn. Ban soạn thảo đề án lý giải việc tách ra này nhằm giúp học sinh có cái nhìn cụ thể về từng lĩnh vực, làm cơ sở cho các em có sự lựa chọn nghề nghiệp và hướng phân hóa khi lên lớp 11 và 12.
Với vai trò đặc biệt trong hệ thống giáo dục mới, việc nên dạy thế nào ở lớp 10 đã lập tức thu hút sự chú ý thảo luận đặc biệt của các nhà giáo dục. Đại đa số ý kiến cho rằng cách bố trí này chưa hợp lý.
“Lớp 10 không có lý do gì để tách ra quá nhiều môn, là lớp nặng nhất. Chẳng lẽ các thầy cô dạy tích hợp lại không chỉ cho học sinh thấy được thế nào là toán, đâu là lý, hóa?” ông Nguyễn Hà Thanh, Khoa Toán, trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đặt câu hỏi.
Đây cũng là quan điểm nhóm các nhà giáo khối môn lý, hóa, sinh do giáo sư Mai Sỹ Tuấn, Đại học Sư phạm Hà Nội đại diện trình bày. Ông Tuấn cho rằng nên kết thúc chương trình kiến thức cơ bản ngay ở bậc trung học cơ sở. Lớp 10 không nên coi là dự hướng mà nên thực hiện phân hóa ngay như lớp 11 và 12.
Cùng ý kiến này, phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện nhóm các giáo viên ngữ văn và ngoại ngữ, cho biết: “Quan điểm của nhóm là không nên coi lớp 10 như lớp bản lề. Lớp 10 phải phân hóa ngay, tuy có thể chưa phân hóa sâu.”
Một số nhà giáo thống nhất quan điểm của ban soạn thảo ở điểm có thể lớp 10 sẽ thực hiện nhiệm vụ “dự hướng” nhưng cũng cho rằng việc để 15 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc ở lớp 10 là quá nặng nề.
“Các môn học được tích hợp suốt 9 năm, sau đó xuất hiện ở lớp 10, rồi lại tích hợp ở lớp 11. Cần phải nghiên cứu kỹ nên để lớp 10 học gì, học như thế nào để thực hiện đúng mục tiêu,” giáo sư Trần Kiều nói.
Video đang HOT
“Số lượng môn ở lớp 10 là quá nặng. Có thể giảm bớt bằng cách tích hợp một số môn,” giáo sư Đỗ Đức Thái, trường Đại học Sư phạm Hà Nội kiến nghị.
Nên học bắt buộc môn nào?
Một nội dung cũng thu hút sự quan tâm của khá nhiều chuyên gia giáo dục là việc Ban soạn thảo chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015 đưa môn đạo đức, giáo dục công dân là môn bắt buộc từ lớp 3 nhưng lại chuyển thành môn tự chọn ở bậc trung học phổ thông.
Các ý kiến đều đồng nhất việc cho rằng đưa môn đạo đức thành môn riêng từ lớp 3 là khiên cưỡng và việc chuyển môn này thành tự chọn ở trung học phổ thông là không hợp lý.
Giờ học của học sinh lớp 10 trường Trung học phổ thông Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội. Theo dự kiến, lớp 10 sẽ có tới 15 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc.
Theo phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn, việc dạy đạo đức từ lớp 3 là chưa phù hợp. Tách môn này ra riêng biệt cùng với tên môn là môn đạo đức khiến người học cảm thấy nặng nề.
Cùng quan điểm này, giáo sư Nguyễn Thị Mỹ Lộc, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng nhận định việc đưa môn đạo đức vào dạy riêng từ lớp 3 là không nên và không phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi. “Có thể tích hợp vào các môn học khác, như thế việc dạy đạo đức sẽ mềm mại hơn,” bà Lộc đề xuất.
Không tán thành việc tách nội dụng này thành môn riêng từ quá sớm nhưng các nhà giáo dục cũng khẳng định giáo dục đạo đức, giáo dục công dân là môn học không thể thiếu trong quá trình đào tạo để hình thành nên năng lực, phẩm chất người học. Và vì thế, đây phải là môn bắt buộc trong suốt quá trình học.
“Giáo dục công dân phải là môn bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Chuyển sang môn tự chọn ở bậc trung học phổ thông là không phù hợp,” ông Nguyễn Đức Minh, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nêu quan điểm. Nên đưa giáo dục công dân vào môn bắt buộc cũng là quan điểm của nhóm nhà giáo các môn ngữ văn, ngoại ngữ.
Bên cạnh môn giáo dục công dân, một số ý kiến cũng cho rằng nên đưa môn lịch sử, môn giáo dục quốc phòng an ninh vào chương trình trung học phổ thông như một môn tự chọn. Theo lý luận của các nhà giáo dục này, đây là các môn học có ý nghĩa trực tiếp trong việc hình thành nhân cách con người.
Trước các ý kiến này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho rằng luận cứ của các nhà giáo dục đưa ra là hợp lý khi cho rằng giáo dục công dân, lịch sử, giáo dục quốc phòng an ninh là cần thiết. Tuy nhiên, theo ông Hiển, nếu giữ các môn học này như trước đây, cả về tên gọi và nội dung, thì việc đưa vào chương trình bắt buộc là không hợp lý.
“Nên chăng có môn nào đó tích hợp dạy các giá trị của con người Việt Nam. Có thể ví dụ một cái tên hơi hoa mỹ như tự hào công dân Việt Nam, ở đó có thể ghép được lịch sử, giáo dục công dân, quốc phòng an ninh… Đó cũng là một hướng để suy nghĩ thêm,” Thứ trưởng Hiển đề xuất.
Toán học 10 năm là đủ
Trong khi nhiều ý kiến đề xuất bổ sung giáo dục công dân, lịch sử là môn học bắt buộc ở lớp 11, 12, phó giáo sư, tiến sỹ Vũ Trọng Rỹ, nguyên nghiên cứu viên cao cấp, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam lại kiến nghị bỏ bớt môn toán.
Theo dự kiến chương trình mới, lớp 11 và 12 có mục tiêu chính là định hướng nghề nghiệp cho học sinh, giúp các em khám phá ra tiềm năng của bản thân để có lựa chọn nghề phù hợp. Chương trình học vì thế sẽ rút số môn học từ 13 môn như hiện nay xuống chỉ còn 3 môn bắt buộc và các chuyên đề tự chọn. Ba môn bắt buộc gồm toán, văn và ngoại ngữ.
Phó giáo sư Vũ Trọng Rỹ cho rằng, với mục tiêu đó của đề án, giáo dục trung học phổ thông là để chuẩn bị cho học sinh đi làm hoặc đi học cao đẳng, đại học, bản chất là dự bị đại học. Vì thế, chỉ nên học cái gì cần thiết.
“Môn văn, ngoại ngữ là bắt buộc vì nghề gì cũng cần nhưng toán thì không. Có thể nêu hàng loạt nghề không hề liên quan đến toán. Học toán là để rèn luyện tư duy logic và 10 năm học toán là đủ. Lớp 11, 12 chỉ cần học bắt buộc văn, ngoại ngữ,” phó giáo sư Vũ Trọng Rỹ nói.
Bên cạnh các vấn đề trên, các đại biểu cũng thảo luận sôi nổi về nhiều nội dung khác, từ khái niệm môn học chưa thật sự hợp lý đến việc phân bố giai đoạn đào tạo ở bậc tiểu học, cách gọi tên các môn học, các môn học nên ưu tiên để phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội và hội nhập quốc tế…
Đại diện cho ban soạn thảo, giáo sư Đỗ Ngọc Thống cho biết ban soạn thảo trân trọng, ghi nhận mọi ý kiến đóng góp và sẽ xem xét các đề xuất. Tuy nhiên, ông Thống cũng cho rằng không thể tìm được sự thống nhất tuyệt đối mà chỉ có thể tìm được phương pháp tối ưu.
Theo VNE
Phát triển tiềm năng mỗi cá nhân
Theo đại diện ban soạn thảo đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo" của Bộ GD-ĐT, nét mới trong tư tưởng của đề án là nhấn mạnh vào việc giáo dục, đào tạo từng cá nhân. Dự kiến ngân sách cho giáo dục tăng đáng kể.
Mục tiêu của đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo" là phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và hội nhập quốc tế - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Hôm qua, ban soạn thảo đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo" của Bộ đã chia sẻ với báo giới một số nội dung cơ bản của dự thảo. Kể từ sau Hội nghị T.Ư 6 (tháng 12.2012) đến nay, Bộ đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học để lấy ý kiến hoàn thiện đề án. Mới đây, ngày 29.8, Bộ Chính trị đã nghe và cho ý kiến. Hiện dự thảo đề án đã hoàn thành và Ban Cán sự Đảng bộ đang chuẩn bị trình lên BCH T.Ư Đảng.
Đặt chất lượng lên hàng đầu
Mục tiêu tổng quát của đề án là tạo chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả giáo dục. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và hội nhập quốc tế. Theo đó, việc giáo dục con người được xác định là toàn diện, có hiểu biết và kỹ năng cơ bản, có khả năng sáng tạo để làm chủ bản thân, sống tốt và làm việc hiệu quả - thực học, thực nghiệp. "Trước đây, trong mục tiêu đào tạo con người, chúng ta rất nhấn mạnh mục tiêu đào tạo thế hệ. Lần này đề án vừa nhấn mạnh mục tiêu đào tạo thế hệ, vừa phát triển cá nhân con người, làm sao để mỗi cá nhân con người phát triển tốt nhất tiềm năng, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước", ông Bùi Mạnh Nhị, Phó bí thư thường trực Đảng ủy Bộ GD-ĐT chia sẻ.
Mục tiêu này phù hợp với quan điểm chỉ đạo là chuyển phát triển giáo dục chủ yếu theo mục tiêu số lượng sang vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, vừa đáp ứng yêu cầu số lượng theo nhu cầu nhân lực của xã hội. "Trước đây ta nghiêng về số lượng, bây giờ ta đặt chất lượng lên hàng đầu", ông Nhị khẳng định.
Chi cho giáo dục tối thiểu đạt 20% tổng chi ngân sách
Một trong những giải pháp và nhiệm vụ quan trọng đề cập trong đề án là đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, tăng cường cơ sở vật chất, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục.
Theo đó, ngân sách chi cho giáo dục tối thiểu đạt 20% tổng chi ngân sách. Nhà nước bảo đảm đủ kinh phí đáp ứng yêu cầu của ngành giáo dục. Ngân sách nhà nước đóng vai trò quyết định cho giáo dục phổ cập. Tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, tỷ lệ chi cho lương và phụ cấp theo lương không quá 75% tổng kinh phí chi thường xuyên hằng năm.
Ở bậc ĐH, mức chi tất cả các nguồn cho một sinh viên/năm tiến tới tối thiểu bằng 1,2 lần thu nhập quốc dân bình quân đầu người/năm. Ông Nhị so sánh: Năm 2003, mức chi này so với mức thu nhập bình quân đầu người/năm ở khối các nước OECD là 1,6 - 1,7; Mỹ 2,9; Canada 2,4; Hàn Quốc 2,6; Đài Loan 2; Nhật 1,3, Trung Quốc 0,8. "Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia trong và ngoài nước đều khẳng định, mức chi tối thiểu cho một sinh viên đại học/năm bằng 1,2 lần thu nhập quốc dân bình quân đầu người/năm thì mới có chất lượng. Hiện nay, mức chi bình quân này ở Việt Nam mới chỉ đạt 0,5", ông Nhị cho biết.
Xóa bỏ phòng học tạm, thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật giáo dục, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin cũng là một trong nhiều nhiệm vụ được đặt ra trong gói giải pháp này. Phải làm sao để đảm bảo đến năm 2020 số học sinh/lớp không vượt quá quy định của từng cấp học. Nhà nước phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ để có đủ "đất sạch" cho việc xây dựng trường, quản lý nghiêm nhặt không để đất quy hoạch cho xây trường sử dụng vào mục đích khác.
Thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm
Ở bậc mầm non, đề án xác định hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, nâng cao chất lượng phổ cập trong những năm tiếp theo và thực hiện miễn học phí trước năm 2020 cho đối tượng này. Với giáo dục phổ thông, ngành GD-ĐT sẽ xây dựng mới chương trình cho giai đoạn sau năm 2015, bảo đảm cho học sinh kết thúc lớp 9 phải có tri thức phổ thông nền tảng, cơ bản; học sinh THPT phải được tiếp cận nghề nghiệp và được chuẩn bị tốt cho giai đoạn học sau phổ thông. Đặc biệt, cả nước sẽ thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020, đồng thời nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, phấn đấu đến năm 2020 có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục THPT và tương đương. Cấu trúc hệ thống giáo dục phổ thông vẫn giữ 12 năm như đang áp dụng. Hệ thống giáo dục phổ thông chủ yếu là loại hình trường công lập; đồng thời khuyến khích xã hội đầu tư phát triển các trường chất lượng cao. Trong giáo dục nghề nghiệp và ĐH sẽ phát triển song song loại hình trường công lập và ngoài công lập; tăng cường vai trò trường ngoài công lập, bao gồm cả các trường chất lượng cao. Sẽ có loại hình cơ sở giáo dục do cộng đồng đầu tư.
Kết quả tốt nghiệp THPT làm căn cứ cho tuyển sinh ĐH
Theo ông Bùi Mạnh Nhị, trong 9 nhiệm vụ và giải pháp mà đề án đề xuất, có thể coi đổi mới tư duy giáo dục, quản lý giáo dục, trong đó có chính sách, cơ chế tài chính và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục là các giải pháp then chốt; đổi mới kiểm tra, thi và đánh giá là khâu đột phá. Cụ thể, phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT sẽ được đổi mới theo hướng kiểm tra năng lực học sinh, thiết thực, hiệu quả, tin cậy; sử dụng được kết quả công nhận tốt nghiệp THPT làm căn cứ cho tuyển sinh của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp và ĐH. Còn phương thức tuyển sinh ĐH đổi mới theo hướng kết hợp kết quả giáo dục phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo. Nội dung, hình thức kiểm tra, thi và đánh giá kết quả giáo dục sẽ phải chú trọng đánh giá việc hiểu, vận dụng kiến thức, kỹ năng; hạn chế yêu cầu ghi nhớ máy móc, "học tủ".
Theo TNO
Chấm dứt 'thí điểm' 35 ra đời và tồn tại, có lúc công khai, có khi lén lút, đến năm nay chương trình công nghệ giáo dục mới chính thức chấm dứt giai đoạn thí điểm lớp 1. Học sinh lớp 1 Trường tiểu học số 1 Trịnh Tường, Bát Xát, Lào Cai học theo chương trình tiếng Việt 1 - CNGD - Ảnh: Lê Đăng Ngọc...