Tranh cãi về nước thải nhà máy hạt nhân Fukushima
Việc Nhật quyết định xả nước thải từ nhà máy Fukushima ra đại dương bị nhiều nước phản đối, nhưng giới khoa học cho rằng nó không nguy hiểm.
Sau trận động đất mạnh 9 độ vào ngày 11/3/2011, ba trong số 6 lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, thuộc tỉnh Fukushima, Nhật Bản, gặp sự cố với hệ thống làm mát, khiến một phần lõi hạt nhân bị tan chảy. Công nhân nhà máy buộc phải liên tục bơm nước biển vào để làm mát.
Do lò phản ứng đã bị hư hại, nguồn nước dùng để làm mát này đều bị nhiễm xạ và buộc phải được tích trữ tại nhà máy trong nhiều năm. Cùng với đó, nước mưa, nước ngầm tại khu vực quanh nhà máy cũng bị nhiễm phóng xạ và được thu gom theo quy trình tương tự.
Mặc dù hầu hết nguyên tố phóng xạ có thể được lọc ra bằng Hệ thống Xử lý Chất lỏng Tiên tiến (ALPS), một đồng vị phóng xạ của hydro có tên tritium vẫn không thể bị loại bỏ khỏi nước thải. “Nó cần khoảng 60-100 năm để chuyển hóa hoàn toàn thành helium vô hại”, Nigel Marks, phó giáo sư vật lý và thiên văn tại Đại học Curtin, Australia, cho biết.
Tuy nhiên, Luk Bing-lam, chủ tịch Hiệp hội Hạt nhân Hong Kong, cảnh báo nhiều chất phóng xạ khác có thể vẫn tồn tại trong nước thải tại nhà máy Fukushima, như caesium-137 và strontium-90. “Chúng có khả năng tồn tại với nồng độ lớn”, ông nói. Tổ chức Hòa bình Xanh cũng nêu khả năng carbon-14, một đồng vị phóng xạ của carbon, còn tồn dư trong nước thải của nhà máy.
Người biểu tình cầm khẩu hiệu “Bảo vệ Đại dương” bên ngoài văn phòng Thủ tướng Nhật ở Tokyo hôm 13/4, nhằm phản đối quyết định xả nước thải nhà máy Fukushima ra biển. Ảnh: AFP .
Mặc dù vậy, Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga cho biết xả nước thải ra đại dương là phương án thực tế nhất để khôi phục nhà máy Fukushima, một thập kỷ sau trận động đất và sóng thần lớn gây ra thảm họa hạt nhân hồi tháng 3/2011, trong bối cảnh nhà máy không còn không gian chứa nước thải.
Khoảng 1,25 triệu tấn nước được tích trữ tại nhà máy Fukushima kể từ năm 2011, gồm nước của hệ thống làm mát nhà máy, nước mưa và nước ngầm. Công ty Điện lực Tokyo (Tepco), đơn vị điều hành nhà máy, cho biết khu vực này dự kiến đạt đến giới hạn tích trữ vào năm sau.
Tepco muốn ngừng hoạt động của nhà máy Fukushima trong khoảng thời gian từ năm 2041 đến 2051, nhưng không thể theo đuổi kế hoạch này nếu phải xây thêm các bể chứa nước thải. “Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài giải quyết vấn đề nước thải, vì cần thực hiện mục tiêu ngừng hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân”, Suga giải thích.
Video đang HOT
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết một phương án đơn giản khác là đợi số nước thải này bốc hơi. Cả hai biện pháp đều được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) coi là khả thi về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, phó giáo sư Marks cho rằng việc xả nước thải ra biển là “lựa chọn hợp lý duy nhất”, bởi hơi nước bốc lên “có thể bay đi bất cứ đâu, không thể kiểm soát”.
Theo kế hoạch được nội các Nhật Bản thông qua hôm 13/4, Tepco sẽ bắt đầu xả nước thải ra biển trong hai năm tới. Quá trình này bao gồm nhiều bước và sẽ mất khoảng 30 năm, dự kiến kết thúc trước khi kế hoạch cho ngừng hoạt động nhà máy Fukushima hoàn tất.
Quyết định của Nhật Bản ngay lập tức vấp phải sự phản đối dữ dội từ các nước láng giềng . Trung Quốc chỉ trích Nhật Bản “cực kỳ vô trách nhiệm”, không coi trọng sức khỏe người dân tại những quốc gia xung quanh, vốn chưa được tham vấn về kế hoạch. Theo họ, đại dương là “tài sản chung của nhân loại” và việc xử lý nước thải hạt nhân “không chỉ là vấn đề trong nước của Nhật Bản”.
“Một quan chức Nhật nói rằng uống nước này cũng chẳng sao. Thế thì ông hãy uống đi. Đại dương không phải thùng rác của Nhật”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 14/4.
Trong cuộc họp nội bộ cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thậm chí kêu gọi các quan chức chính phủ tìm cách kiện Nhật Bản lên Tòa án Quốc tế về Luật Biển, nhằm xin tòa ra lệnh cấm động thái này.
“Tôi buộc phải nói rằng Hàn Quốc, với tư cách là quốc gia gần nhất về mặt địa chất và có chung vùng biển với Nhật Bản, rất lo ngại về quyết định đó”, phát ngôn viên Kang Min-seok dẫn lại lời ông Moon. Tổng thống Hàn đã triệu đại sứ Nhật Koichi Aiboshi, yêu cầu ông truyền đạt lo ngại của Seoul tới Tokyo.
Các chính trị gia, quan chức địa phương, ngư dân và nhà hoạt động môi trường Hàn Quốc cũng biểu tình trước đại sứ quán Nhật ở Seoul, lãnh sự quán Nhật ở Busan và trên đảo Jeju. Một liên minh gồm 25 tổ chức nghề cá còn gửi văn bản phản đối tới đại sứ quán Nhật, đồng thời kêu gọi chính phủ Hàn Quốc ngừng nhập khẩu hải sản nước này.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi tại tỉnh Fukushima, Nhật Bản, và các bể chứa nước đã qua xử lý nhìn từ trên cao hôm 14/2. Ảnh: AFP .
Trong khi đó, nhiều ngư dân ở Nhật cũng bất bình, bởi họ đã mất nhiều năm để khôi phục niềm tin của khách hàng về mức độ an toàn của hải sản địa phương. “Họ từng nói với chúng tôi sẽ không xả nước ra biển nếu không được ngư dân ủng hộ. Chúng tôi phản đối động thái đơn phương, phá vỡ cam kết này”, Kanji Tachiya, người đứng đầu một hợp tác xã thủy sản ở Fukushima, cho biết.
Tổ chức Hòa bình Xanh Nhật Bản cáo buộc chính phủ nước này coi thường nhân quyền và lợi ích của người dân Fukushima, cũng như khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, chính phủ Nhật lập luận kế hoạch xả nước thải ra đại dương an toàn , bởi nguồn nước này đã được xử lý để loại bỏ nguyên tố phóng xạ và sẽ được pha loãng. IAEA cũng ủng hộ kế hoạch, cho rằng nó tương tự quá trình xử lý nước thải của các nhà máy hạt nhân khác trên thế giới.
Hầu hết giới khoa học nhất trí sự hiện diện của tritium trong nước không phải mối lo ngại lớn. “Tác động lên sức khỏe sẽ gần như bằng không. Xung quanh chúng ta là bức xạ, và quyết định xả nước thải này sẽ không ảnh hưởng đến con người, sinh vật biển, hoặc chính đại dương”, phó giáo sư Marks cho biết.
“Tritium có thể gây ung thư, giống như những chất phóng xạ khác. Tuy nhiên, nồng độ tritium trong nguồn nước thải này quá thấp, nên không có khả năng gây ung thư về lâu dài. Chu kỳ bán thải sinh học của tritium là khoảng 10 ngày, có nghĩa là nó sẽ không tích tụ trong cơ thể của chúng ta lâu dài”, Luk Bing-lam giải thích thêm.
Tuy nhiên, Luk cho rằng cần giám sát những nguyên tố phóng xạ khác trong nước thải nhà máy Fukushima, bởi nếu trong nước có chứa caesium-137 và strontium-90, ảnh hưởng với sức khỏe con người sẽ lớn hơn.
Geraldine Thomas, trưởng khoa bệnh lý phân tử tại Đại học Hoàng gia Anh và là chuyên gia về phóng xạ, tỏ ra đồng tình với những ý kiến trên. Bà nhấn mạnh tritium “hoàn toàn không đe dọa sức khỏe”, đặc biệt nếu xét đến yếu tố nó sẽ bị pha loãng trong đại dương.
Thomas cho biết carbon-14 cũng không phải mối nguy hiểm, nói thêm rằng mọi người nên lo ngại những chất ô nhiễm hóa học trong nước biển như thủy ngân “hơn bất cứ thứ gì đến từ khu vực Fukushima”.
“Tôi sẽ không ngần ngại ăn hải sản Fukushima”, bà khẳng định.
Nhật Bản sẽ xả nước thải từ Fukushima vào đại dương
Chính phủ Nhật vừa thông qua kế hoạch xả hơn một triệu tấn nước đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima vào đại dương.
"Chính phủ đã soạn thảo các chính sách cơ bản để xả lượng nước qua xử lý vào đại dương, sau khi đảm bảo mức độ an toàn của nước. Chính phủ cũng sẽ thực hiện nhiều biện pháp để ngăn tổn hại về danh tiếng", Thủ tướng Yoshihide Suga nói hôm nay.
Chính phủ Nhật lập luận kế hoạch này an toàn bởi nước đã được xử lý để loại bỏ tất cả yếu tố phóng xạ và sẽ được pha loãng. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế ủng hộ kế hoạch, cho rằng nó tương tự quá trình xử lý nước thải của các nhà máy hạt nhân khác trên thế giới.
Khoảng 1,25 triệu tấn nước đã tích tụ tại khu vực nhà máy hạt nhân Fukushima kể từ sau sự cố do thảm họa động đất, sóng thần năm 2011, gồm nước của hệ thống làm mát nhà máy, nước mưa và nước ngầm. Lượng nước này được bơm ra và xử lý qua hệ thống lọc.
Các bể chứa nước đã qua xử lý tại khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở thị trấn Okuma, Nhật Bản. Ảnh: Reuters.
Việc xả nước từ nhà máy hạt nhân Fukushima chưa thể bắt đầu trong ít nhất hai năm tới, nhưng khiến nhiều cộng đồng ngư dân địa phương bất bình, vì họ đã mất nhiều năm để khôi phục niềm tin của khách hàng vào hải sản được đánh bắt trong khu vực này.
"Họ từng nói với chúng tôi sẽ không xả nước ra biển nếu không được ngư dân ủng hộ", Kanji Tachiya, người đứng đầu một hợp tác xã thủy sản ở Fukushima, nói. "Chúng tôi không ủng hộ động thái đơn phương phá vỡ cam kết và xả nước vào biển".
Quyết định cũng vấp phải phản đối trong khu vực trước khi được thông qua. Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong ngày 12/4 "lấy làm tiếc về quyết định có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới an toàn của người dân và môi trường trong tương lai".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên kêu gọi Nhật Bản "hành động có trách nhiệm" về việc xả nước vào đại dương.
"Để bảo vệ lợi ích cộng đồng quốc tế, cũng như an toàn và sức khỏe của người dân Trung Quốc, Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại nghiêm trọng với phía Nhật Bản thông qua kênh ngoại giao", ông Triệu nói ngày 12/4.
Tiếp tục tạm ngừng hoạt động nhà máy điện hạt nhân Tokai số 2 Một tòa án tại Nhật Bản ngày 18/3 đã ra lệnh tiếp tục tạm ngừng hoạt động nhà máy điện hạt nhân Tokai số 2 trong bối cảnh tiếp tục có quan ngại về an toàn sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 cách đây 10 năm. Lò phản ứng số 4 (trái) và các bể chứa nước nhiễm...