Tranh cãi khái niệm ‘lòng thương hại’ trong đề kiểm tra GDCD lớp 7
Trong đề kiểm tra có một câu liên quan đến phân biệt lòng yêu thương con người và lòng thương hại với các phương án không rõ khiến học sinh lẫn phụ huynh đều băn khoăn.
Những ngày qua, sau khi hoàn tất bài kiểm tra giữa học kỳ một, năm học 2021-2022, một số phụ huynh, học sinh một lớp 7 tại một trường THCS ở TP.HCM tỏ ra băn khoăn về một câu hỏi trong đề môn Giáo dục công dân.
Theo thông tin từ phụ huynh, đề kiểm tra môn này thực hiện dưới hình thức trắc nghiệm. Tuy nhiên, trong đề có một câu liên quan đến phân biệt lòng yêu thương con người và lòng thương hại với các phương án không rõ khiến học sinh lẫn phụ huynh khó hiểu.
Cụ thể, ở câu 30, đề hỏi “lòng yêu thương con người và lòng thương hại khác nhau như thế nào?” và đưa ra bốn phương án lựa chọn. Gồm:
a/ Lòng yêu thương con người xuất phát từ mục đích vụ lợi; lòng thương hại xuất phát từ sự chân thành.
b/ Lòng yêu thương con người xuất phát từ tình cảm trong sáng; lòng thương hại xuất phát từ sự bao dung.
c/ Lòng yêu thương con người xuất phát từ tình cảm trong sáng; lòng thương hại xuất phát từ động cơ vụ lợi.
d/ Lòng yêu thương con người xuất phát từ mục đích hạ thấp giá trị con người; lòng thương hại xuất phát từ tình cảm trong sáng.
Theo một số phụ huynh và học sinh, ở câu này, phương án đúng là B nhưng đáp án của đề kiểm tra lại là C. Phụ huynh cho rằng đáp án này không thỏa đáng, vì giả sử một ai đó cho tiền người ăn xin vì thương hại họ nhưng không có vụ lợi gì với người ăn xin cả.
Các học sinh cũng đã gửi phản hồi đến giáo viên về đề kiểm tra này nhưng chưa được hồi đáp.
Nội dung câu hỏi trắc nghiệm gây băn khoăn trong đề kiểm tra giữa kỳ môn Giáo dục công dân tại một lớp 7 ở TP.HCM
Trước băn khoăn về đề kiểm tra này, để hiểu đúng, PLO đã có trao đổi với một số giáo viên phụ trách bộ môn giáo dục công dân ở khối THCS tại TP.HCM, tuy nhiên cũng nhận được những sự hồi đáp khác nhau.
Video đang HOT
Theo một tổ trưởng phụ trách về bộ môn này ở quận 12, các em đã học nội dung kiến thức câu hỏi này ở lớp 7 về lòng yêu thương con người và đây là dạng câu hỏi mở rộng với nội dung bao quát là để phân biệt giữa lòng yêu thương và lòng thương hại.
Về lý thuyết, lòng yêu thương phải xuất phát từ cái tâm, hoàn toàn vô tư, trong sáng, không có lợi ích. Ví dụ ai đó cho tiền để giúp một người nào đó khó khăn dù không quen biết. Còn lòng thương hại là ban phát tình cảm và lòng yêu thương cho người khác nhưng có mục đích cá nhân, là hạ thấp giá trị của mình.
Giáo viên này cho rằng, ở câu hỏi này, đáp án C là đúng nhưng phương án đưa ra chưa được chuẩn, gây nhầm lẫn cho học sinh.
“Đáp án đúng phải nên là lòng yêu thương con người xuất phát từ tình cảm trong sáng; lòng thương hại xuất phát từ động cơ vụ lợi, hạ thấp giá trị bản thân. Như vậy học sinh sẽ dễ hiểu hơn” – giáo viên này nói.
Tuy nhiên, giáo viên này cũng cho rằng học sinh chọn phương án B cũng đúng vì góc nhìn của các em là từ sự bao dung dù phương án đưa ra còn mập mờ chứ không hẳn sai.
“Ở đây, giáo viên ra đề chưa được chuẩn, đưa ra hai phương án chưa rõ ràng trong khi các em chỉ được chọn một phương án nên rất dễ nhầm lẫn. Để khắc phục, theo tôi, nên tính điểm cho những em nào chọn cả hai phương án B hoặc C để các em không thiệt thỏi” – giáo viên này góp ý.
Có quan điểm khác, Phó hiệu trưởng một trường THCS có chuyên môn về bộ môn Giáo dục công dân ở quận Bình Tân lại cho rằng ở câu hỏi trên, đáp án đúng là C chứ không thể là B. Tuy nhiên, có vấn đề nhỏ là nội dung đáp án C chưa sát nghĩa. Vì khái niệm lòng thương hại là thể hiện sự xót thương, bố thí, ban phát, mỉa mai trước khó khăn của người khác, giúp người khác nhưng không toàn tâm toàn ý.
Theo giáo viên này, dùng từ “động cơ vụ lợi” để nói về lòng thương hại dễ khiến học trò khó hiểu, dễ nhầm lẫn thành vụ lợi về vật chất nào đó.
“Khi ra đề ở ý này, giáo viên nên dùng từ ngữ dễ hiểu hơn, thay vì dùng từ “động cơ vụ lợi” khi giúp đỡ ai đó thì có thể dùng các từ như “không toàn tâm toàn ý”, “không xuất phát từ cái tâm”…, Phó hiệu trưởng này nhận định.
Cô giáo trẻ với bảng thành tích đáng khâm phục
Tuy tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ, song cô Bùi Thị Diệu đã có những thành tích đáng khâm phục.
19 học sinh của cô đã "ẵm" trọn điểm 10 trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vừa qua.
Cô giáo Bùi Thị Diệu, giáo viên môn Giáo dục công dân Trường THPT Cộng Hòa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: NVCC
Cô "truyền lửa" cho trò cũng chỉ với mong muốn mỗi tiết học là một trải nghiệm lý thú...
Ấp ủ ước mơ làm cô giáo
Đó là câu chuyện của cô Bùi Thị Diệu (SN 1992) - giáo viên môn Giáo dục công dân Trường THPT Cộng Hòa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Chúng tôi gặp cô khi cô vừa dự Lễ tri ân và tôn vinh các nhà giáo tiêu biểu do Bộ GD&ĐT phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.
Nói đến thành tích cá nhân của cô thì ai ai cũng nể phục. Cô vừa là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, lại vừa có những thành tích đáng tự hào ở môn học ít người quan tâm mà cô đang đảm nhận - môn Giáo dục công dân. Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vừa qua, 19 học sinh của cô đã "ẵm" trọn điểm 10. Ngoài ra, điểm trung bình thi tốt nghiệp môn học này với học sinh các lớp cô giảng dạy cũng đều đạt 8,9.
Năm 2015, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội I (chuyên ngành Lý luận Chính trị giáo dục công dân), cô Diệu được về công tác tại Trường THPT Cộng Hòa. Cô dạy môn Giáo dục công dân. Đây cũng chính là ngôi trường cô từng theo học.
Cơ duyên gắn bó nghề giáo đối với cô Bùi Thị Diệu như một lẽ tất nhiên. Cô sinh ra trong gia đình có truyền thống sư phạm. Ông ngoại, mẹ và các dì của cô đều làm nghề giáo. Bởi vậy, tình yêu nghề giáo được nhen nhóm trong suy nghĩ của cô khi còn học THCS.
"Tôi yêu những nét chữ ngay ngắn, chỉn chu của các thầy cô. Tôi yêu những cử chỉ dịu dàng, ân cần, tỉ mỉ mà mẹ tôi chỉ dạy học sinh. Có lẽ tình yêu nghề theo năm tháng cứ thế lớn dần lên trong tôi", cô Diệu tâm sự.
Khi được hỏi vì sao chọn chuyên ngành có tính đặc thù này để theo học? Cô Diệu cho biết, đây là môn học cần thiết về nền tảng tư duy cho học sinh. Môn học không chỉ giáo dục về kiến thức, mà còn cả về nhân cách để các em bước vào cuộc sống.
Nhớ lại ngày cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay, trở về ngôi trường cũ với biết bao dự định, cô Diệu không giấu được cảm xúc: "Niềm vui trong tôi lúc đó như vỡ òa. Mái trường là nơi nuôi dưỡng ước mơ của tôi. Đặc biệt, là cô giáo chủ nhiệm lớp 12 đã rèn giũa cho tôi từ một cô bé tự ti, nhút nhát đã trở thành một cô giáo tự tin, đứng trước lớp để giảng bài cho học sinh".
Năm 2016, Giáo dục công dân dù được coi là môn thi chính thức trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng không ít học sinh vẫn thờ ơ với môn học này. Vì vậy, cô giáo trẻ luôn trăn trở, tìm tòi để mỗi bài giảng thật đặc biệt, sáng tạo giúp học sinh thêm hứng thú học bài.
Trước mỗi giờ lên lớp, cô Diệu thường soạn giáo án, xác định mục tiêu bài giảng. Cô nghiên cứu qua sách báo, tư liệu, sưu tầm những câu chuyện trong cuộc sống hàng ngày. Thậm chí, cô "bắt trend" trên mạng xã hội để những bài học của mình vừa thực tế, vừa dễ hiểu và tạo được sự hứng thú cho học sinh.
"Do trường chỉ có hai giáo viên phụ trách môn học này ở cả 3 khối lớp nên việc soạn bài làm sao phù hợp với tâm lý, lứa tuổi các em cũng là điều tôi lưu tâm. Học sinh ở mỗi khối lớp có nhận thức khác nhau, bài giảng cũng theo đó có sự thay đổi linh hoạt để không tạo sự nhàm chán. Sau mỗi giờ giảng bài, tôi thấy mình cũng tự học được những điều mới mẻ", cô Diệu bộc bạch.
Cô Bùi Thị Diệu chụp ảnh lưu niệm cùng các em học sinh.
Người "truyền lửa"...
Trải qua 6 năm đứng trên bục giảng, dù quá trình công tác chưa thật sự dài nhưng với cô Diệu, những kỷ niệm với học sinh cứ đầy ắp theo năm tháng. Đến nay, cô vẫn nhớ mãi tiết học đầu tiên đứng lớp.
"Hôm đó, tôi dạy lớp 10, với chủ đề bài học là "Tự hoàn thiện bản thân". Trong đó, có nội dung yêu cầu học sinh đứng trước lớp chia sẻ ước mơ của mình. Em nào cũng có ước mơ. Em thì mong muốn được làm bác sĩ, có em lại mong muốn trở thành chiến sĩ công an... Đặc biệt, một em chỉ mong có bữa cơm gia đình với đầy đủ các thành viên, có một tổ ấm để khi trở về đầy ắp tiếng nói của bố mẹ. Câu chuyện đó khiến tôi thực sự xúc động và cứ thấy nghèn nghẹn trong cổ", cô Diệu nhớ lại.
Phải mất ít phút trấn tĩnh cô Diệu mới có thể đưa lớp quay trở lại với bài giảng và nhắn nhủ với học sinh: "Mỗi người đều có ước mơ trong cuộc đời. Các em nên cảm thấy may mắn và hạnh phúc với những gì mình đang có".
"Năm thứ 2 làm việc tại trường, tôi được phân công chủ nhiệm một lớp 12. Học sinh rất quậy và chọc phá các bạn nữ, thậm chí nhiều tiết học, nam sinh còn trêu cô giáo khiến đôi lần "cháy giáo án"", cô Diệu nhớ lại.
Để quản lý được lớp học đi vào nền nếp, cô Diệu quan tâm đến từng học sinh và tỉ mỉ với từng bài học. Những tiết học lý thuyết khô khan và khó hiểu được cô linh hoạt "hóa giải" thông qua việc liên hệ với thực tiễn. Từ đó, giúp cho học sinh dễ hiểu bài hơn, tiếp thu nhanh hơn.
"Tôi thường khuyến khích, động viên và trao thưởng cho học sinh bằng những phần quà. Có thể là trao cho cá nhân, hay tập thể lớp. Quà rất nhỏ, ví như một cuốn sách, chiếc đồng hồ báo thức hay chuyến dã ngoại cho các bạn ấy nếu đa số đạt điểm 10 đối với môn học của mình. Còn những ai chểnh mảng, không hoàn thành bài tập, đổi lại sẽ "được" lao động công ích tại trường, trồng cây xanh", cô Diệu hài hước kể lại.
Nhớ về cô giáo chủ nhiệm của mình, em Bùi Thị Thảo (cựu học sinh lớp 12A2 Trường THPT Cộng Hòa) cho hay: "Em từng được cô hướng dẫn ôn thi học sinh giỏi và được cô truyền cảm hứng rất nhiều. Cô còn trẻ nhưng như người mẹ thứ 2 của chúng em, giúp chúng em trong mọi mặt của cuộc sống. Gia đình bạn nào gặp khó khăn cô luôn giúp đỡ động viên kịp thời".
Bật mí về bí quyết giúp học sinh đạt thành tích cao với môn học, cô Diệu bộc bạch: "Đó là sự quan tâm tạo điều kiện của nhà trường, các em được tăng thời gian ôn tập kiến thức. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, tôi nghĩ thầy cô hãy là người truyền lửa cho học sinh, luôn sát sao động viên để các em cố gắng".
Em Bùi Hương Sắc, Bí thư Chi đoàn lớp 12A3, cho biết: "Cô Diệu là giáo viên chủ nhiệm rất tuyệt vời của chúng em. Cô dạy chúng em rất hay, dễ hiểu bài. Khi dạy, cô luôn có những ví dụ gắn liền với hiện thực đời sống. Mỗi giờ học của cô, em rất vui và thích thú".
"Cô Diệu là giáo viên trẻ nhưng rất cố gắng trong giảng dạy. Với những nỗ lực của bản thân, cô ấy đã giành nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, đặc biệt trong kỳ thi vừa rồi, nhiều học sinh của cô đã có thành tích cao. Đó là vinh dự của cá nhân cô, song cũng là niềm tự hào của nhà trường. Tôi hy vọng, trong tương lai cô Diệu sẽ tiếp tục phát huy tốt hơn nữa khả năng của mình", thầy Đinh Thanh Tùng - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Năm học 2017 - 2018, cô Diệu đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Nhiều năm liền, học sinh của cô đoạt giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Giáo dục công dân. Cụ thể: Năm học 2019 - 2020: 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 2 giải Ba và 1 giải Khuyến khích. Năm học 2020 - 2021, có 3 học sinh đoạt giải Ba và 2 giải Khuyến khích. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021: 19 học sinh đạt điểm 10; Điểm trung bình môn GDCD ở các lớp đạt 8,9 điểm.
Bộ nên xây dựng ngân hàng ma trận đề thi, kiểm tra dùng chung toàn quốc Khi giáo viên dạy ra đề thì việc dạy chỉ chú trọng vào đề kiểm tra mà không bao quát chương trình, dạy khó hiệu quả. Ngày 21/11 trên báo điện tử Vietnamnet có đăng tải bài viết "Hiến kế chấn hưng giáo dục Việt Nam" [1] của tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng - Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, nghiên...