TPHCM: Tiếp tục “cấm”, “hạn chế” để đảm bảo ATGT
UBND TPHCM vừa chỉ đạo các cơ quan liên quan bổ sung một số giải pháp cấp bách để đảm bảo an toàn giao thông 6 tháng cuối năm. Trong đó, chủ yếu là các giải pháp “cấm” và “hạn chế”.
Trong đó, TP chỉ đạo các sở-ngành liên quan và UBND các quận-huyện có trách nhiệm phối hợp kiểm tra, xử lý, kiên quyết đình chỉ lưu thông các loại xe thô sơ 3 bánh, 4 bánh tự chế trên địa bàn đã có quy định.
Việc cấm các phương tiện này lưu thông vào khu vực nội đô đã thực hiện hơn 2 năm nay. Tuy nhiên, do có nhiều gia đình không thể tìm kế sinh nhai khác nên vẫn chạy liều, các lực lượng chức năng cũng không xử lý xuể. Do đó, TP chỉ đạo các ban ngành tiếp tục thực hiện rốt ráo lệnh cấm này, đồng thời kết hợp nghiên cứu các mô hình đào tạo nghề, chuyển đổi ngành nghề phù hợp nhằm tạo công ăn việc làm cho người dân
Không thể chuyển đổi nghề, nhiều bác tài ba gác vẫn chạy liều, bất chấp lệnh cấm
TP cũng chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải và Công an TP nghiên cứu việc hạn chế các loại xe container và xe vận tải nặng lưu thông trên đoạn đường quốc lộ 1A từ huyện Bình Chánh đến quận Thủ Đức.
Kể từ sau khi áp dụng thu phí trên cao tốc TPHCM – Trung Lương, lượng xe tải lưu thông qua đoạn tuyến này tăng cao khiến tỷ lệ tai nạn giao thông tại đây trong những tháng đầu năm 2012 cũng tăng theo; đặc biệt là đoạn từ vòng xoay An Lạc đến giáp ranh tỉnh Long An đang trở thành 1 điểm đen nghiêm trọng về tai nạn giao thông.
Thống kê của Sở GTVT TPHCM, đoạn quốc lộ này chỉ dài khoảng 8 km, chỉ chiếm 17% chiều dài toàn tuyến quốc lộ 1A qua địa bàn TPHCM nhưng hơn 50% số vụ tai nạn giao thông trên tuyến quốc lộ 1A đi qua địa bàn TPHCM là xảy ra tại đây.
Video đang HOT
Do đó, theo kế hoạch dự kiến của Sở GTVT thì các loại xe tải nặng, xe container sẽ bị cấm lưu thông trên đoạn tuyến này từ 6h sáng cho đến 24h mỗi ngày trong thời gian tới. Đồng thời, về lâu dài Sở GTVT nghiên cứu mở rộng đoạn quốc lộ 1A này thêm 5m mỗi bên để đáp ứng nhu cầu lưu thông quá cao ở đây.
Ngoài ra, TP cũng chỉ đạo ngành giáo dục rà soát các trường học có đủ điều kiện sân bãi để nghiên cứu thực hiện phương án bố trí, tổ chức đưa đón học sinh bên trong sân trường; Rà soát lại các tuyến đường đang rào chắn để thi công công trình, có biện pháp chỉ đạo xử lý nhằm phòng chống ùn tắc và tai nạn giao thông ngập nước trong mùa mưa.
Đồng thời, TP yêu cầu các chủ đầu tư chuẩn bị khởi công xây dựng các cầu vượt bằng thép tại 3 nút giao thông trọng điểm là ngã tư Thủ Đức, ngã tư Hàng Xanh và nút giao Lăng Cha Cả (Hoàng Văn Thụ – Trường Sơn – Cộng Hòa).
Theo Dân Trí
Sau 2 năm bị cấm, xe ba gác vẫn bon trên đường TP.HCM
Nghị quyết 32 của Chính phủ cấm xe 3-4 bánh thô sơ, tự chế lưu thông trên toàn quốc từ ngày 1/1/2010. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai, việc lưu hành xe tự chế vẫn là điều nhức nhối.
Chỉ biết sống bằng nghề "ba gác"
Một số tuyến đường thuộc quận nội thành như quận 1, 3, 5... thường xuất hiện xe ba gác, thô sơ lưu thông, các loại xe này đều đã đăng ký biển số và giấy phép hoạt động theo đúng quy định, ít gặp trường hợp xe tự chế, có chăng cũng chỉ các loại xe đẩy bán hàng rong.
Trong khi đó, các tuyến đường thuộc các quận, huyện vùng ven Kha Vạn Cân, Quốc lộ 13 (quận Thủ Đức), Phan Văn Trị, Quang Trung (Gò Vấp), Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh (Tân Bình), huyện Bình Chánh, Nhà Bè... các loại xe trên đều được tự chế và chở đủ loại vật liệu xây dựng, sắt thép, hàng hoá... ung dung chạy nghênh ngang trên đường, thậm chí nhiều xe chở cao chừng 4m, làm khuất tầm nhìn nhưng vẫn phóng ẩu, gây mất ATGT.
Chủ phương tiện xe ba gác này bất chấp mọi quy định về luật lệ ATGT, ngang nhiên chở hàng hoá cồng kềnh trên Quốc lộ 13, quận Thủ Đức.
Quan sát thực tế trên đường quốc lộ 13, quận Thủ Đức, chỉ trong vòng gần 1 giờ đồng hồ, chúng tôi thấy có khoảng 10 xe ba gác qua lại, chủ yếu tự chế chạy ra từ các con hẻm và đường giao cắt. Người điều khiển luôn chất hàng tối đa mà không quan tâm đến luật lệ giao thông.
Là một người hành nghề xe ba gác trên 10 năm nay, anh Nguyễn Nam Hải, ngụ đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, chia sẻ, dù bị cấm lưu thông và được hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề nhưng thú thực ngoài việc bỏ sức ra chở thuê kiếm tiền thì anh không biết làm gì hết. Rút kinh nghiệm những lần bị phạt, giờ anh chỉ chở hàng vào buổi tối, giữa trưa hay tờ mờ sáng khi lực lượng CSGT ít đóng chốt.
"Bây giờ đã gần 50 tuổi, biết làm cái gì ngoài nghề này. Năm vừa rồi có đầu tư mua chiếc xe gần 10 triệu, chạy gần 1 tháng bị thu giữ. Bây giờ chỉ sắm chiếc xe "cà tàng" để chạy, lỡ có bị bắt cũng không tiếc", ông Tạ Văn Năm, ngụ xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè than thở.
Bài toán nan giải
Ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó ban chuyên trách Ban ATGT TP cho hay, sau hơn hai năm cấm xe ba gác, xe thô sơ hoạt động, các tuyến đường trên địa bàn TP đã có chuyển biến tích cực, số lượng giảm rõ rệt. Thế nhưng một số quận, huyện thuộc vùng ven chưa xử lý triệt để và xe tự chế chạy phổ biến ngoài đường, gây mất trật tự, ATGT.
Đầu năm 2012, UBND TP chỉ đạo lập đoàn kiểm tra liên ngành xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, lắp ráp các loại xe ba, bốn bánh tự chế. Ngoài ra, quận huyện cần kết hợp với Sở lao động, thương binh và xã hội TP, tổ chức chuyển đổi nghề cho các trường hợp trên.
Đa số dân hành nghề có trình độ thấp nên mỗi khi bắt đầu làm quen với công việc khác đều nản, họ chỉ biết bỏ sức lao động ra kiếm tiền nên rất khó xử phạt và chưa có biện pháp căn cơ.
Đội CSGT Hàng Xanh, Công an TP lập biên bản xử lý chủ phương tiện xe ba gác tự chế.
Theo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP, tính đến ngày 20/5, số lượng phương tiện ba gác, xe thô sơ 3,4 bánh có đăng ký là 1.428 xe. Tuy nhiên, lượng phương tiện thô sơ tự chế (không đăng ký) hiện đang hoạt động trôi nổi đông gấp vài chục lần và khó có thể thống kê được con số chính xác.
Theo sự chỉ đạo của UBND TP, đối với các chủ xe tự chế, nếu không tự giác đăng ký và nhận hỗ trợ chuyển đổi nghề sẽ bị tịch thu phương tiện. Xong do loại phương tiện này có giá rẻ (khoảng 5 triệu đồng/chiếc) nên người dân sẵn sàng mua phương tiện thay thế nếu bị lực lượng chức năng bắt giữ.
Nguyên nhân là do một số quận, huyện chưa chú trọng công tác tuyên truyền và xử lý nghiêm, dẫn đến việc thực hiện chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, đa số dân nhập cư sinh sống tại các địa bàn này mưu sinh bằng nghề buôn bán dạo, sử dụng nhiều xe đẩy, xe thô sơ, các cửa hàng dịch vụ tại vùng ven vẫn có thói quen dùng xe thô sơ để vận chuyển hàng hóa...
Mặt khác, thực trạng có quá nhiều "lò" sản xuất, lắp ráp xe thô sơ theo kiểu tự phát, thiếu sự quản lý, giám sát của ngành chức năng đã khiến cho số lượng xe thô sơ, tự chế "bùng phát" bất kỳ thời điểm nào, chỉ đến khi TP mạnh tay xử phạt tình hình mới chuyển biến tích cực. Trong tháng 6 tới, Phòng sẽ tiếp tục mở đợt cao điểm xử lý xe tự chế.
Thống kê từ các quận, huyện gửi về Sở Tài chính cho thấy, toàn TP có hơn 24.000 xe 3 - 4 bánh thuộc diện bị đình chỉ lưu thông, trong đó có hơn 3.000 xe của người sử dụng thuộc diện nghèo. Đến nay, ngân sách TP đã tạm ghi kinh phí hơn 120 tỷ đồng cho việc hỗ trợ chủ phương tiện. Sau hơn 2 năm, TP đã xử phạt trên 15.000 trường hợp vi phạm và tịch thu hơn 4.000 xe tự chế.
Triều Dương
Theo Infonet
Xe ba bánh tự chế vẫn ngang nhiên hoạt động Để lập lại trật tự ATGT, chống ùn tắc cục bộ trên địa bàn, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai hàng loạt biện pháp xử lý xe ba bánh tự chế "nhái" xe thương binh, người tàn tật. Thế nhưng, vi phạm vẫn tiếp tục tái diễn gây bức xúc dư luận. Trên thực tế, quy định cấm xe...