Xe ba bánh tự chế vẫn ngang nhiên hoạt động
Để lập lại trật tự ATGT, chống ùn tắc cục bộ trên địa bàn, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai hàng loạt biện pháp xử lý xe ba bánh tự chế “nhái” xe thương binh, người tàn tật. Thế nhưng, vi phạm vẫn tiếp tục tái diễn gây bức xúc dư luận.
Trên thực tế, quy định cấm xe ba bánh tự chế “nhái” xe thương binh, người tàn tật hoạt động trên địa bàn thành phố đã có từ lâu. Quy định này nhằm mục đích giảm thiểu nguy cơ mất TTATGT, ùn tắc cục bộ trên các tuyến phố – nhất là những điểm thuộc khu vực nội thành. Song, khi nhìn vào những gì đã và đang xuất hiện có liên quan đến xe ba bánh tự chế “nhái” xe thương binh, người tàn tật trong thời gian qua thì ta không khỏi giật mình. Lẽ vì, số xe vi phạm dạng này đang có chiều hướng gia tăng đáng kể.
Tại các tuyến phố như: Lê Văn Lương, Tôn Đức Thắng, Láng Hạ, Nguyễn Chí Thanh, Thụy Khuê, Đội Cấn, Nguyễn Văn Cừ… vào các giờ cao điểm sáng từ 8h đến 10h; chiều từ 16h đến 18h30″ dễ dàng thấy hình ảnh xe ba bánh tự chế “nhái” xe thương binh, người tàn tật “tung tăng” diễu phố. Không chỉ phớt lờ quy định cấm, nhiều xe còn kiêm thêm dịch vụ chở hàng hóa cồng kềnh gây mất TTATGT, khiến các phương tiện lưu thông trên đường theo đó không khỏi giật mình thon thót trước hiểm họa do xe ba bánh tự chế loại này gây ra.
Điển hình như 10h30″ ngày 15/6, dòng phương tiện tham gia giao thông trên tuyến phố Đội Cấn bỗng dạt vội sang hai bên đường. Từ phía sau, một chiếc xe ba bánh tự chế chất đống khung cửa kính rồ ga phóng vọt lên, đi kèm là tiếng còi ngân inh ỏi. Người điều khiển là một nam thanh niên tuổi mới ngoài 30. Còn “nhân viên” phụ xe là một người đàn ông mặc áo bảo hộ lao động. Bám theo chiếc xe ba bánh tự chế “nhái” xe thương binh (cũng gắn tem hiệu của thương binh) này trên suốt chiều dài tuyến đường Đội Cấn – Văn Cao – đường ven Hồ Tây, tôi khá lạ trước việc không thấy bóng dáng của lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm.
Xe ba bánh tự chế vi phạm “đổ” vật liệu xây dựng trên đường Tây Sơn – quận Đống Đa (Hà Nội).
Tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi nhận thấy, một trong những nguyên nhân khiến xe ba bánh tự chế, “nhái” xe thương binh, người tàn tật hoành hành như hiện nay chính là do nhu cầu tìm đến thuê, mướn phương tiện này trong việc vận chuyển hàng hóa, vật dụng gia đình của một bộ phận không nhỏ người dân thời gian qua gia tăng đáng kể.
Thay vì thuê người mang vác như trước đây, giờ số người dân cư trú trong ngõ, ngách có bề rộng 2-3m, thường tìm đến chủ nhân của các phương tiện – xe ba bánh tự chế để vận chuyển vật liệu xây dựng (cát sỏi, sắt thép), đồ dùng sinh hoạt (bàn ghế, tủ cửa). Và, tất nhiên lúc này xe ba bánh tự chế trên nghiễm nhiên trở thành phương tiện có tính năng hoạt động hữu dụng trong các con ngõ, ngách nhỏ trên địa bàn.
Video đang HOT
Và cũng chính vì nắm bắt tâm lý, nhu cầu của người dân thế nên, tại một số điểm nút giao thông, số xe ba bánh tự chế “nhái” xe thương binh, người tàn tật đã tập trung lại từng nhóm như: điểm nút giao thông đường Bưởi – Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Hoàng Cầu, Nguyễn Trãi v.v…
Trước thực tế trên, câu hỏi đặt ra, liệu cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý xe ba bánh tự chế “nhái” xe thương binh, người tàn tật vi phạm có đánh trống… bỏ dùi? Nhất là, thời gian qua, lực lượng chức năng TP đã hơn một lần ra quân xử lý, thế nhưng vi phạm vẫn hoàn vi phạm. Số lượng xe ba bánh tự chế “nhái” xe thương binh, người tàn tật thì không ngừng gia tăng gây bức xúc dư luận.
Trao đổi với PV Báo CAND, Trung tá Nguyễn Văn Tòng – Đội trưởng Đội CSGT số 5, Phòng CSGT đường bộ – đường sắt (CATP Hà Nội) cho biết, trên địa bàn, thời gian gần đây, mặc dù không phải địa bàn “ nóng” về các vi phạm xe ba bánh tự chế “nhái” xe thương binh, người tàn tật, thế nhưng, đơn vị cũng đã lập biên bản, xử lý được gần 30 trường hợp xe ba bánh tự chế vi phạm. Đáng chú ý, các trường hợp vi phạm chiếm đa số là thanh niên trẻ, khỏe mạnh tuổi từ 28-35 điều khiển xe với lỗi chở hàng cồng kềnh, không có đăng ký – giấy phép lái xe, không đeo biển kiểm soát… Các trường hợp này theo quy định đều bị tịch thu phương tiện. Cũng theo Trung tá Nguyễn Văn Tòng, để xử lý triệt để tình trạng vi phạm trên, tới đây chính quyền địa phương cũng cần nhập cuộc hơn nữa trong công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về TTATGT
Theo CAND
Xe "ma" tái xuất
Sau một thời gian thưa bóng, những loại xe tự chế xuất hiện trở lại ngày càng nhiều
Người lao động phải chuyển đổi phương tiện lần 2: Xe lôi chở rác!
TPHCM đã chi hơn 200 tỉ đồng để hỗ trợ người lao động chuyển đổi phương tiện là xe 3 - 4 bánh, xe tự chế. Tuy nhiên, sau một thời gian thưa bóng, những loại xe tự chế xuất hiện trở lại ngày càng nhiều, sử dụng cho vận chuyển vật liệu xây dựng và thu gom rác thải.
Nuôi xe...
Thực hiện chủ trương chuyển đổi xe tự chế, chị Võ Thị Tuyết (ngụ phường 11, quận Bình Thạnh) đem chiếc ba gác máy lên phường giao nộp và nhận hỗ trợ 5 triệu đồng. Chị Tuyết được tư vấn mua một chiếc thùng nhựa đẩy tay, dung tích 660 lít với giá khoảng 5,4 triệu đồng để đi thu gom rác thay chiếc ba gác máy.
"Chiếc thùng nặng, to gấp mấy lần người tôi, đẩy vài vòng đã mệt muốn đứt hơi. Chưa hết, thùng to cồng kềnh nhưng chứa không được bao nhiêu rác nên phải đi nhiều chuyến. Chịu không thấu, tôi bắt chước mọi người làm thêm chiếc càng bắt vào thùng, rồi mua chiếc xe cà tàng để kéo. Nhưng chiếc thùng nhựa "tuổi thọ" không cao, được vài tháng bể tan tành, tôi phải đặt người ta đóng một chiếc thùng khác bằng kim loại"- chị Tuyết kể.
Đổi xe ba gác máy, giờ chị Tuyết lại chuyển qua dùng xe lôi. Dù ý thức được sự nguy hiểm của phương tiện mới nhưng chị Tuyết cho biết không thể làm khác đi được!
Kiểu xe lôi như của chị Tuyết đang khá phổ biến trong giới thu gom rác. Nói về phương tiện hành nghề của mình, anh Nguyễn Quốc Phong (ngụ phường 11, quận Bình Thạnh) không ngại thừa nhận "vẫn sử dụng chiếc xe ba gác máy!". Chiếc ba gác máy chính là kết quả lần chuyển đổi phương tiện thứ hai của anh Phong.
Lần thứ nhất, anh Phong chuyển từ ba gác máy qua xe tải nhỏ loại 500 kg. Ngày đem xe tải về, gia đình và hàng xóm đều mừng cho anh Phong vì chiếc xe nhìn sạch sẽ và an toàn hơn ba gác máy. Được vài tháng, tính toán lại, anh mới tá hỏa: Chiếc xe "uống" nhiên liệu như nước, mỗi tháng tốn cỡ 1 triệu đồng, mỗi lần hư, tiền sửa chữa bao giờ cũng ngót nghét 1 triệu đồng, tiền thay vỏ ruột định kỳ, tiền đăng kiểm 6 tháng 1 lần. Chưa kể, vận hành một chiếc xe tải khá tốn nhân lực, phải 3 người trở lên: một lái xe, một đưa rác từ bên dưới, một đỡ rác từ bên trên vì xe khá cao.
"Cả phí vệ sinh thu được từ 400 hộ lẫn tiền ve chai nhặt nhạnh kiếm thêm, mỗi tháng tôi thu được khoảng 8 triệu đồng. Trừ các chi phí, mỗi người chưa đến 2 triệu đồng thì sống làm sao? Chưa hết, mỗi tháng, tôi trả góp tiền mua xe 2 triệu đồng nữa, vậy là không còn gì cho cả nhà 4 miệng ăn mà tôi là lao động chính. Tôi đổ sức nuôi xe và nuôi ngân hàng chứ không phải nuôi gia đình!" - anh Phong chua chát nói.
Trong khi đó, theo anh Phong, chiếc xe ba gác chỉ cần 2 người, thậm chí một người vẫn có thể vận hành, tiền xăng dầu chỉ 300.000-400.000 đồng/tháng, những hỏng hóc cũng dễ sửa và không tốn nhiều phí.
Đổ nợ!
Thế nhưng, theo ông Tạ Văn Đực, Chủ nhiệm HTX Vệ sinh môi trường Thống Nhất (quận Bình Thạnh), anh Phong chưa phải là trường hợp xấu nhất.
"Phong có bằng lái nên có thể tự lái. Những người làm nghề rác hầu hết khá lớn tuổi, chạy ba gác quen nhưng học lái xe rất khó nên phải thuê. Lương tài xế hiện nay không dưới 3 triệu đồng/tháng nhưng không phải ai cũng thuê được. Chính tôi cũng từng phải thuê tài xế với giá 3 triệu đồng/tháng"- ông Đực nói.
Điều gì đến cũng sẽ đến, anh Phong quyết định bán chiếc xe tải mới xài gần một năm để trả nợ ngân hàng, quay về với xe ba gác máy như rất nhiều người làm nghề rác khác. Ngay chủ nhiệm HTX Thống Nhất cũng không ngoại lệ. Ông Đực cho biết đã rất băn khoăn trước quyết định bán xe vì muốn tuân thủ pháp luật và làm gương cho các xã viên khác nhưng trước các khoản chi phí chất chồng, ông cũng chỉ có thể duy trì chiếc xe tải nhỏ một năm rưỡi.
"Bất đắc dĩ phải làm như vậy chứ ai cũng muốn mình đi chiếc xe sạch sẽ, không ai muốn đi những chiếc xe mà đến gần thiên hạ bịt mũi, gọi là xe "ma". Những người thu gom rác chúng tôi chỉ mong Nhà nước tiếp tục nghiên cứu tìm ra các phương tiện phù hợp hơn với người lao động hoặc tư vấn những ngành nghề phù hợp hơn để chuyển đổi, đừng chỉ giao 5 triệu hay 10 triệu đồng rồi để tự chúng tôi xoay xở" - ông Đực trần tình.
Ông Lê Dư Hoàng (ngụ huyện Hóc Môn) là một trong số ít người còn giữ lại chiếc xe tải nhỏ.Thế nhưng, ông cũng không khỏi băn khoăn: "Tôi thấy nhiều xe lam, xe ba gác máy vẫn chạy ầm ầm mà có ai hỏi thăm đâu. Điều này khiến những người đã chuyển đổi phương tiện không khỏi so bì". Với khoản vay ngân hàng, ông Hoàng cũng đang tính đến chuyện bán xe trả nợ.
Yêu cầu báo cáo số tiền hỗ trợ, phương tiện thu hồi Bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM, cho biết trong công tác chuyển đổi xe 3 - 4 bánh, Sở Tài chính chỉ thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP những vấn đề liên quan đến tài chính, còn chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện hay nghề nghiệp như thế nào cần có sự tham gia của nhiều đơn vị. Riêng việc theo dõi, quản lý hiệu quả công tác chuyển đổi hay để người dân tự chuyển đổi trở lại phương tiện cũ là trách nhiệm của địa phương và lực lượng CSGT. Hiện nay, sở đang yêu cầu địa phương báo cáo quyết toán: đã chi hỗ trợ bao nhiêu, thu hồi bao nhiêu phương tiện, xe thu hồi có thanh lý hay không... Tuy nhiên, sở cũng sẽ nắm thêm thông tin về hiệu quả của công tác chuyển đổi, như ý kiến người dân thông qua báo cáo của các quận, huyện để tổng hợp các kiến nghị, trình UBND TP xin chủ trương hỗ trợ.
Theo Người lao động
Nghệ An: Biến đường mòn Hồ Chí Minh thành sân nhà Không chỉ phơi rơm, phơi lúa ngay trên đường mòn mà nhiều hộ gia đình còn thản nhiên dùng máy tuốt để tuốt lúa ngay trên đường mòn Hồ Chí Minh. Đến hẹn lại lên, cứ đến mùa thu hoạch lúa là người dân sống hai bên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn xã Nghĩa Hợp, Nghĩa Dũng, Kỳ...