TP.HCM chọn phương án 1 để xét tuyển lớp 10?
Học sinh, phụ huynh lẫn các nhà giáo đều ủng hộ phương án xét tuyển vào lớp 10 trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp hiện nay.
Ngày 26-7, Sở GD&ĐT TP.HCM đã có tờ trình gửi UBND TP đề xuất hai phương án xét tuyển vào lớp 10 chuyên và thường cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022. Đây là tờ trình thứ hai của Sở liên quan đến phương án cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Khác với lần đầu, đợt này Sở đề xuất xét tuyển cho cả hệ chuyên và thường.
“Quyết định đúng đắn và hợp lý!”
Em Lìu Gia Kiệt, học sinh (HS) Trường THCS Bình Tây, quận 6, cho biết bản thân đã vô cùng thoải mái sau khi biết được đề xuất xét tuyển của Sở GD&ĐT. “Bởi vì em và bạn bè đã ôn tập và chờ đợi quá lâu cho kỳ tuyển sinh. Theo em, với tình hình dịch hiện giờ thì xét tuyển là tốt nhất. Em không cảm thấy uổng phí công sức khi đã ôn tập trong thời gian qua. Vì những kiến thức em học bây giờ cũng sẽ một phần nào liên quan và ảnh hưởng đến kiến thức em sẽ học sau này” – Kiệt tâm sự.
Là phụ huynh có con năm nay thi vào lớp 10, chị TH, sống tại quận Tân Phú, bày tỏ: “Tôi ủng hộ phương án đề xuất của Sở là xét tuyển vào lớp 10. Bởi tình hình dịch COVID-19 hiện nay rất căng thẳng, bản thân tôi còn thấy sợ khi có việc bắt buộc phải đi ra ngoài nữa là các con. Nếu phải tập trung hàng trăm HS tại một điểm thi thì có lẽ tôi cũng không biết có dám cho con đi thi hay không nữa”.
Không chỉ phụ huynh, các nhà giáo cũng đồng tình với phương án mà Sở đưa ra. Bà Huỳnh Thái Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Hồ Văn Long, quận Bình Tân, nói: “Đây là quyết định đúng đắn và hợp lý”.
Tương tự, ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh, cho rằng đây là phương án tối ưu nhất trong điều kiện tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, thời gian năm học không còn nhiều.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cũng cho rằng trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, chọn phương án xét tuyển là phù hợp nhất (mặc dù tính công bằng không bằng phương án thi tuyển).
Em Lìu Gia Kiệt, học sinh Trường THCS Bình Tây, quận 6, học bài ở nhà. Ảnh: NVCC
Video đang HOT
Nghiêng về phương án 1
Đề cập đến hai phương án xét tuyển Sở đưa ra, chị H. nói: “Tôi và con gái đều ủng hộ phương án 1. Vì lớp 9 là năm học thể hiện rõ nhất lực học của HS. Chưa kể nếu có thi thì đề thi cũng nằm ở kiến thức năm học lớp 9 là chủ yếu. Về phương án 2, cho rằng như thế mới đánh giá toàn diện cũng không hẳn hợp lý bởi có những bạn học rất giỏi ở những lớp nhỏ nhưng càng lên càng hụt hơi, hoặc ngược lại có bạn những năm đầu ý thức học chưa tốt, chưa biết cách học nên kết quả thấp nhưng sau đó đã nỗ lực phấn đấu qua từng năm để đạt loại giỏi ở năm lớp 9. Cho nên nếu cộng cả bốn năm học lại rồi cho là sự toàn diện thì đó là sự toàn diện không hoàn hảo. Nếu bắt buộc phải tính đến phương án 2, tôi đề nghị điều chỉnh phương án cộng điểm ba môn toán – văn – ngoại ngữ của các năm học lớp 6, 7, 8; riêng năm lớp 9 phải nhân hệ số 2 mới hợp lý và phản ánh đúng lực học của HS”.
Cũng nghiêng về phương án 1, bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, cho hay HS lớp 9 cũng giống HS lớp 12, đến thời điểm này các em mới tập trung cho việc học và từ đó năng lực cũng được cải thiện. Điều đáng nói, nếu thi thì kiến thức đa phần trong chương trình lớp 9. Phương án 2 dùng kết quả bốn năm học có vẻ toàn diện và công bằng cho những bạn học đều. Tuy nhiên, đó là chưa tính đến độ chênh lệch về việc cho điểm giữa các trường, các quận/huyện với nhau.
Bà Dung thừa nhận việc xét tuyển không thể bằng thi tuyển, đặc biệt trường chuyên nhưng đây là trường hợp bất khả kháng. Do đó trong năm học, để nâng cao chất lượng, các trường chuyên nên tổ chức đợt tuyển sinh bổ sung như mọi năm vẫn làm hoặc tổ chức kiểm tra để sàng lọc.
Bày tỏ sự đồng tình, ông Nguyễn Văn Ngai phân tích mỗi phương án đều có ưu điểm và hạn chế nhưng theo ông, nên chọn phương án 1 bởi vừa đơn giản vừa phản ánh tương đối sát, đúng trình độ, năng lực hiện tại của HS. Cụ thể, bài kiểm tra học kỳ của khối lớp 9 do Phòng GD&ĐT ra đề kiểm tra chung cho các trường THCS trên địa bàn mỗi quận/huyện đối với một số môn, trong đó có các môn ngữ văn, toán, ngoại ngữ và tổ chức chấm theo thang điểm chung nên sẽ chính xác hơn.
Phương án 2 có hạn chế điểm kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ của HS ở các lớp 6, 7, 8 đều do mỗi giáo viên ra đề, đánh giá (trừ kiểm tra học kỳ do từng trường ra đề, đánh giá theo thang điểm của trường). Việc ra đề, đánh giá này tùy thuộc vào quan điểm của từng trường, từng giáo viên mà có mức độ nặng tay, nhẹ tay với nhiều lý do khác nhau.
Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất chọn phương án 1 trong xét tuyển
Phương án này phù hợp với quá trình tập trung học tập các môn văn – toán – ngoại ngữ trong suốt năm học lớp 9, có sự tương đồng với các môn thi như kế hoạch thi lớp 10. Đề tuyển sinh các năm có kiến thức đều nằm trong chương trình lớp 9 nên việc lựa chọn điểm số lớp 9 để xét tuyển phản ánh đúng năng lực. Chọn điểm trung bình môn cả năm của môn đăng ký thi chuyên và có hệ số 2 trong điểm xét tuyển vì kết quả này phản ánh được sự đam mê của môn học thế mạnh. Tuy nhiên, nó có thể đánh giá không toàn diện khi chỉ dựa trên điểm số của ba môn và của năm lớp 9.
Còn phương án 2, ngoài các ưu điểm của bộ môn chuyên như phương án 1 thì việc chọn điểm trung bình môn cả năm lớp 6, 7, 8, 9 của môn văn – toán – ngoại ngữ có thế mạnh thể hiện được sự toàn diện. Tuy nhiên, do kiến thức thi tập trung chương trình lớp 9 nên các em HS không tập trung cao trong việc học tập ở các lớp 6, 7, 8. Do đó, điểm số khối này không phản ánh hết năng lực. Việc căn cứ điểm số bốn năm tạo tâm lý lo lắng, ảnh hưởng đến sự ổn định tuyển sinh.
Lớp 10 thường: Điểm xét tuyển = Tổng điểm trung bình môn cả năm lớp 6, 7, 8, 9 của môn văn – toán – ngoại ngữ điểm ưu tiên (nếu có).
Tuyển sinh lớp 10 tại TP HCM: Nên xét tuyển cả hệ chuyên
Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP HCM là rất khó thực hiện, do vậy nhiều ý kiến đồng tình giải pháp xét tuyển
Ngay khi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM trình UBND TP các phương án tuyển sinh lớp 10 và lớp 10 chuyên, ý kiến của nhiều chuyên gia, giáo viên (GV) và phụ huynh học sinh (HS) đều nghiêng về phương án xét tuyển toàn bộ lớp 10, kể cả lớp 10 chuyên.
Thi tuyển: Khó khả thi
Phân tích những thuận lợi và khó khăn cụ thể của từng phương án tuyển sinh, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM cho rằng đối với hình thức thi tuyển, thuận lợi là đã triển khai các năm trước đây, bảo đảm công bằng khi tổ chức thi. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của thi tuyển là hiện nay, diễn biến dịch tiềm ẩn nhiều phức tạp nên việc tập trung tổ chức tại 130 điểm thi lớp 10 THPT và 10 điểm thi chuyên sẽ tác động rất lớn đến tâm lý của phụ huynh, GV và cả việc chấm thi.
Khâu chấm thi tuyển sinh lớp 10 chuyên và tuyển sinh lớp 10 thường có thể kéo dài qua đầu tháng 9, ảnh hưởng đến thời gian năm học mới. Trong khi đó, đối với phương án chỉ thi tuyển lớp 10 chuyên và xét tuyển toàn bộ đối với lớp 10 thường thì cũng nảy sinh những ý kiến khác nhau. Thành phố chỉ có 10 hội đồng thi chuyên nên công tác tổ chức thi dễ dàng hơn. Nhưng cũng nảy sinh bất cập khi tâm lý HS so sánh giữa một bên được thi vào trường mong muốn với một bên chỉ xét tuyển.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Phú (quận 11, TP HCM) đến trường trước khi đợt dịch thứ 4 bùng phát Ảnh: TẤN THẠNH
Trong phương án xét tuyển lớp 10 thường, Sở GD-ĐT cũng đưa ra 4 phương án nhỏ để thực hiện xét tuyển. Trong đó, phương án 1, căn cứ trên tổng điểm trung bình cả năm 3 môn văn, toán, tiếng Anh của lớp 9 làm điểm xét vào các nguyện vọng 1, 2, 3 đã đăng ký của HS. Phương án 2: Căn cứ trên tổng điểm trung bình cả năm 3 môn văn, toán, tiếng Anh và điểm trung bình môn cả năm của lớp 9. Phương án 3: căn cứ trên tổng điểm trung bình môn cả năm 3 môn văn, toán, tiếng Anh của lớp 6, 7, 8, 9. Phương án 4: căn cứ trên tổng điểm trung bình môn cả năm của lớp 6, 7, 8, 9.
Theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), Sở GD-ĐT TP đã đề xuất xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho toàn bộ HS thi đợt 2 nhưng cũng không có nghĩa là lấy khoảng thời gian thi đợt 2 để chuẩn bị tổ chức thi lớp 10. "Sở đề xuất đặc cách , qua đó cũng có thể dự đoán những rủi ro nếu tổ chức một kỳ thi quy mô lớn trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay là khó khả thi" - ông Huỳnh Thanh Phú nói.
Xét tuyển cả hệ 10 chuyên và thường
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều nhà giáo, chuyên gia và HS cho rằng đến thời điểm hiện tại, có thể TP HCM tiếp tục thực hiện thêm Chỉ thị 16 tăng cường về giãn cách xã hội. Đặt giả thiết phải giãn cách thêm 15 ngày nữa thì đã vào gần giữa tháng 8. Việc tổ chức thi đối với lớp 10 chuyên và xét tuyển lớp 10 thường với điều kiện TP ở mức độ nguy cơ hoặc bình thường mới trong phòng chống dịch cũng có thể rất khó khăn. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng TP nên tổ chức xét tuyển lớp 10 toàn bộ.
Ông Huỳnh Thanh Phú nói thêm: Nếu đã tổ chức xét tuyển thì nên xét tuyển toàn bộ, không phân biệt hệ chuyên và thường. Đối với những trường chuyên và trường có lớp chuyên, có thể áp dụng thêm một hình thức xét như xét điểm trung bình của lớp 9 ở môn mà HS đăng ký thi chuyên. Về lâu dài, Sở GD-ĐT TP HCM có thể bắt đầu ngay từ năm học sắp tới cần chuẩn bị một phương án tuyển sinh dự phòng. Muốn vậy, việc kiểm tra học kỳ II ở lớp 9 phải do sở ra đề. Như vậy mới thúc đẩy quá trình dạy và học thực chất ở các trường THCS.
Ông Lâm Triều Nghi, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình), một trong những trường có lớp chuyên và điểm chuẩn lớp 10 thường nhiều năm cao nhất thành phố, cho rằng trong tình huống dịch bệnh, việc xét tuyển lớp 10 thường là hợp lý nhưng nên tổ chức thi đối với hệ chuyên. Theo ông Nghi, các phương án sở đưa ra đều được phân tích kỹ càng. Trong tình huống dịch bệnh, phương án nào cũng chỉ nên xác định ở điều kiện tương đối. Đòi hỏi tính tuyệt đối trong lúc này rất khó!
Trong khi đó, ông Trương Quốc Hưng, Hiệu trưởng Trường THCS Đức Trí (quận 1), cho rằng trong các phương án xét tuyển, ông nghiêng về phương án 2, là căn cứ trên tổng điểm trung bình cả năm 3 môn văn, toán, tiếng Anh và điểm trung bình bộ môn cuối năm của lớp 9 làm điểm xét các nguyện vọng 1, 2, 3 đã đăng ký của HS. Phương án này xét cả quá trình học tập ở bậc THCS của HS.
Hơn 83.000 thí sinh đăng ký dự thi
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay có 83.324 thí sinh dự thi vào lớp 10. Trong đó, có 75.854 thí sinh dự thi lớp 10 thường, 6.485 thí sinh dự thi lớp 10 chuyên và 985 thí sinh dự thi lớp 10 tích hợp. Để phục vụ cho kỳ thi, tổng số cán bộ, GV tham gia coi thi là 13.517 người. Tổng số cán bộ, GV, nhân viên tham gia chấm thi là 3.530 người. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh tại TP HCM, kỳ thi liên tục bị dời lại từ tháng 6 đến nay.
Chi tiết phương án thi hoặc xét tuyển lớp 10 ở TP.HCM Sở GD&ĐT TP.HCM vừa trình UBND TP các phương án tuyển sinh vào lớp 10 trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 ở thành phố diễn biến phức tạp. Đối với phương án thi tuyển: Phương án 1: Tổ chức thi vào lớp 10 thường và lớp 10 chuyên như các năm trước đây với điều kiện thành phố đảm bảo mức độ an...