TP Hồ Chí Minh linh hoạt trong tuyển sinh đầu cấp
Thời điểm này, hầu hết các quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh đều đã ban hành kế hoạch huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2021-2022.
Nghi thức đón chào học sinh lớp 1 tại Trường Tiểu học Phạm Văn Chính (Quận 9). Ảnh tư liệu.
Theo đó, công tác tuyển sinh lớp 1, lớp 6 và huy động trẻ 5 tuổi vào mầm non tại thành phố được thực hiện thông qua xét tuyển và phân tuyến học sinh theo địa bàn cư trú. Hình thức tuyển sinh trực tuyến được các quận, huyện phát huy nhằm tạo thuận lợi cho phụ huynh, nhất là trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Phát huy các kênh trực tuyến
Quận Gò Vấp vừa ban hành kế hoạch huy động trẻ đến trường và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2021-2022. Theo đó, công tác tuyển sinh ở các bậc học được thực hiện từ ngày 1/7. Cụ thể, học sinh có hộ khẩu thường trú tại quận Gò Vấp sẽ được phân tuyến vào các trường thuộc địa bàn phường đang cư trú hoặc phường liền kề. Học sinh đang tạm trú tại quận và có hộ khẩu thuộc tỉnh, thành phố khác được phân tuyến vào các trường do Ban Tuyển sinh quy định. Riêng tuyển sinh vào lớp 1, quận không nhận học sinh sớm tuổi, học sinh trái tuyến ngoài quận; còn tuyển sinh vào lớp 6, học sinh có hộ khẩu thường trú khác quận, tại Thành phố Hồ Chí Minh, đang tạm trú quận Gò Vấp sẽ được phân tuyến theo quy định của Ban Tuyển sinh quận.
Các khâu đăng ký tuyển sinh tại quận Gò Vấp đều được thực hiện trực tuyến qua phần mềm tuyển sinh. Theo đó, phụ huynh tại quận đăng ký thông tin học sinh qua phần mềm, trên cơ sở đó, quận thực hiện phân tuyến theo địa bàn học sinh cư trú. Khi có kết quả phân tuyến, phụ huynh đăng nhập vào phần mềm tuyển sinh để tra cứu kết quả và in giấy báo nhập học, phiếu kê khai thông tin. Sau đó, phụ huynh đến trường làm thủ tục nhập học cho trẻ theo thời gian quy định của từng bậc học, từng trường.
Ông Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp chia sẻ, trong bối cảnh toàn thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, công tác tuyển sinh cũng phải thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch. Việc công bố kế hoạch tuyển sinh trong thời điểm này nhằm giúp phụ huynh nắm danh sách phân tuyến học sinh để chủ động và yên tâm. Còn về mặt thời gian thực hiện, nếu cần thiết, quận sẽ tính toán điều chỉnh phù hợp với thực tế, trên tinh thần tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và đảm ảo an toàn phòng, chống dịch.
Video đang HOT
Theo ông Nguyễn Thanh Thủy, hầu hết các khâu trong công tác tuyển sinh đều được thực hiện trực tuyến, riêng khâu nộp hồ sơ nhập học, phụ huynh phải thực hiện trực tiếp tại trường do phải so dò thông tin với hồ sơ gốc. Do đó, sau khi ban hành kế hoạch tuyển sinh, Phòng đã họp trực tuyến với Hiệu trưởng các trường trên địa bàn để triển khai. Trong đó, đặc biệt lưu ý các trường phải xây dựng phương án phòng, chống dịch COVID-19 khi thực hiện công tác tuyển sinh. Các trường phải sắp xếp để tránh tình trạng người dân đến nộp hồ sơ quá đông như chia lịch nhận hồ sơ phù hợp, giải quyết thủ tục nhanh gọn…
Tại Quận 6, công tác tuyển sinh bậc mầm non và lớp 1 thực hiện từ ngày 1/7, lớp 6 từ ngày 15/6. Nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch, việc tiếp nhận hồ sơ trực tuyến cũng được áp dụng. Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 6 cho biết, phụ huynh có thể nhận đơn nhập học tại trường, tại phường hoặc in mẫu đã được các trường đăng tải trên trang web để hoàn tất các thủ tục. Riêng khâu nộp hồ sơ nhập học, trước mắt sẽ được thực hiện hoàn toàn trực tuyến để đảm bảo không tập trung đông người trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Căn cứ diễn biến dịch bệnh, quận sẽ có phương án tiếp theo để đối chiếu, so dò hồ sơ nhập học của học sinh. Đồng thời, năm nay quận không quy định ngày kết thúc nhận hồ sơ nhập học mà có thể nhận hồ sơ đến ngày khai giảng năm học mới. Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phụ huynh học sinh, nếu có khó khăn về điều kiện đi lại, hay ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh.
Năm nay, công tác tuyển sinh của Quận 8 cũng chủ yếu thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Cụ thể, các trường công khai danh sách học sinh được phân tuyến vào trường và thực hiện tuyển sinh qua phần mềm trực tuyến. Theo đó, mỗi học sinh có mã QR được in trên bảng thông báo tuyển sinh của các trường, phụ huynh quét mã này, khai báo các thông tin của học sinh và gửi đi. Nếu phụ huynh không thể thao tác trên phần mềm trực tuyến, có thể đến trường thực hiện hồ sơ nhập học trực tiếp.
Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, chỉ đạo về công tác tuyển sinh đầu cấp, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các hướng dẫn an toàn phòng, chống dịch COVID-19 khi tổ chức tuyển sinh. Trong đó, khuyến khích các quận, huyện ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh đầu cấp.
Nỗ lực tổ chức học 2 buổi/ngày
Năm học 2021-2022, quận Gò Vấp dự kiến có hơn 6.600 trẻ 5 tuổi vào học mầm non; hơn 8.700 học sinh vào lớp 1 và hơn 7.400 học sinh vào lớp 6. Cùng với đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh trên địa bàn, quận Gò Vấp phấn đấu 100% học sinh lớp 1, lớp 2 và khuyến khích học sinh lớp 6 được học 2 buổi/ngày để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời, quận cũng xây dựng kế hoạch những năm tiếp theo phấn đấu các lớp còn lại học 2 buổi/ngày.
Ông Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp chia sẻ, năm học 2020-2021, khối lớp 1 của quận đạt 74% học sinh học 2 buổi/ngày. Tỷ lệ này sẽ tiếp tục được duy trì khi học sinh lên lớp 2 vào năm học tới. Riêng lớp 1 năm học tới, quận sẽ cố gắng đạt 70% học sinh trở lên được học 2 buổi/ngày để thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Với lớp 6, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày hiện nay khá cao, trên 80%. Trong năm học tới, quận sẽ nỗ lực duy trì và tăng dần tỷ lệ này.
Còn tại Quận 6, dự kiến, năm học tới có khoảng 3.900 học sinh hoàn thành tiểu học vào lớp 6; khoảng 4.200 học sinh vào lớp 1. Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 6 cho biết, hiện tại quận đã có trên 90% học sinh các khối lớp được học 2 buổi/ngày. Trong đó, các lớp 1, lớp 2 và lớp 6 đạt 100% học sinh học 2 buổi/ngày, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Năm học 2021-2022, tại Quận 8 có hơn 3.700 trẻ 5 tuổi vào trường mầm non; 4.555 học sinh vào lớp 1; 3.953 học sinh vào lớp 6. Trong kế hoạch tuyển sinh các lớp đầu cấp, Quận 8 đảm bảo 100% học sinh lớp 1 và lớp 6 của quận sẽ học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục phổ thông 2018; duy trì căn cơ, bền vững công tác phổ cập giáo dục. Riêng bậc tiểu học, phấn đấu thực hiện sĩ số 35 học sinh/lớp, bậc trung học cơ sở phấn không quá 45 học sinh/lớp.
Trong Kế hoạch huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2021 – 2022, UBND Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý, công tác tuyển sinh phải đảm bảo 100% học sinh lớp 1, lớp 2 và lớp 6 được học 2 buổi/ngày, để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời, ngành Giáo dục thành phố xây dựng kế hoạch những năm tiếp theo cho các lớp còn lại được học 2 buổi/ngày; bậc tiểu học, phấn đấu thực hiện sĩ số lớp theo Điều lệ trường tiểu học là 35 học sinh/lớp.
Tuyển sinh đầu cấp: Hạn chế tình trạng trường nóng, trường ngóng học sinh
Từ chỗ "cấm" tuyển sinh trái tuyến ở một số trường được cho là tốp đầu, Đà Nẵng dần nới lỏng các quy định trong tuyển sinh đầu cấp.
Giờ học của HS lớp Một Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu, Đà Nẵng).
Trong đó, địa phương được trao quyền chủ động trong điều tiết HS giữa các trường theo hướng liên cư - liên địa. Giải pháp này bảo đảm 100% HS tiểu học đều được học 2 buổi/ngày.
"Siết" nơi này, "phình" nơi khác
Năm học 2020 - 2021, Trường Tiểu học Trần Cao Vân (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) "gánh" việc tuyển sinh lớp 1 cho 20 tổ dân phố vốn thuộc địa bàn tuyển sinh của Trường Tiểu học Điện Biên Phủ. Dự kiến, trong quy chế tuyển sinh đầu cấp năm học 2021 - 2022, Phòng GD&ĐT Thanh Khê sẽ tham mưu cho UBND quận thay đối một số chi tiết.
Ông Lại Tiến Hương - Trưởng phòng GD&ĐT cho biết: Sẽ áp dụng điều tiết địa bàn tuyển sinh và giao quyền cho Hội đồng tuyển sinh của các trường và địa phương. Như điều tiết số HS lớp Một tuyển mới cư trú tại các tổ dân phố lân cận sang học Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực thay vì học đúng tuyến ở Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm. Năm học 2020 - 2021, Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực tuyển mới lớp 1 không đủ so với chỉ tiêu được giao dựa trên số liệu điều tra phổ cập. Trường chỉ tuyển được 101 HS/105 chỉ tiêu, trong đó có 8 HS ngoại tuyến.
Trước đó, bắt đầu từ năm 2013, theo Nghị quyết số 53 của HĐND TP Đà Nẵng, Trường Tiểu học Trần Cao Vân cùng Trường Tiểu học Phù Đổng, Phan Thanh, Hoàng Văn Thụ, Trường THCS Trưng Vương (Q. Hải Châu), không được tuyển sinh đầu cấp và tiếp nhận chuyển trường trong năm học với HS trái tuyến và HS có hộ khẩu nhưng không thường trú tại địa bàn tuyển sinh của trường. Sau 5 năm thực hiện, đến năm 2018, chính sách này bộc lộ những bất cập như sĩ số HS của các trường này sụt giảm mạnh, số phòng học dôi dư, phải luân chuyển GV sang các trường khác...
HS lớp Một Trường Tiểu học Phù Đổng (quận Hải Châu, Đà Nẵng) tham gia lễ phát động chương trình Vì mái trường xanh.
Linh hoạt điều tiết học sinh
Ông Võ Trung Minh - Trưởng phòng GD&ĐT Sơn Trà (Đà Nẵng) cho biết: Qua rà soát để xây dựng kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của các trường tiểu học trên địa bàn quận cho thấy, số HS lớp 5 ra trường vào năm học 2020 - 2021 ít hơn số HS lớp Một tuyển mới của các trường. Trường Tiểu học Hai Bà Trưng những năm gần đây thường bị áp lực trong tuyển sinh lớp Một do dân số tăng cơ học nhanh.
Tuy nhiên, trên địa bàn phường Nại Hiên Đông còn có 2 trường tiểu học nữa là Tiểu La và Trường Tô Vĩnh Diện nên quận sẽ điều tiết HS theo hướng liên cơ liên địa để vẫn bảo đảm 100% HS được học 2 buổi/ngày. Riêng Trường Tiểu học Chi Lăng (phường An Hải Tây) luôn có quy mô HS ít dù địa bàn này chỉ có duy nhất một trường tiểu học. Điều này do đặc thù phường có nhiều hộ làm dịch vụ du lịch và chủ yếu cho thuê mặt bằng kinh doanh chứ gần như không sinh sống tại chỗ. Vì vậy, số lượng tuyển mới hàng năm của lớp 1 chỉ từ 130 - 150 HS.
Điều tiết theo hướng liên cư - liên địa, theo ông Võ Trung Minh, vừa không có tình trạng "trường nóng, trường ngóng thí sinh" vừa thuận tiện cho phụ huynh trong việc đưa đón con. "Nếu tuyển sinh đúng tuyến, sẽ có tình trạng phụ huynh sẽ phải di chuyển từ đầu phường đến cuối phường để đưa con đi học. Nhưng nếu chuyển trái tuyến sang phường bên cạnh thì trường ngay sát nhà. Như thế phụ huynh đỡ mất nhiều thời gian di chuyển. Nên về lâu dài, ngành GD nên tuyển sinh theo địa bàn tuyển sinh để thuận lợi cho học sinh đi học chứ không phải theo hộ khẩu cư trú.
Một giải pháp khác mà ngành GD-ĐT Đà Nẵng áp dụng trong việc giảm áp lực tuyển sinh cho các trường thuộc tốp đầu là dồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho các trường vùng ven và các trường thuộc diện khó tuyển sinh. Như Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận Hải Châu), vài năm gần đây, khi chuyển về địa điểm mới, được đầu tư phòng học khang trang, hiện đại thì đã không rơi vào tình trạng ngóng học sinh như nhiều năm trước đó...
TP.HCM chỉ thị về thi cử như thế nào trước diễn biến của dịch Covid-19? Ngày 14.5, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND TP.HCM đã ban hành chỉ thị đến các sở, ban ngành có liên quan để đảm bảo công tác tuyển sinh đầu cấp và thi tốt nghiệp THPT. Học sinh đang ôn thi vào lớp 10 - Đ.N.T Theo đó, trong khi dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp,...