Tổng thống Pháp nêu lý do phương Tây không thể cung cấp hệ thống kiểu Vòm Sắt cho Ukraine
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng Phương Tây không thể cung cấp cho Ukraine phiên bản hệ thống phòng không Vòm Sắt nổi tiếng của Israel vì nước này không có thời gian cũng như nguồn lực để thực hiện điều đó.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp báo khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh Hội đồng châu Âu tại trụ sở EU ở Brussels, hôm 18/4. Ảnh: AFP
Theo đài RT (Nga), phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc họp của Hội đồng châu Âu tại Brussels hôm 18/4, ông Macron đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc các nước phương Tây cung cấp cho Ukraine nhiều loại hệ thống phòng không khác nhau.
Tuy nhiên, khi được hỏi về khả năng xây dựng hệ thống phòng không kiểu Israel cho Ukraine, nhà lãnh đạo Pháp cho rằng điều này chưa thể xảy ra.
“Israel đã xây dựng và rót vốn cho hệ thống Vòm Sắt một thời gian dài trong nhiều thập kỷ. Không thể xây dựng hệ thống tương tự có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của Ukraine”, ông lập luận.
Video đang HOT
Vể khả năng sản xuất vũ khí cần thiết cho Kiev, nhà lãnh đạo Pháp giải thích rằng phương Tây muốn hỗ trợ Ukraine như một phần của nỗ lực liên minh chung, trong đó các nước chia sẻ trách nhiệm và bổ sung cho nhau.
Israel trong nhiều năm đã phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống phòng không Vòm Sắt toàn diện, được thiết kế để bắn hạ đạn pháo và tên lửa tầm ngắn của đối phương. Được phát triển với sự tài trợ của Mỹ, Vòm Sắt được biết đến là một trong những vũ khí hiệu quả nhất mà Israel sở hữu. Israel lần đầu triển khai loại vũ khí này vào năm 2011.
Cuối tuần qua, Iran đã tiến hành trả đũa nhằm đáp trả cuộc tấn công của Israel vào toà nhà lãnh sự của nước này ở Damascus, Syria, bằng cách sử dụng hàng trăm máy bay không người lái và tên lửa tầm xa. Tây Jerusalem tuyên bố lực lượng của họ đã bắn hạ 99% mục tiêu đang lao tới, với sự trợ giúp của Mỹ, Anh và Pháp.
Bình luận về cuộc tấn công này, Tổng thống Volodymyer Zelensky cho rằng các nước phương Tây có thể đưa ra biện pháp bảo vệ tương tự cho Ukraine, trong bối cảnh Moskva đang ồ ạt tấn công Kiev.
Tuy nhiên, nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đã bác bỏ khả năng này. Ông nhấn mạnh tình huống ở Israel và Ukraine là khác nhau, không thể so sánh được.
“Tên lửa và máy bay không người lái của Iran bay qua căn cứ không quân của Pháp, Mỹ, Anh và Jordan. Vì chúng bay qua căn cứ nên họ phải hành động tự vệ. Trên lãnh thổ Ukraine và những khu vực mà tên lửa Nga bay qua, không có căn cứ không quân nào của Anh, Mỹ hay thậm chí là Jordan. Vì vậy không thể đưa ra câu trả lời giống nhau, vì hoàn cảnh không giống nhau”, ông Borrell giải thích.
Pháp nhờ Trung Quốc hỗ trợ thúc đẩy 'thỏa thuận ngừng bắn Olympic' cho các cuộc xung đột
Tổng thống Macron có kế hoạch tìm kiếm một lệnh ngừng bắn nhân dịp Thế vận hội Olympic cho các cuộc xung đột lớn trên thế giới, bao gồm cả cuộc chiến ở Ukraine, và đang trông cậy vào sự giúp đỡ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong vấn đề này.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ ngày 22/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Hãng tin AP ngày 15/4 dẫn lời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông muốn "làm mọi thứ có thể để đạt được một thỏa thuận ngừng bắn Olympic" trong thời gian diễn ra Thế vận hội ở Paris, trong bối cảnh có nguy cơ xung đột leo thang ở Trung Đông, cuộc chiến Nga - Ukraine hiện đã bước sang năm thứ ba và Sudan đang phải hứng chịu một thảm họa quy mô lớn với nạn đói sau cuộc chiến kéo dài một năm.
"Chúng tôi muốn hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn Olympic và tôi nghĩ đây là cơ hội để tiếp xúc với nhiều đối tác của mình", Tổng thống Macron nói và cho biết thêm rằng ông sẽ đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham gia và sử dụng ảnh hưởng của nước này.
Ông Macron nêu rõ: "Chủ tịch Trung Quốc sẽ đến Paris trong vài tuần nữa và tôi sẽ nhờ ông ấy giúp đỡ. Đây là một khoảnh khắc ngoại giao vì hòa bình".
Thế vận hội Olympic tại Paris sẽ diễn ra từ ngày 26/7 đến ngày 11/8 tới và Pháp đang trong tình trạng cảnh giác an ninh cao trước sự kiện trên, vốn dự kiến sẽ thu hút hàng triệu du khách đến nước này.
Mối lo ngại về an ninh đặc biệt cao đối với lễ khai mạc đặc biệt, trong đó có thuyền chở các vận động viên dọc sông Seine trong cuộc diễu hành dài 6 km và đám đông khổng lồ theo dõi từ hai bên bờ sông.
Phát biểu với truyền thông Pháp, ông Macron cho biết lực lượng thực thi pháp luật của Pháp sẽ được huy động ở mức độ đặc biệt để đảm bảo an ninh cho sự kiện.
Để hạn chế rủi ro về an ninh, ông Macron cho biết ban tổ chức có thể quyết định rút ngắn hành trình của cuộc diễu hành trên sông Seine, và thậm chí "chuyển buổi lễ khai mạc về sân vận động Stade de France" để tổ chức một sự kiện khai mạc mang tính thông thường hơn.
Các nhà tổ chức ban đầu đã lên kế hoạch tổ chức một buổi lễ khai mạc hoành tráng cho khoảng 600.000 người, hầu hết đều xem miễn phí từ hai bên bờ sông. Nhưng những lo ngại về an ninh và hậu cần đã khiến chính phủ Pháp dần dần thu hẹp lại tham vọng của mình. Đầu năm nay, tổng số khán giả đăng kí tham dự đã giảm xuống còn khoảng 300.000.
Ngày càng nhiều nước NATO ủng hộ tuyên bố đưa quân tới Ukraine của Tổng thống Pháp Sau tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc đưa quân NATO tới Ukraine, ngày càng nhiều nước phương Tây bắt đầu thảo luận về vấn đề này, trong đó những quốc gia vùng Baltic và Phần Lan được cho là nhiệt tình nhất. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc họp báo chung...