Tổng thống Erdogan sẽ từ chức nếu Thổ Nhĩ Kỳ mua dầu của IS
Tổng thống Erdogan một lần nữa tuyên bố sẽ từ chức nếu việc Thổ Nhĩ Kỳ mua bán dầu với Nhà nước Hồi giáo (IS) được chứng minh.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters
“Tôi chắc chắn sẽ không làm tổng thống nữa, nếu chuyện Thổ Nhĩ Kỳ mua dầu của IS được chứng minh”, ông Erdogan phát biểu trước sóng truyền hình NTV hôm qua.
Theo Sputnik news, ông nói sẽ cảm thấy hổ thẹn “với tổ tiên và con cháu” nếu Thổ Nhĩ Kỳ mua dầu từ các phần tử khủng bố. Trước đó, hôm 1/12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ từng nói sẽ từ chức nếu có bằng chứng xác thực về việc Ankara mua dầu từ IS.
Nga nhiều lần cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ là bên kiếm lời chính trong việc mua bán dầu bất hợp pháp từ Syria và Iraq; cũng như cáo buộc Tổng thống Erdogan và gia đình có liên quan trực tiếp tới giao dịch dầu mỏ với IS.
Bộ Quốc phòng Nga từng đưa ra hình ảnh vệ tinh cho thấy IS vận chuyển 200.000 thùng dầu mỗi ngày bằng ít nhất 1.720 xe tải đến nước thứ ba, đa phần là đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Putin cáo buộc Ankara bắn hạ máy bay Su-24 của Nga để bảo vệ nguồn cung cấp dầu từ IS đến Thổ Nhĩ Kỳ, bên lề Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tổ chức tại Paris đầu tháng 12.
Đáp lại, Tổng thống Erdogan cáo buộc Tổng thống Putin “vu khống”.
Video đang HOT
“Chúng tôi mua dầu từ Nga, Iran, Azerbaijan, Qatar, và Nigeria. Chúng tôi sẽ không chấp nhận những lời vu khống như vậy”, ông Erdogan nói với các phóng viên ở Paris.
Hồng Hạnh
Theo VNE
Nga trưng bằng chứng tố Thổ Nhĩ Kỳ tại tổng hành dinh diệt IS
Báo chí và các nhà ngoại giao nước ngoài được mời đến Trung tâm Điều hành Quốc phòng chỉ huy mọi hoạt động quân sự của Nga trên toàn cầu để theo dõi bằng chứng "giới tinh hoa Thổ Nhĩ Kỳ" mua dầu từ IS.
Bên trong Trung tâm Điều hành Quốc phòng ở Moscow, Nga. Ảnh: Reuters
Theo Guardian, cuộc họp báo do Bộ Quốc phòng Nga tổ chức hôm qua ở Trung tâm Điều hành Quốc phòng (NCDC) là sự kiện lớn đầu tiên mời truyền thông nước ngoài tới dự trong thời gian gần đây.
Trong căn phòng rộng lớn, ngồi dưới màn hình chính hiển thị ảnh vệ tinh đường biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Anatoly Antonov cáo buộc Ankara mua dầu từ Nhà nước Hồi giáo (IS), và cáo buộc cá nhân Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nhúng tay vào "giao dịch tội phạm".
"Một đội hợp nhất những kẻ cướp và giới tinh hoa Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động trong khu vực đó để ăn cắp dầu từ nước láng giềng (Iraq và Syria)", ông Antonov nói. "Dầu đưa tới lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ với số lượng cực lớn, ở quy mô công nghiệp, thông qua đường ống dẫn dầu sống là hàng nghìn chiếc xe tải". Việc buôn bán này đem lại cho IS doanh thu hai tỷ USD mỗi năm.
Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan sau đó bác bỏ cáo buộc, nói rằng: "Không ai có quyền vu khống Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách nói Thổ Nhĩ Kỳ đang mua dầu của IS".
Bên cạnh cáo buộc mua dầu, Nga cũng giới thiệu NCDC - tổ hợp quốc phòng mới được xây dựng ở Frunze Naberezhnaya, gần sông Moscow và chỉ cách Quảng trường Đỏ khoảng ba km. Công trình hoàn thành tháng 12/2014, trị giá nhiều tỷ USD, mới ra mắt tháng trước khi truyền hình quốc gia Nga phát đi hình ảnh về Tổng thống Putin đứng theo dõi kết quả cuộc không kích chống khủng bố của quân đội Nga tại Syria.
Để vào được bên trong NCDC, phải thông qua cổng bảo vệ đầy lính vũ trang mặc áo chống đạn. Từng phương tiện qua lại bị kiểm tra kỹ lưỡng. Ngoài ra, còn có một bãi đỗ trực thăng trên bờ sông.
Căn phòng gây ấn tượng mạnh, với ba tầng ghế ngồi và ít nhất 100 quân nhân ngồi trước màn hình máy tính, cùng hàng chục màn hình lớn hiển thị bản đồ và đồ họa khác nhau. Ngoài ra, còn có một phòng họp bàn tròn tạo không khí gần gũi hơn nhưng cũng không kém phần hoành tráng, cũng như vài ba đài chỉ huy và một phòng họp báo.
Nga cho biết có ba đường dẫn dầu từ Iraq và Syria vào Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: RT
Truyền thông Nga liên tục có những lời lẽ gay gắt, truyền tải hình ảnh tiêu cực về Thổ Nhĩ Kỳ tới người dân trong nước, kể từ sau khi Ankara bắn hạ máy bay Su-24 vì cho rằng máy bay Nga xâm phạm không phận; trong khi Nga phủ nhận và tuyên bố Su-24 lúc đó hoạt động trong vùng trời Syria.
Hàng tá tùy viên quân sự nước ngoài đã tham dự sự kiện tổ chức ở NCDC. Đây được cho là buổi họp báo đầu tiên như vậy trong nhiều tháng. Tuy Mỹ và Anh cũng tổ chức, nhưng ở quy mô không đáng chú ý.
Khi được hỏi phải chăng cuộc họp này liên quan tới những căng thẳng gần đây giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ, Igor Konashenkov - phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga chỉ nói rằng cuộc họp được tổ chức vì có nhiều sự quan tâm đến chủ đề này, và được lên kế hoạch từ nhiều ngày trước. Nhiều hình ảnh vệ tinh được chụp từ tháng 8 và chưa từng được công bố.
Ông Antonov và những quan chức khác cho biết ít nhất 8.500 ôtô chở 200.000 tấn dầu từ khu vực IS kiểm soát ở Syria và Iraq được chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ mỗi ngày. Ở đó, dầu có thể được bán lại để sử dụng tại chỗ hoặc trung chuyển qua vùng khác.
Thứ trưởng Antonov cáo buộc, vai trò của ông Erdogan thể hiện qua việc con trai là chủ tịch một công ty năng lượng lớn. Ngoài ra, con rể của ông Erdogan là Berat Albayrak từng điều hành hãng năng lượng Calik Holding và được chỉ định làm Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 11.
Sergei Rudskoi, Chỉ huy Cơ quan chiến dịch Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nga cho biết các cuộc không kích của Nga nhằm vào IS đã làm giảm nguồn thu từ dầu của tổ chức này từ 3 triệu USD một ngày xuống 1,5 triệu USD. Ông Rudskoy nói thêm Moscow không thấy liên minh do Mỹ dẫn đầu không kích vào các xe chở dầu của IS.
Một tùy viên quân sự Đức giấu tên cho biết, bằng chứng dầu IS chảy vào Thổ Nhĩ Kỳ "không thực sự mới" nhưng thừa nhận không nhìn thấy những bằng chứng như thế "dưới hình thức này".
"Chúng tôi chưa có cơ hội kiểm tra lại việc đó vào lúc này, nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ kiểm tra", ông này nói.
NCDC nhìn từ trên cao. Đồ họa: Washington Post
Hồng Hạnh
Theo VNE
Nga tung bằng chứng Thổ Nhĩ Kỳ mua dầu của IS Bộ Quốc phòng Nga hôm 2.12 cho biết đã có bằng chứng cho thấy Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Recep Tayyip Erdogan đã trục lợi từ việc mua bán dầu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Bộ Quốc phòng Nga tổ chức họp báo hôm 2.12, cho biết đã có bằng chứng về việc Thổ Nhĩ Kỳ làm ăn trái...