Tiếp nhận trẻ từ 3 tháng tuổi vào trường mầm non là phù hợp
Bộ GD&ĐT đang tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung năm 2017. Trong đó có Điều 25 quy định: “ Trường mầm non, nhóm lớp mầm non độc lập là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ em từ 3 tháng – 6 tuổi”.
Ngành GD luôn nỗ lực đổi mới hoạt động nhằm đảm bảo quyền đến trường của trẻ mầm non
Rất nhiều những ý kiến đóng góp cho đề xuất trên, xoay quanh việc giữ độ tuổi tiếp nhận trẻ từ 3 tháng tuổi hay nâng lên mức từ 6 tháng tuổi. PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT) có những phân tích sâu hơn về vấn đề này.
Đảm bảo quyền được đến trường mầm non của trẻ
Trước các ý kiến đa chiều trong thời gian vừa qua, PGS.TS Nguyễn Bá Minh đã phân tích rõ hơn sự thuận lợi hay khó khăn của từng phương án cụ thể: Giữ nguyên hay nâng độ tuổi đến trường mầm non của trẻ.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, tại Điều 21, Luật Giáo dục hiện hành, quy định: “Giáo dục mầm non thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi”.
Do Khoản 1 Điều 157 của Bộ luật Lao động 2012, quy định “Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng”, nên có ý kiến cho rằng nên thay đổi quy định tại Luật Giáo dục theo hướng tăng độ tuổi trẻ mầm non đến trường từ 3 tháng lên 6 tháng.
PGS.TS Nguyễn Bá Minh cho biết, có thể chỉ ra một số nội dung phân tích liên quan đến hai phương án nâng tuổi đến trường của trẻ mầm non hay không nâng, như sau:
Nếu nhận trẻ từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi (nghĩa là không nâng tuổi đưa trẻ đến trường mầm non), sẽ vẫn có trường hợp trẻ mới 3 – 4 tháng tuổi, cha mẹ phải đi làm và không thuê được người giữ trẻ, việc giữ nguyên quy định để các cơ sở giáo dục mầm non có điều kiện có thể nhận trẻ đáp ứng nhu cầu của đối tượng này, dù đối tượng này rất ít. Việc giữ nguyên độ tuổi đến nhà trẻ (từ 3 tháng tuổi) là để không bỏ sót đối tượng.
Ngược lại, nếu nâng độ tuổi đưa trẻ tới trường mầm non từ 6 tháng tuổi đến 6 tuổi, chúng ta sẽ nhìn thấy ngay một sự hợp lý: Khoản 1 Điều 157 của Bộ luật Lao động 2012, quy định “Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng”, như thế bà mẹ có thể ở nhà 6 tháng để giữ con, đảm bảo trẻ được gần gũi mẹ, hết thời gian này, mẹ đi làm còn con tới trường mầm non.
Về chương trình giáo dục mầm non, vốn dĩ được xây dựng dành cho trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi; nghĩa là chương trình bảo đảm cho việc tiếp nhận và nuôi dạy trẻ từ 3 tháng tuổi trở đi, nên không có khó khăn gì về độ tuổi đến trường của trẻ, dù giữ ở độ tuổi 3 tháng đến 6 tuổi hay nâng lên 6 tháng đến 6 tuổi.
Đó là những mặt thuận lợi của việc giữ hay nâng độ tuổi đến trường mầm non của trẻ. Còn về những khó khăn thì giữ nguyên hay thay đổi cũng đều có những khó khăn nhất định.
Video đang HOT
Trước hết là về đội ngũ giáo viên. Giáo viên mầm non được đào tạo để nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ trong đó có yêu cầu phải thực hiện được chương trình giáo dục mầm non, tức là có năng lực để nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi.
Tuy nhiên, cơ sở thực hành chăm sóc trẻ từ 3 tháng đến 2 tuổi trên thực tế không có nên năng lực chăm sóc trẻ nhỏ từ 3 tháng đến 2 tuổi của giáo viên mầm non hiện nay rất hạn chế. Chưa kể đối với trẻ từ 3 tháng đến 1 tuổi, mỗi giáo viên đảm nhiệm 5 – 6 trẻ nên cần nhiều giáo viên, dẫn đến học phí cao. Như thế về mặt đội ngũ giáo viên, cả hai phương án giữ nguyên hay nâng tuổi đến trường của trẻ mầm non đều khó khăn như nhau.
Đối với cơ sở vật chất hiện có, cả hai phương án đều gặp những khó khăn cũng như thuận lợi tương tự nhau vì cơ sở vật chất dành cho độ tuổi trẻ nhỏ không tốn kém hơn cơ sở vật chất dành cho trẻ mẫu giáo.
Đã có giai đoạn nhà trẻ nhận trẻ từ 2 tháng tuổi
Trên đây PGS.TS Nguyễn Bá Minh đã phân tích một số nội dung liên quan đến hai phương án nâng tuổi đến trường của trẻ mầm non (nhận trẻ từ 6 tháng tuổi đến 6 tuổi) hay không nâng (nhận trẻ đến trường từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi). Hiện nay, có hai luồng ý kiến trái chiều nhau:
Luồng ý kiến thứ nhất, nếu chọn phương án nhận trẻ từ 3 tháng tuổi (giữ nguyên quy định hiện hành) thì ý kiến phản biện cho rằng thiếu thực tế, thiếu tính khả thi.
Luồng ý kiến thứ hai, nếu chọn phương án nhận trẻ từ 6 tháng tuổi thì ý kiến phản biện cho rằng bỏ sót đối tượng cần quan tâm, đặc biệt là đối tượng khó khăn.
Từ thực tiễn giáo dục mầm non hiện nay, với quan điểm cá nhân, PGS.TS Nguyễn Bá Minh đề xuất chọn phương án không thay đổi, bởi một số lý do sau:
Thứ nhất, Luật Giáo dục hiện hành quy định “Nhà trẻ, nhóm trẻ… nhận trẻ từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi” là quy định cho phép cơ sở giáo dục mầm non nhận trẻ từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi chứ không phải nghĩa vụ phải nhận (không phổ cập giáo dục);
Thứ hai, Luật không bỏ sót đối tượng cần quan tâm, đặc biệt là đối tượng khó khăn. Thực hiện được đến mức độ nào là phụ thuộc vào điều kiện, luật cần tạo điều kiện để ở đâu thực hiện được thì có thể thực hiện.
Thứ ba, trong thực tiễn có thời gian các nhà trẻ đã nhận trẻ từ 2 tháng tuổi để bố mẹ yên tâm công tác.
Ý kiến đề xuất là vậy, tuy nhiên PGS.TS Nguyễn Bá Minh cũng nhấn mạnh Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục lấy ý kiến để có phương án tốt nhất trong việc điều chỉnh quy định độ tuổi tiếp nhận trẻ tới trường mầm non, theo hướng thích hợp nhất với sự đồng thuận cao của xã hội.
Theo Giaoducthoidai.vn
Rà soát chặt chẽ khi đưa vào triển khai
Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung năm 2017. Trong đó có Điều 25 quy định: "Trường mầm non, nhóm lớp mầm non độc lập là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi". Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng ban Giáo dục xã hội - Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cho biết quan điểm của mình về vấn đề này trong cuộc trao đổi với báo GD&TĐ.
Công tác giáo dục và chăm sóc trẻ mầm non luôn được quan tâm từ các cấp, các ngành
Cần thực hiện thí điểm
Hiện nay Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đã rất quan tâm có những chính sách ưu việt đối với phụ nữ và bảo vệ trẻ em nên đã thống nhất chế độ thai sản cho phụ nữ từ 4 tháng lên 6 tháng. Quy định này đã đảm bảo tạo điều kiện cho trẻ em được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
Quy định này đã hỗ trợ cho các bà mẹ nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, có điều kiện chăm sóc con và nuôi con bằng sữa mẹ. Đảm bảo điều kiện chăm sóc và nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Tuy nhiên, trong thực tế có một số ít bà mẹ lao động tại các khu công nghiệp, chế xuất, doanh nghiệp hoặc phụ nữ ở khu vực nông thôn lại muốn đi làm sớm vì điều kiện kinh tế không cho phép họ nghỉ nhiều hoặc một lí do bất khả kháng nào đó.
Song, để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, Hội Phụ nữ luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các bà mẹ hiểu được quyền lợi của mình, quyền lợi của trẻ để yên tâm nghỉ ngơi trong 6 tháng.
Với những trường hợp bất khả kháng, người mẹ phải đi làm sớm thì nên khắc phục bằng cách vắt sữa mẹ trữ lại, sau đó gửi người chăm sóc (cô, bà, người giúp việc...) cho con ăn để con được đảm bảo quyền lợi chăm sóc, được bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời.
Hơn nữa khi đem con đi gửi sớm, các bà mẹ phải rất quan tâm và cân nhắc việc lựa chọn các nhóm lớp để đảm bảo an toàn cho con mình, bởi vì độ tuổi 3 tháng có nhiều nguy cơ nếu không được chăm sóc chu đáo.
Đối với những trường hợp như vậy nếu Nhà nước có cơ chế và quy định các trường MN, các nhóm lớp MN nhận trẻ từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi thì đó là điều mong muốn của nhiều người.
Khi đưa ra quy định này đề nghị ngành Giáo dục cần cân nhắc đến điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để đảm nhận trông trẻ từ 3 tháng tuổi. Do vậy cần thực hiện thí điểm hoặc theo lộ trình thực hiện ở những nơi có điều kiện (những thành phố lớn, khu công nghiệp, chế xuất).
Chỉ ý chí là chưa đủ
Hiện nay Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang thực hiện đề án "Hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020 (Đề án 404). Chúng tôi đã tuyên truyền cho các bà mẹ - những nữ công nhân lao động làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất có con dưới 36 tháng tuổi gửi con ở những nhóm trẻ do Hội Phụ nữ đứng ra chủ trì, tổ chức thực hiện, hoặc gửi ở những nhóm lớp đảm bảo đủ điều kiện an toàn cho trẻ.
Khi Trung ương Hội xây dựng Đề án 404, chúng tôi đã phối hợp với ngành Giáo dục khảo sát tình hình trông giữ trẻ dưới 36 tháng tuổi và thực tế cho thấy theo số liệu năm 2014 trẻ dưới 36 tháng tuổi đến lớp, đến trường MN công lập chỉ chiếm 22%, số cháu còn lại ở nhà với ông bà, anh chị, người giúp việc... hoặc đi đến các nhóm trẻ gia đình (nhóm trẻ độc lập tư thục). Trong số các nhóm trẻ ấy có những nhóm được cấp phép nhưng cũng có nhóm chưa được cấp phép hoặc không thể cấp phép.
Trong lĩnh vực giáo dục chúng ta cần thiết phải quan tâm chăm sóc phát triển toàn diện nhất là 1.000 ngày đầu đời quan trọng của trẻ để góp phần thực hiện chiến lược phát triển toàn diện nguồn nhân lực của đất nước. Trẻ cần được nuôi dưỡng, phát triển trong một môi trường giáo dục an toàn, chuẩn chỉnh từ dinh dưỡng đến phát triển trí lực, ngôn ngữ, nhân cách ngày từ khi còn nhỏ.
Hiện vẫn còn trên 70% trẻ dưới 36 tháng tuổi chưa được đến các nhóm lớp công lập đảm bảo đang là những vấn đề đặt ra trong công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em, rất quan tâm đến các bà mẹ, người phát triển nguồn nhân lực của đất nước đồng thời quan tâm đến công tác chăm sóc phát triển trẻ thơ toàn diện.
Tuy nhiên, chúng ta cũng nhìn thẳng vào thực tế cơ sở vật chất và các điều kiện khác của giáo dục mầm non mới chỉ đáp ứng được các lứa tuổi trên 36 tháng tuổi mà thôi. Còn lại chưa đáp ứng được cho các con ở lứa tuổi nhỏ dưới 36 tháng tuổi bởi còn liên quan đến nhiều vấn đề như quy định số cô/trẻ điều kiện nuôi, dạy... Điều này rất khó khăn cho các cơ sở giáo dục mầm non khi thực hiện có cả các lớp mầm non và nhà trẻ nhỏ từ 3 - 6 tháng tuổi.
Hiện nay, các trường cũng đã nhận các cháu dưới 36 tháng tuổi, nhưng chưa đáp ứng hết nhu cầu của cha mẹ học sinh. Tại các trường mầm non các thầy cô giáo cũng muốn nhận hết các con nhưng cơ sở vật chất chưa đáp ứng việc nhận trông giữ trẻ đặc biệt là độ tuổi của các cháu còn quá nhỏ. Vậy thì giữa cái muốn và cái thực tế chưa gặp được nhau.
Bởi vậy, phải có cơ chế chính sách cho các bà mẹ có con dưới 36 tháng tuổi; nâng cao đời sống của công nhân để họ có đủ điều kiện nghỉ 6 tháng để nuôi con, chăm con.
Với Đề án 404, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã làm thí điểm giai đoạn 1 tại 10 tỉnh thành có đông khu công nghiệp: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Cần Thơ, Đà Nẵng, TPHCM, Long An, Đồng Nai, Hà Nội... Với 283 nhóm trẻ được hỗ trợ/ kiện toàn/ phát triển (trong đó có 38 nhóm trẻ mới thành lập). Giai đoạn 2 chúng tôi phấn đấu thêm 10 tỉnh nữa.
Từ nay đến năm 2020 sẽ có 500 nhóm lớp trông giữ trẻ tư thục do Hội đứng ra hỗ trợ, kiện toàn. Mỗi tỉnh này chúng tôi chọn đều là những khu công nghiệp, chế xuất - nơi có ít nhất 5 khu công nghiệp, chế xuất trở lên. Các chị em rất yên tâm đem gửi con ở đây và giá cả cũng rất ưu đãi. Hơn nữa các nhóm lớp này cũng rất linh hoạt về thời gian trả trẻ. Công nhân nếu như cần làm ca kíp đi sớm về muộn thì các nhóm lớp này có thể trông ngoài giờ, các mẹ không phải xin nghỉ về sớm hay các ông chồng không phải nghỉ trông con nữa.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai
Theo Giaoducthoidai.vn
Ngành GDvàĐT Phú Thọ triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2017 - 2018 Ngày 18/1, Ngành GD&ĐT Phú Thọ tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết học kỳ I và triển khai nhiệm vụ học kỳ II, năm học 2017-2018 tại 14 điểm cầu thuộc 13 huyện thị, thành và khen thưởng cho các tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc trong học kỳ I. Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Minh Tường trao...