Tiếng chuông cảnh báo từ vụ học sinh nhảy lầu
Tôi nhiều lần nhận được tin nhắn của học trò vào lúc đêm muộn. Các em bày tỏ sự chán nản, mệt mỏi với cuộc sống, với chuyện học hành…
Đã vài ngày trôi qua, song vụ nam sinh một trường chuyên ở Hà Nội nhảy lầu tự tử đã khiến cho dư luận bàng hoàng.
Nguyên nhân khiến em chọn cách lìa bỏ cuộc đời được cho là do trầm cảm bởi áp lực học hành, thiếu sự thấu hiểu và sẻ chia từ cha mẹ.
Các bậc phụ huynh hãy thôi nghĩ về thành tích con em mình cần phải đạt được, mà hãy dành thời gian trò chuyện với các em nhiều hơn. Ảnh minh họa
Từ vụ việc này, nhiều người đã bày tỏ bức xúc, lên án các bậc phụ huynh đặt ra áp lực quá nặng nề lên học sinh.
Song, thiết nghĩ việc cộng đồng “nổi cơn thịnh nộ” với phụ huynh nam sinh xấu số kia cũng không giúp cải thiện được gì, bi kịch lớn lao mà họ đã phải gánh chịu là quá đủ rồi, không nên xoáy sâu vào nỗi đau của họ nữa. Cái mà chúng ta nên làm, là cùng bàn luận để những chuyện đau lòng như vừa rồi đừng tái diễn nữa.
Như chúng ta đã biết, lứa tuổi thanh thiếu niên được xem là giai đoạn phát triển phức tạp của mỗi con người. Ở độ tuổi này, các em sẽ có sự biến đổi lớn về tâm lý, sinh lý, hành vi, tính cách.
Đó cũng được xem là giai đoạn mà các em nhạy cảm, dễ tổn thương, thích thể hiện bản thân, có những suy nghĩ và quyết định bồng bột. Vấn đề là, người lớn cần làm gì để giúp các em tránh được những sai lầm nghiêm trọng ở độ tuổi này?
Video đang HOT
Tôi có dịp dạy và quan sát các em học sinh bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông hơn mười năm qua, tôi nhận thấy gần đây các em ngày càng có xu hướng ít nói chuyện với người lớn.
Ở trường, các em chỉ đùa vui, trò chuyện với bạn bè, hiếm khi giao tiếp với thầy cô. Về nhà, nhiều em ôm điện thoại, ôm máy tính suốt, nói chuyện với người nhà được vài câu trong bữa cơm rồi thôi.
Học sinh ở đô thị càng ít nói chuyện với người lớn hơn học sinh vùng nông thôn, bởi các gia đình ở đô thị có điều kiện, mỗi em được bố trí một không gian riêng (phòng riêng) để ở, sinh hoạt, học tập, nên sự tiếp xúc với các thành viên trong gia đình rất hạn chế.
Hơn nữa, các bậc phụ huynh ở đô thị cũng đa phần là cán bộ, công chức hoặc ít nhất cũng có công ăn việc làm, họ thường không có mặt ở nhà suốt ngày, chỉ sinh hoạt chung với gia đình một khoảng thời gian ngắn lúc chiều tối, do vậy mà ít có dịp trò chuyện với con cái.
Một điều lạ là, nhiều em học sinh bây giờ không thích nói chuyện với người lớn bởi các em cho rằng người lớn thường hay áp đặt suy nghĩ, ép các em phải thế này thế kia, nhưng lại không đưa ra những lý lẽ phù hợp.
Nhiều phụ huynh hoặc giáo viên khi tranh luận với các em mà bị đuối lý thì lấy tuổi tác, lấy cương vị, lấy đạo đức ra để bắt các em phải nghe theo.
Dần dần, các em không muốn tranh luận nữa, các em chọn cách im lặng để làm theo những gì người lớn sắp xếp, dù các em không phục. Khoảng cách giữa cha mẹ và con cái, giữa giáo viên và học sinh vì thế ngày càng bị đẩy ra xa hơn.
Đáng nói là, khi không thể trò chuyện, giãi bày tâm sự của mình với những người xung quanh, các em thiếu niên thường kiềm nén trong lòng, lâu ngày dẫn đến trầm cảm, và quyết định chọn cái chết của các em cũng nhẹ tênh, như một cơn gió.
Tôi nhiều lần nhận được tin nhắn của học trò vào lúc đêm muộn. Các em bày tỏ sự chán nản, mệt mỏi với cuộc sống, với chuyện học hành, với những thành tích mà cha mẹ bắt phải đạt được.
Không ít em đã nghĩ đến chuyện tự tử, vì cho rằng chỉ có chết đi mới không còn mệt mỏi, khổ đau nữa. Dĩ nhiên, đó chỉ là những suy nghĩ bồng bột nhất thời. Khi được tôi khuyên giải, các em thấy được giá trị của cuộc sống, kể cả giá trị của những áp lực, những thử thách, từ đó mà các em lạc quan hơn, sống tốt hơn.
Tôi muốn khẳng định, trong vô vàn cách thức để giúp một người vượt qua trầm cảm, thì giao tiếp (trò chuyện, tâm sự) được xem là cách tốt nhất.
Khi được giao tiếp, áp lực cũng như những nỗi buồn chán trong lòng ta sẽ vơi đi. Càng giao tiếp, càng sẻ chia, chúng ta sẽ vượt qua những cảm xúc tiêu cực, sẽ hạn chế được những ý nghĩ hay quyết định bồng bột.
Các bậc phụ huynh hãy thôi nghĩ về thành tích con em mình cần phải đạt được, mà hãy dành thời gian trò chuyện với các em nhiều hơn. Trò chuyện một cách cởi mở, bình đẳng, ấm áp chớ không nên áp đặt, bảo thủ, đay nghiến. Nhà trường cũng cần phải giảm áp lực về thành tích đối với học sinh.
Chúng ta phải mạnh dạn lượt bỏ những nội dung vô bổ trong chương trình hiện hành, thay vào đó là đẩy mạnh việc dạy các kỹ năng sống, tăng cường hoạt động ngoại khóa, giúp các em cân bằng giữa học và chơi.
Chỉ khi người lớn thay đổi tư duy và cách thức dạy bảo, cư xử với các bạn trẻ, lúc đó mới không còn những cái chết thương tâm như vụ nam sinh ở Hà Nội vừa rồi.
Đừng để phải ân hận
Câu chuyện một cháu bé lớp 6 ở Hà Nội nhảy lầu mới đây đặt ra nhiều vấn đề đáng suy nghĩ.
Ảnh minh họa/INT
Nguồn tin từ các báo cho biết, nguyên nhân dẫn đến cái chết thương tâm nói trên là do em cảm thấy không đáp lại kỳ vọng của bố mẹ.
Đó mới chỉ là giả thiết chứ nạn nhân không để lại bất cứ một dòng chữ tuyệt mệnh nào để nói về nguyên nhân dẫn đến điều đau buồn nói trên. Nhưng nếu giả thiết "vì điểm không tốt" là nguyên nhân thì chúng ta cũng nên mổ xẻ xung quanh câu chuyện này.
Điểm số là điều dĩ nhiên trong hệ thống giáo dục ở nhiều quốc gia. Nó là thước đo để đánh giá năng lực của mỗi học sinh, qua đó sẽ cổ vũ những em học giỏi, đồng thời rèn luyện thêm cho những học sinh chưa đạt yêu cầu.
Nếu chỉ vậy thôi thì sẽ không có những bi kịch mà chúng ta từng biết lâu nay. Học sinh "điểm kém" sẽ tìm đến những sự lựa chọn tiêu cực như một tất yếu nếu điểm số còn được mang ra để so bì hoặc khoe khoang, hoặc xem đó là thước đo duy nhất để đánh giá về năng lực của các em và thành tích của nhà trường.
Cha mẹ hay hỏi con "tại sao lại như thế?" khi con đạt điểm số không như mong muốn chứ hiếm khi hỏi con "thích học môn nào nhất?". Nếu con chỉ thích mỗi môn ấy thì hẳn sẽ không bao giờ đạt "học sinh giỏi", thậm chí có khi phải ở lại lớp nếu môn học ưa thích là... nhảy xa hoặc đá bóng chẳng hạn.
Trong suy nghĩ của nhiều phụ huynh, hễ con em được xếp loại học lực giỏi ắt sẽ thành đạt. Cứ thi đỗ đại học, mọi vinh quang sẽ đến với mình. Quan niệm tấm bằng đại học như là chiếc phao duy nhất để con cái khỏi chìm trong bể đời đã khiến nhiều bậc cha mẹ cay cú mỗi khi con mình thi trượt hoặc bị điểm kém.
Nhiều người ngoài miệng vẫn nói "tôi không gây áp lực cho con trong học tập" nhưng luôn khoe điểm 10 của con lên mạng xã hội, điều ấy còn hơn cả việc gây áp lực cho con. Chính vì vậy, nhiều em học vì cha mẹ chứ không phải học cho bản thân mình. Không bao giờ các em bộc lộ sở thích của mình nếu như điều đó làm cha mẹ em không hài lòng.
Được biết trong đội tuyển Việt Nam đang đá Cúp Đông Nam Á, có nhiều em từng thi đỗ vào các trường danh giá nhưng sẵn sàng từ bỏ để theo đuổi đam mê của mình với trái bóng tròn.
Chưa biết rồi mai đây, cái gọi là "sự nghiệp" của những cầu thủ ấy sẽ đi đến đâu, song chúng ta ngưỡng mộ họ vì dám bỏ qua những gì được gọi là "kỳ vọng" của cha mẹ để theo đuổi điều mình thích, đó là đá bóng.
Người hâm mộ sẽ không có những khoảnh khắc vỡ òa khi xem những cầu thủ này thi đấu nếu như những bạn ấy "vâng lời" cha mẹ theo học một trường chuyên nào đấy.
Điểm kém chưa hẳn đã là... kém, là sẽ không thành đạt trong tương lai. Và ngược lại, luôn luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi chưa hẳn sẽ là người thành danh mai sau. Có trăm nẻo để vào đời chứ không cứ gì phải điểm chín, điểm mười thì mới thuận buồm xuôi gió. Vì thế, không nên gây áp lực cho con về điểm số để rồi phải ân hận suốt đời.
"Chìa khóa" để mở cửa trường học, sớm đưa trẻ trở lại trường "Trường học sẽ mở cửa trở lại khi nào và như thế nào?" là vấn đề đang được đặt ra ở nhiều quốc gia, bởi không thể cứ đóng cửa trường học, để học sinh ở nhà và học trực tuyến mãi. Tại Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng trong bộ tiêu chí về trường học an toàn rất cần thêm tiêu...