Tiên phong triển khai sách giáo khoa mới
Theo kế hoạch, ngày 10-4, các sở giáo dục và đào tạo phải hoàn thành việc báo cáo danh mục lựa chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để giảng dạy từ năm học 2021-2022.
Tại Hà Nội, hiện các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã, các nhà trường đã, đang tích cực chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện dạy, học tốt nhất để đội ngũ giáo viên tiên phong đổi mới khi triển khai sách giáo khoa mới, bảo đảm chất lượng giáo dục.
Ngành Giáo dục Hà Nội chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện để việc giảng dạy của giáo viên đạt hiệu quả cao khi đổi mới sách giáo khoa. Trong ảnh : Một tiết học của học sinh lớp 6 Trường Trung học cơ sở Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Đỗ Tâm
Thực hiện đúng quy trình lựa chọn sách
Như Hànộimới đã thông tin, năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên học sinh lớp 2 và lớp 6 trên cả nước học sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thực hiện nhiệm vụ này, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị để bảo đảm các điều kiện dạy và học chất lượng cho hai khối lớp.
Ngày 10-3-2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, gồm: Phù hợp với đặc điểm kinh tế – xã hội của địa phương; phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông. Căn cứ vào hai tiêu chí này, các trường học đã tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận về từng cuốn sách, từ đó đề xuất lựa chọn danh mục sách phù hợp.
Video đang HOT
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh, 20 trường tiểu học và 28 trường trung học cơ sở trên địa bàn quận đã thực hiện đúng quy trình về việc lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26-8-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trên cơ sở danh mục sách giáo khoa mới lớp 2, lớp 6 do giáo viên các nhà trường đề xuất lựa chọn, Phòng đã tổng hợp, sắp xếp theo thứ tự sách giáo khoa có số trường đề xuất lựa chọn từ cao xuống thấp, báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để hội đồng lựa chọn sách của thành phố phê duyệt.
Công tác đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học theo sách giáo khoa mới cũng được các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã quan tâm. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu cho biết, qua rà soát, Phòng dự báo quy mô giáo dục năm học 2021-2022 có khoảng 5.000 học sinh lớp 2 và 4.200 học sinh lớp 6, nên đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho gần 600 giáo viên; tham mưu UBND huyện đầu tư kinh phí mua sắm theo danh mục thiết bị dạy học tối thiểu do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, với tổng kinh phí khoảng 57 tỷ đồng.
Chung một nhận thức về đổi mới
Xác định sứ mệnh, cũng là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện thành công việc đổi mới sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 trong năm học 2021-2022, đội ngũ giáo viên của các nhà trường trên địa bàn Hà Nội quyết tâm tiên phong đổi mới, bảo đảm chất lượng giáo dục.
Cô giáo Đặng Hoàng Hà, giáo viên lớp 2A1, Trường Tiểu học Giáp Bát (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu sách giáo khoa mới, tôi nhận rõ nhu cầu cấp thiết phải đổi mới về phương pháp dạy học, nhằm giúp học sinh tự học và dần hình thành các kỹ năng. Tôi đang cùng đồng nghiệp xây dựng kho học liệu dùng chung, thảo luận về việc đổi mới phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường lồng ghép các hoạt động trải nghiệm, thực hành để khắc phục lối học máy móc, thụ động của học sinh”.
Trong khi đó, cô giáo Lê Thị Thu Lý, giáo viên dạy ngữ văn và chủ nhiệm lớp 6A8, Trường Trung học cơ sở Mỗ Lao (quận Hà Đông) bày tỏ: “Tôi cùng các đồng nghiệp quyết tâm đổi mới cách thức tổ chức giờ dạy để hạn chế việc học thuộc lòng; chú trọng hơn việc khai thác, liên hệ nội dung bài học với các câu chuyện có thật về lòng nhân ái và những vấn đề gần gũi với cuộc sống hằng ngày để học sinh dễ thuộc, dễ nhớ và biết sống có trách nhiệm, giàu tình thương, nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức”.
Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm Hoàng Việt Cường, các nhà trường luôn hỗ trợ, tạo điều kiện về mọi mặt để giáo viên phát huy tối đa năng lực, nhiệt huyết. Sau khi có quyết định phê duyệt danh mục sách của thành phố, Phòng sẽ mời các chủ biên, tác giả sách giáo khoa tập huấn cho 100% giáo viên dự kiến dạy lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, Sở đã yêu cầu cán bộ quản lý các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã, các nhà trường cùng vào cuộc, chung sức với giáo viên về cả nhận thức và hành động trong việc đổi mới phương pháp giáo dục, đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá, quyết tâm khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, sĩ số học sinh/lớp ở một số nơi cao…
“Mỗi đơn vị cần có kế hoạch xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên bảo đảm ba yêu cầu: Số lượng, cơ cấu, chất lượng; tổ chức tập huấn cho 100% giáo viên dạy theo sách giáo khoa mới; thực hiện việc mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định”, ông Phạm Xuân Tiến lưu ý.
TP.HCM hướng dẫn chọn sách giáo khoa năm học 2021-2022
Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có hướng dẫn phòng GD-ĐT 24 quận, huyện, hiệu trưởng các cơ sở giáo dục phổ thông về chuẩn bị việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa (SGK) cho năm học 2021-2022.
Sở yêu cầu các đơn vị tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh nghiên cứu kỹ Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT (ngày 26/12/2018) của Bộ GD-ĐT về việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với chương trình tổng thể và chương trình các môn học.
Ngoài ra, trường học cần phổ biến các clip do Bộ GD-ĐT và các nhà xuất bản cung cấp, thông tư 25 của Bộ GD-ĐT quy định việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông, các văn bản liên quan, tiêu chí lựa chọn SGK của UBND TP cũng như SGK lớp 1, 2 và 6 đã được các nhà xuất bản cung cấp theo danh mục Bộ GD-ĐT phê duyệt hoặc bản mẫu SGK được đăng tải trên trang thông tin của các nhà xuất bản để lấy ý kiến giáo viên.
Sau khi nghiên cứu các nội dung trên, cán bộ quản lý, giáo viên, đại diện cha mẹ học sinh chuẩn bị ý kiến để tham gia thảo luận trong cuộc họp tổ chuyên môn và cuộc họp lựa chọn SGK của trường.
Điều chỉnh, bổ sung danh mục SGK lớp 1
Riêng với việc điều chỉnh, bổ sung danh mục SGK lớp 1, Sở GD-ĐT TP.HCM chỉ đạo Phòng GD-ĐT các quận, huyện báo cáo tổng hợp các kiến nghị điều chỉnh, bổ sung (nếu có).
Các cơ sở giáo dục phổ thông có nhiệm vụ tổng hợp các kiến nghị của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và gửi ý kiến bằng văn bản về phòng GD-ĐT, chậm nhất ngày 15/1/2021.
Theo đó, việc điều chỉnh, bổ sung danh mục SGK lớp 1 được thực hiện như việc đề xuất lựa chọn SGK, gồm 3 bước:
Bước 1: Tổ chuyên môn cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận và đánh giá các SGK của môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn SGK, bỏ phiếu kín lựa chọn ít nhất 1 SGK cho mỗi môn học, báo cáo người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục SGK.
Bước 2: Cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức họp với người đứng đầu, cấp phó, tổ trưởng tổ chuyên môn và đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh để thảo luận, đánh giá SGK trên cơ sở danh mục SGK do các tổ chuyên môn đề xuất, lựa chọn 1 SGK cho mỗi môn học, báo cáo về phòng GD-ĐT quận, huyện danh mục SGK do cơ sở GD phổ thông đề xuất lựa chọn.
Bước 3: Phòng GD-ĐT quận, huyện tổng hợp, báo cáo Sở GD-ĐT danh mục SGK được các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý đề xuất lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp.
Ngoài ra, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng lưu ý, phòng GD-ĐT quận, huyện tham mưu cho UBND quận, huyện về kinh phí, cơ sở vật chất để các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý tổ chức đề xuất lựa chọn SGK, trong đó có tính đến kinh phí cho SGK dự phòng và sách dùng chung ở thư viện.
Thay SGK lớp 2 và lớp 6 ở Thanh Hóa: Phụ huynh lo không giúp được con học Trước việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 2 và lớp 6 cho năm học mới, nhiều phụ huynh học sinh ở Thanh Hóa vẫn tỏ ra băn khoăn, lo lắng. Sở GD&ĐT Thanh Hóa khẳng định, việc lựa chọn SGK lớp 2 và lớp 6 cho năm học 2021-2022 đang diễn ra đúng tiến độ. Sau khi Bộ GD&ĐT phê duyệt...