Tiêm kích Trung Quốc bị cáo buộc gây nguy hiểm cho trực thăng quân sự Australia
Australia cáo buộc tiêm kích Trung Quốc gây nguy hiểm cho một trực thăng quân sự của nước này ở Hoàng Hải bằng cách thả pháo sáng.
Theo hãng tin Reuters, hôm nay (7/5), Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết, nhân viên quốc phòng Australia đã gặp nguy hiểm trên không phận quốc tế do hành động của quân đội Trung Quốc, trong lúc phía Australia tham gia hoạt động thực thi các lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc (LHQ) đối với Triều Tiên.
Thủ tướng Albanese cho hay, Trung Quốc vẫn chưa công khai phản hồi những tuyên bố của Australia về vụ việc.
Tiêm kích J-10 của Trung Quốc. Ảnh: National Interest
“Về vấn đề này, chúng tôi đã công khai để có thể lên tiếng rất rõ ràng, và dứt khoát rằng hành vi như này là không thể chấp nhận được”, ông Albanese nói.
Các nhân viên quốc phòng của Australia đã “ở trong vùng biển quốc tế, không phận quốc tế, và họ đang làm việc để đảm bảo các biện pháp trừng phạt mà thế giới áp đặt thông qua LHQ đối với Triều Tiên được thực thi. Lẽ ra họ không phải gặp bất kỳ rủi ro nào”, Thủ tướng Australia nhấn mạnh.
Video đang HOT
Cũng theo ông, phía Australia mong chờ một lời giải thích từ Trung Quốc về vụ việc.
Hiện Trung Quốc chưa lên tiếng bình luận về thông tin trên.
Trước đó, hôm 6/5, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles cho hay tiêm kích J-10 của Không quân Trung Quốc đã thả pháo sáng phía trên, cách vài trăm mét phía trước trực thăng MH60R Seahawk của Australia. Sự việc xảy ra khi trực thăng Australia đang thực hiện chuyến bay thường lệ trong chiến dịch nhằm thực thi các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên ở Hoàng Hải vào ngày 4/5.
Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Australia cho biết chiếc trực thăng cất cánh từ tàu khu trục HMAS Hobart đã tránh được pháo sáng mà phía tiêm kích Trung Quốc thả. Bộ Quốc phòng Australia nhấn mạnh, cuộc đối đầu khiến trực thăng, và những người có mặt trên trực thăng gặp nguy hiểm, và may mắn không có ai bị thương.
Đây là vụ việc thứ 2 trong vòng 6 tháng qua, giữa lúc Trung Quốc và Australia chọn cách xích lại gần nhau sau nhiều năm quan hệ căng thẳng, và tranh chấp thương mại.
Vào tháng 11/2023, Australia cho biết một tàu hải quân Trung Quốc đã làm bị thương một số thợ lặn của nước này ở vùng biển Nhật Bản khi sử dụng sóng sonar dưới nước. Trung Quốc đã phủ nhận sử dụng sóng sonar, nhưng Australia không chấp nhận lời giải thích.
Australia với tham vọng mới trong đầu tư quốc phòng
Tài liệu dài 80 trang được Bộ Quốc phòng Australia công bố ngày 17/4 phản ánh đánh giá kém lạc quan về tình hình an ninh khu vực, song đưa ra cách tiếp cận mới của Australia trong lĩnh vực quốc phòng, bao gồm việc tăng mạnh chi tiêu để trang bị cho quân đội nước này.
Nỗ lực tăng cường bảo vệ quốc gia
Trình bày Chiến lược Quốc phòng Quốc gia năm 2024 của Australia hôm 17/4, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles nhấn mạnh rằng những đánh giá lạc quan về tình hình an ninh khu vực và thế giới, vốn là cơ sở cho chiến lược quốc phòng sau khi chiến tranh lạnh kết thúc "đã chấm dứt từ lâu". Theo ông Marles, chiến lược quốc phòng mới đặt ra một cách tiếp cận rõ ràng và có định hướng ưu tiên để bảo vệ lợi ích của Australia khỏi các mối đe dọa.
"Những cải cách mang tính chuyển đổi được thiết kế để đảm bảo hòa bình, an ninh và thịnh vượng được duy trì trong khu vực của chúng ta", ông bày tỏ. Bộ trưởng Quốc phòng Australia cũng khẳng định chính phủ nước này "đang thực hiện khoản đầu tư mang tính lịch sử" vào quốc phòng và đã đưa ra những quyết định cứng rắn nhằm định hình lại lực lượng phòng vệ quốc gia, giúp nhằm đáp ứng bối cảnh chiến lược và bảo vệ an toàn cho người dân Australia.
Thông tin về chiến lược quốc phòng quốc gia được đăng tải trên website chính thức của Bộ trưởng Quốc phòng Australia cũng nêu rõ, Australia đang phải đối mặt với môi trường chiến lược phức tạp và thách thức nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2, đòi hỏi một cách tiếp cận tổng hợp, từ chính phủ đến người dân ở quy mô toàn quốc.
Với chiến lược mới này, ông Marles nhấn mạnh, thay vì chú trọng vào duy trì quân đội có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ gần như mọi nơi trên thế giới, Lực lượng Phòng vệ Australia (ADF) sẽ chuyển sang mô hình của một lực lượng tập trung có khả năng bảo vệ đất nước và khu vực lân cận, ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào của đối thủ tiềm tàng nhằm triển khai sức mạnh chống lại Canberra, bảo vệ kết nối kinh tế giữa Australia với khu vực và thế giới, và cùng với các đối tác bảo vệ an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như duy trì trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ.
Binh sĩ Australia tham gia một cuộc tập trận chung. Ảnh: AMD.
Khoản đầu tư mang tính lịch sử
Với chiến lược mới được công bố, chính phủ của Thủ tướng Albanese dự kiến tăng chi tiêu quốc phòng thêm 5,7 tỷ AUD trong 4 năm tới và 50,3 tỷ AUD (tương đương 32 tỷ USD) trong một thập kỷ tới nhằm đảm bảo quân đội có thể triển khai sức mạnh tấn công các mục tiêu tầm xa. Theo chiến lược mới được công bố, chi tiêu quốc phòng trong đó phần lớn là dành cho ADF sẽ dần đạt mức 2,4% GDP vào năm 2034 từ mức 2,04% GDP hiện tại.
Trong đó, hơn 40%, tương đương 145 tỷ AUD, được dành cho hải quân. Điều này có liên quan tới trọng tâm của chiến lược quốc phòng mới với kế hoạch tăng cường hạm đội quy mô lớn tác chiến mặt nước, chương trình tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân thông qua thỏa thuận Hiệp ước Đối tác an ninh ba bên (AUKUS) và các ưu tiên khác như thiết bị không người lái dưới nước Ghost Shark. "Việc sở hữu lực lượng Hải quân có năng lực nhất trong lịch sử sẽ là trọng tâm trong kế hoạch và chiến lược mới của chúng tôi. Chiến lược này nhằm khiến bất kỳ cuộc tấn công nào chống lại lợi ích của Australia trở nên cực kỳ tốn kém và rủi ro", ông Marles khẳng định.
Trước đó, trong bản Đánh giá Chiến lược quốc phòng mới được công bố vào năm ngoái, chính phủ của Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã xác định 6 lĩnh vực cần ưu tiên thực hiện ngay trước mắt, gồm mua sắm tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân phát triển năng lực của Lực lượng quốc phòng Australia (ADF) tăng cường năng lực tấn công các mục tiêu tầm xa; cải thiện khả năng triển khai của ADF từ các căn cứ ở Vùng lãnh thổ Bắc Australia; sáng kiến nhằm phát huy và "giữ chân" lực lượng nhân sự tay nghề cao cho lực lượng quốc phòng; hợp tác chặt chẽ với các ngành công nghiệp Australia nhằm nâng cao năng lực chuyển đổi nhanh chóng các công nghệ đột phá mới thành năng lực của ADF; làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác ngoại giao và quốc phòng với các đối tác quan trọng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Đáng chú ý, với chiến lược quốc phòng mới được thông qua, chính phủ Australia sẽ dành 74 tỷ AUD cho các chương trình liên quan đến tên lửa. Theo bản đánh giá được công bố năm ngoái, tên lửa tầm xa mới sẽ được trang bị cho lực lượng không quân và lục quân, các chương trình phòng thủ tên lửa và sản xuất vũ khí dẫn đường trong nước. Bên cạnh đó, các căn cứ quân sự trên khắp miền Bắc Australia, nơi thủy quân lục chiến Mỹ đóng quân trong nhiều tháng huấn luyện và tập trận mỗi năm, sẽ được phân bổ tới 18 tỷ AUD để nâng cấp.
Bên cạnh đó, chiến lược quốc phòng mới đã đề ra nhiều chính sách để nâng cao năng lực đội ngũ ADF, bao gồm tuyển dụng, duy trì và phát triển lực lượng nhằm đáp ứng các mục tiêu quốc phòng đã đề ra. Đồng thời, chiến lược quốc phòng của Australia 2024 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng với các đối tác Mỹ, Anh và các đối tác ở Đông Nam Á, Thái Bình Dương và Bắc Á để đảm bảo duy trì kết nối kinh tế và định hình khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Theo Bộ Quốc Australia, chiến lược mới sẽ được cập nhật hai năm một lần nhằm đảm bảo chính sách, chiến lược, năng lực và quy hoạch quốc phòng phù hợp và theo kịp với môi trường chiến lược.
Trung Quốc dỡ bỏ thuế quan với rượu vang Australia Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 28/3 cho biết Trung Quốc sẽ dỡ bỏ thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với rượu vang Australia từ ngày 29/3, chấm dứt ba năm áp dụng thuế trừng phạt. Động thái trên đã chấm dứt mức thuế cao được áp dụng sau 3 năm lên các nhà sản xuất rượu vang Australia,...