Thủ tướng Australia lên tiếng vụ tàu chiến Trung Quốc làm thợ lặn bị thương
Thủ tướng Anthony Albanese cho biết tàu chiến Trung Quốc đã hành động nguy hiểm và thiếu chuyên nghiệp khi va chạm với tàu hải quân Australia, khiến 1 thợ lặn bị thương.
Trong cuộc phỏng vấn vào hôm nay (20/11) với Sky News Australia, Thủ tướng Albanese đã lần đầu tiên lên tiếng về vụ việc. Ông khẳng định sự việc cho thấy mức độ cần thiết của “hàng rào liên lạc” giữa quân đội Trung Quốc và Australia.
“Điều này thật nguy hiểm, không an toàn và thiếu chuyên nghiệp từ phía tàu chiến Trung Quốc”, ông Albanese nói.
Tàu khu trục tầm xa HMAS Toowoomba của Hải quân Hoàng gia Australia. Ảnh: Reuters
Theo ông Albanese, vụ việc được đưa ra thông qua “tất cả các kênh bình thường”. Tuy nhiên, Thủ tướng Australia không tiết lộ ông có nhắc tới vấn đề này trong cuộc gặp riêng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở San Francisco, Mỹ vào tuần trước hay không.
“Hậu quả của những vụ việc như này là gây tổn hại cho mối quan hệ giữa 2 nước. Đây chắc chắn là một sự kiện gây tổn thương quan hệ. Và chúng tôi đã nói rất rõ điều này với Trung Quốc”, Thủ tướng Albanese cho hay.
Video đang HOT
Hôm 18/11, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles tuyên bố sự cố va chạm xảy ra vào ngày 14/11, khi các thợ lặn Australia đang ở dưới nước để gỡ lưới đánh cá mắc vào chân vịt tàu khu trục tầm xa HMAS Toowoomba trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Theo ông Marles, một tàu khu trục của Hải quân Trung Quốc đã tiến về phía HMAS Toowoomba, bất chấp tàu Australia đã ra thông báo cho tàu Trung Quốc về hoạt động của các thợ lặn. Ngoài ra, tàu Trung Quốc bị phát hiện vận hành thiết bị sonar gắn trên thân tàu theo cách gây nguy hiểm cho sự an toàn của các thợ lặn Australia.
Cũng theo Bộ trưởng Quốc phòng Australia, đánh giá y tế cho thấy các thợ lặn Australia bị thương nhẹ có thể là do sóng siêu âm từ tàu khu trục Trung Quốc.
Hiện đại sứ quán Trung Quốc ở Australia chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
Sự việc xảy ra sau chuyến thăm tới Trung Quốc vào đầu tháng này của Thủ tướng Albanese. Đây là chuyến thăm Bắc Kinh lần đầu tiên trong 7 năm của lãnh đạo Australia. Hai bên đã đồng ý khởi động lại đối thoại giữa các nhà lãnh đạo hàng năm.
Chuyến công du nhằm cải thiện quan hệ song phương
Ngày 4/11, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã tới Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 3 ngày.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Australia tới Trung Quốc, kể từ năm 2016 và được đánh giá là "bước đi rất tích cực" trong nỗ lực cải thiện quan hệ song phương.
Chuyến thăm của Thủ tướng Anthony Albanese tới Trung Quốc mang ý nghĩa biểu tượng khi diễn ra đúng 50 năm sau chuyến thăm lịch sử của cựu Thủ tướng Australia Whitlam tới Trung Quốc vào năm 1973. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương phát triển thuận lợi, nhiều mặt hàng chủ lực của Australia đã được Trung Quốc nhập khẩu trở lại trong đó có than đá, gỗ tròn và lúa mạch, và riêng lúa mạch có giá trị xuất khẩu 900 triệu AUD/năm sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời, Australia cũng đang hy vọng, rượu vang đỏ, với giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,2 tỷ AUD/năm cũng sẽ nhanh chóng được gỡ bỏ mức thuế cao để có thể thuận lợi tiếp cận thị trường nước này.
Thủ tướng Anthony Albanese và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: News.com.au
Mặc dù quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đang được cải thiện song thực tế này không khiến Australia che lấp các khác biệt đang tồn tại giữa hai bên. Thủ tướng Anthony Albanese nhắc lại quan điểm của Australia về việc nước này sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc trong những lĩnh vực có chung quan điểm trong lúc duy trì bất đồng trong những vấn đề còn khác biệt. Ông nhấn mạnh, điều quan trọng là cả hai đều cởi mở, trung thực và thảo luận về những khác biệt này.
Trong 4 ngày ở thăm Trung Quốc, Thủ tướng Anthony Albanese sẽ tham dự Lễ khai mạc Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE) tại TP Thượng Hải vào ngày 5/11, gặp Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình vào ngày 6/11 và gặp Thủ tướng Lý Cường ngày 7/11. Tại Thượng Hải, ngoài tham dự Lễ khai mạc CIIE, nhà lãnh đạo Australia cũng có cuộc gặp gỡ một phái đoàn doanh nghiệp lớn tại đây. Hơn 250 công ty Australia sẽ trưng bày tại hội chợ này. Chủ tịch Ủy ban tham gia toàn cầu của Hội đồng Kinh doanh Australia Warwick Smith cho hay, Thủ tướng Anthony Albanese sẽ nêu bật thương mại như điểm tựa để ổn định mối quan hệ trong chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Australia tới Trung Quốc sau 7 năm.
Cụ thể, ông sẽ nêu bật tính chất bổ sung của thương mại song phương Australia - Trung Quốc trong bài phát biểu ngày 5/11 trước 500 doanh nhân. "Điều quan trọng là đối thoại đã được nối lại", ông Warwick Smith nói. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Australia - Trung Quốc David Olsson chia sẻ, thương mại như mỏ neo mang lại sự ổn định và chắc chắn cho quan hệ. "Việc Thủ tướng tham dự CIIE và tín hiệu mà động thái này gửi tới cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc có thể sẽ tạo ra thái độ tích cực hơn về Australia với tư cách là đối tác thương mại", ông Olsson nhấn mạnh.
Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân, Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Canberra và coi chuyến thăm của Thủ tướng Anthony Albanese là cơ hội để mở rộng hợp tác và thúc đẩy quan hệ. "Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ gặp Thủ tướng Anthony Albanese để trao đổi quan điểm về quan hệ song phương cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Trung Quốc và Australia là những đối tác chiến lược toàn diện với những lợi ích chung sâu rộng và triển vọng hợp tác rộng lớn. Mối quan hệ Trung Quốc - Australia là vì lợi ích cơ bản của hai nước và nhân dân hai nước, đồng thời có lợi cho hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới", ông Uông Văn Bân nhấn mạnh.
Đối với Trung Quốc, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Australia mang đến cơ hội giúp nước này tiếp cận nhiều hơn với các nguồn tài nguyên và lĩnh vực năng lượng tái tạo của Australia. Bắc Kinh cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của Australia để đẩy nhanh tiến trình gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đại sứ Trung Quốc tại Australia Xiao Qian cho hay, quan hệ Trung Quốc - Australia đang ở thời điểm quan trọng để tái thúc đẩy. Ông kêu gọi hai nước hợp tác nhiều hơn trong "các lĩnh vực truyền thống như năng lượng, khai thác mỏ, nông nghiệp, giáo dục và du lịch".
Sau khi căng thẳng gia tăng từ năm 2016, Trung Quốc và Australia đã áp đặt nhiều hình thức trừng phạt thương mại nhằm vào nhau. Theo ước tính, các nhà xuất khẩu Australia thiệt hại tới 13 tỷ USD/năm đối với các mặt hàng bao gồm than đá, rượu vang, thịt bò, lúa mạch và tôm hùm. Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, với thương mại song phương vào năm 2022 đạt 287 tỷ USD, chiếm 28% tổng ngoại thương của Australia.
Thêm vào đó, Trung Quốc đã nhập khẩu 65% trong số 1,1 tỷ tấn quặng sắt cần thiết vào từ Australia năm 2022. Ông Jude Blanchette, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, Mỹ - cho hay, Australia đang nỗ lực tìm kiếm sự cân bằng phù hợp giữa các mối quan ngại về an ninh và nhu cầu có một khu vực hòa bình cũng như quan hệ kinh tế hiệu quả với Trung Quốc.
Gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng ở Thái Bình Dương
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Lowy về hoạt động viện trợ cho các nước Thái Bình Dương, Australia và Trung Quốc đang cạnh tranh ảnh hưởng thông qua các chương trình viện trợ cung cấp cho khu vực. Theo báo cáo, trong giai đoạn 2008-2021, Australia đang là nhà tài trợ lớn nhất khu vực với số vốn viện trợ cung cấp lên đến 17 tỷ USD, chiếm khoảng 40% nguồn vốn viện trợ mà các đối tác cung cấp cho khu vực. Đứng thứ hai là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với số vốn tài trợ lên đến 4,1 tỷ USD và đứng thứ ba là Trung Quốc với số vốn tài trợ đạt khoảng 3,9 tỷ USD, tiếp sau đó là Nhật Bản với số vốn tài trợ lên đến 3,5 tỷ USD và New Zealand đứng thứ 5 với 3,2 tỷ USD. Trong đó đáng chú ý, nghiên cứu cho thấy sự cạnh tranh giữa Australia và Trung Quốc thể hiện qua việc thay đổi xu hướng cung cấp viện trợ cho khu vực.
Trong giai đoạn COVID-19 bùng phát mạnh vào năm 2021, Trung Quốc hạ mức viện trợ cho khu vực xuống mức thấp kỷ lục, chỉ còn 241 triệu USD/năm. Mặc dù vậy, báo cáo của Viện Lowy khẳng định ảnh hưởng của Trung Quốc ở trong khu vực vẫn rất đáng kể. Trong lúc thu hẹp về quy mô dự án, Trung Quốc cũng tập trung tài trợ các lĩnh vực đáp ứng mục đích chính trị và tập trung vào một số nước có quan hệ chính trị tốt. Với các quốc gia như Quần đảo Cook, Samoa, Tonga, Vanuatu, Trung Quốc tài trợ 1/5 số vốn viện trợ phát triển mà các nước này nhận được từ các đối tác, trở thành nhà tài trợ lớn thứ hai. Tuy vậy Trung Quốc hiện không phải là nhà tài trợ lớn nhất ở bất kỳ quốc gia nào trong khu vực Thái Bình Dương.
Về phía Australia, trong lúc Trung Quốc giảm cung cấp vốn viện trợ cho khu vực và tập trung vào một số trọng tâm thì Australia vẫn duy trì là nhà cung cấp viện trợ hàng đầu. Bất chấp đại dịch, từ năm 2021, Australia cùng với Nhật Bản đã tăng số tiền viện trợ cho các nước Thái Bình Dương nâng tổng số tiền viện trợ trực tiếp mà khu vực nhận được từ 374 triệu USD giai đoạn trước đại dịch lên đến 2,1 tỷ USD trong 2 năm 2020 và 2021. Không chỉ là nhà tài trợ hàng đầu của toàn bộ khu vực, Australia cũng là nhà tài trợ hàng đầu ở 9 quốc gia trong khu vực, trong khi Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất ở 2 quốc gia và New Zealand là nhà tài trợ lớn nhất ở 2 vùng lãnh thổ
Trung Quốc, Australia nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ song phương Ngày 7/9, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã nhất trí về tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai nước, đồng thời cam kết thúc đẩy quan hệ song phương. Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Ảnh tư liệu: Dương Giang/TTXVN Theo Tân hoa xã, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc tiếp xúc bên...