Tích hợp Sử, Địa, Hoá, Lý, Sinh: 3 thầy cô dạy 1 môn, ai chịu trách nhiệm chính?
“Một môn học mà 3 giáo viên dạy, 3 sổ điểm, 3 giáo án khác nhau thì ai chịu trách nhiệm chính”, giáo viên băn khoăn về việc dạy tích hợp các môn ở chương trình mới.
Bắt đầu từ năm học 2021 – 2022, lớp 6 sẽ tích hợp ba môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thành môn Khoa học tự nhiên và hai môn Lịch sử và Địa lý gộp thành một môn Lịch sử và Địa lý. Điều này sẽ gây khó khăn gì cho giáo viên khi bước sang mô hình liên môn từ năm học tới?
Thách thức lớn
Cô Nguyễn Thu Chương, giáo viên trường THCS ở Hoà Bình cho biết, hiện giáo viên ở cơ sở còn khá mơ hồ, bối rối cho việc chuẩn bị dạy các môn học tích hợp. Hầu hết họ lo lắng không biết phải tích hợp nội dung các môn học sao cho đúng, cho đủ và không chồng chéo giữa các đồng nghiệp cùng dạy môn đó.
Thực tế, không ít giáo viên tích hợp thiếu sự tính toán lượng kiến thức trong cùng một bài dạy nên dạy không đủ giờ. Khó nhất là giáo viên mới chỉ kịp truyền thụ phần kiến thức nên chưa liên hệ được phần kiến thức liên môn, kiến thức bổ trợ thì hết giờ. Một tuần mỗi lớp chỉ có từ 5 đến 10 tiết học, giáo viên phải khéo co kéo lắm mới cho đủ nội dung chính chứ chưa nói đến phần tích hợp liên môn.
Có đồng nghiệp của cô Chương còn nhầm tưởng tích hợp là dựa vào cái này để tranh thủ nói về cái kia, nói càng nhiều càng tốt, thành thử đến thời điểm hiện tại nhiều giáo viên còn rất mơ hồ.
Để chuẩn bị cho dạy học tích hợp trong năm học tới, cô Bùi Thị Tâm Giao, giáo viên Hoá trường THCS ở Hà Nội thường xuyên tìm hiểu đọc thêm các kiến thức, khái niệm và bài giảng tham khảo về dạy tích hợp.
Cô cho rằng, việc tập huấn vài buổi, vài tuần cho giáo viên là chưa đủ, các thầy cô phải tự chủ động tìm hiểu và tự thảo luận tìm ra các hướng tích hợp nội dung sao cho hợp lý. Đến thời điểm này, trường của cô vẫn chưa tổ chức lựa chọn sách giáo khoa lớp 6 mới nên chưa biết các nội dung trong sách thiết kế cụ thể từng chủ đề như thế nào. Hy vọng sớm các hướng dẫn chi tiết để giáo viên yên tâm chuẩn bị tâm thế đón lứa học sinh lớp 6 “thế hệ mới”.
Giáo viên dạy học. (Ảnh: Zing)
Thầy Nguyễn Quốc Ngọc cho biết, theo chương trình giáo dục phổ thông mới, trong môn tích hợp Khoa học tự nhiên của các lớp 6, 7, 8, 9 đều có ba phần tương ứng với kiến thức thuộc lĩnh vực Vật lý, Sinh học, Hóa học được sắp xếp theo trình tự thời gian chi tiết. Theo đó lớp 6: Hóa học (20%) – Sinh học (38%) – Vật lí (32%). Lớp 7: Hóa học (24%) – Vật lý (28%) – Sinh học (38%). Lớp 8: Hóa học (31%) – Vật lý (28%) – Sinh học (31%). Lớp 9: Vật lý (30%) – Hóa học (31%) – Sinh học (29%).
Như vậy, ở mỗi lớp, các chủ đề thuộc mỗi lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Sinh học do giáo viên có chuyên môn tương ứng phụ trách và được thực hiện gọn trong mỗi năm học.
Thầy băn khoăn, học sinh lớp 6 sẽ học 3 phần gồm Hóa học (20%) – Sinh học (38%) – Vật lí (32%) và phân chia Hóa học sẽ được dạy nửa đầu học kỳ I, Sinh dạy nửa cuối học kỳ I còn môn Lý sẽ được dạy nửa cuối học kỳ II.
Tuy nhiên, Khoa học tự nhiên chỉ có duy nhất một điểm trung bình bộ môn, lại do 3 giáo viên dạy, mỗi giáo viên lại có một sổ điểm đánh giá riêng biệt. Vậy thì có một môn học mà 3 giáo viên dạy, 3 quyển sổ điểm, 3 kế hoạch giảng dạy (giáo án) khác nhau giáo viên nào chịu trách nhiệm cộng điểm của 3 môn cho học sinh, giáo viên nào chịu trách nhiệm đưa điểm lên phần mềm? Giáo viên nào chịu trách nhiệm về chất lượng môn học. Cần làm rõ khâu này để giáo viên thực hiện đúng nhiệm vụ trong quá trình giảng dạy.
Bám sát nội dung tập huấn
Video đang HOT
Theo phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn – Chủ biên sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên lớp 6 – bộ Cánh Diều, khi làm sách giáo khoa lớp 6, đơn vị xác định xây dựng Khoa học tự nhiên là môn học tích hợp, còn Địa lý và Lịch sử là môn học phối hợp.
Sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên phải đảm bảo vừa hỗ trợ cho giáo viên giảng dạy tích hợp, vừa đổi mới phương pháp giảng dạy trước yêu cầu phù hợp với năng lực học sinh.
Việc tích hợp sẽ giảm nội dung trùng lặp giữa các môn học Vật lý, Hoá học và Sinh học. Đơn cử, nội dung protit, lipit, gluxit dạy trong kiến thức Hoá học thì sẽ không cần dạy trong kiến thức Sinh học nữa; khái niệm vật chất đã dạy trong nội dụng Hoá học sẽ không cần dạy trong nội dung Vật lý; chủ đề về năng lượng trước đây được dạy riêng trong từng môn nay được tích hợp chung. Mặc dù dạy môn tích hợp, không còn riêng biệt từng môn như trước đây nhưng số lượng công việc của thầy cô không thay đổi.
Ông cho rằng: “Ở Việt Nam, đây là môn học đầu tiên tích hợp. Để giáo viên có thể dạy được là thách thức rất lớn, cần bám sát nội dung bồi dưỡng, tập huấn. Việc viết sách lần này cũng rất vất vả. Sách được biên soạn với phương châm tinh giản, kế thừa nội dung hiện hành, đạt được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, thiết thực, gắn liền với cuộc sống. Thông qua môn học giúp học sinh khơi nguồn sáng tạo, tư duy rộng hơn trong quá trình học tập”.
Sách giáo khoa lớp 6 mới.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Ninh – đồng chủ biên sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý lớp 6 – bộ Cánh Diều cho hay, dù kiến thức ở 2 môn giao nhau nhưng vẫn sẽ đảm bảo tính phân môn nhất định.
Nội dung trong sách Lịch sử và Địa lý các cấp học từ THCS trở lại sẽ có 4 chủ đề gồm: Phát kiến địa lí – đô thị trong lịch sử; Đồng bằng sông Hồng; Đồng bằng sông Cửu Long và chủ quyền biển đảo. 4 chủ đề tích hợp trên được thiết kế từ lớp 7 đến lớp 9, riêng lớp 6 mới chỉ dừng lại ở việc gộp 2 phân môn thành 1, chưa có nhiều sự giao thoa.
Ông cho rằng, thay đổi sang môn học tích hợp mới đòi hỏi giáo viên, tổ chuyên môn sẽ linh hoạt trong cách sắp xếp nội dung, thời gian giảng dạy.
Đồng thời, việc đào tạo giáo viên thế hệ mới để đáp ứng 2 môn này thì cũng được các trường Sư phạm thực hiện từ năm 2018 trở lại đây bằng việc mở mã ngành mới đào tạo giáo viên dạy môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí. Đây là về mặt chiến lược lâu dài và xu hướng chung của phát triển giáo dục toàn diện.
Hồ sơ, giáo án giấy vẫn là "cái roi" mà nhiều cán bộ quản lý không muốn bỏ
Đồng phục khuôn mẫu giáo án cũng đang góp phần làm tăng sức ép lên giáo viên, trang bị "roi" cho cán bộ quản lý.
Chuyện hồ sơ, giáo án của giáo viên có thể nói là câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" của dư luận giáo giới trong thời gian vừa qua.
Nếu bạn gõ cụm từ "hồ sơ giáo án của giáo viên" vào Google sẽ có ngay 70.300.000 kết quả trong 0.45 giây.
Thế mới biết, dẫu dư luận đã lên tiếng rất nhiều thế nhưng bức tường "bảo thủ cố hữu" vẫn không lay chuyển; vẫn mặc nhiên tồn tại giáo án in hay viết tay ngay giữa thời đại 4.0 này.
"Trên đã thay đổi, dưới không nhúc nhích"
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT Điều lệ trường tiểu học, Khoản 4 Điều 21 Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT có ghi rõ: Hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục ghi rõ:
Cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy học được sử dụng hồ sơ điện tử thay thế hồ sơ giấy đảm bảo yêu cầu của công tác lưu trữ và có giá trị như hồ sơ giấy. [1]
Như vậy, từ năm học 2020 - 2021 giáo viên Tiểu học không cần phải in hồ sơ giáo án (Kế hoạch bài dạy) nộp cho lãnh đạo nhà trường khi được yêu cầu, chỉ cần nộp bản giáo án điện tử (Kế hoạch bài dạy điện tử) là được.
Khoản 4 Điều 21 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT có ghi rõ:
Hồ sơ quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này dạng hồ sơ điện tử được sử dụng thay cho các loại hồ sơ giấy theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, khả năng thực hiện của giáo viên và bảo đảm tính hợp pháp của các loại hồ sơ điện tử.
Việc quản lý hồ sơ điện tử do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định theo chuẩn kết nối, chuẩn dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. [2]
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cởi trói gánh nặng hồ sơ, giáo án cho giáo viên nhưng các cơ sở giáo dục vẫn chưa thực hiện. (Ảnh minh họa: Thủy Nguyên/Vietnamnet.vn)
Như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xóa bỏ nỗi khổ hồ sơ, giáo án giấy cho giáo viên; khuyến khích sử dụng hồ sơ điện tử thay cho hồ sơ giấy, thế nhưng khi các sở giáo dục và đào tạo chưa có hướng dẫn cụ thể, các trường vẫn "trung thành" với hồ sơ giấy.
Trong rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng trên mở, dưới đóng đã được dư luận chỉ ra trước đây, có thêm nguyên nhân "Gánh nặng hồ sơ sổ sách đè lên giáo viên một phần do sở, phòng vẫn muốn ôm". [3]
Ai cũng biết "ôm rơm nặng bụng", chả nhẽ cán bộ quản lý không biết? Thực chất phía sau đó mới là vấn đề, hồ sơ giáo án vẫn được xem như là "cái roi" của cán bộ quản lý!
Hồ sơ, giáo án giấy vẫn là công cụ để quản giáo viên
Người viết từng được tham gia làm công tác thanh tra trường học, từng được cán bộ quản lý nhà trường "gửi gắm": "Chị kiểm tra hồ sơ giáo viên X. thật kỹ giúp em, có gì sai sót chị ghi cụ thể vào biên bản cá nhân, đừng ghi vào biên bản tổng hợp của đoàn. Nếu có sai sót, khi trao đổi cá nhân X. nhớ mời em cùng tham dự nhé".
Tôi biết X. là giáo viên có năng lực, trực ngôn, không được lòng hiệu trưởng, nên hiệu trưởng muốn nhờ tôi "vạch lá tìm sâu" tìm điểm yếu để "giáo dục" X.
Không ít cán bộ khi kiểm tra giáo án của giáo viên "cá biệt" đã "chẻ tư sợi tóc", tìm cách moi móc, bắt lỗi; chỉ cần một lỗi nhỏ cũng quy chụp, nâng quan điểm đánh giá.
Có người phải đỏ mắt tìm một lỗi nhỏ trong 800 trang giáo án vì được thông báo "giáo án có sai sót".
Một thực tế đang hiện hữu trong ngành giáo dục, đó là giáo án đã trở thành thị trường mua bán, xin cho.
Đặc biệt sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đã ban hành Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, thị trường giáo án theo Công văn 5512 trở nên nóng hơn bao giờ hết.
Dù có giáo án, thế nhưng giáo viên cũng phải chỉnh sửa để phù hợp với phân phối chương trình và quy định riêng của trường mình; dù chỉnh sửa kĩ thế nào cũng dễ để lại khiếm khuyết.
Nếu không được lòng cán bộ quản lý, chỉ cần một lỗi nhỏ, "án tại hồ sơ", coi như công lao cả năm học đổ xuống sông, xuống biển.
Vì thế, có những đồng nghiệp chia sẻ với người viết rằng, trường họ dạy đã hình thành một "chuẩn mực mới", đó là hiệu trưởng luôn luôn đúng, giáo viên đành "trăm sự nhịn cho một sự lành".
Giáo dục là không đồng phục, chính sự đồng phục đang và đã bóp chết sự sáng tạo và dân chủ thật sự trong trường học.
Đồng phục khuôn mẫu giáo án cũng đang góp phần làm tăng sức ép lên giáo viên, trang bị "roi" cho cán bộ quản lý, "kẹp thêm chì" cho giáo viên.
Dẫu vậy, nếu hồ sơ giáo án do mình soạn, dạy thật tốt, dạy bằng trách nhiệm lương tâm của nhà giáo, giáo án in hay điện tử cũng chẳng làm khó được giáo viên.
Còn sử dụng giáo án giấy là minh chứng cho "trên rải thảm, dưới rải đinh", "trên đã thông, dưới không thoáng" trong lĩnh vực giáo dục.
Còn sử dụng giáo án giấy là minh chứng cho sự trì trệ của cán bộ quản lý, cần phải kịp thời xóa bỏ những cán bộ quản lý lạc hậu ra khỏi vị trí quản lý của ngành giáo dục càng sớm càng tốt.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-28-2020-tt-bgddt-dieu-le-truong-tieu-hoc-190610-d1.html
[2]https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-32-2020-tt-bgddt-dieu-le-truong-thcs-va-thpt-190977-d1.html
[3] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/ganh-nang-ho-so-so-sach-de-len-giao-vien-mot-phan-do-so-phong-van-muon-om-post213389.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Nếu buộc ngày đến trường 8 tiếng, giáo viên dạy qua loa thì làm thế nào? Quản lý giáo viên bằng giờ hành chính nhưng lên lớp thầy cô chỉ dạy lớt phớt sẽ thế nào đây? Quản lý bằng chất lượng học sinh chắc chắn sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Câu chuyện nên quy định giáo viên làm giờ hành chính (8 tiếng/ngày) ở trường học đang thu hút sự tranh luận sôi nổi của giáo viên....