Thưởng thức cá bò gù nướng
Từ thành phố, nhỏ bạn thời học trường làng về quê ăn giỗ. Mình nói với nó, giỗ xong chiều tới nhà tao nghen.
Có món này hay lắm. Nó nói để mai tính. Đang một bụng “giỗ” no kềnh nè. Giờ có nem công chả phượng cũng “bó miệng” thôi. Mình nói thì mày cứ tới rồi… ngồi chơi khơi khơi cũng được.
Có mấy đứa cùng xóm mình hay nhắc mày luôn. Với lại, “Cá ngon không có bạn hiền / không mua không phải không tiền không mua”. Giờ mày về nên tao mua mồi đãi bạn. Bò gù chính hiệu đó nghen, thịt không là thịt, thơm và béo đến mức…thao thức luôn. Mày tới hay không thì nói cho… dứt “phát”. Nó cười khúc khích, nói rồi rồi, chiều tới. Mày thì bao nhiêu năm rồi vẫn chưa bỏ cái tật “đạo” thơ!
Theo ngư dân làng mình, khi cá bò gù di chuyển ra vùng nước sâu, cách bờ khoảng bốn trăm cây số, chúng sẽ no mồi trên vùng biển đa dạng hải sản, con nào con nấy cỡ ba bốn chục ký trở lên thì được gọi là cá ngừ đại dương. Ngư dân bán gì thì bán nhưng vẫn để lại vài con, xắt lát rồi phân phối “nội bộ”.
Vừa tới hiên nhà nó đã.. la làng, trời ơi món gì thơm dzậy? Mình tâng công ngay, nói tao phải lặn lội xuống bến, nài nỉ “phu nhân” của chủ tàu mới chia được mấy lát cá bò gù đó. (Ở quê, cái gì người ta không bán mà người mua nài nỉ vì rất cần thì gọi là “chia”). Nó reo lên: “Dzậy đó hả?”. Đoạn nó ngồi xuống bên lò than, “giành quyền” tận hưởng mùi hương cá bò gù khi vừa bắt lửa.
Nhỏ bạn vốn xuất thân từ xóm lưới, hôm lên phố học tóc còn vương mùi… rong biển nên nướng cá rất có nghề. Nó xoay trở lát cá sau mỗi mười lăm giây thầm đếm. Nướng cách đó lửa “thấm” từ ngoài vào trong, cá chín đều, mặt lát cá không bị khô, không bị sém, lại có màu vàng hườm, mới nhìn thôi là muốn “động khẩu” ngay.
Video đang HOT
Một đĩa mắm ớt tỏi được bày ra. Một mớ rau ngò chạy quanh lát cá vàng như… lá mùa thu. Tưởng thế là đủ. Vậy mà nhỏ bạn còn lọ mọ tỉa ớt, tỉa cà cho có chút lá hoa. Nó nói tụi bay có cá, tao có… nghệ thuật. Ăn là phải đẹp vì tụi mình là phái đẹp!
Chai vang nho Đà Lạt đã khui rồi mà nhỏ bạn vẫn… chưa cho ai động đũa. Nó rút di động ra chụp lạch cạch rồi ngắm nghía, nghiêng ngó, nói chờ tao chút, tao cho hình… vỗ cánh bay lên “phây” cái đã. Bảo đảm đám bạn phố của tao chắc phải chép miệng chép lưỡi cho mà coi.
Bốn đứa con gái thân nhau từ thuở tóc đuôi gà ngồi quây quần nhâm nhi món cá bò gù. Loại cá này thịt vốn đã săn chắc, giờ gặp lửa than càng “cô” lại, quá đỗi ngọt ngào.
Chấm miếng cá còn nóng hổi vào chút mắm ớt tỏi, rứt một cọng ngò đệm theo, chầm chậm nhai cùng tí bánh tráng giòn giòn thì ngon đến… ngẩn ngơ, ngon đến độ không có cái ngon nào giữa chiều nay có thể thay thế được. Ai bảo giới… thuyền quyên không nhậu là lầm to. Rượu nho văng một chai rồi đấy. Chai thứ hai đang khui. Nhìn nhỏ bạn ăn “chăm chỉ” như chưa… ăn giỗ, mình mừng lắm. Điều đó chứng tỏ mình chọn mồi không phải tồi.
Nhỏ bạn giơ cao ly rượu, thứ rượu chín phần mật một phần men, nói cụng cái coi, mừng nhóm mình đứa nào cũng biết… nhậu. Một đứa khác bổ sung: Mừng làng mình vào mùa cá bò gù. Mình vẫn không bỏ cái tật “đạo” thơ: “Anh đầu sông, em cuối sông / Nghe bò gù nướng là dông tới liền”.
Theo Amthuc365
Thưởng thức "cá cậu ông trời" ở Vĩnh Long
Miền Tây vốn nổi tiếng là vùng đất có nhiều loài cá đặc sản ngon không đâu sánh bằng.
Trong đó, không thể không kể đến cá cóc - loài cá ngay từ cái tên đã gợi sự tò mò, thú vị; nhưng khi thưởng thức rồi, thực khách mới biết món ăn nổi tiếng này cũng bình dân, chân chất như chính tính cách người dân bản xứ.
Cá cóc cùng loài với cá chép, thường sống ở vực sâu, nước xoáy, trụ cầu, bến phà thuộc sông Tiền, sông Hậu như đoạn Mỹ Thuận (Vĩnh Long), Cái Bè (Tiền Giang), Cái Côn (Sóc Trăng)... Những ngư dân giàu kinh nghiệm cho biết, cá cóc thường sống theo đàn. Sau mùa nước nổi, cá cóc mẹ sẽ bơi ngược về Biển Hồ đẻ trứng. Đây được coi là thời điểm bắt cá dễ nhất bằng cách thả lưới chìm hoặc giăng câu tận đáy sông.
Gọi là cá "cậu ông trời", nhưng cá cóc cũng có tên gọi mĩ miều khác là "mỹ ngư" bởi dáng vẻ đẹp đẽ của nó. Các nhà khoa học giải thích, sở dĩ có tên cá cóc là do đọc trại ra từ cách đặt tên của người Campuchia. Còn người dân bản xứ thì cho rằng, tên gọi của loài cá này xuất phát từ tiếng kêu "cóc cóc, cóc... " liên tục của nó mỗi khi bị bắt. Dù có nhiều cách cắt nghĩa khác nhau, nhưng nhìn chung, loài cá này không hề liên quan đến loài cóc như nhiều người lầm tưởng.
Để bắt được một con cá cóc phải dụng công rất nhiều.
Đây là loại cá có dáng dấp hình thoi kéo dài, trên lưng có kỳ nhọn và bén như răng cưa. Vì vậy, khi dân chài đánh dính cá cóc, cá có thể quẫy mạnh làm rách lưới mà thoát thân. Có hai cách bắt phổ biến để bắt được cá cóc là giăng câu ngầm và thả lưới chìm. Câu ngầm là cách đặt mỗi đường câu chừng trăm lưỡi câu loại trung, mỗi lưỡi móc vào đuôi một con tép còn sống thả sát đáy sông. Vào lúc nước lên, con mồi sẽ bơi lội tung tăng để dụ cá cắn câu. Giăng lưới chìm tuy không nhạy bằng giăng câu, nhưng bù lại cá mắc lưới rất ít khi bị sẩy mất.
Cá cóc được chế biến thành rất nhiều món ngon như: cá cóc kho nước dừa, cá cóc nấu canh chua cơm mẻ hoặc trái giác, cá cóc nướng muối ớt, cá cóc chiên tươi... Ở Vĩnh Long, thực khách rất ưa dùng món cá cóc kho nước dừa ăn với các loại rau ăn sống và xoài bằm.
Dù được chế biến theo cách thức nào, các món ăn từ cá cóc cũng hấp dẫn thực khách.
Kho cá cóc hay nấu canh chua cũng là một nghệ thuật mang đậm tính cách dân dã mà thắm đượm nghĩa tình của người miền Tây. Để có món cá cóc kho nước dừa ngon, đủ vị thì khi chế biến cá phải còn sống, được làm sạch, ướp gia vị muối, đường, bột ngọt, tiêu, gốc hành tươi giã nhuyễn...
Người có kinh nghiệm chế biến cá cóc sẽ bắc nồi nước dừa xiêm tươi pha nước mắm ngon lên bếp lửa than hồng, khi nước sôi mới để cá vào. Khi kho, người ta chỉ để nước ngập vừa mình cá. Cá được trải đều không chồng lên nhau, thêm ít gia vị sao cho vừa miệng.
Món cá cóc ngon thì con cá phải còn nguyên vẩy, nếu không sẽ mất đi vị đặc trưng. Khi kho lửa để nhỏ, chỉ liu riu. Nước sôi một lát thì trở bề cá cho thấm. Mỡ cá hòa vào nước cá kho toát lên mùi thơm thanh thoát. Quan trọng hơn, vảy cá sẽ nở bung ra, giòn sừn sựt... Cá cóc kho nước dừa ngon nhất là khúc đầu vì vừa có thịt, có mỡ bụng lại vừa có mắt cá, xương sụn đầu.
Cá cóc kho mà thiếu đĩa rau ăn kèm thì kể ra cũng thật phí món ăn. Rau ăn kèm gồm các loại rau ăn sống như cải xanh, diếp cá, xà lách, bông điên điển, dưa leo,... nhưng hợp nhất vẫn là dưa giá và xoài hường bằm sợi. Các loại rau ăn kèm có rất nhiều vitamin và men tiêu hóa, ăn mát, giải nhiệt, rất tốt cho cơ thể. Cá cóc kho nước dừa mà ăn cùng gạo thơm Nàng Hương thì ăn không biết no.
Tương tự, đầu cá cóc nấu canh chua cơm mẻ, me chua hay trái giác - một loại dây leo bờ rào có vị chua đượm như quả sấu ở ngoài Bắc - rất ngon. Đầu hay phần đuôi cá cóc nấu chua với rau muống đồng, dọc mùng, thêm vị ngò gai, ngò om là đã trở thành món canh "số một".
Món ăn từ cá cóc đâm màu sắc, hương vị miền Tây.
Ở các nhà hàng, quán ăn, người ta "biến thể" nồi canh chua thành lẩu cá cóc, dùng kèm bông súng, so đũa hay bông điên điển mùa nước nổi. Ngoài ra, cá cóc nướng muối ớt sả cũng có vị thơm ngọt chân phương, dân dã hấp dẫn không kém.
Trước đây cá cóc có rất nhiều. Nhưng do bị săn bắt vô độ nên dẫn đến món ăn tưởng chừng dân dã cũng trở thành món đặc sản quý mà không dễ gì có được dịp thưởng thức khi đến với vùng sông nước Nam Bộ. Nhiều người lo ngại "cậu ông trời" vùng sông nước có nguy cơ tuyệt chủng.
Theo Dân trí
Nghệ An: Vớt được cá lệch dài 2 mét, bán giá 5 triệu Con cá lệch dài khoảng 2 mét, nặng gần 17 kg đã chết, trôi trên dòng nước lũ trên sông Nậm Mộ được một người dân ở Nghệ An vớt lên và bán với giá hơn 5 triệu đồng. Người vớt được cá lệch 'khủng' này là anh Vi Văn Quang (trú tại bản Na Lượng 2, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn,...