Thương học trò miền núi Hà Tĩnh, giáo viên biệt phái dồn tâm huyết, trí tuệ
Từ sự quan tâm, chia sẻ của đồng nghiệp và học sinh, các thầy cô giáo biệt phái về với vùng thượng Kỳ Anh ( Hà Tĩnh) đang nỗ lực góp trí tuệ, tâm huyết của mình cho những ngôi trường vùng khó khăn.
Thầy cô giáo biệt phái luôn cảm thấy ấm lòng trong những ngôi trường mới
Hiệu trưởng nhường phòng ở
Để đón 2 giáo viên nữ biệt phái bổ sung cho nhà trường, từ tháng 12/2019, thầy Vũ Anh Sang -Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Sơn đã nhường phòng ở của mình tại khu nội trú và chuyển sinh hoạt bán trú về phòng làm việc.
Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Sơn nhường phòng ở cho 2 giáo viên nữ biệt phái
Thầy Sang cho biết, từ đầu năm học, trường đã triển khai tu sửa, sắp xếp lại khu nội trú theo tinh thần dành sự ưu tiên về chỗ ở, tạo điều kiện sinh hoạt tốt nhất cho giáo viên biệt phái.
Đầu năm học, trường tiếp nhận 6 giáo viên, tháng 11 có thêm 2 giáo viên, tất cả đều được đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt tốt nhất trong điều kiện của nhà trường.
Trong điều kiện thiếu giáo viên tiếng Anh, thầy Thái Đường đảm nhận lên lớp ở cả 2 bậc học tiểu học và THCS
Đây cũng là tinh thần, cách làm chung của các trường học vùng thượng đón giáo viên biệt phái như: Trường Tiểu học – THCS Kỳ Lạc; các trường THCS: Kỳ Tây, Kỳ Lâm…
Việc động viên, hỗ trợ thầy cô làm quen với môi trường mới được ban giám hiệu, công đoàn các trường chú trọng nhằm san sẻ khó khăn với giáo viên xa nhà, vừa tạo mối đoàn kết tập thể.
Cùng với đó, lịch giảng dạy được nhà trường bố trí phù hợp để giáo viên biệt phái có thời gian cuối tuần về nhà trong điều kiện đường xa, cách trở.
Video: Thầy Thái Đường bày tỏ tình cảm tại ngôi trường mới
Thầy Thái Đường – giáo viên tiếng Anh từ Trường THCS Yên Thanh (Can Lộc) về hỗ trợ Trường Tiểu học – THCS Kỳ Lạc cho biết: “Dù giao thông khá cách trở nhưng chúng tôi thật ấm lòng với sự quan tâm, hỗ trợ của nhà trường, đồng nghiệp nơi đây.
Bên cạnh tạo điều kiện về đời sống, chúng tôi cũng được trường sắp xếp lịch dạy tập trung trong những ngày đầu tuần để có một khoảng thời gian nghỉ dịp cuối tuần về chăm lo cho gia đình”.
Thương học trò, giáo viên dồn tâm huyết
Cô Phan Thị Thuận – giáo viên tiếng Anh, biệt phái từ Trường THCS Thành Mỹ – Xuân Mỹ (Nghi Xuân) về Trường THCS Kỳ Sơn đã gần 1 học kỳ.
Đảm nhận dạy tiếng Anh lớp 6 trong năm học đầu tiên theo chương trình mới, cô Thuận nhận thấy các em dù rất hiếu học nhưng còn yếu về mặt kỹ năng nghe, nói, không tự tin khi sử dụng tiếng Anh.
Video: Cô Phan Thị Thuận chia sẻ phương pháp giảng dạy
Thương học trò miền núi, cô đã dành tối đa thời gian, kể cả buổi tối, cùng đó là áp dụng nhiều cách dạy học mới mẻ, sinh động để hỗ trợ thêm cho học sinh. Thời gian chưa nhiều nhưng các em bước đầu đã chuyển biến về tâm thế học theo hướng tự tin, yêu tiếng Anh hơn.
Cùng với tinh thần đó, thầy Lê Văn Toán (từ Trường THCS Trà Linh ở Yên Lộc, Can Lộc được điều động về Trường THCS Kỳ Sơn), từng 3 năm giảng dạy ở vùng thượng Kỳ Anh nên rất hiểu vùng đất này. Khi nhận nhiệm vụ biệt phái, thầy đăng ký ngay về với Kỳ Sơn và cố gắng tranh thủ tối đa thời gian để hỗ trợ nhà trường, truyền thêm kiến thức cho học sinh.
Thầy Lê Văn Toán xung phong biệt phái về Trường THCS Kỳ Sơn đảm nhiệm bộ môn Toán – Tin
Theo thầy Hiệu trưởng Đường Văn Kiên, 4 thầy giáo về bổ sung cho Trường Tiểu học – THCS Kỳ Lạc trong năm học 2019 – 2020 đều phụ trách những môn học chủ chốt. Các giáo viên rất tâm huyết, có trách nhiệm cao với hoạt động của nhà trường.
Trong đó, thầy giáo Nguyễn Văn Bằng, dạy môn Toán – Lý xung phong nhận dạy bồi dưỡng học sinh giỏi; thầy Võ Trọng Kỳ nhận dạy Toán học sinh lớp 9 – lớp cuối cấp đòi hỏi tập trung nhiều thời gian, công sức; thầy Đoàn Đăng Hoài – giáo viên dạy Văn tổ chức nhiều hoạt động giáo dục đạo đức; thầy Thái Đường – giáo viên tiếng Anh nhận hỗ trợ dạy cả khối tiểu học để bù đắp cho việc thiếu giáo viên ở bậc học này…
Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Nguyễn Xuân Thủy cho hay: “Từ đầu năm học đến nay, huyện Kỳ Anh đã tiếp nhận 43 giáo viên biệt phái, chủ yếu tăng cường cho các trường học ở vùng thượng. Huyện đã sắp xếp giáo viên biệt phái về các trường có điều kiện chỗ ở nội trú đảm bảo, đồng thời chỉ đạo các trường, địa phương tạo điều kiện, động viên để giáo viên về hỗ trợ huyện yên tâm công tác. Theo báo cáo của các trường, giáo viên biệt phái đều gắn kết với tập thể mới, phát huy tinh thần trách nhiệm, góp sức nâng cao chất lượng giáo dục ở những ngôi trường mới”.
Theo baohatinh
Người thầy 20 năm bám trường, chắp cánh học sinh giỏi vùng miền núi Hà Tĩnh
"Hàng chục năm qua, trường là nhà, học sinh là con, núi rừng như quê hương thứ hai của mình" - thầy giáo Đặng Minh (SN 1978, Trường THCS Kỳ Sơn, Kỳ Anh - Hà Tĩnh) tâm sự với khi được hỏi có ý định về miền xuôi sau 20 năm gắn bó với vùng miền núi nhiều gian khó.
Bên góc làm việc đơn sơ trong căn phòng nội trú, thầy Minh miệt mài bên những trang giáo án bồi dưỡng cho học sinh tham gia các kỳ thi HSG
Sinh ra và lớn lên ở huyện Can Lộc, năm 2000, cầm tấm bằng đại học sư phạm Toán, thầy giáo trẻ háo hức lên với vùng thượng Kỳ Anh theo phân công của ngành. 20 năm vào nghề, cũng chừng ấy năm thầy Minh gắn bó và góp sức vực dậy phong trào học tập và nâng cao chất lượng giáo dục ở xã miền núi Kỳ Sơn.
Khoảng 5 năm gần đây, Trường THCS Kỳ Sơn bắt đầu hành trình bồi dưỡng học sinh giỏi nhằm tạo sự đột phá về chất lượng mũi nhọn. Thầy Minh - với chuyên môn vững vàng và phương pháp truyền thụ đặc biệt đã trở thành một trong những giáo viên chủ chốt trong chiến lược bứt phá về học sinh giỏi (HSG) ở trường học vùng thượng Kỳ Anh.
Từ căn phòng nhỏ ở khu tập thể này, lớp lớp học sinh đã trưởng thành, thành đạt từ sự tận tâm của người thầy giáo vùng thượng
Được giao dạy bồi dưỡng HSG 2 môn Toán và Vật lý lớp 9 cấp huyện, phát huy hết tình cảm, trách nhiệm và năng lực, sở trường của mình, các thế hệ học sinh của thầy tiến bộ rất nhanh và nâng cao chất lượng, thành tích qua từng năm học.
Từ chỗ rất hiếm HSG huyện và chưa có HSG cấp tỉnh, Trường THCS Kỳ Sơn đã trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục mũi nhọn ở Kỳ Anh. Trường luôn xếp đầu bảng về HSG môn Toán và Vật lý trong các kỳ thi HSG huyện; nhiều em giành giải cao tại kỳ thi học sinh giỏi tỉnh.
3 năm học gần đây, học sinh Kỳ Sơn bắt đầu bước chân vào các trường THPT Chuyên của Hà Tĩnh và Nghệ An, trong đó có em sau đó đã khẳng định mình tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
Truyền được ngọn lửa đam mê để các em theo đuổi mục đích - đó là tâm nguyện của thầy Minh trong quá trình giảng dạy và bồi dưỡng HSG
Chia sẻ về những thành công trong quá trình tham gia bồi dưỡng HSG của trường, thầy Minh cho biết: "Trước tiên là phải hướng các em lựa chọn được môn học phù hợp, đồng thời tạo cho các em sự đam mê hết mình; kiên trì đầu tư về thời gian, tâm huyết, máu lửa và phải coi học sinh như con em của mình thì mới có thể đi đến thành công".
Đó cũng chính là những gì thầy Minh đã cống hiến bằng cả tuổi trẻ và tình thương yêu học trò của mình. Từ mái trường này, lớp lớp học trò đã trưởng thành nên người; nhiều người thành đạt ở khắp mọi miền vẫn luôn nhớ về người thầy giỏi chuyên môn, chân tình, dản dị, yêu thương học trò hết mực.
Em Nguyễn Trường An, một trong những học sinh trong đội tuyển Vật lý của thầy Minh, được thầy theo dõi, bồi dưỡng, năm học 2016 - 2017 đã đậu thủ khoa HSG tỉnh.
Thầy Minh cùng em Nguyễn Trường An (ngoài cùng bên phải) và các em học sinh giỏi tại lễ tổng kết năm học 2016 - 2017
Mặc dù nhà ở gần trường nhưng sau những buổi ôn luyện, em thường ở lại phòng tập thể của thầy tại trường để thường xuyên được thầy rèn dũa, chuyện trò, chia sẻ những tâm tư, dự định trong cuộc sống. Bây giờ, An đã là học sinh Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, nhưng mỗi khi về đến nhà là chạy đến thăm thầy ngay.
Với thầy Minh thành công đạt được không chỉ là những gương mặt đã bứt phá từ vùng đất khó để giành các giải thưởng cao, mà còn là những câu chuyện ấm lòng về những học sinh từ khó khăn trong cuộc sống, học lực nhưng đã từng bước bứt phá dưới dự dìu dắt, động viên của thầy.
Đó là chuyện của cậu học sinh lớp 9C - em Nguyễn Đức Din, một học sinh có lực học chỉ ở mức khá nhưng đã mạnh dạn xin vào học thêm trong đội tuyển Vật lý của trường chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi huyện năm học 2019-2020.
Thầy Minh cùng em Nguyễn Đức Din chinh phục những bài tập khó
Trân trọng tinh thần cầu thị, ý thức học tập và ý chí vươn lên của em, thầy Minh đã dành cho Din sự quan tâm dạy dỗ đặc biệt và sự động viên, khích lệ học tập thường xuyên. Minh đã từng ngày vươn lên, được tham gia vào đội tuyển chính thức và đậu giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi huyện vừa qua.
Thầy Minh chia sẻ: "Thành tích tuy chưa cao, nhưng với tôi và Din kết quả này thực sự đặc biệt, vì tôi biết với em một chân trời khát vọng mới đang đón chờ bằng niềm tin vào chính mình".
Tự hào về người đồng nghiệp, người giáo viên xuất sắc, Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Sơn Vũ Anh Sang chia sẻ: "Thầy Đặng Minh không chỉ là một giáo viên giỏi với một bảng thành tích đáng nể mà còn là một người thầy tâm huyết, tận tụy, coi học sinh như chính con em mình. Mặc dù hoàn cảnh gia đình còn rất nhiều khó khăn nhưng thầy đã không ngừng cống hiến, không nề hà gian khổ để chắp cánh cho học sinh ở vùng thượng vươn xa".
Theo baohatinh
Cao đẳng Việt Đức đón 1.300 tân học sinh, sinh viên năm học 2019 - 2020 Sáng nay (15/10), Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Đức (Hà Tĩnh) long trọng tổ chức lễ khai giảng năm học 2019 - 2020 và chào đón 1.300 học sinh, sinh viên (HSSV) khóa mới. Lãnh đạo một số sở, ban, ngành, giáo viên và HSSV nhà trường tham dự buổi lễ Hiện Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Đức đang đào tạo...