Thủ tướng Hà Lan sẽ không tranh cử nhiệm kỳ mới
Ngày 10/7, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết sẽ không tranh cử nhiệm kỳ thứ 5 và rút lui khỏi chính trường sau cuộc tổng tuyển cử tháng 11 tới.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte trong cuộc họp báo thông báo quyết định từ chức, tại The Hague, ngày 7/7/2023. Ảnh: ANP/TTXVN
Phát biểu tại quốc hội trước cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ hiện tại, Thủ tướng Rutte cho biết ngay sau khi chính phủ mới được thành lập sau cuộc tổng tuyển cử sắp tới, ông sẽ rút lui khỏi chính trường.
Tuyên bố này cũng đặt dấu chấm hết cho quãng thời gian lãnh đạo đất nước lâu nhất trong lịch sử Hà Lan của chính trị gia này.
Video đang HOT
Ông Rutte, 56 tuổi, trở thành Thủ tướng Hà Lan vào tháng 10/2010. Trước đó, ngày 7/7, ông đệ đơn xin từ chức sau 4 nhiệm kỳ liên tiếp lãnh đạo đất nước. Theo kế hoạch, chính phủ liên minh do Thủ tướng Rutte đứng đầu sẽ tiếp tục điều hành đất nước cho đến khi chính phủ mới được thành lập sau cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Tuy nhiên, các đảng đối lập muốn nhanh chóng chấm dứt nhiệm kỳ của chính phủ hiện tại, cho rằng Thủ tướng Rutte đã mất tín nhiệm vì cách xử lý các cuộc đàm phán liên quan những chính sách nhập cư nghiêm ngặt hơn dẫn tới cuộc khủng hoảng chính phủ hiện nay. Do đó, trong ngày 10/7, Quốc hội Hà Lan sẽ tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ của Thủ tướng Rutte.
Lãnh đạo Công đảng đối lập Attje Kuiken cho rằng cần có sự can thiệp để tháo gỡ cuộc khủng hoảng chính phủ hiện nay, tránh bế tắc và khôi phục lòng tin. Thông thường, các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ không thể đe dọa chính phủ của Thủ tướng Rutte vì ông thường nhận được sự ủng hộ từ liên minh cầm quyền gồm 4 đảng hiện đang chiếm thế đa số trong quốc hội. Tuy nhiên, cuối tuần qua, các đối tác trong liên minh này đã nêu quan điểm cho rằng cuộc khủng hoảng nội các hiện nay phần lớn là do chính sách hạn chế nhập cư theo diện gia đình của ông Rutte đã gây chia rẽ. Tuy nhiên, các đảng này chưa nêu rõ quan điểm ủng hộ hay phản đối ông Rutte trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm dự kiến diễn ra vào chiều 10/7 (giờ Việt Nam).
Chính phủ Hà Lan sụp đổ do tranh cãi về chính sách di cư
Ngày 7/7, Chính phủ liên minh của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã sụp đổ do bất đồng không thể vượt qua về cách giải quyết vấn đề người di cư.
Dự kiến, cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 11 tới.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tại một hội nghị trực tuyến ngày 29/10/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Ông Rutte, 56 tuổi, vị lãnh đạo cầm quyền lâu nhất tại Hà Lan và một trong những chính khách kỳ cựu nhất của châu Âu, thông báo 4 đảng trong liên minh cầm quyền đã không thể đi đến thỏa thuận sau những ngày đàm phán căng thẳng.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi các cuộc đàm phán đổ bể, Chủ tịch đảng Tự do (VVD) trung hữu thừa nhận: "Các đối tác trong liên minh cầm quyền có những quan điểm rất khác nhau về chính sách di cư... Chúng tôi đã kết luận rằng không thể vượt qua được những khác biệt. Vì vậy, tôi sẽ sớm trình đơn từ chức lên nhà Vua".
Cùng ngày, Chính phủ Hà Lan xác nhận Thủ tướng Rutte đã trình đơn từ chức và sẽ đến tiếp kiến nhà Vua Willem-Alexander trong ngày 8/7. Ủy ban bầu cử Hà Lan cho biết cuộc bầu cử mới dự kiến sẽ được tổ chức sớm nhất vào giữa tháng 11 tới. Ông Rutte sẽ điều hành một chính phủ tạm quyền cho tới khi bầu cử diễn ra.
Liên minh cầm quyền hiện nay là liên minh thứ 4 do ông Rutte lãnh đạo kể từ khi nhậm chức lần đầu vào năm 2010. Tuy nhiên, liên minh này chỉ mới lên nắm quyền từ tháng 1/2022, sau thời gian đàm phán kỷ lục là 271 ngày và vẫn chia rẽ sâu sắc trong nhiều vấn đề.
Các đảng đã bất đồng về kế hoạch của ông Rutte siết chặt các biện pháp hạn chế đoàn tụ gia đình của người xin tị nạn, biện pháp vốn nhằm hạn chế số người di cư sau vụ bê bối hồi năm ngoái liên quan đến các trung tâm tị nạn quá tải khiến một em nhỏ thiệt mạng và hàng trăm người phải ngủ ngoài trời.
Hà Lan là một trong những nước châu Âu có chính sách nhập cư khó khăn nhất nhưng dưới áp lực của các đảng cánh hữu, ông Rutte trong nhiều tháng đã cố gắng tìm cách giảm hơn nữa dòng người xin tị nạn. Đơn xin tị nạn ở Hà Lan đã tăng 1/3 vào năm ngoái lên hơn 46.000 và chính phủ dự báo con số này có thể tăng lên hơn 70.000 trong năm nay, vượt qua mức cao nhất trước đó được ghi nhận vào năm 2015.
Hiện người Hà Lan phải đối mặt với một trong những chiến dịch tranh cử chia rẽ nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đảng mới Phong trào Công dân-Nông dân (BBB), do những người nông dân phản đối các quy định môi trường của chính phủ đứng đầu, sẽ tìm cách lặp lại thành công như trong cuộc bầu cử Thượng viện đầu năm nay.
Chủ tịch đảng này, bà Caroline van der Plas đã từ chối tham gia liên minh với ông Rutte và không loại trừ khả năng đứng ra nhận chức Thủ tướng nếu đảng của bà giành nhiều ghế nhất trong cuộc tổng tuyển cử tới.
Thủ tướng Hà Lan từ chức, giải tán nội các do bất đồng về chính sách nhập cư Ngày 7/7, Thủ tướng Mark Rutte tuyên bố từ chức và giải tán nội các sau khi bốn đảng trong liên minh chính phủ bất đồng về chính sách nhập cư. Liên minh bốn đảng trong khối cầm quyền của ông Rutte đã thất bại trong việc thống nhất một thỏa thuận về các chính sách kiểm soát nhập cư, vấn đề gây...