Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc làm việc với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào
GDVN-Chiều 28/9, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và Đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Lào, chiều 28/9, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và Đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào Phout Simmalavong. Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào Sisouk Vongvichith và đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Giáo dục và Thể thao Lào.
Vui mừng chào đón Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc tới thăm và làm việc với Bộ Giáo dục và Thể thao Lào, Bộ trưởng Phout Simmalavong đồng thời gửi lời cảm ơn tới Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam về việc tổ chức Triển lãm và Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam – Lào nhân kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Lào – Việt Nam.
Nhắc lại truyền thống hợp tác hữu nghị lâu dài, thân thiết của 2 nước, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo với nhiều thành tựu, Bộ trưởng Phout Simmalavong mong muốn, mối quan hệ hợp tác giáo dục sẽ tiếp tục được phát huy hiệu quả trong giai đoạn tới, qua đó đóng góp cho sự hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc làm việc với Bộ trưởng Bộ Giáo dục Thể thao Lào Phout Simmalavong (ảnh: moet.gov.vn)
Video đang HOT
Cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Bộ trưởng, Thứ trưởng và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đã chuyển lời hỏi thăm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Nguyễn Kim Sơn tới Bộ trưởng Phout Simmalavong và các đồng chí lãnh đạo Bộ Giáo dục và Thể thao Lào.
Nhìn lại hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai nước thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết: Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động lớn bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Chính phủ hai nước và sự nỗ lực của hai Bộ Giáo dục, ngành giáo dục 2 nước đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để hoàn thành kế hoạch hợp tác giáo dục năm 2020 và 2021.
Trong năm 2022, hai Bộ sẽ tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam – Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030″, đây là một năm rất quan trọng trong lộ trình 10 năm, với nhiều nội dung mang tính chất tiền đề để thúc đẩy nâng cao chất lượng hợp tác giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực.
Một số dự án cụ thể của Đề án đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam triển khai cũng được Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề cập. Đó là, hoàn thiện việc biên tập bộ sách dạy tiếng Việt cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 của Lào; hoàn thiện sản phẩm công trình Lịch sử quan hệ đặc biệt hai nước Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam để đưa vào giảng dạy tại các trường học của hai nước; tiếp tục duy trì giáo viên Việt Nam hỗ trợ dạy tiếng Việt tại các trường phổ thông, các khoa tiếng Việt của các trường đại học và dạy bồi dưỡng tiếng Việt cho các cơ quan, địa phương của Lào…
Trao đổi về việc hợp tác giữa hai nước trong giáo dục đại học và đào tạo nguồn nhân lực cho Lào, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh tới việc đảm bảo chất lượng đào tạo, bao gồm các khâu tuyển chọn đầu vào, nâng cao trình độ tiếng Việt và đào tạo chuyên ngành tại các cơ sở giáo dục Việt Nam, để sau quá trình đào tạo các em phát huy được năng lực, đóng góp vào sự phát triển của hai nước.
Thứ trưởng cũng lưu ý tới vấn đề đào tạo những ngành thiết thực cho Lào, trong đó có thể tập trung vào một số ngành, lĩnh vực như y dược, nông nghiệp, kỹ thuật, quản lý… với khẳng định “Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam sẵn sàng cùng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào để lựa chọn đào tạo những ngành nghề cần thiết”.
Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào Phout Simmalavong đã chia sẻ và thống nhất các nội dung cùng phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả các dự án trong Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam – Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030″ với tinh thần chung là sau 10 năm sẽ hoàn thành tốt các dự án này. Hai bên cũng chia sẻ một số nội dung cùng quan tâm và có thể phối hợp hỗ trợ trong giai đoạn tới, qua đó thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giữa hai nước.
Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam dạy tiếng Anh
Ngày 21/9 trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn đã có buổi làm việc với Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS).
Tại buổi làm việc, ETS cho biết sẽ hỗ trợ Việt Nam việc dạy và học tiếng Anh ở bậc học phổ thông.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn, nền giáo dục của Việt Nam đang trong giai đoạn cải cách, chuyển đổi, có rất nhiều việc phải làm, nhất là đổi mới trong khoa học giáo dục nói chung cũng như trong kiểm tra, đánh giá nói riêng.
Bộ trưởng đánh giá cao về mặt khoa học chương trình kiểm tra, đánh giá của ETS bao gồm cả đánh giá cho tiếng Anh cũng như các năng lực khác. Điều này thể hiện qua nhân lực khoa học đông đảo cũng như các hoạt động ETS đang làm, qua việc triển khai bài thi như SAT, TOEFL...
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và ông Amit Sevak - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc ETS ký kết MOU (Ảnh: Giáo dục và Thời đại).
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn ETS có thể chia sẻ nhiều hơn trong việc phát triển khoa học kiểm tra, đánh giá. Việt Nam sẽ cử người sang Hoa Kỳ để tham dự các khóa huấn luyện, cũng như ETS có thể cử các chuyên gia sang Việt Nam để giúp đỡ. Việt Nam đang trong quá trình phát triển các trung tâm khảo thí độc lập nên rất cần hỗ trợ một cách toàn diện.
Bộ trưởng đề xuất ETS hỗ trợ Việt Nam việc dạy và học tiếng Anh ở bậc học phổ thông cũng như giáo dục thường xuyên ở các khâu năng lực giáo viên và kiểm tra, đánh giá. Ngoài ra, ETS cũng cần có khảo sát đánh giá trên diện rộng về năng lực tiếng Anh của học sinh ở các bậc học, các vùng miền để xây dựng chính sách trong việc dạy - học tiếng Anh.
Chủ tịch, Tổng Giám đốc ETS Amit Sevak cho biết, ETS muốn có cơ hội tìm hiểu việc hợp tác về đánh giá ngoại ngữ từ cấp tiểu học và trung học. Chương trình TOEFL của ETS đã được chấp nhận bởi 11 nghìn trường đại học. Các trường này dùng TOEFL để đánh giá năng lực Tiếng Anh nhằm tiếp nhận học sinh. Họ dùng bài thi TOEFL không chỉ ở Mỹ hay Canada mà còn cả Úc, Anh Quốc mà còn rất nhiều nước khác trên thế giới.
"Chúng tôi ghi nhận mong muốn của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn về đào tạo cho giáo viên Việt Nam. Chúng tôi có một chương trình thực hành và được công nhận tại Hoa Kỳ bằng việc trao chứng chỉ. Đây là chương trình chất lượng và được ghi nhận, giúp cho hiệu trưởng và giáo viên các trường có thể đánh giá năng lực của ứng viên trong việc tuyển dụng giáo viên.
HiệnETS đang tổ chức đào tạo giáo viên ở nhiều bang trên đất nước Hoa Kỳ. Trong đó, bang California đã có những bài thi ở các cấp học theo chuẩn vì được thiết kế với ETS. Chúng tôi đã xây dựng, phân phối và chấm điểm cho các bài thi đó. Từ những năm 2000, chúng tôi đã có sự hợp tác tại Việt Nam trong chương trình TOEIC. Đây cũng là một công cụ đánh giá trình độ Tiếng Anh dành cho người đi làm. Thông qua quan hệ đối tác với các đối tác ở Việt Nam, ETS cũng có những cơ hội phục vụ thị trường Việt Nam cùng các công cụ đánh giá khác cho người lao động tại Việt Nam", ông Amit Sevak nói.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Chủ tịch, Tổng Giám đốc ETS đã ký kết hợp tác ghi nhớ (MOU) lần thứ 3.
Bộ trưởng Bộ GD lưu ý với tỉnh Thái Nguyên: Thúc đẩy phát triển trường NCL Thúc đẩy hơn nữa việc phát triển hệ thống trường ngoài công lập, cũng là lưu ý của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn với tỉnh Thái Nguyên. Tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên về tình hình phát triển giáo dục và đào tạo của địa phương, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cảm ơn...