“Thử thách 10 năm” cho thấy vi khuẩn đã không còn đáp ứng với thuốc như trước
So với bức ảnh “thử thách 10 năm” 2009, kháng sinh có vẻ không được tốt lắm.
Các bác sĩ đang cố gắng khai thác sức mạnh của xu hướng #10YearChallenge (Thử thách 10 năm) trên mạng xã hội để thu hút sự chú ý đến cuộc khủng hoảng kháng kháng sinh đang gia tăng trên toàn thế giới.
Họ đang chia sẻ những bức ảnh đặt cạnh nhau chụp đĩa petri chứa đầy vi khuẩn với kháng sinh trong đó – một của năm 2009 và một của năm 2019.
Mặc dù không có cách nào để biết chắc chắn những đĩa thí nghiệm này có chứa gì, song chúng chứng minh chính xác những gì mà các chuyên gia về kháng kháng sinh dự kiến sẽ thấy trong một xét nghiệm kháng sinh chống lại vi khuẩn kháng thuốc như vậy.
Ở bức ảnh đầu tiên, bạn có thể thấy những vòng tròn “sạch” trong môi trường nuôi cấy màu xanh nhạt bao xung quanh từng mẫu thuốc.
Nhưng trong bức ảnh năm 2019, mật độ của vi khuẩn hoàn toàn không thay đổi bởi thuốc – như sẽ xảy ra nếu nó nhiễm vào cơ thể bạn – vì vi trùng đã tiếp xúc quá nhiều với kháng sinh khiến thuốc không còn tác dụng.
Bác sĩ Kate Flavin đã không đăng những bức ảnh về vẻ ngoài của bà cách đây 10 năm so với bây giờ, thay vào đó bà đăng bức ảnh về tác dụng của kháng sinh đối với vi khuẩn kháng thuốc năm 2009 so với ngày nay
Mỗi năm có hơn hai triệu người Mỹ mắc các bệnh nhiễm trùng kháng kháng sinh, theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).
Ít nhất 23.000 người chết vì các bệnh nhiễm trùng này hàng năm, nhưng những đánh giá gần đây về hồ sơ tử vong cho thấy một kịch bản thậm chí còn nghiêm trọng hơn.
Và đó không chỉ là vấn đề của một quốc gia cụ thể.
Tổ chức Y tế Thế giới gọi hiện tượng này là “một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe, an ninh lương thực và phát triển toàn cầu hiện nay”.
Liên minh châu Âu đang chứng kiến 25.000 ca tử vong do kháng kháng sinh mỗi năm, 38.000 người mắc phải những bệnh nhiễm trùng này mỗi năm và 58.000 trẻ sơ sinh tử vong ngay trong năm đầu do nhiễm trùng từ mẹ.
Không phải là y học đã không theo kịp cách mà kháng sinh tiến hóa tự nhiên.
Video đang HOT
Thay vào đó, chính chúng ta đã tạo ra vấn đề.
Trong các bài đăng Thử thách 10 năm, mọi người thường khoe họ đã tiến xa đến mức nào, dù là trong quá trình giảm cân và cơ hội tập luyện, phong cách cá nhân của họ hay đơn giản là già đi. Đó là một cách để nói “hãy xem tôi đã làm được gì”.
Nhưng chúng ta cũng chịu trách nhiệm về sự thay đổi của vi khuẩn và đáp ứng của chúng với kháng sinh.
Vi khuẩn càng tiếp xúc nhiều với kháng sinh, chúng càng được huấn luyện để có sức sống mạnh nhất. Các chủng yếu nhất sẽ bị thuốc tiêu diệt, nhưng những chủng có đột biến nhẹ khiến kháng sinh trở nên kém phù hợp sẽ sống sót và nhân lên.
Các công ty dược phẩm đã đẩy thuốc kháng sinh đến các bác sĩ, và đến lượt mình các bác sĩ lại đẩy kháng sinh về phía bệnh nhân, thường như một cách đơn giản để xoa dịu những phụ huynh hay bệnh nhân không hài lòng với lời khuyên về nhà và nghỉ ngơi khi họ bị nhiễm virut.
Nhưng thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng gì với cảm lạnh thông thường, vốn là bệnh nhiễm virus.
Trong chăn nuôi, vật nuôi được điều trị bằng kháng sinh phòng ngừa, tiếp tục thúc đẩy sự lan tràn của kháng kháng sinh.
Kể từ năm 2007, số ca nhiễm trùng kháng kháng sinh đã tăng gấp đôi ở châu Âu và đang gia tăng mạnh ở những nơi khác trên thế giới.
Chúng ta đang thua trong thử thách 10 năm này.
Và chúng ta cần tiếp tục phát triển các loại kháng sinh mới cũng như có phác đồ rõ ràng hơn về các biện pháp ngăn ngừa nhiễm trùng ngay từ đầu, như rửa tay thật kỹ, không đi làm khi bị bệnh và tiêm phòng vắc-xin.
Không làm như vậy, tình hình kháng kháng sinh sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn và với tốc độ gia tăng.
Kháng kháng sinh là gì?
Thuốc kháng sinh đã bị sử dụng bừa bãi trong nhiều thập kỷ, thúc đẩy vi khuẩn vô hại trở thành siêu vi khuẩn.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trước đây đã cảnh báo nếu không hành động, thế giới đang hướng đến kỷ nguyên “hậu kháng sinh”.
Tuyên bố nêu rõ các bệnh nhiễm trùng thông thường, chẳng hạn như chlamydia, sẽ trở thành những căn bệnh chết người bếu không có những giải pháp ngay lập tức cho cuộc khủng hoảng đang gia tăng.
Vi khuẩn có thể trở nên kháng thuốc khi mọi người dùng thuốc kháng sinh không đúng liều hoặc nếu thuốc bị sử dụng không cần thiết.
Mối đe dọa kháng kháng sinh được đánh giá là nghiêm trọng ngang với hiểm họa khủng bố.
Số liệu ước tính các siêu vi khuẩn sẽ làm chết 10 triệu người mỗi năm vào năm 2050, và bệnh nhân có thể bỏ mạng vì những vi khuẩn từng vô hại.
Hiện mỗi năm có khoảng 700.000 người chết do các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc bao gồm lao (TB), HIV và sốt rét trên toàn thế giới.
Những lo ngại đã nhiều lần được đưa ra rằng y học sẽ bị đưa trở lại “thời kỳ đen tối” nếu kháng sinh bị mất tác dụng trong những năm tới.
Ngoài việc các loại thuốc hiện có trở nên kém hiệu quả, chỉ có một hai loại kháng sinh mới được phát triển trong 30 năm qua.
Vào tháng 9, WHO đã cảnh báo các loại thuốc kháng sinh đang “cạn kiệt” khi báo cáo cho thấy tình trạng “thiếu nghiêm trọng” các loại thuốc mới trong tiến trình phát triển.
Nếu không có thuốc kháng sinh, mổ đẻ, điều trị ung thư và thay khớp háng sẽ trở nên vô cùng “rủi ro”, báo cáo cho biết.
Cẩm Tú
Theo DM
Thứ trưởng Y tế: Không ở đâu mua thuốc kháng sinh dễ như ở Việt Nam
Việc sử dụng thuốc bừa bãi, mua thuốc không theo chỉ định sẽ góp phần làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh, gây hại tới cá nhân người mua và cả cộng đồng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Thông điệp này được Thứ thưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh tại Hội nghị đánh giá 5 năm thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn 2013-2020, do Bộ Y tế tổ chức ngày 14/1, tại Hà Nội.
Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc kháng thuốc đến từ việc mua, bán kháng sinh quá dễ dàng, không theo đơn.
"Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao, thậm chí trầm trọng hơn nhiều nước. Không ở đâu mua kháng sinh dễ như ở Việt Nam. Người dân sử dụng thuốc không có chỉ định của bác sỹ, nhiều người tăng giảm liều vô tội vạ, không để ý đến hạn sử dụng... nhất là trong bối cảnh xuất hiện nhiều loại vi khuẩn kháng đa kháng sinh, vi khuẩn kháng thuốc lan rộng từ nước này sang nước khác đe dọa sức khỏe con người," Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến chỉ rõ.
Để khắc phục tình trạng kháng kháng sinh, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Viết Tiến cho rằng mỗi người dân cần nêu cao nhận thức về việc sử dụng thuốc hiệu quả cho chính bản thân và cộng đồng; nhận thức rõ kháng kháng sinh nguy hiểm với cộng đồng như thế nào; đồng thời khi mua thuốc kháng sinh nhất thiết phải theo đơn và có chỉ dẫn của bác sỹ.
Bên cạnh đó, cần nêu cao trách nhiệm của những người được quyền sử dụng thuốc bao gồm bác sỹ, dược sỹ để kiểm soát chặt việc kê đơn, bán thuốc...
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, hiện có 6 nguyên nhân gây kháng thuốc tại Việt Nam gồm kê đơn và cấp phát kháng sinh không hợp lý như kê đơn kháng sinh với liều quá thấp hoặc quá cao, không kê đơn theo kết quả vi sinh, tiếp tục điều trị lâu hơn cần thiết; bệnh nhân sử dụng kháng sinh không kê theo đơn hoặc không đủ liệu trình; sử dụng kháng sinh quá mức cần thiết hoặc sử dụng không đúng cách trong chăn nuôi trồng thủy sản; kiểm soát nhiễm khuẩn chưa tốt trong các cơ sở y tế và nông trại; thiếu các nhà vệ sinh, xử lý chất thải nhựa chưa thích hợp; thiếu các kháng sinh mới được sáng chế.
Ông Lương Ngọc Khuê cũng nêu những tồn tại, thách thức trong công tác phòng, chống kháng thuốc. Đó là hợp tác liên ngành chưa được duy trì thường xuyên; nhận thức của cộng đồng, cán bộ y tế, nông nghiệp về phòng chống kháng thuốc nói chung còn hạn chế. Năng lực của hệ thống xét nghiện vi sinh còn hạn chế, việc hỗ trợ cho lâm sàng hiệu quả chưa cao.
Bên cạnh đó, chất lượng dữ liệu về phòng chống kháng thuốc còn hạn chế; dữ liệu quản lý sử dụng kháng sinh chưa được đầy đủ, thường xuyên...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo chung về tình hình thực hiện kế hoạch hành động quốc gia phòng chống kháng thuốc; thực tế hoạt động của các địa phương trong thực hiện công tác này, cũng như những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Chương trình giám sát sử dụng kháng sinh năm 2018 tiếp tục có những thành công như tỷ lệ tuân thủ hướng dẫn sử dụng kháng sinh tăng và đạt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ kháng sinh sử dụng tiếp tục giảm (còn 15% trong tổng số chi phí thuốc).
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tình hình nhiễm khuẩn bệnh viện được đo lường; số lượng, tỷ lệ, thành phần vi khuẩn đa kháng được kiểm soát.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, bệnh viện gặp một số tồn tại như số bệnh án khảo sát chưa nhiều, tỷ lệ gửi mẫu bệnh phẩm trước cấy còn chưa cao; tỷ lệ xuống thang kháng sinh còn thấp. Bên cạnh đó, hệ thống công nghệ thông tin còn chưa mạnh, nhân lực cho chương trình còn thiếu, kinh phí cho chương trình hầu như không có.../.
Theo vietnamplus
Con bị nhiễm trùng đường hô hấp, mẹ cảnh báo "Đừng để bất cứ ai chạm vào con bạn mà chưa rửa tay!" Thông điệp của người mẹ có con phải nằm viện vì nhiễm trùng đường hô hấp đã nhận được sự đồng tình lớn của cộng đồng mạng. Đừng để bất cứ ai chạm vào con bạn mà chưa rửa tay! Thời gian qua, có rất nhiều bà mẹ đã lên tiếng cảnh báo về việc phải hết sức thận trọng trong những vấn...