Thủ khoa bỏ đại học hàng đầu thế giới để nuôi ước mơ làm thầy giáo
Thủ khoa đầu ra của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm nay là một chàng trai đặc biệt, người từng dũng cảm rời bỏ trường đại học hàng đầu thế giới để nuôi ước mơ làm thầy giáo.
Phạm Việt Dũng
Với tổng điểm 3,94/4, Phạm Việt Dũng là thủ khoa của khoa Sư phạm Vật lý và cũng là Á khoa Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khóa 66 ra trường năm nay.
Sinh năm 1998 tại Thái Bình, năm 2 tuổi đã cùng gia đình lên Hà Nội sinh sống. Năm 2008, Dũng trúng tuyển ngành Điện điện tử của Đại học Bách khoa Hà Nội với số điểm 27,5, trong đó môn Vật lý đạt 10.
Học Bách khoa hai năm, Dũng tìm hiểu chương trình tuyển sinh của Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), ngôi trường được xếp hạng hàng đầu thế giới. Vượt qua kỳ thi đầu vào khắc nghiệt và được học bổng hỗ trợ tài chính 80%, năm 2010, Dũng sang Singapore theo học ngành Vật lý và Vật lý ứng dụng.
Thời gian học tại Singapore, Dũng tham gia những hoạt động ở ngoài, được đi nhiều nơi và gặp nhiều người hơn. Và rồi trong đầu bắt đầu xuất hiện một câu hỏi, tại sao đất nước họ lại phát triển hơn quê hương mình? Câu hỏi đó ám ảnh Dũng suốt một thời gian dài, và cuối cùng Dũng nhận ra rằng giáo dục có một tác động rất lớn.
Phạm Việt Dũng và các bạn tại lễ khai giảng khóa 66
Đơn cử như học Vật lý, trường học Việt Nam gần như dạy chay, học chay, không có bất kỳ thí nghiệm hay sản phẩm học tập nào, còn ở Singapore thì trái ngược hoàn toàn.
Có câu trả lời, Dũng còn bị dằn vặt hơn nữa vì không biết nên làm gì, liệu có thể giúp gì cho đất nước. Sau nhiều cuộc đấu tranh tư tưởng đến mất ngủ, Dũng quyết định dừng học tập ở Singapore để về nước học và làm giáo dục.
Quyết định được đưa ra khi chỉ còn một vài tháng là Dũng tốt nghiệp, có một công việc với mức lương khởi điểm 100 triệu đồng. Dũng bảo mọi người có thể nói đó là suy nghĩ bồng bột của tuổi trẻ. Thực tế, nếu tiếp tục học và lấy bằng, Dũng phải làm việc ở Singapore thêm ít nhất hai năm theo chính sách học bổng. Em không muốn mất thêm thời gian.
Video đang HOT
Về Việt Nam, Dũng vấp phải sự phản đối gay gắt từ gia đình bởi sáu năm chưa có nổi một tấm bằng đại học, chưa có công việc ổn định. Thời gian đầu về Việt Nam, Dũng vào làm công ty công nghệ một thời gian ngắn rồi xin đi thực tập ở trường Phổ thông liên cấp Olympia Hà Nội.
Dũng và các bạn tại lễ tốt nghiệp
Sau đó, Dũng quyết định ôn tập để thi vào Đại học Sư phạm Hà Nội. Ôn thi đại học lại sau nhiều năm, Dũng vẫn đạt 24,5 điểm và là thủ khoa ngành Sư phạm Vật lý bằng Tiếng Anh ở tổ hợp xét tuyển A1 (Toán, Lý, Anh).
“Nhưng cái mặc cảm lớn hơn là khi đó, những người bạn bên Singapore đã có gia đình và sự nghiệp, còn mình thì bắt đầu lại từ vạch xuất phát. Thậm chí đã có lúc mình nghĩ liệu có quyết định sai lầm, rồi chỉ biết tự nhủ phải tiếp tục tiến lên bởi không còn đường lùi”, Dũng chia sẻ.
Thời gian đi học, Dũng đi dạy về STEM và dạy cho những bạn có nhu cầu học Toán, Vật lý bằng tiếng Anh để du học, tham gia một số dự án giáo dục, đào tạo giáo viên. Vì vậy, chi phí ăn ở, học tập Dũng đều tự lo được, thậm chí còn lo cho gia đình.
Kết thúc 4 năm ở Trường Sư phạm, Dũng đạt điểm tổng kết 3.94/4 (tương đương 9,26/10), trở thành thủ khoa Vật lý và Á khoa toàn trường. Dũng bảo những gì học được không thể hiện ở bảng điểm. Đại học Sư phạm Hà Nội cho anh nhiều điều, đặc biệt là có cái nhìn tổng quan hơn về giáo dục Việt Nam.
“Ngày hôm nay, mặc dù muộn, nhưng mình tin rằng đã làm cho gia đình tự hào, không chỉ vì kết quả đã đạt được, mà hơn hết, là vì mình đã dám sống với mơ ước tưởng chừng viển vông, dám hy sinh đánh đổi rất nhiều thứ vì lý tưởng đã tự đặt ra từ khi còn trẻ”, Dũng nói.
Thủ khoa Đại học Sư phạm: Rèn luyện nghiêm túc, ai cũng sẽ có việc như mong muốn
Trở thành thủ khoa đầu ra của trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2020, Nguyễn Thị Quỳnh Nga dự định tiếp tục học lên.
Cô đang chuẩn bị cho suất học bổng toàn phần thạc sĩ Toán ứng dụng tại Pháp vào thời gian tới.
Với Quỳnh Nga, danh hiệu thủ khoa là phần thưởng xứng đáng cho quá trình nỗ lực suốt 4 năm đại học. Ảnh: NVCC
Trước khi chọn thi vào đại học ngành sư phạm, Quỳnh Nga - cô gái đến từ Nghệ An cũng nhìn thấy một thực tế là nhiều sinh viên sư phạm ra trường không xin được việc đúng chuyên ngành. Nhưng với quyết tâm và niềm tin vào thực lực bản thân, Quỳnh Nga vẫn lựa chọn và theo đuổi ngôi trường Sư phạm vì lý tưởng nghề giáo là một nghề vô cùng cao quý.
"Rất nhiều người thân của tôi làm giáo viên hoặc là các công việc liên quan đến giáo dục. Được tiếp xúc với môi trường sư phạm từ sớm, tôi hiểu được rằng đây là một công việc vô cùng cao quý. Khi tôi quyết định theo học sư phạm, may mắn là bố mẹ, gia đình mình đều ủng hộ.
Tôi cũng hiểu để trở thành giáo viên và sống được với nghề này là không dễ. Nhưng nếu rèn luyện nghiêm túc về cả kiến thức lẫn kỹ năng thì ai cũng có thể tìm được công việc như mình mong muốn", Quỳnh Nga chia sẻ quan điểm.
Nhận thức được điều đó, Quỳnh Nga đặt mục tiêu nỗ lực ngay từ những ngày đầu tiên vào trường. Bởi Nga cho rằng nếu nỗ lực, kiên trì thì nhất định quả ngọt cũng sẽ xuất hiện.
Qua 4 năm học đại học với số điểm GPA 3,97/4, Nga xuất sắc trở thành thủ khoa tốt nghiệp đầu ra của toàn trường. Đây cũng chính là sự đền đáp xứng đáng cho những gì Nga đã cố gắng miệt mài trong suốt thời gian qua.
Quỳnh Nga nhấn mạnh: "Giá trị và khả năng thực sự của một giáo viên chỉ được thể hiện khi trực tiếp giảng dạy và dẫn dắt các thế hệ học sinh". Ảnh: NVCC
Chặng hành trình 4 năm đại học qua đi với nhiều kỷ niệm đẹp, danh hiệu thủ khoa đầu ra của toàn trường đã mang lại bước chuyển mình quan trọng trong cuộc đời của tân cử nhân sư phạm Toán. Nhưng với Nga, đây mới chỉ là khởi đầu:
"Danh hiệu thủ khoa chỉ là một phần thưởng cho quá trình nỗ lực của mình suốt thời gian học đại học, nó không nói lên quá nhiều điều. Sau này khi bước vào đời, mình cũng giống như tất cả các bạn sinh viên khác, đều phải rèn luyện và nỗ lực hết mình", Nga nhấn mạnh.
"Cày cuốc" chăm chỉ để đạt được số điểm gần tuyệt đối, nhưng Quỳnh Nga không phải là một cô gái "mọt sách" mà nhiều người thường nghĩ.
Những năm qua, cô cũng dành nhiều thời gian của mình để tham gia vào các hoạt động tập thể, tích cực chạy các sự kiện trong trường, học ngoại ngữ và rèn luyện cho mình nhiều kỹ năng mềm khác.
Thời gian tham gia hoạt động ngoại khóa đó cho Nga nhiều mối quan hệ và phát triển bản thân toàn diện hơn.
Nói về nghề nghiệp mà mình đang theo đuổi, bên cạnh kiến thức vừa sâu vừa rộng, theo Quỳnh Nga, trách nhiệm là đức tính hàng đầu mà mỗi người giáo viên cần phải có.
Bởi chỉ khi ý thức được trách nhiệm của người "chèo đò" trong sự nghiệp "trồng người", giáo viên mới có động lực học hỏi, hoàn thiện chính mình và nỗ lực vì thế hệ tương lai.
Khi chia sẻ về kinh nghiệm học tập để có được thành quả như ngày hôm nay, Quỳnh Nga cho biết mọi kết quả đều đến từ nỗ lực và đam mê, không có bí quyết gì đặc biệt.
Cô cho rằng nếu mình thực sự tin tưởng vào con đường mà mình đã chọn, chính bản thân nó cũng là một loại năng lực, một loại sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn.
Quỳnh Nga cảm thấy may mắn khi nhận được sự ủng hộ của người thân và gia đình khi theo học sư phạm. Ảnh: NVCC
Đối với nhiều bạn bè, Nga được đánh giá là một người hướng ngoại, chăm chỉ, có lý tưởng và mục tiêu rõ ràng cho những gì mình lựa chọn. Cô luôn nỗ lực sắp xếp thời gian quy củ, khoa học và nghiêm túc thực hiện theo những kế hoạch mình đã định hình sẵn.
Bên cạnh niềm hạnh phúc vì những nỗ lực đã được đền đáp, cô không tránh khỏi cảm thấy áp lực khi mang trong mình danh hiệu này.
Bởi giá trị và khả năng thực sự của một giáo viên chỉ được thể hiện khi trực tiếp giảng dạy và dẫn dắt các thế hệ học sinh.
Sau khi trở thành thủ khoa đầu ra của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Quỳnh Nga nhận được một suất học bổng toàn phần đi học Thạc sĩ Toán ứng dụng tại Pháp.
Trong thời gian này, cô đang chuẩn bị cho khóa học mới ở một chân trời mới: "Trong tương lai xa, mình muốn phấn đấu trở thành một nhà nghiên cứu, quay về Việt Nam để đóng góp vào công cuộc đào tạo nhân lực chất lượng cao của đất nước", Nga tâm sự.
Mặc dù ở thời điểm hiện tại, cô có thể dễ dàng tìm cho mình một công việc tốt và ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, sự học là bất tận, cô mong muốn mình có thể tận dụng cơ hội này để đi sâu vào chuyên ngành Toán ứng dụng, mở mang kiến thức, học hỏi nhiều điều bổ ích ở một đất nước phát triển hơn để hoàn thiện chính mình.
Cùng với sự nhiệt tình, năng động và ý thức trách nhiệm của tân cử nhân sư phạm Toán, cô tự hứa sẽ học tập, rèn luyện thật tốt tại môi trường mới để có thể học hỏi và một ngày không xa đóng góp cho ngành sư phạm nước nhà.
Hà Nội sẽ tuyên dương 88 thủ khoa xuất sắc năm 2020 Ngày 21-8, Thành đoàn Hà Nội cho biết, Thành đoàn Hà Nội sẽ tổ chức các hoạt động tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện năm 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội vào cuối tháng 8. Theo kế hoạch, 88 thủ khoa xuất sắc của các trường đại học, học viện sẽ được tuyên...