Thu học phí không đúng quy định: Mức phạt còn thấp, chưa đủ sức răn đe
Theo quy định, các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng.
Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết có cuộc trao đổi với TS, Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Kim Phụng và Cộng sự, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – Bộ Giáo dục và Đào tạo để làm rõ hơn về mức thu học phí theo quy định của luật.
PV: Thưa bà, hiện nay, cơ chế tự chủ cho phép các cơ sở GDĐH được tự chủ về tài chính bao gồm cả học phí. Vậy việc tự chủ học phí dựa vào nguyên tắc nào?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Theo quy định của Luật GDĐH hiện hành, việc tự chủ xác định mức học phí của các cơ sở GDĐH chủ yếu dựa trên năng lực tự chủ của cơ sở GDĐH và căn cứ vào định mức kinh tế – kỹ thuật theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo. Trong đó, định mức kinh tế – kỹ thuật bao gồm chi phí tiêu hao các yếu tố về lao động, thiết bị, vật tư để hoàn thành việc giáo dục đào tạo một người học đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Việc tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo theo định mức kinh tế – kỹ thuật đảm bảo cho học phí được tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo. Tuy nhiên, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có hiệu lực từ ngày 15/10/2021 còn quy định “tỷ lệ tăng mức giá dịch vụ không quá 15%/năm”.
Năm học này, do ảnh hưởng của dịch bệnh, sinh viên phải nhập học bằng hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, hiện nay một số ít trường thu mức học phí cao hơn hoặc có khoản thu không hợp lý. Phải phăng chưa có quy định rõ ràng về học phí trực tuyến?
Video đang HOT
- Bên cạnh quy định chung cho việc xác định mức thu học phí, các cơ sở GDĐH còn có trách nhiệm phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở GDĐH.
Cùng với đó, Nghị định số 81/2021 quy định khung mức thu học phí trình độ đại học cho các cơ sở GDĐH công lập trong năm học 2021-2022 theo 7 khối ngành với mức tối đa từ 980.000 đồng đến 1.430.000 đồng/sinh viên/tháng tuỳ theo từng khối ngành đối với cơ sở GDĐH công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; và tối đa từ 2.050.000 đồng đến 5.050.000 đồng/sinh viên/tháng tuỳ theo từng khối ngành đối với cơ sở GDĐH công lập đã bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.
Đối với học phí của hình thức học trực tuyến, các cơ sở GDĐH được xác định mức thu học phí trên cơ sở mức chi phí phát sinh thực tế hợp lý, tối đa bằng mức học phí của cơ sở (so với hình thức học trực tiếp), tương ứng với từng khối ngành theo mức độ tự chủ đã được quy định nêu trên.
Như vậy, mức thu học phí đối với hình thức học trực tuyến đã được quy định khá rõ ràng, theo chi phí thực tế hợp lý của quá trình tổ chức dạy học; không được vượt quá mức học phí hợp pháp mà cơ sở GDĐH đã xác định theo các quy định nêu trên và thông báo cho người học cùng với thông báo tuyển sinh.
Nếu việc thu học phí đối với hình thức học trực tuyến vượt quá mức học phí mà cơ sở GDĐH đã xác định, thông báo theo các quy định nêu trên sẽ bị coi là hành vi thu không đúng quy định.
Vậy, đối với những trường có khoản thu không hợp lý, theo quy định sẽ bị xử lý như thế nào, thưa bà?
- Theo quy định tại Điều 32, Nghị định số 04/2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, cơ sở GDĐH thu học phí không đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng, tuỳ theo mức độ vi phạm; bị buộc trả lại số tiền đã thu và chịu mọi chi phí tổ chức trả lại cho người học. Tuy nhiên, mức phạt như trên còn thấp, nhất là so với mức thu học phí trong các trường tự chủ hiện nay, nên chưa đủ sức răn đe và phòng ngừa vi phạm chung.
Tôi cho rằng, đối với vi phạm các quy định về tài chính, bên cạnh biện pháp khắc phục hậu quả, mức phạt cần quy định cả mức khởi điểm và mức luỹ kế theo nguyên tắc: Phạt gấp nhiều lần mức hưởng lợi do vi phạm mà có. Bên cạnh đó, cũng cần áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung hợp lý khác như dừng tuyển sinh đối với trường vi phạm ảnh hưởng nặng tới người học. Việc thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm cũng cần phải thực hiện hết sức nghiêm túc mới nâng cao ý thức tuân thủ và có ý nghĩa phòng ngừa chung.
Trân trọng cảm ơn bà!
Bộ GD-ĐT nói gì trước thông tin xây dựng phương án giảm học phí đại học?
Bộ GD-ĐT khẳng định không có việc Bộ GD-ĐT xây dựng ngay phương án giảm học phí cho sinh viên các trường ĐH. Năm học 2021-2022, các trường ĐH triển khai việc thu học phí theo Nghị định 81.
Trước thông tin đang lan truyền về việc Thủ tướng đã họp với Bộ GD-ĐT và đồng ý giao Bộ GD-ĐT xây dựng phương án giảm học phí cho sinh viên, ngày 31-8, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định thông tin này là không chính xác.
Bộ GD-ĐT khẳng định thông tin Bộ GD-ĐT xây dựng phương án giảm học phí đại học là không chính xác.
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, năm học này, các trường ĐH triển khai việc thu học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP.
Bộ GD-ĐT cho biết thêm theo Nghị định 81, mức trần học phí đại học năm học 2021-2022 không tăng so với năm học 2019-2020.
Căn cứ vào quy định trần học phí của Nghị định 81 tương ứng với từng năm học, thủ trưởng các cơ sở GD-ĐT chủ động quy định mức thu học phí cụ thể đối với các đơn vị, chương trình đào tạo thuộc thẩm quyền quản lý.
Nghị định 81 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, mức trần học phí năm học 2021 - 2022 đối với các ngành đào tạo của trường đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư bằng với năm học 2020 - 2021. Trong đó, mức học phí cao nhất là khối ngành y dược và các khối ngành sức khoẻ khác với 1,43 triệu đồng/sinh viên.
Đối với các trường đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, học phí ngành y dược và các khối ngành sức khoẻ khác cũng là cao nhất với 5,05 triệu đồng/sinh viên.
Từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026, mức trần học phí của các trường đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên mỗi năm tăng khoảng 200.000 đồng.
Trong khi đó, các trường đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên có mức học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí nêu trên tương ứng với từng khối ngành và từng năm học.
Các trường đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư có mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí nêu trên tương ứng với từng khối ngành và từng năm học
Đối với chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học công lập đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn do Bộ GD-ĐT quy định hoặc đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn nước ngoài hoặc tương đương, trường đại học được tự xác định mức thu học phí của chương trình đó.
Mức học phí này phải dựa trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ sở giáo dục ban hành, thực hiện công khai giải trình với người học, xã hội.
GS Nguyễn Thanh Phương: đại học tự chủ hoàn toàn không nên đặt trần học phí Khi đã tự chủ hoàn toàn, trường nào cũng sẽ tính toán thu ở mức nào để đảm bảo hoạt động nhất là tuyển sinh, chứ không phải lúc nào cũng thu cao. Từ năm 2015 đến nay các cơ sở giáo dục công lập thực hiện thu học phí theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ...