Thơm mùi mực nướng góc phố Hà thành
Đi dọc những tuyến phố Hà Nội trong đêm đông không khó để bắt gặp hình ảnh những quán mực nướng nằm ven đường, hòa trong không khí nhộn nhịp, ấm áp với đĩa mực nướng và những câu chuyện râm ran bên chén rượu nồng.
Ảnh:anchoigiaitri.vn
Từng góc phố thơm mùi mực nướng như níu chân mỗi thực khách qua đường. Đi dọc những tuyến phố Hàng Gai, Hàng Dầu, Mai Hắc Đế, Lương Văn Can… các quán dù to hay nhỏ tối nào cũng thấy đông vui tấp nập. Những vị khách ngồi quây quần quanh mảnh chiếu nhỏ cùng nhau nhâm nhi chén rượu bên “chú mực” đang được nướng trong đĩa cồn, hay trên bếp than nhỏ lửa, kèm theo những tiếng cười giòn tan như xoa dịu cái lạnh đêm đông. Họ vừa thưởng thức đĩa mực nướng vừa bàn tán những câu chuyện đời thường, giản dị… tất cả đều miên man cùng chén rượu cay nồng và đĩa mực nướng thơm ngọt.
Ảnh:tathy.com
Mực nướng là món dễ ăn vì thế mà không kén khách hàng, nhiều người đến với món ăn này chỉ đơn giản là có thể lai rai những câu chuyện cùng với bạn bè hay người thân của mình được lâu hơn. Ngoài ra thưởng thức món mực nướng vỉa hè, hay những góc phố khuất người qua lại khiến ai cũng có cảm giác thoải mái với cách thưởng thức dân dã và ấm cúng này.
Ảnh:my.opera.com
Giá mỗi con mực không quá đắt khoảng 80 nghìn/ kg phù hợp với túi tiền của nhiều người, khách có thể chọn mua bất kỳ con mực nào tùy theo sở thích của mình. Hầu hết mực được chọn thường là những con dày mình, thơm thịt, tươi màu, như thế khi nướng lên mùi thơm phức ấy sẽ khiến ai cũng đều muốn thưởng thức dù chỉ vô tình đang đi ngang qua. Muốn nướng mực ngon phải nướng vừa tầm, không nên nướng quá kĩ sẽ làm mất độ ngọt và thịt bị dai.
Ảnh:blog.timnhanh.com
Mực nướng sẽ ngon hơn nếu chấm với nước tương ớt. Vị cay của nước tương sẽ kết hợp với vị ngọt và thơm của mực làm nên mùi vị riêng đặc biệt. Ngoài ra mực nướng có thể ăn kèm với rau răm, rau thơm hoặc muối tiêu chanh. Khác với cách thưởng thức của nhiều vùng miền biển, người Hà Nội thưởng thức món ăn này theo cách riêng của mình, không phải ăn kèm với quả ớt tươi, hay thưởng thức cùng rau xà lách mà nó chỉ đơn giản là một bát nước tương ớt nhỏ cùng những nhánh rau răm. Chỉ thế thôi cũng đủ làm cái lạnh giảm đi phần nào trong cơ thể.
Ảnh:apt.com.vn
Mùi vị đặc trưng riêng của món ăn này đã khiến không ít người thấy thèm thèm mỗi khi nghĩ đến. Phải chăng đó là lí do với người dân Hà thành, mực nướng đêm đông bên chén rượu cay nồng đã trở thành thực đơn quen thuộc và được yêu thích đến thế.
Theo MonngonHanoi.com
Dân dã mà ngon món ăn vỉa hè thành Vinh - xứ Nghệ
Dịp nào đó khi tới thành Vinh -xứ Nghệ nhớ đừng bỏ qua vài món ăn vặt như ốc xào, bánh rán hay bánh bèo nóng hổi.
Nhắc tới ẩm thực xứ Nghệ, người ta thường nghĩ ngay tới các loại hải sản và món lươn trứ danh đi khắp mọi miền đất nước. Nhưng một dịp nào đó, bạn ghé qua thành Vinh vào buổi tối, lang thang phố xá thì hãy ghé chân thưởng thức vài món dân dã dưới đây.
Những con phố ẩm thực như Nguyễn Văn Cừ, Đinh Công Tráng, cổng Thành với vô vàn sự lựa chọn... sẽ khiến bạn không nỡ rời chân đi đấy!
1. Ốc xào
Các bạn đã bao giờ ăn ốc xào được chặt đít, chỉ cần đưa lên miệng mút một hơi là tận hưởng được tất cả vị béo ngậy và cay nồng của con ốc chưa?
Video đang HOT
Ốc xào ở Vinh không để nguyên con như ốc xào me Hà Nội mà được chặt đít và tẩm với gia vị, lá chanh, sả, ớt, sau đó được xào lên cùng với hành tóp mỡ. Tất cả vị đậm đà, cay mặn thấm sâu vào từng con ốc. Bạn ăn cùng nó với bánh đa (loại bánh đa đặc biệt nhiều vừng đen và tỏi ấy) và rau sống.
Đến Vinh vào buổi chiều lành lạnh thế này, bạn đừng quá ngạc nhiên khi thấy từng nhóm học sinh, nhân viên công sở đang vừa ăn vừa nước mắt nước mũi dàn giụa bên đĩa ốc xào thơm lừng mà cay xè, béo ngậy.
Địa chỉ tham khảo:
Ốc Bà Liên (Khối 12, Phường Cửa Nam), Ốc bà Thưởng (Đội Cung, gần cổng thành), Ốc bà Soa (cổng Thành)
2. Bánh bèo
Bánh bèo thì cũng chỉ mới xuất hiện ở Vinh trong khoảng chục năm trở lại đây nhưng đã trở thành một món ăn quen thuộc, khoái khẩu của nhiều người nhất là giới học trò ở Vinh.
Khác với Bánh bèo Huế, bánh bèo Nghệ mang một sắc thái ẩm thực khác. Bánh bèo Nghệ được làm từ bột lọc với nhân tôm thịt, xào lên cùng hành mỡ và ăn với rau mùi.
Vị bánh bèo ngọt, trộn lẫn với vị bùi của tôm, của thịt. Xen vào chút cay cay nồng nồng của ớt chưng. Thêm vào đó là vị thơm của hành phi cộng với rau mùi. Bánh bèo như đánh thức mọi giác quan của người thưởng thức vậy để rồi ăn đĩa này lại thòm thèm muốn ăn thêm đĩa nữa.
Bánh bèo Nghệ được làm từ bột lọc với nhân tôm thịt, xào lên cùng hành mỡ và ăn với rau mùi.
Ở Vinh có nhiều nơi bán bánh bèo nhưng ngon nhất vẫn là bánh bèo ở đường Nguyễn Văn Cừ. Có lẽ chính vì thế mà con đường này này đã được đổi tên thành "đường bánh bèo" để rồi sau những giờ học ở lớp là học sinh ở khắp nơi lại đổ về đường Nguyễn Văn Cừ để thưởng thức những đĩa bánh bèo thơm phức .
Địa chỉ tham khảo:
Bánh bèo Nhàn Huế (171 Nguyễn Văn Cừ), Bánh bèo rán bà Châu (Trường Thi), Bánh bèo lá Lê Hồng Phong (đối diện cafe điện ảnh 2)
3. Cháo canh
Cũng tương tự như bánh canh ở Huế, Quảng Bình nhưng người dân xứ Nghệ đã quen gọi tên món này là cháo canh.
Bột mỳ là nguyên liệu chủ yếu để hình thành được món cháo canh. Người đầu bếp sẽ phải nhào nặn bột mỳ (đã được trộn nước) cho đến khi bột thật nhuyễn, cán mỏng và cắt thành những sợi nhỏ, đều đặn.
Đợi khi đến nồi nước xương đã được hầm nhừ, thả những sợi mỳ trắng xóa vào, cho thêm tôm, thịt băm đã xào với hành khô phi thơm phức là bạn đã có một bát cháo canh ngon lành rồi.
Địa chỉ tham khảo:
Cháo canh Đinh Công Tráng, Cháo canh cổng thành (Cửa Nam)
4. Bánh đa xúc hến
Nếu canh hẹ nấu hến là món không thể thiếu trong các bữa cơm hàng ngày của người thành Vinh thì bánh đa xúc hến là món nhậu quen thuộc những dịp bạn bè gặp nhau, ngồi lai rai vài li rượu hay vài cốc bia tán gẫu chuyện trên trời dưới biển.
Hến được đãi từ sông Lam tuy nhỏ con nhưng béo và sạch lòng. Thứ hến này ruột đặc sánh, có vị ngọt đậm thơm chỉ cần xào qua với hành mỡ, tỏi, dưa chuột, rắc thêm rau thơm, một ít lạc rang giã dập cùng vài lát ớt cắt mỏng, ăn kèm với bánh tráng Đô Lương là trở thành một món nhậu lý tưởng.
Những mẩu bánh giòn tan sẽ biến thành những chiếc thìa cho ta nhẩn nha xúc những con hến ngon lành lẫn với những cọng giá nuột nà đưa lên miệng để cảm nhận đủ thứ hương vị ngọt, thơm, bùi béo đầy quyến rũ.
Mấy thứ "đặc sản" này có cái lạ là ăn hoài không thấy ngán cho dù bụng đã căng tròn. Hơn nữa chúng đều rẻ đến không ngờ nên bạn có thể ăn thả phanh mà không phải băn khoăn lo nghĩ gì. (Một đĩa bánh đa xúc hến đầy ự 3-4 người ăn chỉ với 30 000 đồng)
5. Bánh mướt
Có thể bạn đã từng ăn nhiều đặc sản của nhiều vùng miền trong cả nước, đã từng nghe đến nhiều món lạ, món ngon của từng vùng. Nhưng chắc rằng bạn không khỏi ngạc nhiên khi nghe tên "bánh mướt" - một món ăn đặc trưng của vùng nhân kiệt miền Bắc Trung Bộ: Nghệ An - Hà Tĩnh.
Nếu như bánh cuốn Thanh Trì nổi tiếng được làm từ loại gạo tám thơm số một thì bánh mướt ở dải đất đầy nắng gió này chỉ khiêm tốn hình thành từ loại gạo tạp giao rẻ tiền... ấy vậy mà khi ăn thử miếng bánh, không ít người đã phải ngạc nhiên đấy, bánh trắng bóng, mềm, dẻo và hơi dai khác hẳn với cái mềm có độ giòn của bánh cuốn Thanh Trì.
Không nhỏ nhắn, ý nhị như bánh ở ngoài Bắc, bánh mướt to và dày dặn hơn giống cái "đòn xóc". Có người đã ví bánh cuốn mong manh như cái heo may xứ Bắc, còn bánh mướt thì hào hứng đong đầy như ánh ban mai đón cá về cũng không sai nhỉ?
Ở vùng Nghệ An - Hà Tĩnh, bánh mướt là món ăn phổ biến mà bất kỳ người dân nào cũng ưa chuộng. Bánh mướt dễ ăn, chỉ cần ăn kèm một chén nước mắm vắt chanh với ớt tươi xắt lát cũng đã thấy ngon miệng.
Nếu dùng bánh mướt để đãi khách thì có thể dùng kèm với chả giò, thịt nướng,... hay các món nước như bò sốt vang, xáo gà, xáo vịt... . Từng tấm bánh vừa tráng nóng hổi lấp lánh bên trên là những cọng hành khô thơm phức sẽ làm động lòng ngay cả những thực khách khó tính nhất!
6. Ngô nướng
Có lẽ bởi cái thú ăn cay, ăn mặn của con người xứ Nghệ nên món ăn nào ở mảnh đất vốn nghèo khó này cũng có vị đậm đà hơn các nơi khác. Ngô nướng cũng vậy, những bắp ngô được tưới qua một thứ nước sốt làm từ bơ và tương ớt, để vị cay, vị ngọt ngấm sâu vào những hạt ngô bé xíu rồi đem nướng lên than hoa.
Quây quần bên chiếc lò than bên trên là những bắp ngô óng ánh vàng ươm, vừa hít hà mùi thơm của bơ, của ngô là cái thú của người thành Vinh mỗi đêm đông. Và cái cách ăn ngô nướng của "dân Vinh" cũng đặc biệt: phải đưa cả bắp ngô lên nhoàm nhoạm để cảm nhận hết vị đậm đà nước sốt mới thích thú, rồi xuýt xoa bởi vị cay nồng mà vẫn muốn thưởng thêm cho mình một bắp nữa.
Địa chỉ tham khảo: vỉa hè trước cổng rạp 12-9(đường Quang Trung)
7. Mía hấp gừng
Bên cạnh ngô nướng, mía hấp gừng là một đặc sản của thành phố Vinh. Mía được cắt khúc thành từng tấm, những lát gừng đập dập cho vào nồi hấp. Tất cả chỉ có vậy nhưng mía hấp gừng là món ăn sẽ khiến bạn lưu luyến hoài khi đến với thành Vinh giữa mùa đông giá rét.
Địa chỉ tham khảo:
vỉa hè đường Đinh Công Tráng (chỉ bán vào buổi tối)
8. Bánh rán
Món bánh rán này gần giống với bánh tôm ở Hà Nội hay bột chiên ở Sài Gòn. Bánh được làm từ bột mì pha đặc thêm chút đường, muối, hành lá rồi đổ từng thìa vào chảo mỡ sôi già để rán.
Điều đặc biệt khi rán bánh này là người bán hàng phải luôn tay dùng thìa và đũa để kéo cho bánh nở rộng và không bị co lại khiến cho bánh có độ giòn tan đến lạ! Không giòn hơi mềm như bánh tôm Hà Nội, hay cái giòn tan của bột chiên Sài Gòn, bánh rán Nghệ An cũng giòn nhưng hơi có độ dai và cứng, ăn vào nghe rất vui tai.
Địa chỉ tham khảo:
vỉa hè, B4 khu tập thể Quang Trung, đối diện với khách sạn Kim Liên (chỉ bán vào buổi chiều).
Và còn rất nhiều món ngon khác đang chờ bạn khám phá và thưởng thức!
Theo Tạp chí ẩm thực
Chuối quết dừa Món ăn dân dã nhưng là đặc sản của người dân sông Tiền. Đó là món ăn "tuyệt cú mèo" được chế biến từ chuối sứ. Đầu tiên, lấy một thau nước to, vắt vào mấy trái khế chua rồi xẻ đôi trái chuối theo chiều dọc và tách bỏ vỏ ngâm ruột vào nước cho trắng. Xong rửa sạch mủ, vớt ra...