Thịt cá, hải sản đầy chợ, giá không tăng trong ngày đầu nghỉ lễ
Dịp 30-4 và 1-5 kéo dài tới 5 ngày nên các chợ đầu mối, doanh nghiệp và tiểu thương ở TP HCM đã chủ động chuẩn bị nguồn thực phẩm dồi dào để đáp ứng nhu cầu của người dân trong những ngày nghỉ
Sáng 27-4, ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ, phóng viên Báo Người Lao Động đã khảo sát các chợ lẻ ở TP HCM như Thái Bình, Bà Chiểu, Thị Nghè, Hòa Bình… và thấy sức mua khá thấp do nhiều người đã về quê hoặc bắt đầu đi du lịch xa. Tuy nhiên, lượng hàng hóa tập kết về chợ lại lớn hơn bình thường khá nhiều, các sạp chất đầy rau củ, thịt cá…
Trao đổi với phóng viên, một số tiểu thương cho biết họ trữ hàng để bán trong những ngày nghỉ, vì thông thường những ngày này hàng về không còn dồi dào nữa do bạn hàng, nhà xe cũng nghỉ.
Tương tự, theo đại diện các chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn, hai ngày thứ sáu và thứ bảy (26-27 tháng 4) hàng về chợ tăng khoảng 30% so với bình thường, sau đó giảm lại trong những ngày lễ.
Chợ vắng khách
Do hàng về nhiều, sức mua thấp nên giá các mặt hàng rau củ vẫn ổn định như dưa leo 20.000 đồng/kg, rau muống 15.000 đồng/kg, rau thơm các loại 30.000 đồng/kg, khoai tây 30.000 đồng/kg. Chỉ có một số mặt hàng có giá bán khá cao như rau má 40.000 đồng/kg, xà lách Đà Lạt 45.000 đồng/kg do sức tiêu thụ những loại này tăng cao trong dịp nắng nóng. Đó là giá bán ở trong nhà lồng chợ, còn những người bán xe đẩy, giá bán còn rẻ hơn khá nhiều, chẳng hạn cà chua chỉ khoảng 15.000 đồng/2 kg.
Video đang HOT
Chọn mua hải sản cuối tuần
Các mặt hàng thủy hải sản cũng đầy chợ. Các mặt hàng này thường được tiêu thụ mạnh trong các dịp cuối tuần và nghỉ lễ. Phóng viên đã ghi nhận một số loại ở chợ Thị Nghè (Bình Thạnh) sáng 27-4 như: Cá diêu hồng vẫn 60.000 đồng/kg như ngày thường; mực ống, mực lá 180.000-220.000 đồng/kg; cá thác lác 200.000 đồng/kg; nghêu từ 30.000-60.000 đồng/kg tùy loại; ốc móng tay 120.000 đồng/kg; ốc hương 400.000 đồng/kg; tôm sú loại lớn 350.000 đồng/kg…
Ông chủ bán hải sản ở chợ Thị Nghè nhận xét giá bán vẫn như ngày thường, thậm chí còn rẻ hơn như hôm qua tôm càng xanh loại vừa có giá 350.000 đồng/kg, hôm nay mối lái giảm giá nên còn 300.000 đồng/kg. Tương tự, cua gạch 350.000 đồng/kg, cua thịt 300.000 đồng/kg.
Giá thịt heo ổn định như ngày thường
Tương tự, các mặt hàng thịt heo, thịt bò ở các chợ vẫn ổn định giá, như: thịt ba rọi 110.000 đồng/kg, sườn non 150.000 đồng/kg, thịt nạc, thịt đùi 90.000 đồng/kg, thịt bò phi lê 260.000 đồng/kg, thịt bò đùi 250.000 đồng/kg.
Chỉ riêng trái cây dù tập kết về chợ rất nhiều nhưng giá lại khá cao do mới đầu mùa như: chôm chôm Thái 50.000 đồng/kg, bòn bon 110.000 đồng/kg, bưởi da xanh 75.000 đồng/kg, nhãn Bắc hạt tiêu 70.000 đồng/kg, quýt đường 60.000 đồng/kg…
Bà Huệ, tiểu thương chợ Thị Nghè, nhìn nhận người dân được nghỉ dài ngày cho đến giữa tuần sau mới đi làm trở lại, nên họ tranh thủ đi du lịch, về quê khá nhiều. Sức mua theo đó mà có phần sụt giảm, nếu đẩy giá lên nữa sẽ khó tiêu thụ được.
Trái cây ê hề chờ người mua
Bài và ảnh: Nguyễn Hải
Theo NLD
Hàng hoá nhích theo giá xăng dầu
Giá xăng dầu tăng liên tục gần 3.000 đồng/lít chỉ trong 2 tuần đầu tháng 4 đã bắt đầu ảnh hưởng đến cước vận tải và giá cả hàng hóa trên thị trường
Liên quan đến giá xăng tăng cao thời gian gần đây, đại diện các chợ đầu mối tại TP HCM cho biết tình hình kinh doanh của các tiểu thương đã bắt đầu bị ảnh hưởng do giá cước vận tải tăng theo giá nhiên liệu. Tuy nhiên, do tiêu thụ hàng hoá ở các chợ đang thấp, nếu tăng giá các mặt hàng thời điểm này sẽ rất khó bán. Do đó, tiểu thương chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ giá. Tuy nhiên, sức mua vẫn thấp. Chẳng hạn tại chợ đầu mối Thủ Đức trước đây mỗi ngày tiêu thụ từ 3.700-3.800 tấn rau, củ quả các loại, nay giảm còn 3.000-3.100 tấn.
Trong khi đó, tại các chợ lẻ, giá nhiều mặt hàng rau củ, thủy hải sản đã bắt đầu nhích nhẹ vài trăm đồng cho đến ngàn đồng/kg. Bà Huệ buôn bán rau củ tại chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, lý giải do đợt tăng xăng dầu lần trước và lần này khá cao kéo chi phí vận chuyển rau củ từ chợ đầu mối về chợ lẻ tăng lên gần trăm ngàn đồng/chuyến nên buộc phải tăng giá bán theo. "Chưa kể mối lái ở chợ đầu mối cũng đòi tăng giá vì phí vận chuyển rau củ từ Đà Lạt về cũng tăng theo xăng dầu" - bà Huệ giải thích.
Giá rau củ ở chợ lẻ tăng nhẹ theo giá xăng dầu
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phan Hoàng Chi, Giám đốc Công ty vận tải Tâm An (TP HCM), thừa nhận giá nhiên liệu tăng mạnh đã ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà xe. Mỗi chuyến xe đường dài từ TP HCM đi các tỉnh miền Trung phải tốn thêm khoảng 1 triệu đồng tiền dầu. Do đó, một số nhà xe cũng đang tính đến chuyện điều chỉnh cước vận chuyển. Cụ thể, ông Trần Minh Thiên, chủ doanh nghiệp vận tải Thành Đạt, cho biết hãng xe của ông vừa tăng cước thêm 5%-10%.
Tuy nhiên việc tăng cước vận tải thời điểm này chỉ là số ít, còn lại đa số doanh nghiệp vận tải đều đang "nghe ngóng" các đối thủ tăng giảm thế nào mới tính tiếp vì lĩnh vực này cạnh tranh rất gay gắt, nếu đơn phương tăng giá sẽ rất dễ mất khách, thua lỗ.
Với các DN vận tải hàng khách, việc điều chỉnh cước có phần dễ hơn do sắp bước vào kỳ nghỉ lễ 30-4, DN có thể lợi dụng tăng giá đợt này sẽ ít bị người tiêu dùng phàn nàn vì "lễ mà".
Theo bà Nguyễn Thị Hiền, chủ doanh nghiệp cho thuê xe du lịch tại khu vực quận 5, TP HCM, giá xăng dầu tăng cao đương nhiên DN phải điều chỉnh giá cho thuê xe nhưng chưa thể tăng ngay vì chỉ còn vài ngày nữa là vào dịp lễ 30-4 và du lịch hè. Theo giới kinh doanh xe khách và xe du lịch, thông thường vào dịp lễ, giá vé xe khách và giá thuê xe sẽ tăng từ 30%-50% nhưng do giá xăng dầu vừa tăng kép nên các hãng sẽ chủ động tăng 35%-55% vào dịp lễ sắp tới, sau đó giảm trở lại nhưng vẫn cao hơn trước khoảng 5%-10%.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho rằng giá xăng dầu tăng đã tạo gánh nặng cho các hãng taxi, nhất là thu nhập tài xế sẽ bị giảm. Đúng ra hãng phải điều chỉnh cước taxi nhưng do cạnh tranh hiện nay quá khốc liệt nên phải cố gắng chịu đựng. Ngoài ra, việc điều chỉnh cước cũng không phải dễ do phải xin phép, rồi phải mang xe đi kiểm định, điều chỉnh cách tính trên đồng hồ với chi phí 110.000 đồng/xe, chưa kể phải nghỉ một ngày để thực hiện công đoạn này.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Ngô Văn Tài, tài xế taxi truyền thống tại TP HCM, than thở hai đợt tăng giá xăng vừa qua làm ông tốn thêm cả trăm ngàn đồng mỗi ngày, trong khi mức cước vẫn giữ nguyên khiến thu nhập của ông bị hao hụt đáng kể, tính ra mỗi tháng giảm tới hơn 3 triệu đồng. Tương tự, ông Liêm chạy xe ôm công nghệ của hãng Grab, cho biết bình thường chạy 70.000 đồng chi phí xăng/ngày, nay phải tăng lên trên 80.000 đồng ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập.
Bài và ảnh: Nguyễn Hải
Theo NLĐO
Rằm tháng Giêng: Hoa tăng giá gấp 6, trái cây bị 'làm giá' Giá hoa và trái cây được người bán đưa ra ở mức 'trên trời', nhiều người bán 'làm giá' trái cây dù chợ sỉ khẳng định trái cây dồi dào, giá thấp. Giá hoa tại TP HCM chiều 13 tháng giêng nhiều nơi tăng gấp 6 lần ngày thường. (Ảnh: N.TRÍ). Từ sáng tới chiều, giá nhiều loại trái cây đã tăng gấp...