Thiếu giáo viên trầm trọng khắp nơi
Dù chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã phê duyệt được 5 năm nhưng tình trạng thiếu giáo viên vẫn đang diễn ra ở hầu hết các địa phương và chưa có giải pháp nào để bù lấp
Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10. Ở lớp 3, cũng là lần đầu môn tiếng Anh và tin học trở thành môn học bắt buộc. Ở lớp 10, môn nghệ thuật (gồm 2 phân môn âm nhạc, mỹ thuật) được đưa vào là môn học tự chọn.
Nhiều môn của chương trình mới “trắng” giáo viên
Tuy nhiên, việc thiếu giáo viên (GV) trầm trọng ở các môn trên đang diễn ra trên cả nước, không chỉ ở vùng khó khăn, nông thôn mà ngay cả các thành phố lớn cũng mỏi mắt kiếm GV. Nhiều trường THPT trên cả nước “trắng” GV dạy môn âm nhạc, mỹ thuật, dẫn đến tình trạng nhiều trường chưa thể triển khai dạy các môn học này ngay trong năm học tới.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Phú Thọ Nguyễn Văn Mạnh cho hay năm học 2022-2023, tỉnh này thiếu nhiều GV tin học, tiếng Anh ở tiểu học, cấp THPT thiếu GV âm nhạc, mỹ thuật. 43/46 trường THPT của tỉnh này chưa có GV các môn nghệ thuật. An Giang cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi thiếu 185 GV dạy tin học lớp 3, chưa có GV dạy các môn tích hợp là khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý. Ở cấp THPT, địa phương này chưa có GV môn âm nhạc, mỹ thuật.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Gia Lai, để triển khai dạy tiếng Anh và tin học theo chương trình mới đối với lớp 3, toàn tỉnh cần bổ sung 132 GV cho 2 môn học này. Theo ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai, dù có nhiều cố gắng nhưng địa phương này không thể đáp ứng được nhu cầu GV ở mức tối thiểu để duy trì việc dạy và học. Bên cạnh việc thiếu nhiều GV các môn tin học, ngoại ngữ, tiếng dân tộc, tỉnh còn thiếu GV các môn âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ 2 ở cấp THPT. Hiện nay, chưa có trường THPT nào trên địa bàn tỉnh Gia Lai có GV các môn học mới này.
Ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang, cho biết vẫn còn thiếu trên 1.200 biên chế cần bổ sung cho các năm học tiếp theo. Riêng năm học 2022-2023, tỉnh còn thiếu 281 GV, bao gồm các lĩnh vực: tin học, ngoại ngữ, nhạc, mỹ thuật, tiếng dân tộc. “Ngành giáo dục tỉnh Kiên Giang còn những khó khăn, bất cập như: Tình trạng vừa thừa vừa thiếu GV cục bộ, việc thực hiện chương trình phổ thông mới vẫn còn nhiều vấn đề chưa đồng bộ, trong đó dự báo về tình trạng thiếu GV kỹ thuật, mỹ thuật khi triển khai sách giáo khoa lớp 10, tình trạng thiếu cơ sở vật chất khi thực hiện “Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2015-2020″ – ông Bảo nói.
Ngành giáo dục tỉnh Gia Lai đã thực hiện nhiều giải pháp để đáp ứng nhu cầu học tập của các em học sinh. Ảnh: HOÀNG THANH
“Đau đầu” lên phương án tạm thời
Hiện phần lớn các trường THPT ở tỉnh Bình Định đều không có GV ở các bộ môn nghệ thuật, gồm âm nhạc và mỹ thuật. Theo ông Nguyễn Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường THPT số 1 An Nhơn (thị xã An Nhơn), hiện nhà trường chưa có GV 2 môn âm nhạc và mỹ thuật. Trong trường hợp có học sinh chọn các môn học này, trường sẽ tính đến phương án hợp đồng GV âm nhạc và mỹ thuật ở trường THCS.
Bà Lê Thị Điển, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định, cho hay vừa qua sở đã triển khai hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2022 – 2023. Theo đó, mỗi trường THPT xây dựng một số tổ hợp môn học lựa chọn ở lớp 10 gồm 5 môn học được chọn từ 3 nhóm môn học lựa chọn trong chương trình, vừa đáp ứng nhu cầu của học sinh vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ GV, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.
Đối với các môn học có nội dung lựa chọn (công nghệ, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật), nhà trường xây dựng các phương án phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học để học sinh lựa chọn. Ngoài ra, sở cũng khuyến khích các trường triển khai dạy học các môn tự chọn khi có điều kiện về đội ngũ GV và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
Ông Trần Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau, cho biết hiện tỉnh còn thiếu khoảng 100 GV dạy tin học trong năm học tới. “Sau khi thực hiện đề án rà soát, sắp xếp lại trường lớp, GV, ngành giáo dục tỉnh đã giải quyết tạm ổn vấn đề vừa thừa vừa thiếu GV cục bộ. Tuy nhiên, năm học 2022 – 2023 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, dạy bắt buộc tiếng Anh, tin học cho học sinh lớp 3 nên còn thiếu khoảng 100 GV dạy tin học. Trong khi bộ môn này không thể tuyển GV vì không có biên chế, nên phải liên kết với các trường dạy nghề để hợp đồng có thời hạn GV dạy bộ môn này” – ông Dự cho biết.
Video đang HOT
Tại tỉnh Quảng Ngãi, tình trạng thiếu GV cũng diễn ra khá gay gắt trong thời gian qua khiến nhiều trường, nhiều địa phương đau đầu. Theo thống kê của Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, hiện toàn tỉnh Quảng Ngãi thiếu gần 2.000 GV. Để giải bài toán thiếu GV, đầu năm 2022, tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức thi tuyển 1.169 chỉ tiêu GV ở các cấp học.
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương, dự kiến, trong năm học 2022-2023 số học sinh tăng cao, Bình Dương sẽ thiếu khoảng 3.000 GV. Trong khi đó, tại Bình Phước, năm học 2022-2023, qua thống kê tỉnh này thiếu khoảng 1.500 GV, riêng môn tin học và tiếng Anh còn thiếu 178 GV.
Lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương có các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, lên phương án giải quyết kịp thời, bổ sung nhân sự đáp ứng nhu cầu giảng dạy.
Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh cho hay ở bậc học mầm non tỉnh này đang thiếu 90 GV, bậc tiểu học đang thiếu 482 GV, bậc THCS thiếu 75 GV bộ môn và bậc THPT thiếu 36 GV. Với tình hình trên, sở này đã đề xuất UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt tuyển dụng 295 GV, trong đó bậc mầm non là 43 GV, bậc tiểu học là 234 GV và bậc THPT là 18 GV cho năm học 2022-2023.
Để có thể bố trí đủ GV dạy học, ngành giáo dục tỉnh Gia Lai đã phải tìm nhiều cách để bảo đảm việc học của học sinh. Trong đó, các giải pháp như phân công, bố trí, điều tiết GV trong vùng; dồn lại các điểm trường, sáp nhập các trường học để giảm số lớp và GV; tuyển GV hợp đồng với số chỉ tiêu biên chế còn thiếu…
Vừa qua, sở GD-ĐT đã phối hợp Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh Gia Lai có văn bản gửi Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ và Chính phủ đề nghị xem xét bổ sung biên chế GV cho ngành giáo dục Gia Lai.
Phân công giảng dạy: Khó vô cùng!
Theo dự báo của Bộ GD-ĐT, đến năm 2025, khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện ở tất cả các khối lớp, ngành giáo dục sẽ phải bổ sung hơn 11.300 GV ngoại ngữ và gần 7.300 GV tin học ở cấp tiểu học; ở cấp THPT cần trên 5.300 GV môn nghệ thuật.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc thiếu GV cho chương trình mới sẽ gây ra nhiều khó khăn trong công tác phân công giảng dạy. Việc hầu hết các trường THPT chưa có GV dạy môn mỹ thuật và âm nhạc đã gây ảnh hưởng đến việc lên kế hoạch tổ hợp môn học lựa chọn.
Không để ảnh hưởng đến học sinh
Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai, các giải pháp đều đặt mục tiêu là không ảnh hưởng tới học sinh, không thể để dồn trường khiến học xa nhà mà các em phải bỏ học. Sở GD-ĐT đã tính tới việc thuê xe đưa đón học sinh tại các điểm thuận lợi. Các em học sinh xa quá thì thực hiện dạy 2 buổi/ngày để các em có thể sáng đi, chiều về. Các buổi trưa ở lại thì thực hiện mô hình bán trú dân nuôi, tức là phụ huynh đóng góp thức ăn, chỗ ở trong khi chưa có kiều kiện xây chỗ bán trú cho học sinh.
Kỳ tới: Thiếu mà vẫn phải giảm biên chế
Nghịch lý biên chế giáo viên theo định mức, học sinh lớp 10 tự do chọn tổ hợp
Những học sinh chuẩn bị vào lớp 10 tới đây để bước vào năm học 2022- 2023 có được chọn môn tổ hợp theo sở thích cá nhân hay theo tổ hợp của nhà trường định sẵn?
Bắt đầu từ năm học 2022 - 2023 tới đây, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được triển khai đối với học sinh lớp 10 và áp dụng cuốn chiếu cho những năm học tiếp theo đến lớp 12 vào năm học 2024-2025.
Điều đặc biệt là nội dung giáo dục cấp trung học phổ thông gồm 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ Văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương), cùng với hai môn học tự chọn gồm: Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2.
Ngoài ra, học sinh phải chọn 5 môn trong 3 tổ hợp: Nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Nhóm môn Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Vậy, những học sinh chuẩn bị thi vào lớp 10 tới đây để bước vào năm học 2022 - 2023 có được chọn môn tổ hợp theo sở thích cá nhân hay theo tổ hợp của nhà trường định sẵn?
Chúng tôi cho rằng không trường nào dám cho học sinh tự lựa chọn bởi nếu làm như vậy thì trường lấy đâu ra nhân lực để dạy những môn mà học sinh chọn nhiều và những môn mà học sinh chọn ít thì giáo viên sẽ bố trí làm việc gì khi dạy thiếu định mức quy định?
Nhiều trường trung học phổ thông đã định hướng cụ thể nhóm tổ hợp(Ảnh: Lê Văn Minh)
Trên giao theo định mức giáo viên cho nhà trường thì trường làm sao dám cho học sinh lựa chọn tự do
Tại khoản 3, Điều 8 của Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập thì định mức số lượng người làm việc trong trường phổ thông cấp trung học phổ thông được hướng dẫn như sau:
Mỗi trường trung học phổ thông được bố trí tối đa 2,25 giáo viên trên một lớp; Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh được bố trí tối đa 2,40 giáo viên trên một lớp; Trường trung học phổ thông chuyên được bố trí tối đa 3,10 giáo viên trên một lớp. Như vậy, định mức giáo viên phổ thông/lớp đã được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng.
Và, thực tế thì trong những năm qua, các địa phương đã giao biên chế cho các nhà trường rất chặt chẽ theo số lượng lớp học nên tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở cấp trung học phổ thông ít xảy ra hơn các cấp học còn lại.
Không chỉ giao định mức biên chế giáo viên và các trường cũng được khoán kinh phí từng năm nên các hiệu trưởng nhà trường phải cân đối nhân sự phù hợp để hạn chế phát sinh về kinh phí phải chi trả.
Chính vì thế, khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mà nếu phải tuyển thêm thì các địa phương, các trường cũng chỉ có thể tuyển giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật là những môn học hoàn toàn mới.
Các môn học còn lại phải tận dụng nguồn lực hiện có để sắp xếp, bố trí cho phù hợp với thực tế. Việc tuyển mới có lẽ chỉ khi trong trường có giáo viên về hưu hoặc nghỉ việc.
Vậy nên, những ý kiến của dư luận trong thời gian gần đây lo lắng khi thực hiện chương trình mới ở lớp 10 tới đây ở cấp trung học phổ thông sẽ có hiện tượng một số môn học sẽ có nhiều học sinh lựa chọn trong nhóm tổ hợp và ở chiều ngược lại thì sẽ có những môn học có ít học sinh lựa chọn.
Từ đó, sẽ có những môn học giáo viên sẽ "thất nghiệp" và cũng sẽ có môn giáo viên sẽ phải dạy thừa theo định mức hiện hành là 17 tiết/ tuần. Song, có lẽ chuyện này sẽ rất khó xảy ra và các trường học sẽ điều tiết theo tình hình thực tế.
Cũng chính vì vậy, ngay thời điểm này thì nhiều trường trung học phổ thông đã gửi kế hoạch tuyển sinh 10 đến các trường trung học cơ sở và họ đã định hướng nhóm tổ hợp cho từng lớp cụ thể để phụ huynh và học sinh lựa chọn.
Nhìn chung, các trường có sự sắp xếp, bố trí tương đối đồng đều các lớp ở các nhóm tổ hợp để phù hợp với nhân lực hiện có của đơn vị nhằm không phát sinh thừa giờ và đảm bảo định mức giảng dạy cho giáo viên.
Vì thế, theo quan điểm người viết, những nhóm tổ hợp đông học sinh lựa chọn có thể phải tổ chức thi để đảm bảo quyền lợi và sự công bằng cho học sinh và tất nhiên là không phải học sinh nào lựa chọn môn mình thích trong tổ hợp là đều được học các môn học đó.
Nhiều trường chưa đưa môn Âm nhạc, Mĩ thuật vào tổ hợp
Tham khảo nhiều kế hoạch tuyển sinh của các trường trung học phổ thông gửi cho các trường trung học cơ sở, chúng tôi thấy đa phần chưa đưa môn Âm nhạc và môn Mĩ thuật vào tổ hợp cho lớp 10 trong năm học tới đây.
Có lẽ, tình hình chung hiện nay là các địa phương chưa tuyển được giáo viên Âm nhạc và Mĩ thuật cho năm học tới nên họ đã chủ động không đưa 2 môn học này vào nhóm các tổ hợp theo định hướng, chủ trương của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nếu, trong năm học tới đây không có môn Âm nhạc, Mĩ thuật trong nhóm tổ hợp thì có lẽ cả cấp trung học phổ thông lứa học sinh này sẽ không được học 2 môn Âm nhạc, Mĩ thuật trong Nội dung giáo dục địa phương.
Và, những em có ý định lựa chọn các môn học này cho định hướng nghề nghiệp cũng sẽ gặp khó khăn, gần như là không thể lựa chọn được sau khi đã lên đến lớp 11 và 12.
Một bài toán khó đã đặt ra cho các địa phương mà đặc biệt là các trường trung học phổ thông khi thực hiện chương trình mới bởi năm học mới sẽ được bắt đầu sau 4 tháng nữa và kế hoạch tuyển sinh, xếp lớp tổ hợp thì các trường phải xây dựng ngay từ lúc này.
Chương trình có, môn học có, học sinh yêu thích và muốn lựa chọn các môn học Âm nhạc, Mĩ thuật cho định hướng nghề nghiệp tương lai của mình có thể không nhiều nhưng chắc chắn sẽ có nhiều em chọn...
Nhưng, cái khó bây giờ đối với các nhà trường là chưa tuyển được giáo viên và tất nhiên là tuyển giáo viên phải gắn liền với định mức biên chế mà Bộ đã hướng dẫn. Làm sao các trường dám tuyển dụng khi những năm qua nhà trường đã đủ định mức biên chế hoặc có thể đã thừa biên chế?
Bài toán về nhân lực, bài toán về tổ hợp ở Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đặt ra cho các nhà trường nhiều khó khăn ở thời điểm hiện tại và có thể phải nhiều năm nữa mới khắc phục được.
Việc lựa chọn tổ hợp trong nhóm môn lựa chọn của học sinh cũng là một câu chuyện rất dài, không phải cứ thích môn nào là học sinh chọn và học môn đó. Bởi, nếu như vậy thì những môn có thế mạnh lâu nay nhà trường lấy đâu ra giáo viên để giảng dạy.
Vì thế, học sinh có thể lựa chọn môn nhưng phải lựa chọn theo tổ hợp định sẵn của nhà trường và có thể học sinh phải thi - nếu như tổ hợp đó có số lượng học sinh lựa chọn quá sĩ số quy định của nhà trường.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Lịch sử là môn tự chọn, nguy cơ bị 'xóa trắng', giáo viên lo thất nghiệp Giáo viên luôn mong muốn được cống hiến cho nghề, nếu không có môi trường để cống hiến cho ngành nữa thì thực sự sẽ rất nản. Năm học 2022 - 2023, Chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu triển khai ở lớp 10. Điều đáng nói, môn Lịch sử được xếp vào nhóm lựa chọn thuộc nhóm môn Khoa học...