Thiếu giáo viên: Tiếng kêu không dứt!
Năm học mới, cả nước vẫn chưa giải quyết được vấn đề cũ: Thiếu giáo viên (GV)!
Từ đầu hè năm nay, ngành giáo dục các địa phương đã lên tiếng báo động về thực trạng này. Cụ thể, năm học 2022-2023, Hà Nội thiếu 7.147 GV, Thanh Hóa 10.000, Nghệ An 6.000, TP HCM 5.200, Bình Dương 3.000, Đồng Nai 2.000…
Thiếu GV trầm trọng nhất là ở các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trường, lớp cũng thiếu. Chẳng hạn, ở TP HCM, năm học 2022-2023 tăng thêm gần 22.000 học sinh các cấp, đưa 575 phòng học mới vào sử dụng, thế nhưng tại không ít quận, huyện hiện vẫn còn nhiều trường tiểu học có sĩ số trên 45 học sinh/lớp, ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học.
Thiếu trường, thiếu lớp thì dễ hiểu, còn thiếu GV – mà tình trạng này kéo dài từ năm này qua tháng nọ – thì lý giải kiểu gì cũng khó thuyết phục.
Bởi vì cả nước đang có tới 110 cơ sở đào tạo sư phạm; và hầu như tỉnh, thành nào cũng có trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm. Chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm của các trường/khoa sư phạm không hề thấp, sinh viên sư phạm còn được nhà nước hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt (theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP).
Ngoài ra, Nghị định 116/NĐ-CP còn cho phép các địa phương, các tổ chức “đặt hàng các trường sư phạm đào tạo GV”. Mỗi năm có hàng chục ngàn cử nhân sư phạm ra trường. Vậy, không thể cho rằng thiếu GV là do hụt từ nguồn đào tạo được.
Thế thì nguyên nhân cốt lõi nằm ở đâu?
Là ở chỗ cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng chưa phù hợp.
Video đang HOT
Thử nhìn vào TP HCM – là một trung tâm đào tạo – mà lại đang thiếu GV tiếng Anh và Tin học. Ngành giáo dục thành phố chỉ ra nguyên nhân là do sinh viên sư phạm 2 ngành này khi ra trường thì chọn đi làm ngoài chứ không đi dạy. Có phải chỉ do thu nhập? Chưa hẳn, còn vì vướng luật nữa. Luật Giáo dục quy định GV tiểu học phải có trình độ cử nhân, mà đã cầm được tấm bằng cử nhân – như cử nhân công nghệ thông tin – thì mấy ai chọn dạy tiểu học? Trong khi người có văn bằng thấp hơn, muốn đi dạy thì lại không được!
Một nguyên nhân khác, ở tầm vĩ mô, là các địa phương đều kẹt định biên. Nơi nào cũng chịu sức ép về tinh giản biên chế nên thực hiện cắt giảm cơ học, dẫn tới nghịch lý: thiếu GV mà không được tuyển, không được tuyển mà vẫn phải giảm biên chế. Đường vào công chức, viên chức giáo dục quá gian nan, trong khi làm GV hợp đồng thì chế độ quá bèo bọt, thậm chí bị nợ lương lưu niên, thì hỏi sao GV không thiếu, không bỏ nghề…
Trong khi đó, theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có khoảng 70.000 cử nhân sư phạm không làm đúng ngành nghề hoặc thất nghiệp, chờ việc.
Bộ Chính trị vừa giao bổ sung 65.980 biên chế GV (giai đoạn 2022-2026), trong đó riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế GV mầm non, phổ thông công lập. Nhờ đó, ngành giáo dục đang “nắng hạn gặp mưa rào”!
Nhưng rõ ràng, chuyện về GV không chỉ nằm ở số lượng. Nếu đời sống, thu nhập của “người đưa đò” vẫn èo uột, môi trường học đường mất an toàn thì tình trạng GV bỏ dạy, cử nhân sư phạm không theo nghề sẽ còn kéo dài. Đó mới là những vấn đề căn cơ cần được quan tâm, giải quyết thấu đáo.
Chuẩn bị giáo viên cho năm học mới: 'Lấy ngắn nuôi dài'
Triển khai Chương trình GDPT mới, một số địa phương gặp khó do thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên các môn mới.
Để gỡ khó, nhà trường, ngành Giáo dục đưa ra các giải pháp mang tính tình thế.
Về lâu dài rất cần sự vào cuộc cùng ngành Giáo dục để tháo gỡ khó khăn.
Thiếu giáo viên môn mới
Năm học 2022 - 2023 là niên khóa thứ ba thực hiện Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gặp khó khăn, trong đó có việc thiếu giáo viên môn Ngoại ngữ, Tin học và Nghệ thuật. Như tỉnh Trà Vinh, qua thống kê của ngành Giáo dục, khó khăn hiện nay là thiếu đội ngũ giáo viên vì thiếu nguồn tuyển dụng. Trong đó cấp THPT thiếu giáo viên dạy Âm nhạc, Mỹ thuật theo Chương trình GDPT 2018. Tỉnh cũng thiếu giáo viên Tiếng Anh, Tin học ở cấp tiểu học và môn tích hợp cấp THCS.
Theo đại diện Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, thành phố vẫn đối diện tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Điều này gây khó khăn trong việc phân công giảng dạy, nhất là thời điểm đầu mỗi năm học. Việc đào tạo, bố trí giáo viên Tiếng Anh, Tin học cấp tiểu học còn nhiều khó khăn, bất cập.
Hiện, cấp tiểu học vẫn còn thiếu 39 giáo viên Tin học và 36 giáo viên Tiếng Anh. Cấp THCS thiếu nguồn giáo viên ngoại ngữ có trình độ đào tạo ngoài Tiếng Anh nên việc tuyển dụng giáo viên, tổ chức dạy tự chọn Ngoại ngữ 2 còn gặp khó khăn. Cấp THPT thiếu giáo viên dạy Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ 2...
Không chỉ tỉnh Trà Vinh và TP Cần Thơ, một số địa phương ở ĐBSCL cũng khó khăn trong việc đảm bảo đội ngũ giảng dạy chương trình mới do bổ sung thêm một số môn học mới, tăng cường số tiết dạy (Tin học, Ngoại ngữ ở cấp tiểu học và Nghệ thuật ở cấp trung học). Ngoài ra, dân số tự nhiên tăng, mất cân đối giữa các vùng; nhu cầu chất lượng giáo dục càng cao và nhu cầu học tập ngày càng tăng nên thiếu nguồn giáo viên.
Theo ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang, tỉnh cần hơn 1.200 biên chế bổ sung cho các năm học tiếp theo. Riêng năm học 2022 - 2023, tỉnh thiếu 281 giáo viên, chủ yếu cho môn Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng dân tộc. Đặc biệt là thiếu giáo viên Kỹ thuật, Mỹ thuật khi triển khai SGK mới lớp 10...
Mặc dù, các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp như dồn dịch trường, lớp; bố trí, sắp xếp, điều chuyển giáo viên... nhưng vẫn chưa khắc phục tình trạng này, nhất là trong bối cảnh vừa phải giải quyết bài toán thiếu giáo viên, lại vừa phải thực hiện chính sách tinh giản biên chế.
Ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, cho biết thêm: Năm học 2022 - 2023 thực hiện Chương trình GDPT mới, dạy bắt buộc Tiếng Anh, Tin học cho học sinh lớp 3, tỉnh còn thiếu khoảng 100 giáo viên dạy Tin học. Trong khi đó, bộ môn này không thể tuyển giáo viên vì không có biên chế. Trước mắt, tỉnh phải liên kết với các trường dạy nghề để hợp đồng có thời hạn giáo viên dạy bộ môn này.
Triển khai Chương trình GDPT mới, một số địa phương gặp khó do thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên các môn mới.
Vừa làm vừa tính
Trước khó khăn giáo viên dạy các môn mới chương trình mới, UBND tỉnh Trà Vinh chỉ đạo ngành Giáo dục được tuyển dụng theo phân cấp đảm bảo việc dạy và học. Trong đó, ưu tiên tuyển giáo viên dạy Tiếng Anh, Tin học cấp tiểu học; rà soát đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để tập huấn, nâng cao trình độ... Sở GD&ĐT phối hợp các địa phương, sở, ngành liên quan bố trí kinh phí thực hiện lộ trình phù hợp.
Về giải pháp lâu dài, ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, kiến nghị: Bộ GD&ĐT tạo điều kiện cho cơ sở giáo dục đại học có khoa sư phạm tham gia tập huấn, bồi dưỡng giáo viên sư phạm theo Thông tư 19 của Bộ. Bộ hướng dẫn tổ chức dạy các môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật; Tiếng Khmer... cấp THPT để các địa phương chủ động tuyển dụng giáo viên. Cụ thể như môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật thì giáo viên dạy Giáo dục công dân thực hiện giảng dạy được...
Giải pháp TP Cần Thơ thực hiện để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên bằng cách điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu. Giảm dần số biên chế nhân viên làm các công việc gián tiếp... Các cơ sở giáo dục, đặc biệt ở cấp tiểu học khẩn trương xây dựng bổ sung vị trí việc làm đối với 2 môn Tiếng Anh và Tin học. UBND quận, huyện chỉ đạo phòng GD&ĐT, các trường THCS tạo điều kiện cho giáo viên dạy các môn Âm nhạc và Mỹ thuật (có đủ trình độ) ở trường THCS tham gia dạy môn Âm nhạc và Mỹ thuật lớp 10 tại trường THPT...
Tại huyện Mường Tè (Lai Châu), năm học 2022 - 2023 có 15 trường có lớp tiểu học, với 44 lớp 3. Ông Tống Thanh Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Tè, chia sẻ: Huyện thiếu nhiều biên chế giáo viên dạy Tin học và Ngoại ngữ đối với cấp tiểu học. Cụ thể, 15 trường có cấp tiểu học, môn Tiếng Anh chỉ có 9 biên chế (còn thiếu 10 giáo viên). Trong khi đó, môn Tin học chỉ 3 trường có giáo viên, 12 trường còn lại đều kiêm nhiệm.
"Chúng tôi đã xây dựng phương án bố trí giáo viên THCS xuống dạy tiểu học vào các buổi chiều trong tuần. Cùng với đó, dạy học trực tuyến, kết nối đối với những trường đảm bảo cơ sở vật chất hoặc dạy ghép các lớp cùng khối. Đồng thời tuyển thêm, hợp đồng để đảm bảo giáo viên đứng lớp", ông Tống Thanh Sơn thông tin.
Năm học 2022 - 2023, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Thu Lũm (huyện Mường Tè) có 2 lớp 3 ở trung tâm và 1 lớp ở điểm bản với tổng số 53 học sinh. Nhà trường hiện không có giáo viên Tiếng Anh và Tin học. Nhận nhiệm vụ giảng dạy môn Tin học dù không đúng chuyên môn nên thầy Nguyễn Tiến Anh không tránh khỏi bỡ ngỡ. Tuy nhiên, qua các đợt tập huấn của phòng GD&ĐT, cùng với việc tìm hiểu qua mạng, trao đổi với đồng nghiệp, thầy đã tự tin hơn và sẵn sàng dạy môn học này.
Theo kế hoạch, năm học tới, thầy Chu Chu Cà (giáo viên Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Thu Lũm) sẽ làm chủ nhiệm lớp 3. Thầy Cà còn nhận thêm nhiệm vụ trợ giảng môn Tiếng Anh. Trên cơ sở kết nối với những trường có giáo viên để dạy học trực tuyến, thầy Cà và 2 đồng nghiệp có nhiệm vụ kết nối với giáo viên, quản lý và hỗ trợ trực tiếp cho học sinh. "Tuy còn gặp nhiều khó khăn, đường truyền mạng không ổn định, nhưng tôi sẽ cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ trên cương vị mới", thầy Cà chia sẻ.
Theo thầy Phạm Đức Quyền, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ), trường còn thiếu giáo viên ở một số môn: Tiếng Anh, Kỹ thuật công nghiệp... đặc biệt là thiếu giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật. Trường đưa ra giải pháp khắc phục việc thiếu giáo viên để đáp ứng Chương trình GDPT năm 2018 là hợp đồng giáo viên dạy Tiếng Anh. Còn giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc nếu học sinh có nguyện vọng, nhà trường hợp đồng giáo viên có chuyên môn để giảng dạy.
Sau năm 2025 có còn thi tốt nghiệp THPT và các trường ĐH tuyển sinh thế nào? Năm học 2022 - 2023 bắt đầu áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đối với lớp 10, cấp THPT. Do định hướng nghề nghiệp nên học sinh học những môn bắt buộc và những môn tự chọn. Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 Tuy nhiên, phụ huynh, học sinh, giáo viên và các cấp quản...