Thi tốt nghiệp THPT: Môn lịch sử ở cuối bảng
Hôm nay (7.5) là hạn chót để học sinh lớp 12 đăng ký dự thi tốt nghiệp, trong đó có việc chốt môn thi tự chọn. Theo ghi nhận của Thanh Niên, đa số học sinh chọn môn vật lý và hóa học.
Giáo viên và học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Trãi (Đà Nẵng) trong một buổi ôn thi – Ảnh: Bảo Nguyên
“Khuyến khích” đăng ký môn giống nhau để dễ ôn tập
Trường THPT Lương Tài 3 của tỉnh Bắc Ninh có 100% học sinh (HS) đăng ký thi 4 môn giống nhau gồm: toán, văn, địa lý và ngoại ngữ. Trường THPT Yên Phong 2 thì không có HS nào đăng ký thi môn sinh học. Còn Trường THPT Nguyễn Trãi, 3 môn không có HS đăng ký thi là: ngoại ngữ, hóa học, vật lý. Một HS trường này cho biết việc chọn môn thi là do nhà trường “khuyến khích” để thuận tiện cho việc tập trung ôn tập. Lãnh đạo trường này giải thích vì là trường ngoài công lập, chất lượng đầu vào của HS còn nhiều hạn chế lại ít thí sinh nên trường khuyến khích HS đăng ký cùng môn thi giống nhau để có thể tập trung ôn tập và đạt hiệu quả cao. Mục tiêu lớn nhất của trường là HS đạt đủ điểm tốt nghiệp THPT.
Theo thống kê sơ bộ của Sở GD-ĐT Hà Nội, có khoảng 76.000 HS lớp 12 các trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên (không kể thí sinh tự do) đã hoàn tất thủ tục đăng ký môn thi tốt nghiệp. Ngoài hai môn bắt buộc là toán và ngữ văn, những môn tự chọn có HS đăng ký cao nhất là ngoại ngữ, vật lý, hóa học. Môn lịch sử có ít HS dự thi nhất với khoảng 7.000/76.000 người.
Tại tỉnh Nam Định, vật lý và hóa học là hai môn tự chọn có số HS đăng ký dự thi đông nhất. Cụ thể, vật lý có 72,29% HS chọn, hóa học 72,19%. Tiếp đến là ngoại ngữ (20,43%), địa lý (15,7%), sinh học (14,3%) và lịch sử là môn có tỷ lệ thí sinh đăng ký thấp nhất với chỉ 4,33%.
Video đang HOT
Hưng Yên có khoảng 12.100 thí sinh sẽ dự thi tốt nghiệp THPT năm nay. Kết quả đăng ký các môn thi cho thấy, hai môn có số lượng HS lựa chọn cao nhất là hóa học và vật lý. Cụ thể, hóa học có 76,8%, vật lý 59,5%. Tiếp đến, môn địa lý có 24,5%, môn sinh 19,4%, ngoại ngữ 12,7%, lịch sử 7,1%.
Tình hình cũng tương tự ở Cần Thơ. Số HS đăng ký môn tự chọn nhiều nhất là vật lý (5.273 HS), hóa học (4.994 HS), kế đến là sinh học, địa lý, tiếng Anh. Ở hệ giáo dục thường xuyên (GDTX), môn địa lý có nhiều HS chọn nhiều nhất, kế đó là vật lý, hóa học, sinh học.
Có trường, không HS nào chọn môn sử
Ở Hưng Yên có hai trường THPT Nguyễn Công Hoan (H.Văn Giang) và THPT Lê Quý Đôn (H.Ân Thi) không có HS nào đăng ký thi môn lịch sử và sinh học. Tại Bắc Ninh, dù chưa công bố kết quả cuối cùng nhưng sở GD-ĐT tỉnh này cũng cho hay môn lịch sử có ít HS lựa chọn nhất. Các trường như: THPT Phố Mới (H.Quế Võ), THPT Lương Tài 3, THPT Yên Phong 1… không có HS nào chọn thi môn lịch sử.
Tại Cần Thơ, hai môn có tỷ lệ HS đăng ký thấp nhất là lịch sử và tiếng Pháp. Riêng môn Lịch sử có đến 14/43 trường (cả hai hệ THPT và GDTX) có số thí sinh đăng ký thi dưới 5 người; trong đó Trường phổ thông năng khiếu Thể dục thể thao, Tư thục Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phổ thông Thái Bình Dương và Trung tâm GDTX Bình Thủy không có HS đăng ký thi lịch sử.
Theo thông tin từ Sở GD-ĐT Đà Nẵng, số HS hệ THPT đăng ký thi môn sử rất thấp, chỉ chiếm 4,5%, môn địa có 27,92%, các môn còn lại đều ở mức 40% trở lên. Ở hệ bổ túc, tỷ lệ HS chọn thi môn sử có cao hơn với 33,5%, môn địa 76,3%.
Ở nhiều trường THPT tại TP.HCM, tỷ lệ HS chọn môn sử, địa rất thấp, nhất là môn sử. Chẳng hạn các trường THPT: Nguyễn Khuyến có 792 HS nhưng chỉ có 8 HS chọn môn sử, Hồng Hà có 12 HS chọn sử và 16 HS chọn địa, Nguyễn Thị Minh Khai chỉ có 2 HS chọn sử, Nhân Việt chưa đến 10 HS chọn môn này, Trần Hưng Đạo có 779 HS lớp 12 thì chỉ có 13 HS chọn môn địa lý, không ai chọn lịch sử…
Theo nhiều giáo viên, xu hướng HS chọn môn thi tốt nghiệp theo khối thi ĐH, CĐ nên ít người đăng ký môn sử là lẽ đương nhiên vì trên thực tế rất ít thí sinh thi ĐH khối C có hai môn sử, địa. Trong khi đó, theo nhiều HS, ngoài lý do trên, HS không chọn môn sử vì đây là môn phải học thuộc lòng rất nhiều nên ngại.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, sau ngày 7.5, HS không được phép thay đổi môn thi tự chọn nữa. Chậm nhất ngày 10.5, các trường phải hoàn tất hồ sơ đăng ký dự thi, xem xét điều kiện dự thi của từng HS.
Đa dạng hình thức ôn thi
Thời điểm này, HS các trường THPT của Đà Nẵng ráo riết ôn thi. Ban giám hiệu Trường THPT Trần Phú nhanh chóng thay đổi thời khóa biểu để bố trí các tiết học phù hợp với môn thi mà HS chọn. Trường tăng thêm 9 lớp ôn tập cho các môn thi tốt nghiệp. HS sẽ học 2 môn toán, văn, sau đó học những môn tự chọn riêng. Những môn học không có trong danh sách thi tốt nghiệp dạy tập trung vào ngày thứ năm. Trong khi đó, tại các trường THPT: Phan Châu Trinh, HS vẫn học theo lớp bình thường và tăng cường ôn thi thêm các môn toán, văn, ngoại ngữ; Phạm Phú Thứ chọn môn theo lớp, trường dạy miễn phí 4 buổi/tuần để kèm thêm cho HS; Nguyễn Trãi tổ chức ôn những môn thi tốt nghiệp theo ca.
Tại TP.HCM, hiệu trưởng một trường THPT ở Q.2 cho biết trường phải sắp xếp lớp và giáo viên nhiều hơn năm trước nhưng việc ôn kiến thức có phần nhẹ nhàng hơn do được lựa chọn môn thi nên HS đều chọn môn sở trường. Ông Lương Văn Định, Hiệu trưởng Trường THPT Trường Chinh (Q.12), định hướng: “Hai môn toán, ngữ văn, trường cho các em học theo biên chế lớp cũ, các môn còn lại sẽ tổ chức theo lớp mới với thời khóa biểu dựa trên nguyên tắc giáo viên lớp nào dạy lớp đó để đảm bảo thời lượng toán, văn 8 tiết/tuần, những môn khác thì 6 tiết/tuần”. Cũng với thời gian như vậy, ông Trần Văn Đức, Hiệu trưởng Trường THPT Long Trường (Q.9), cho rằng kết thúc học kỳ 2 nhà trường chuyển qua ôn tập cho HS với thời khóa biểu mỗi môn 2 buổi/tuần. Sau đó căn cứ vào trình độ HS, giáo viên sẽ sắp xếp số tiết cụ thể nhưng mỗi tuần tối thiểu phải ôn 6 tiết/môn.
Việc chia lớp ôn thi của các trường cũng gặp không ít khó khăn vì số HS đăng ký môn thi không đồng đều nên dẫn đến tình trạng có lớp quá đông, có lớp rất ít HS.
Theo TNO
Thi tốt nghiệp THPT: Mức điểm liệt là 1
Theo quy chế mới của Bộ GD-ĐT, điểm liệt của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 là 1 thay vì 0 điểm như mọi năm.
Theo quy định cũ của Bộ GD-ĐT, thí sinh đủ điều kiện đỗ tốt nghiệp khi tổng điểm 6 môn thi từ 30 trở lên (kể cả cộng điểm thưởng) và không có môn nào bị điểm 0.
Thí sinh dự thi (ảnh minh họa)
Tuy nhiên, năm nay thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 4 môn (Toán, Văn bắt buộc và hai môn tự chọn) nên quy chế cũng cần điều chỉnh. Vì vậy, ngày 28/3, Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư về việc sửa đổi một số điều của quy chế của kỳ thi này.
Điểm thay đổi cần lưu ý đó là: "Những thí sinh đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật từ mức hủy bài làm trở lên, không có bài thi nào từ 1 điểm trở xuống và có điểm xét tốt nghiệp quy định cho từng diện được công nhận tốt nghiệp".
Thời gian làm bài thi Toán và Ngữ văn cũng được rút ngắn xuống còn 120 phút (ít hơn 30 phút so với mọi năm). Lịch sử và Địa lí 90 phút; Vật lí, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ 60 phút.
Ngoài kết quả của bốn bài thi, năm nay điểm xét tốt nghiệp còn dựa vào thành tích học tập của năm lớp 12. Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8/5.
Theo TNO
Thi tốt nghiệp THPT: Trường lúng túng Khảo sát của nhiều trường THPT trên địa bàn Đà Nẵng, các môn ban C, xã hội: Sử, Địa... chiếm tỉ lệ rất ít trong số các môn tự chọn thi tốt nghiệp THPT 2014. Dù Bộ GD&ĐT chưa chốt thời hạn đăng ký các môn tự chọn thi tốt nghiệp THPT năm nay, nhưng nhiều trường ở Đà Nẵng tiến hành khảo...