Thi THPT quốc gia trên máy tính: Quan trọng nhất là chuẩn hóa đề
Đồng tình với đề xuất phương án thi THPT quốc gia sau năm 2020 của Bộ GD&ĐT, tuy nhiên, thầy Vũ Khắc Ngọc – chuyên gia giáo dục Hệ thống giáo dục HOCMAI vẫn băn khoăn về chất lượng đề thi, chuẩn hóa đề thi.
Vì thế, phải dần hình thành những trung tâm khảo thí độc lập có chất lượng đảm bảo để đánh giá thí sinh.
Thầy Vũ Khắc Ngọc – chuyên gia giáo dục Hệ thống giáo dục HOCMAI
Là người phanh phui ra gian lận kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở Hà Giang, theo ông, với đề xuất tổ chức thi THPT quốc gia sau năm 2020 thí điểm trên máy tính có triệt tiêu được gian lận thi cử?
- Công nghệ cũng là do con người thiết lập và vận hành, tuy nhiên, khi tổ chức thi trên máy tính, có ứng dụng công nghệ thì yếu tố con người bị giảm bớt và hy vọng góp phần hạn chế gian lận, tiêu cực trong thi cử.
Trong giai đoạn đầu thí điểm thi trên máy tính nên triển khai ở những địa phương nào?
- Thi trên máy tính là lựa chọn bổ sung cho thí sinh. Có nghĩa, kỳ thi THPT quốc gia vẫn được tiến hành các bài thi trên giấy như bình thường. Và song song với đó có thể tổ chức các đợt thi trên máy tính; nếu thí sinh có nguyện vọng, nhu cầu thì tham gia. Địa điểm thi không bị giới hạn chỉ thí điểm ở địa phương này hay kia, có thể tổ chức ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các TP lớn khác.
Tuy nhiên, học sinh ở các tỉnh, TP khác có nguyện vọng thi trên máy tính hoàn toàn có quyền đăng ký tham gia. Về việc này, cần tính toán thận trọng, nếu không học sinh ở các tỉnh lại đổ dồn về thi trên máy tính để tự tạo thêm cơ hội cho mình.
Khi vừa thi giấy và trên máy tính, liệu thí sinh có được lấy điểm ở lần thi có kết quả cao nhất?
Video đang HOT
- Điều quan trọng nhất trong tổ chức thi nhiều lần, nhiều đợt là công tác chuẩn hóa đề thi. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, đề thi rất dễ, mức điểm của thí sinh rất cao nên trường Đại học Y Hà Nội lấy điểm chuẩn ngành Bác sĩ đa khoa là 29,25. Thế nhưng, sang năm 2018, vẫn là thi THPT quốc gia, kết quả điểm thi lại thấp nên điểm trúng tuyển ngành Bác sĩ đa khoa của trường này giảm xuống còn 24,7.
Học sinh THPT đang được tìm hiểu nghề trước khi quyết định lựa chọn ngành đăng ký xét tuyển. Ảnh: Thủy Trúc
Rõ ràng, công tác chuẩn hóa đề thi chưa tốt dẫn đến chênh lệch kết quả thi giữa các năm rất cao. Nếu sau này xảy ra sự chênh lệch giữa các lần thi như vậy, khó đảm bảo công bằng cho các thí sinh. Vì thế, muốn tổ chức thi nhiều đợt trong năm, phải làm tốt công tác chuẩn hóa đề thi để kết quả phản ánh đúng được năng lực của thí sinh. Khi tổ chức thi THPT quốc gia trên máy tính nhiều đợt trong năm, các trường ĐH cũng nên xét tuyển nhiều lần.
Ngân hàng câu hỏi và chuẩn hóa đề thi là bài toán khó, vậy cần được giải quyết theo hướng nào?
- Hiện nay công tác chuẩn hóa đề thi do Bộ GD&ĐT chủ trì thực hiện. Tôi nghĩ Bộ hơi tham việc khi tự lo ngân hàng đề thi và quản lý, tổ chức thi. Sắp tới, Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực, Bộ GD&ĐT nên tạo hành lang pháp lý và cơ chế tài chính thông thoáng, hấp dẫn để thành lập trung tâm khảo thí độc lập với sự tham gia của các tổ chức bên ngoài. Những trung tâm khảo thí này độc lập với Bộ, hoàn toàn có thể xây dựng được ngân hàng đề thi tốt trong một thời gian ngắn khi có sự đầu tư nguồn lực lớn.
Tất nhiên, trong những năm đầu, Bộ GD&ĐT đóng vai trò trọng tài, thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá lại mức độ chuẩn hóa đề thi của các trung tâm khảo thí để kết quả thi được đảm bảo. Về lâu dài, chính các trung tâm khảo thí độc lập cạnh tranh lẫn nhau về mặt uy tín đối với xã hội. Trung tâm khảo thí nào có kết quả thi đáng tin cậy, phản ánh đúng năng lực của thí sinh sẽ được các trường ĐH tín nhiệm sử dụng.
Xin cảm ơn ông!
Theo kinhtedothi
Ngân hàng đề thi THPT quốc gia: Mối lo lớn
Theo các chuyên gia, để một kỳ thi thành công phải an toàn và làm tốt cả 4 khâu: Đề thi, tổ chức thi, chấm thi và xét tuyển. Khi đề xuất phương án thi trên máy tính sẽ phải cân nhắc tới cả 4 khâu nói trên. Trong đó, đề thi là yếu tố đầu tiên cần quan tâm.
Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội), nội dung và chất lượng đề thi là yếu tố quan trọng nhất để đánh giá thí sinh có đủ năng lực để học bậc đại học ở ngành này hay ngành khác, ở trường này hay trường khác...
Nội dung và chất lượng đề thi là yếu tố quan trọng nhất để đánh giá thí sinh có đủ năng lực để học bậc ĐH.
Một trong những thách thức đặt ra với Dự thảo phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) sau năm 2020 chính là việc xây dựng ngân hàng đề thi sẽ tiến hành ra sao nếu như các thí sinh sẽ làm bài thi trên máy tính? Yêu cầu đặt ra đối với ngân hàng đề thi là phải chuẩn bị kỹ lưỡng, phải lớn, phải chất lượng để đánh giá đúng năng lực học sinh.
Cẩn trọng trong lựa chọn đội ngũ ra đề
Theo các chuyên gia, để một kỳ thi thành công phải an toàn và thành công trong cả 4 khâu: Đề thi, tổ chức thi, chấm thi và xét tuyển. Khi đề xuất phương án thi trên máy tính sẽ phải cân nhắc tới cả 4 khâu nói trên. Trong đó, đề thi là yếu tố đầu tiên cần quan tâm bởi ngay từ bước khởi đầu không xuôi thì đuôi khó lọt.
Việc xây dựng ngân hàng đề thi ở các môn thi trắc nghiệm thực chất đã được triển khai từ khi kỳ thi THPT quốc gia áp dụng phương án thi trắc nghiệm. Tuy nhiên, qua từng năm với mức độ đề khó, dễ khác nhau khiến dư luận chưa thực sự an tâm về nội dung và chất lượng đề thi. Có những năm kết quả thi với "cơn mưa điểm 10" khiến điểm xét tuyển vào các trường ĐH "cao chót vót", thậm chí có thí sinh đạt tới 30 điểm (bao gồm cả điểm ưu tiên) vẫn trượt ĐH khiến dư luận "dậy song". Ngược lại, có năm đề thi được đánh giá là khó khiến phổ điểm thi cũng "lẹt đẹt" gây khó khăn cho công tác tuyển sinh của các trường ĐH.
Mặc dù những năm qua việc ra đề thi của Bộ đã được điều chỉnh hằng năm nhưng để đào tạo được đội ngũ ra đề chuyên nghiệp và đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị để ngày càng nâng cao chất lượng và số lượng ngân hàng các câu hỏi cho đề thi thì vẫn còn là một bước dài. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa từ phía cơ quan quản lý trong việc huy động trí tuệ của tập thể giáo viên ở mọi vùng miền trong cả nước đóng góp vào ngân hàng đề thi.
Góp ý về vấn đề này, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban Đào tạo - ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, nội dung và chất lượng đề thi là yếu tố quan trọng nhất để đánh giá thí sinh có đủ năng lực để học bậc ĐH ở ngành này hay ngành khác, ở trường này hay trường khác (vì ngay cả cùng một ngành nhưng các trường khác nhau, chương trình và nội hàm kiến thức kỹ năng trang bị cho sinh viên có thể ở những mặt bằng khác nhau).
"Chúng ta phải chọn những cán bộ có kinh nghiệm, hiểu yêu cầu và nội dung kiến thức ở bậc ĐH cũng như ở bậc THPT tham gia công tác ra đề"- GS Đức bày tỏ.
Từ kinh nghiệm tổ chức thi đánh giá năng lực trên máy tính của ĐH Quốc gia Hà Nội, GS Đức cho biết, ngân hàng đề thi của trường đã được chuẩn bị và tích lũy dần từ những năm trước để đến khi tổ chức thi nhà trường không bị động. Các đề đều được mã hóa và ghép các câu hỏi vào bộ đề một cách ngẫu nhiên, khách quan, mỗi thí sinh một mã đề riêng.
Đội ngũ cán bộ ra đề thi được ĐH Quốc gia Hà Nội lựa chọn kỹ càng, đều là các thầy cô có nhiều kinh nghiệm, đã đượctập huấn và chuẩn bị trước một số năm nên khi bắt tay vào công việc không hề bỡ ngỡ.
Đảm bảo độ khó của các đề thi là tương đương
Theo Dự thảo phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sau năm 2020 mà Bộ GDĐT đưa ra, thí sinh sẽ được thi thành nhiều đợt trong năm. Hình thức thi này trên thực tế đã được áp dụng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới và là xu hướng tất yếu để giảm áp lực cho các kỳ thi, thí sinh và phụ huynh bớt căng thẳng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đảm bảo độ khó giữa các đề thi và các đợt thi là tương đương?
Theo các chuyên gia, từ kinh nghiệm của các quốc gia khác, cần thiết phải áp dụng kỹ thuật để so bằng độ khó trong các lần thi. Đó phải là yêu cầu bắt buộc khi áp dụng hình thức thi nhiều lần trong năm, bởi nếu không dùng kỹ thuật này thì dù có cố gắng làm đề chuẩn đến mấy, mỗi lần vẫn có một độ khó khác nhau và điều đó tạo ra sự không công bằng.
Cụ thể như kinh nghiệm tại Mỹ, đề thi cần được ra theo bộ tài liệu chuẩn được soạn sẵn từ trước. Mục đích nhằm để hệ thống hóa kiến thức và hướng dẫn làm các bài thi này. Khi đó, chất lượng nội dung đề thi phải nằm trong tài liệu này, được công bố minh bạch.
Thí sinh học hết , nắm vững hết sẽ có thể được điểm tối đa, cũng là căn cứ cho thí sinh soi xét lại chính mình có đủ kiến thức và năng lực để theo học ĐH không và nếu thi sẽ đạt mức điểm nào. Ngược lại, về phía các trường ĐH cũng căn cứ vào nội dung và chất lượng đề thi để làm thước đo, căn cứ vào đó an tâm xét tuyển thí sinh vào trường.
Trở lại thực tế những năm qua độ khó dễ của các đề thi là không tương đương nên băn khoăn của nhiều người về ngân hàng đề thi là hoàn toàn có căn cứ và cần được Bộ GDĐT tính toán thỏa đáng. Với tinh thần"bàn kỹ việc thực hiện như thế nào trong giai đoạn 2021 - 2025 chứ không bàn sau 2025, không đẩy sang nhiệm kỳ sau được" như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì thời gian để triển khai việc này không còn nhiều. Chuẩn bị ngay từ bây giờ với việc huy động sự vào cuộc của các chuyên gia, nhà khoa học, giáo viên, thậm chí học sinh giỏi (vì đã từng trải qua các kỳ thi) để tạo nên dữ liệu ngân hàng câu hỏi khổng lồ là việc phải gấp rút làm ngay, không thể chần chừ.
Thu Hương
Theo daidoanket
Tổ chức thi trên máy tính: Kinh nghiệm quý từ thực tiễn Theo dự kiến phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sau năm 2020, sẽ chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi. Với lộ trình này, thực tiễn kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội sẽ là bài học...