Thí sinh vừa lo thi tốt nghiệp, vừa lo dịch bệnh
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2020 đang đếm ngược đến ngày thi 9-10/8, nhưng cũng lo bị lây nhiễm khi số ca Covid-19 tăng nhanh chóng.
Từ cuối tháng 7, nghe tin bệnh nhân dương tính nCoV tại Đà Nẵng từng về thăm quê ở An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, Trương Thị Thùy Dung, học sinh trường THPT Quỳnh Lưu I, thấy bất an vì khoảng cách từ nhà Dung đến An Hòa chỉ 6 km. Một ngày sau, hàng xóm của Dung thuộc diện F2 vì giao hàng cho gia đình có người nhiễm bệnh, em càng lo vì chưa đầy một tuần nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra. “So với lần trước, đợt dịch này em sợ hơn rất nhiều vì số ca nhiễm tăng nhanh hàng ngày trong khi kỳ thi đã sát nút”, Dung chia sẻ.
Đã bỏ công sức ôn luyện nhiều tháng và đặt mục tiêu rõ ràng, nữ sinh không muốn kỳ thi bị hoãn, càng e ngại việc mình thuộc diện F1, F2 và phải thi đợt sau. Em cho rằng tuy có nhiều thời gian ôn tập hơn, thí sinh thi đợt sau ít cơ hội trúng tuyển vì các đại học sẽ tuyển gần đủ chỉ tiêu ngay trong đợt thi đầu tháng 8.
Không chỉ vậy, Dung lo lắng ngày thi thời tiết nóng bức, việc phải đeo khẩu trang trong suốt thời gian làm bài sẽ khiến em mệt mỏi, căng thẳng và ảnh hưởng đến chất lượng bài làm. Nữ sinh cũng bất an việc có thể tiếp xúc với người có liên quan đến ca bệnh khi đi thi tốt nghiệp. Đến sáng 6/8, tổng số ca nhiễm cả nước là 717, trong đó 381 người đã khỏi, 9 người tử vong, 327 bệnh nhân đang điều trị.
Ngoài nỗi lo dịch bệnh, cô gái sinh năm 2002 còn chưa yên tâm về kết quả học tập. Dung dự thi tổ hợp A01 (Toán, Lý, tiếng Anh), đặt mục tiêu vào Học viện Ngân hàng. Trong các lần thi thử, điểm của Dung khoảng 21, nếu tính cả điểm ưu tiên, em có thể thể đạt mức điểm chuẩn năm ngoái vào một số ngành của trường.
Tuy nhiên, nữ sinh hiểu đây là mức chấp chới, điểm chuẩn năm nay chỉ cần tăng nhẹ, em cũng có thể trượt đại học yêu thích. Với Dung, tiếng Anh là môn “khó nhằn” nhất khi em thường chỉ đạt 6-6,5 điểm, riêng phần đọc đoạn văn em mất điểm nhiều nhất do không biết nhiều từ vựng.
Những ngày này, nhiều người khuyên Dung nên xả hơi nhưng vì lo lắng em vẫn ôn luyện. Buổi sáng, em dậy lúc 6h và bắt đầu học sau đó một tiếng, chiều 14-18h và thường đi ngủ lúc 23h30. Em học Toán, Lý vào sáng, chiều làm đề tiếng Anh để thời điểm giống buổi thi thật. Tổng thời gian học trong ngày của Dung khoảng 10-12 tiếng.
“Em định cách hôm thi một ngày sẽ buông dần sách vở, xả hơi”, Dung nói.
Thùy Dung (trái) và Minh Châu cùng là học sinh trường THPT Quỳnh Lưu I, Nghệ An. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Cùng lớp với Thùy Dung, Hồ Trần Minh Châu không đến mức căng thẳng nhưng thường khó ngủ. Hàng ngày, nữ sinh thường dừng học lúc 12h đêm và trằn trọc thêm một tiếng. “Em đăng ký xét tuyển bằng tổ hợp A01 vào Đại học Thương mại nhưng kết quả các lần thi thử chưa thật sự ưng ý nên lo lắng”, Châu nói.
Video đang HOT
Từ cuối tháng 7, hầu hết lớp học thêm của Châu đóng cửa để phòng dịch. Nữ sinh tự học ở nhà, một ngày 8-10 tiếng. Vì bỏ sức ôn luyện từ lâu nên dù dịch bệnh phức tạp, Châu vẫn muốn tham gia thi ngay để giải tỏa áp lực. Lúc này, em chỉ mong Nghệ An không ghi nhận ca mắc mới để kỳ thi diễn ra bình thường.
Khác với Châu, Bùi Thị Hạnh Chinh, quê Hải Phòng, học sinh nội trú ở trường THPT Trí Đức ( Hà Nội), không lo lắng về mặt kiến thức nhưng lại lo vấn đề sức khỏe khi thi tốt nghiệp THPT.
Chinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT với bốn môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và tổ hợp Khoa học xã hội; đăng ký dự thi khối D01 (Toán, Văn, Anh) vào ngành Quản trị kinh doanh của Đại học Kinh tế quốc dân. Dù ngành Chinh chọn có điểm trúng tuyển năm 2019 ở mức rất cao – 25,25, nữ sinh tỏ ra tự tin.
Do học nội trú, một ngày Chinh có ba ca lên lớp học và tự học, sáng từ 6h45 đến 10h20, chiều từ 13h đến 15h25, tối từ 18h30 đến 23h. Khi về phòng ký túc xá, em còn cùng các bạn tự học và kiểm tra kiến thức cho nhau. “Nếu đề thi chính thức có các dạng bài và độ khó tương đương đề tham khảo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố, em có thể hoàn thành tốt kỳ thi này”, Chinh nói, cho biết chỉ lo phần bài đọc ở môn tiếng Anh do còn yếu về từ vựng.
Tỏ ra sẵn sàng về mặt kiến thức nhưng Chinh vẫn chưa ổn định về mặt tinh thần do kỳ thi diễn ra đúng lúc Covid-19 diễn biến phức tạp. “Những ngày vừa qua, em chỉ lo kỳ thi tiếp tục bị lùi như đợt trước, việc xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển đại học dựa vào học bạ. Em đã ôn tập rất nhiều nên chỉ muốn thi. Nếu xét học bạ, em khó vào được các trường top”, Chinh nói.
Dù không mong kỳ thi bị lùi, nữ sinh trường Trí Đức lại lo khi phải thi vào đúng đợt dịch. Em biết rất mâu thuẫn nhưng đây là tâm trạng chung của nhiều thí sinh. Bởi lùi thi thì thêm rủi ro và áp lực, còn đi thi Chinh sợ không may bị ho, sốt và bị sắp xếp thi phòng riêng làm ảnh hưởng đến tinh thần.
Học sinh trường Trí Đức, Hà Nội, tập trung ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp. Ảnh: Ngọc Thành.
Cùng trường với Chinh nhưng Phạm Giang lại không quá lo lắng. Em muốn giữ tinh thần thoải mái trước kỳ thi quan trọng này. “Kiến thức và tâm lý của em đều đã sẵn sàng rồi, giờ chỉ đợi được đi thi”, Giang nói.
Đăng ký xét tuyển bằng tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) vào Học viện Tài chính, Giang đầu tư nhiều thời gian tự học cho ba môn học này. Với Ngữ văn và Tiếng Anh, em yên tâm vì trên trường thầy cô hướng dẫn kỹ lưỡng, cho ôn thi ba vòng ngay cả trong thời gian nghỉ phòng chống Covid-19. Đặc biệt, kỳ thi bị lùi một tháng rưỡi, em có nhiều thời gian ôn tập hơn.
Về việc phòng chống dịch, Giang cho rằng các cơ quan chức năng sẽ chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị để đảm bảo an toàn. Em cũng yên tâm vì được ăn, ngủ, học tập hoàn toàn ở trường. Ngày đi thi, Giang và các bạn sẽ được trường đưa đón. Em nói sẽ tuân thủ mọi biện pháp phòng dịch để bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh.
Giống như Giang, Nguyễn Tuấn Anh (THPT Yên Lãng, Mê Linh, Hà Nội) không quá lo lắng sau nửa năm ngày nào cũng thức tới 1-2h sáng để ôn thi. Quyết tâm thi đỗ nguyện vọng 1 vào ngành An toàn thông tin của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, nếu so với điểm trúng tuyển năm ngoái, em phải đạt khoảng 23,5 điểm. “Thi thử ở trường em đạt mức 23. Nếu đề thi chính thức không thay đổi độ khó so với đề minh họa, em nghĩ mình có thể đạt được”, Tuấn Anh nói.
Tuấn Anh cũng không bận tâm về Covid-19 nhiều bởi đọc thông tin thấy các địa phương đều chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án phòng chống, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn chia nhóm thí sinh thi để đảm bảo an toàn. Theo nam sinh, ngay cả khi em có vấn đề sức khỏe (không phải nhiễm nCoV), được sắp xếp thi ở phòng dự phòng, em cũng không thấy có gì đáng lo bởi “khi đi thi, em sẽ không để ý những gì xung quanh nhằm tránh mất tập trung”.
Trước kỳ thi quan trọng nhất sau 12 năm phổ thông, Nguyễn Thị Thanh Bình, học sinh trường THPT Công nghiệp Việt Trì (Phú Thọ) vẫn cố gắng giữ tâm trạng thoải mái. Bình đăng ký xét tuyển bằng tổ hợp D01 vào ngành Kế toán của Đại học Ngoại thương. Năm ngoái ngành này lấy 25,25 điểm trong khi lần thi thử thứ hai ở trường em đạt mức 25,2. “Dù hơi chấp chới, em cũng đã có thời gian ôn tập hòm hòm, giờ chỉ đọc lại kiến thức thay vì luyện đề như trước”, Bình nói.
Nữ sinh cũng tỏ ra yên tâm hơn vì được thi tại ngôi trường gắn bó suốt ba năm THPT. Hơn nữa, Phú Thọ lại chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 nào. Vẫn thực hiện đầy đủ biện pháp phòng dịch như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, ăn uống đầy đủ, Bình mong không gặp bất kỳ vấn đề sức khỏe nào cho đến khi hoàn thành kỳ thi.
Do Covid-19, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 bị lùi một tháng rưỡi và chia thành hai đợt. Đợt một ngày 8-10/8, đợt hai dành cho các thí sinh ở Đà Nẵng, một số nơi đang giãn cách xã hội ở Quảng Nam và thí sinh diện F1, F2. Thời gian thi do các địa phương đề xuất, khi đã kiểm soát được Covid-19.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT sẽ phải làm ba bài bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài tự chọn là Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Kết quả thi được dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học.
Những sĩ tử không áp lực trước kỳ thiThí sinh vùng dịch lo ít cơ hội vào đại họcThí sinh được đặc cách tốt nghiệp THPT khi nào? 10
Học viện Ngân hàng tuyển gần 4.000 sinh viên
Năm 2020, Học viện Ngân hàng tuyển 3.760 sinh viên cho hai cơ sở và hai hệ đào tạo, riêng cơ sở tại Hà Nội tuyển hơn 2.800.
Trong 15 ngành tuyển sinh, Tài chính ngân hàng tuyển nhiều nhất - 920, sau đó là Kế toán 420.
Trường tuyển sinh theo ba phương thức. Thứ nhất là tuyển thẳng các đối tượng theo quy chế tuyển sinh 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thứ hai là xét trình độ ngoại ngữ hoặc học bạ, chiếm tối đa 30% tổng chỉ tiêu. Đối với chứng chỉ ngoại ngữ, thí sinh có một trong các chứng chỉ IELTS 6.0, TOELF iBT 72 điểm, TOEIC (bốn kỹ năng) 665 điểm, tiếng Nhật N3 trở lên đủ điều kiện xét tuyển.
Nếu xét học bạ, học sinh các trường THPT chuyên quốc gia phải có điểm trung bình 5 học kỳ (trừ học kỳ II năm học 2019-2020) các môn thuộc tổ hợp xét tuyển tối thiểu 7 đối với hệ chuyên và 7,5 đối với hệ không chuyên. Mức điểm đối với học sinh trường chuyên của tỉnh, thành phố và học sinh trường khác lần lượt là 7,5 và 8 trở lên.
Trường sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020 là phương thức xét tuyển thứ ba, chiếm tối thiểu 70% tổng chỉ tiêu. Điểm trúng tuyển là tổng điểm ba môn không nhân hệ số cùng điểm ưu tiên (nếu có).
Các tổ hợp được chấp nhận gồm: A00 (Toán, Vật lý, Hóa học), A01 (Toán, Vật lý, tiếng Anh), D01 (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh), D07 (Toán, Hóa học, tiếng Anh), D09 (Toán, Lịch sử, tiếng Anh), D14 (Ngữ văn, Lịch sử, tiếng Anh), D15 (Ngữ văn, Địa lý, tiếng Anh), C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý).
Chỉ tiêu cụ thể cho từng chuyên ngành và điểm trúng tuyển ba năm gần nhất của Học viện Ngân hàng cụ thể như sau:
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Giang Huy
Năm ngoái, Học viện Ngân hàng thông báo điểm trúng tuyển vào 13 ngành của trường từ 21,5 đến 24,75. Ngành Luật kinh tế, tổ hợp C00, D01, D14 và D15 lấy điểm chuẩn cao nhất. Cũng ở ngành này, tổ hợp A00, A01, D07, D08 lại lấy đầu vào thấp nhất trường.
Nhầm lẫn "Học viện Báo chí" thành "Đại học Báo chí", "Học viện Ngoại giao" thành "Đại học Ngoại giao", bạn nên đọc ngay bài viết này để thấy sự khác biệt Không ít người đến nay vẫn khá mơ hồ về 2 thuật ngữ, 2 hệ thống giáo dục "Học viện" và "Đại học", trong khi cả 2 đều có những điểm hoàn toàn khác biệt. Có thể nhận thấy rất nhiều các bạn học sinh, sinh viên đến nay vẫn còn khá mơ hồ về thuật ngữ "Học viện" và "Đại học" tại...