Thi học kỳ trực tuyến: Liệu có khả thi và đánh giá đúng chất lượng học sinh?
Nếu dịch COVID-19 kéo dài, học sinh không thể tới trường thì việc kiểm tra học kỳ II buộc phải tổ chức bằng hình thức trực tuyến.
Những ngày qua, phụ huynh liên tục gọi điện thắc mắc với cô Nguyễn Thị Loan, giáo viên trường THCS Minh Khai (Hà Nội) về vấn đề kiểm tra, đánh giá học kỳ II sẽ diễn ra thế nào khi các trường tạm nghỉ dịch. Phụ huynh đang chung nỗi lo kết quả học tập của con bị ảnh hưởng khi học online và thời gian kết thúc năm học bị kéo dài như năm 2019- 2020.
Theo kế hoạch năm học, đầu tháng 5 là thời điểm hầu hết các trường sẽ tổ chức kiểm tra học kỳ II và đánh giá xếp loại học sinh cả năm. Tuy nhiên, việc này không thể diễn ra do dịch bệnh bùng phát trở lại. Vì vậy nhiều phụ huynh mong kiểm tra đánh giá học kỳ II nên chuyển sang hình thức trực tuyến để đảm bảo an toàn chống dịch cho học sinh.
Cô Loan cho rằng, hiện cơ sở vật chất kỹ thuật của các trường vẫn chưa sẵn sàng để tổ chức kiểm tra trực tuyến, nhất là khu vực nông thôn. Đồng thời, việc kiểm tra đánh giá nếu không có sự sát sao và nghiêm túc theo dõi từ cán bộ coi thi và giáo viên thì kết quả khó đảm bảo công bằng, không đánh giá thực chất trình độ học sinh.
Đại diện trường THPT Đống Đa (Hà Nội) cho biết, ngay khi tình hình dịch COVID-19 có chiều hướng bùng phát trở lại, trường đã tổ chức cuộc họp đột xuất để đẩy nhanh lịch thi học kỳ II năm học 2020- 2021 lên sớm hơn trong đầu tháng 5. Tuy nhiên, ngay sau đó Hà Nội quyết định cho học sinh toàn thành phố tạm nghỉ, trường chưa kịp thực hiện kế hoạch.
Hiện trường vẫn chưa tính đến phương án cho học sinh kiểm tra học kỳ theo hình thức trực tuyến, vì đây là kỳ kiểm tra đánh giá định kỳ quan trọng nhất năm học. Trường hy vọng dịch sẽ sớm được kiểm soát trong tối đa 2 tuần để trường thực hiện kiểm tra trực tiếp đúng theo hướng dẫn và kế hoạch của Bộ GD&ĐT.
Video đang HOT
Học sinh ôn bài. (Ảnh minh hoạ: H.C)
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết, đến nay, học sinh khối 12 cơ bản hoàn thành các bài kiểm tra cuối kỳ nhưng còn khối lớp 10, 11 vẫn đang dang dở và phải chuyển sang ôn tập trực tuyến.
Bà cho rằng việc kiểm tra đánh giá học sinh bằng hình thức trực tuyến chỉ được tính đến trong trường hợp bất khả kháng và có sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội. Để đánh giá chính xác trình độ, kiến thức của học sinh cần có sự giám sát trực tiếp bằng bài kiểm tra ở lớp. Việc kiểm tra trực tuyến khó khách quan, khó kiểm soát được chất lượng và không phải học sinh nào cũng đủ điều kiện để tham gia kiểm tra cùng một thời điểm.
Hiện trường THPT Việt Đức tính đến phương án dự phòng, nếu diễn biến dịch vẫn phức tạp và trường phải dừng hoạt động dạy học trong hơn 2 tuần thì sẽ cho học sinh đến trường, chia ca và làm bài kiểm tra. Như vậy, sẽ đảm bảo phòng ngừa dịch bệnh và tính công bằng trong kết quả làm bài đánh giá xếp loại học sinh.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết, trong trường hợp học sinh không thể đến trường thì địa phương sẽ áp dụng Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Thông tư quy định việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên kết quả học tập trực tuyến của học sinh được thực hiện trong quá trình dạy học. Vì lý do bất khả kháng học sinh không thể đến trường thì việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ được thực hiện bằng hình thức trực tuyến.
Tuy nhiên, Thông tư này sau ngày 16/5/2021 mới có hiệu lực thi hành. Do đó, nếu học sinh chưa thể đến trường trong hai tuần nữa thì vẫn còn hai tuần cuối tháng 5 để hoàn thành công việc này. Những trường cho học sinh kiểm tra học kỳ bằng hình thức trực tuyến ngay từ đầu tháng 5 là chưa đúng tinh thần của Thông tư 09, cần đặc biệt lưu ý.
Trường học đóng cửa, học sinh cuối cấp 'lo sốt vó' trước mùa thi
Trường học đóng cửa khiến học sinh cuối cấp lo lắng lượng kiến thức khó đảm bảo để tham gia thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học.
8h sáng 5/5, Nguyễn Nhật Nam (học sinh lớp 12 trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Long Biên, Hà Nội) bắt đầu tiết học online môn Toán. Do các phần nội dung kiến thức môn Toán lớp 12 cơ bản hoàn tất nên cô giáo chủ yếu tập trung cả lớp ôn thi chuẩn bị cho kiểm tra học kỳ II và luyện các đề thi thử tốt nghiệp THPT.
Đặt mục tiêu xét tuyển khối A00 vào ngành Kinh doanh quốc tế, Đại học Ngoại thương, Nhật Nam càng thấy áp lực và phải tăng tốc ôn tập nhiều hơn. Năm ngoái, ngành học này có điểm chuẩn đầu vào là 27,95 điểm.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến trường học phải đóng cửa, các lớp học thêm cũng tạm dừng hoạt động, việc ôn tập của Nam bị ảnh hưởng rất nhiều. Thay vì đến lớp, thầy cô gửi đề thi thử và các bài ôn tập qua email cho học sinh tự làm.
Trong khoảng thời gian chạy nước rút này đa phần các câu hỏi ôn tập đều là nâng cao. Các dạng bài không mới nhưng cách thức giải cần vận dụng nhiều công thức tính toán. Điều đó khiến học sinh lúng túng khi không có người hướng dẫn, trao đổi trực tiếp.
Nam sinh hy vọng đợt dịch này mau chóng được khống chế để em và các bạn được tới trường sớm, hoàn thành việc ôn luyện, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi cuối cấp THPT, xét tuyển đại học tới đây.
Thí sinh tham gia thi đánh giá năng lực tại Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2020. (Ảnh minh hoạ: H.C)
Theo bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (Hà Nội), trường dự kiến hoàn thành việc kiểm tra học kỳ II ở các khối lớp trong ít ngày tới. Tuy nhiên, dịch có diễn biến phức tạp, do đó việc học sẽ được chuyển sang hình thức trực tuyến.
Đợt tạm nghỉ này không ảnh hưởng nhiều đến thời gian, kế hoạch dạy và học của nhà trường. Bởi ngay từ đầu năm học trường tính đến các phương án cho học sinh kiểm tra định kỳ sớm, những tuần còn lại cuối tháng 5 sẽ hoàn thành chương trình, đẩy mạnh ôn thi cho học sinh lớp 12 và kết thúc năm học.
Đáng lo hơn là học sinh các khối lớp 12 chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp, việc học trực tuyến khó đảm bảo chất lượng được như học trên lớp. Nhà trường lên kế hoạch ôn tập dựa trên tình hình thực tế và lịch học bù, tăng cường bồi dưỡng sau khi các em trở lại trường.
Đại diện trường THPT Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân, Hà Nội) thừa nhận, ở thời điểm này việc học trực tuyến khiến học sinh lớp 12 khá hoang mang, lo lắng. Nhà trường đã có giải pháp ôn tập cũng như định hướng để học sinh, phụ huynh yên tâm. Đến thời điểm này hầu hết học sinh của trường hoàn thành kiến thức cho học sinh lớp 12 cũng như hoàn tất đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học cao đẳng năm 2021.
Để đảm bảo việc ôn thi của học sinh lớp 12 không bị gián đoạn, trường THPT Trần Hưng Đạo ưu tiên tổ chức ôn tập 9 môn thi tốt nghiệp THPT (Toán, Lý, Hoá, Sinh, Văn, Sử, Địa, tiếng Anh, Giáo dục công dân) theo hình thức online cho học sinh tất cả các buổi sáng với 3 đến 5 tiết học/buổi.
Phó giáo sư Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT khẳng định, theo khung kế hoạch thường niên, thời điểm kết thúc năm học vào ngày 31/5. Hiện mới là đầu tháng 5, các trường còn khoảng gần 4 tuần để vừa ôn tập, kiểm tra và đánh giá học sinh. Tạm thời chưa cần điều chỉnh thời gian kết thúc năm học.
Trước lo ngại về thời gian thi tốt nghiệp THPT và thi vào lớp 10 ở các địa phương bị ảnh hưởng do COVID-19 như năm 2020 từng xảy ra, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, dù tạm nghỉ nhưng hoạt động dạy học trực tuyến vẫn được các trường học duy trì, thời gian kết thúc năm học tạm thời chưa cần điều chỉnh. Vì vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Đối với các kỳ thi chuyển cấp như thi vào lớp 10, việc quy định về hình thức thi, địa điểm, thời gian thi,... sẽ do các địa phương chủ động kế hoạch, điều chỉnh căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương. Do đó, học sinh, phụ huynh hoàn toàn yên tâm, tập trung ôn tập thật tốt cho kỳ thi cuối cấp quan trọng sắp tới.
Học thi online thời COVID: Có gây khó với học sinh cuối cấp? Hà Nội là một trong nhiều tỉnh, thành phố quyết định cho học sinh tạm nghỉ từ ngày 3/5 cho đến khi có thông báo mới. Đây là thời điểm các trường chuẩn bị cho học sinh kiểm tra học kỳ II, khiến nhiều giáo viên, phụ huynh, học sinh lo lắng, nhất là học sinh cuối cấp. Các trường có bị động?...