Thèm canh chua cá cóc
Cá cóc nấu chua ngon nhất là ngồi nhâm nhi vảy cá, vảy càng dày càng ngon.
Cá cóc chẳng có chút quan hệ bà con nào với một loài động vật da xù xì, nhìn vào thấy ghê ghê và mật gây ngộ độc chết người, tuy rằng được coi là cậu ông trời. Nhiều người không quen, chưa “vị phạm”, nghe nói cá cóc, ngỡ đâu nó cũng anh em chú bác gì với cậu ông trời, nên không dám ăn. Là coi như bỏ qua một món giang hào đang ngày càng nhiêu khê để tìm.
Cá cóc chuẩn bị cho món canh chua. Ảnh: Lê Tới
Người ăn quen không khỏi lâu lâu thương nhớ món cá ngon, nhưng chẳng biết tìm đâu ra. Quen hơi rồi, mới hay phận cóc đang trèo cao, đang hiếm hoi.
Cá cóc sông Tiền, sông Hậu chẳng còn mấy. Lại là loài có lẽ có vòng đời dài nên lâu lớn, chẳng sanh lợi, chẳng ai chịu nuôi. Tội nghiệp mấy nhà khoa học bỏ công thuần dưỡng hàng chục năm nay.
Bây giờ, thèm loại cá chép sông Mekong này, chỉ còn trông vào nguồn cá từ bên Campuchia đổ về.
Video đang HOT
Và bây giờ, thèm canh chua cá cóc không phải mắc công “lăn” xuống tận quán Tân Tân tuốt dưới Vĩnh Long, như ông bà ta dạy “muốn ăn phải lăn vào bếp”.
Nhất là đang mùa nước nổi, tuy năm nay ngắn hạn, vẫn có điên điển.
Ông Hải, chủ quán Làng Nướng Nam Bộ trên đường Nguyễn Thị Diệu, cho biết ông vẫn lấy cá cóc từ miệt An Giang (nguồn từ Biển Hồ Campuchia) lên.
Đến chỗ ông mùa này, có thể thưởng thức cá cóc nấu chua bông điên điển, rau nhút, dọc mùng, so đũa. Cá cóc nấu chua ngon nhất là ngồi nhâm nhi những cái vảy của nó. Mỡ cá thì độ béo chẳng bao giờ cao và cũng chẳng lo cholesterol xấu, sựt sựt. Thịt cá ngọt, mềm, hơi béo một chút. Vả, dầm phải đúng mắm tự nhiên, nhược bằng mắm giả, mắm độ bằng đường hoá học, coi như hỏng món ăn.
Cá cóc nướng. Ảnh Lê Tới
Cũng có thể cầu kỳ hơn, yêu cầu quán “khò” sơ các lát cá co da, để khi nấu, miếng da cá béo và thơm hơn.
Nhưng cũng tuỳ cái duyên để có thể tao ngộ con cá cóc vảy dày hay mỏng. Không cứ cá lớn thì vảy dày. Vảy dày ăn ngon hết chỗ chê – đó là thứ hương sắc rất riêng tạo nên tiếng tăm cho con cá miền sông nước Mekong và Biển Hồ.
Đem nướng lên lại tạo ra một thứ vị khác. Da cá nướng khác với vảy cá canh chua. Nướng khiến cho mỡ cá qua lửa thơm hơn. Ăn cả miệng và mũi, và mắt khi miếng da được xát gia vị vàng ươm. Chỉ có điều đáng tiếc – không thể mười phân vẹn mười – thịt cá thuộc họ chép này nhiều xương dăm.
Người miền Tây còn nấu nhiều phiên bản khác như kho, quay. Muốn ăn, nên dặn quán trước.
Theo SGTT
Thưởng thức món canh chua cá cóc
Những ai đã từng thưởng thức món canh chua cá bông lau, cá chẻm, cá ba sa... nếu có dịp khám phá thêm món canh chua cá cóc nhất định sẽ phải trầm trồ khen "ngon tuyệt".
Cá cóc thuộc họ cá chép, vảy bạc lấp lánh, mình dài và hơi dẹp. Trong thiên nhiên cá lớn trung bình từ 0, 5kg đến 5 kg hoặc lớn hơn. Chúng thích nghi với điều kiện nước chảy mạnh và có tập tính di cư sinh sản. Loài cá này xuất hiện nhiều nhất trên các sông lớn miền Tây Nam bộ. Bà con ngư dân thường khai thác bằng chài, lưới, đáy, câu hoặc chất chà, nhưng phải là những tay lão luyện mới có thể đánh bắt vì chúng thích ở những nơi sông sâu, nước chảy, đặc biệt là các bờ vực. Đáng tiếc, do nạn săn bắt ráo riết mà hiện nay cá cóc đã trở thành đặc sản quý hiếm, giá lúc nào cũng cao gấp đôi các loài cá khác.
Khi nấu chín cá cóc có màu trắng, thịt dẻ, chắc, ít xương, mùi vị thơm, ngon, béo và ngọt, hấp dẫn nhất là phần đầu, ít có thứ cá nào sánh kịp. Các nhà hàng thường chế biến cá cóc thành nhiều món ngon độc đáo như cá nướng, cá hấp, cá kho nước dừa... đặc biệt là nấu lẩu (canh chua). Cá cóc tuy mùa nào cũng có, nhưng ngon nhất là vào mùa nước nổi, cá mập béo nhờ thức ăn dồi dào.
Hấp dẫn món canh chua cá cóc
Muốn làm món canh chua cá cóc, trước hết chúng ta nên chọn cá còn tươi sống, làm sạch nhớt, để nguyên vảy, cắt kỳ, mổ bụng, cắt ra thành khoanh và để cho ráo trước khi nấu. Nếu cá to trên 1kg, các đầu bếp thường chọn đầu cá để nấu riêng, vừa ngon vừa béo. Cá cóc, ngon nhất là nấu với cơm mẻ hoặc me non và nêm nếm sao cho vừa ăn, vừa chua cay và ngọt dịu. Đặc biệt, món canh chua cá cóc không thể thiếu sả, ớt, mò om hoặc ngò gai, cà chua và đậu bắp. Chính các loại rau này ngoài mùi vị thơm ngon, kích thích vị giác, nó còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc và tiêu thực.
Trong cái chua thanh, dìu dịu và quyến rũ của cơm mẻ hòa quyện với chất ngòn ngọt của cá và hương nồng của rau, vị cay cay của ớt bốc lên phưng phức, ngạt ngào mùi vị quê hương làm ta không sao quên được thứ đặc sản của vùng sông nước.
Canh chua cá cóc vừa là món ăn chính trong bữa cơm nhưng cũng có thể ăn kèm với bún. Nước chấm đúng điệu nhất là nước mắm hòn nguyên chất.
Mỗi loài cá đều có hương vị đặc trưng và cách chế biến cũng khác nhau. Riêng món canh chua, chúng ta không chỉ ăn bằng miệng mà còn bằng mắt và mũi. Chỉ cần một làn khói mỏng bốc lên từ cái mùi thanh tao dìu dịu của cá hòa quyện cùng thứ nước chua - cay thơm phức cũng đủ làm cho người ăn háo hức vì mùi vị cứ quấn quýt mãi bên ta.
Theo VNE
Nấu lẩu canh chua thế nào cho ngon? Để có một nồi lẩu canh chua ngon tuyệt bạn hãy thao khảo các thông tin này nhé. Canh chua là món chín rất nhanh, nên dù nấu theo kiểu canh hay lẩu thì chỉ cần đổ nước sôi vào các thứ rau giá, bạc hà, thơm... đã sắp sẵn, sau 5 phút là có thể ăn. - Nấu lẩu canh chua ngon...