Thế giới có trên 186,2 triệu người mắc COVID-19 đã hồi phục
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến khoảng 21h30 ngày 15/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 207.729.603 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4.371.673 bệnh nhân đã tử vong. Hiện số bệnh nhân phục hồi là hơn 186.218.141 người trong khi số bệnh nhân phải điều trị là 17.139.789 người.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Jonesboro, Arkansas, Mỹ. Ảnh: Bloomberg/TTXVN
Mỹ đứng đầu thế giới khi ghi nhận 37.435.835 ca mắc và 637.439 ca tử vong, tiếp theo là Ấn Độ với 32.192.576 ca mắc, trong đó có 431.253 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với 568.833 ca tử vong trong tổng số 20.350.142 ca mắc. Quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới là Peru với 599 ca trên 100.000 dân, tiếp theo là Hungary với 311 ca trên 100.000 dân.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều nước châu Á trong 24 giờ qua. Số ca mắc COVID-19 tại Lào đã vượt 10.000 ca sau khi ghi nhận thêm 198 ca mắc COVID-19. Thủ đô Viêng Chăn ghi nhận 1 ca cộng đồng là người Việt Nam có liên quan đến các ca bệnh trước đó; các ca cộng đồng còn lại là tại tỉnh Savannakhet. Trung tâm Xét nghiệm COVID-19 thuộc Bộ Y tế Lào cho biết thời gian gần đây đã ghi nhận một số trường hợp người Việt có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 khi làm xét nghiệm tại thủ đô Viêng Chăn để làm thủ tục xuất cảnh về nước. Điểm chung của những người này là đều có quá trình di chuyển qua vùng dịch tỉnh Bokeo.
Trước tình hình trên, Chính phủ Lào yêu cầu các địa phương tăng cường hoạt động tuần tra, giám sát và ngăn chặn người nhập cảnh bất hợp pháp, coi đó là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn phòng chống dịch tiếp theo của Lào.
Đến nay, tổng số ca mắc COVID -19 tại Lào là 10.092 ca, trong đó có 9 người tử vong.
Tại Thái Lan, thống kê chính thức cho thấy nước này đã ghi nhận 21.882 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca bệnh lên 907.157 ca. Ngoài ra, Thái Lan cũng ghi nhận thêm 209 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 lên mức 7.552 ca. Thủ đô Bangkong tiếp tục dẫn đầu danh sách địa phương có số ca mắc cao nhất với 4.215 ca trong vòng 24 giờ qua. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, chính quyền thủ đô Bangkok và 28 tỉnh khác đã thực hiện lệnh phong tỏa một phần, trong đó có lệnh giới nghiêm ban đêm, hạn chế di chuyển và đóng cửa các trung tâm thương mại. Dự kiến, giới chức Thái Lan sẽ nhóm họp trong ngày 16/8 nhằm đánh giá tình hình dịch tễ và cân nhắc kéo dài các biện pháp phòng dịch đến cuối tháng 8 này.
Tại Philippines, Bộ Y tế nước này cho biết đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc biến thể Lambda, đồng thời yêu cầu người dân tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch.
Video đang HOT
Biến thể Lambda được phát hiện lần đầu tiên tại Peru cuối năm ngoái và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào danh mục biến thể cần chú ý. Chỉ trong thời gian ngắn, Lambda đã nhanh chóng trở thành biến thể chủ đạo tại các quốc gia Mỹ Latinh và đến cuối tháng 6, biến thể này đã xuất hiện ở gần 30 nước. Một số nghiên cứu mới đây cho biết biến thể Lambda có những đột biến có thể “trốn” được vaccine.
Cùng ngày, Bộ trên cũng thông báo đã ghi nhận thêm 14.749 ca mắc mới, số ca nhiễm theo ngày cao thứ hai kể từ khi dịch bùng phát. Số ca tử vong trong ngày là 270 ca, mức cao thứ ba kể từ đầu dịch đến nay. Cho tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Philippines là 1,74 triệu ca, trong đó có 30.340 ca tử vong.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Nhật Bản vẫn chưa cải thiện. Bộ Y tế Nhật Bản cho biết số bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nặng tại nước này là 1.563 ca tính đến ngày 14/8, tăng thêm 42 ca so với ngày trước đó. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp nước này ghi nhận số ca mắc COVID-19 nặng ở mức cao nhất từ trước đến nay.
Tại thủ đô Tokyo, giới chức y tế cho hay đã ghi nhận thêm 4.295 ca mắc mới trong bối cảnh hệ thống y tế tại khu vực này đang trong tình trạng quá tải do số ca mắc mới tăng mạnh. Số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày qua tại Tokyo đã tăng lên mức 4.263 ca/ngày, tăng 5,6% so với tuần trước đó, với nguyên nhân là sự lây lan của biến thể Delta.
Chính quyền Nhật Bản đang đối mặt với sức ép trong việc mở rộng tình trạng khẩn cấp hiện đang được áp dụng tại Tokyo, Osaka và nhiều tỉnh thành khác.
Một gia đình tới làm xét nghiệm nhanh COVID-19 tại Jerusalem. Ảnh: AFP/TTXVN
Cùng ngày, Bộ Y tế Israel thông báo số bệnh nhân COVID-19 với các biến chứng nặng tại nước này đã vượt mức 500 ca, mức cao nhất kể từ tháng 3/2021 trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm mới vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Bộ Y tế Israel cho biết số bệnh nhân nặng tại đây hiện là 524 ca, trong đó 84 ca phải dùng máy thở. Đáng chú ý, người trên 60 tuổi chưa được tiêm vaccine chiếm tỷ lệ rất cao so với các nhóm đối tượng khác.
Trong ngày 14/8 Israel tiếp tục có thêm 4.150 ca nhiễm mới, với số ca đang phải điều trị tại bệnh viện là 877 ca. Tỷ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính cũng đang đứng ở mức khá cao là 5,38%.
Mặc dù là một trong số những khu vực dẫn đầu thế giới về tỷ lệ người dân được tiêm vaccine phòng COVID-19, Israel đang phải đối mặt với làn sóng lây lan mới, buộc chính phủ nước này phải tái áp dụng một loạt biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Sau khi quyết định tiêm bổ sung mũi vaccine thứ 3 cho người trên 60 tuổi, tuần này Israel bắt đầu tiêm mũi 3 cho người trên 50 tuổi, đồng thời tiếp tục các chiến dịch đẩy mạnh tiêm chủng đối với những người đủ điều kiện nhưng vẫn chưa chịu tiêm vaccine.
Để thúc đẩy chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, Chính phủ Israel đã triển khai một sáng kiến mới, tổ chức hoạt động tiêm trên quy mô lớn ở thành phố Tel Aviv suốt đêm 14/8. Cơ quan Cấp cứu Quốc gia Israel (MDA) đã phối hợp với chính quyền Tel Aviv triển khai 2 xe cứu thương với một loạt bàn tiêm vaccine COVID-19 tại quảng trường Dizengoff, nhằm tạo điều kiện cho thanh niên và những người tham gia tiệc tùng có thể dễ dàng và nhanh chóng tiêm phòng ngay tại trung tâm thành phố.
Mục đích sáng kiến là nâng cao tỷ lệ miễn dịch trước COVID-19, trong bối cảnh Israel có nguy cơ phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm trở lại khiến chính phủ phải tái áp đặt một loạt biện pháp hạn chế đối với xã hội. Sáng kiến này nhằm vào tất cả các đối tượng nằm trong diện tiêm vaccine COVID-19 theo quyết định của Bộ Y tế Israel, từ 12 tuổi trở lên. Thông báo của MDA cho hay những người chưa tiêm lần nào, đã tiêm một mũi và người từ 50 tuổi trở lên muốn tiêm liều 3 bổ sung đều có thể tới bàn đăng ký và tiêm ngay tại chỗ.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Miami, bang Florida, miền Nam nước Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại Mỹ, nước này đã ghi nhận số trẻ em nhập viện vì COVID-19 cao kỷ lục với 1.900 ca trong bối cảnh các bệnh viện ở khu vực miền Nam của quốc gia này đang phải gồng mình chống lại đợt bùng phát mới do biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh chóng. Theo dữ liệu từ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, biến thể Delta đang gây bệnh cho hầu hết những người chưa tiêm chủng và khiến số ca nhập viện gia tăng nhanh chóng trong những tuần gần đây, trong đó số trẻ em phải nhập viện đã lên tới 1.902 ca. Trẻ em hiện chiếm khoảng 2,4% tổng số ca nhập viện vì COVID-19. Trẻ em dưới 12 tuổi chưa đủ điều kiện để tiêm chủng nên dễ bị nhiễm bệnh hơn, đặc biệt khi biến thể mới có khả năng lây truyền cao.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), số ca nhập viện mới vì COVID-19 trong độ tuổi 18-29, 30-39 và 40-49 cũng lên mức cao kỷ lục trong tuần này.
Trong khi đó, tại Anh, chính quyền vùng England đã ban hành quy định mới trong phòng dịch COVID-19. Theo đó, những người đã tiêm đủ liều vaccine tại vùng England sẽ không phải tự cách ly nếu họ tiếp xúc gần với ca bệnh. Thay vào đó, kể từ ngày 16/8, những người này và những đối tượng dưới 18 tuổi mà có tiếp xúc gần với ca mắc COVID-19, sẽ thực hiện xét nghiệm PCR miễn phí. Trong trường hợp có kết quả dương tính, họ buộc phải cách ly. Quy định mới này là 1 trong số kế hoạch mở cửa gồm 4 bước mà chính phủ công bố hồi tháng trước. Trước đó, những người tiếp xúc gần với ca mắc COVID-19, buộc phải tự cách ly 10 ngày.
Ca nCoV tăng vọt, chính phủ Israel họp khẩn
Nội các Israel họp vào tối 3/8, sau khi nước này ghi nhận thêm hơn 3.800 ca nhiễm nCoV, mức cao nhất kể từ đầu tháng 3.
Với thêm 15 người chết vì Covid-19, Israel cũng ghi nhận số ca tử vong hàng ngày cao nhất trong vòng 4 tháng qua, trong khi số bệnh nhân nghiêm trọng đang là 221, cao hơn 7 ngày trước 66 ca. Tổng số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 tại Israel hiện lần lượt là gần 882.000 và gần 6.500.
Cuộc họp khẩn được chính phủ Israel triệu tập ngay tối 3/8 để thảo luận về việc áp đặt những biện pháp hạn chế mới nhằm ngăn chặn đợt bùng phát. Một trong các đề xuất được xem xét là siết chặt quy định về giấy thông hành, được cấp cho những người đã tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ, từng nhiễm và bình phục hoặc có kết quả âm tính với nCoV trong vòng 72 giờ.
Trước đó, Thủ tướng Israel Naftali Bennett hôm 2/8 đã cảnh báo về "những quyết định đau đớn có thể được đưa ra", khi số bệnh nhân Covid-19 trở nặng của nước này đang tăng gấp đôi sau mỗi 10 ngày.
Thủ tướng Israel Naftali Bennett (giữa) tại một cuộc họp nội các ở Jerusalem hôm 1/8. Ảnh: Reuters .
"Chúng tôi dự đoán số bệnh nhân nghiêm trọng sẽ lên khoảng 400 trong 10 ngày tới. Tỷ lệ tăng gấp đôi là đáng báo động và các con số tự nói lên điều đó. Chúng tôi đang hết sức nỗ lực khuyến khích tiêm chủng và xem xét mở rộng tiêm liều thứ ba cho những người trẻ tuổi hơn", ông nói trên truyền hình hôm qua.
Trong cuộc họp tối nay, chính phủ Israel có thể xem xét áp đặt lại yêu cầu đeo khẩu trang ngoài trời, giảm số lượng người được tụ tập, hạn chế số người lao động đến nơi làm việc và tăng cường kiểm soát dòng người nhập cảnh.
Truyền thông Israel đưa tin Thủ tướng Bennett còn đang tính đến phương án áp lệnh phong tỏa vào khoảng thời gian diễn ra các lễ hội của người Do Thái vào tháng 9, nếu số ca nhiễm cũng như số bệnh nhân trở nặng tiếp tục gia tăng ở mức như hiện tại.
Chiến dịch tiêm liều vaccine Covid-19 thứ ba cho những người từ 60 tuổi trở lên đang được Israel tiến hành với tốc độ tối đa. Clalit và Maccabi, hai đơn vị y tế lớn nhất Israel, cho biết họ đã tiêm cho lần lượt khoảng 70.000 và 55.000 nhân viên. Hàng trăm nghìn nhân viên khác đã đặt lịch hẹn tiêm những ngày tới.
"Mọi người nên biết rằng khoảng 9/10 bệnh nhân nghiêm trọng thuộc nhóm trên 60 tuổi. Liều vaccine thứ ba đơn giản là sạc lại khả năng phòng vệ của cơ thể, giúp chúng ta giữ được mạng sống", Thủ tướng Bennett cho hay.
Đông Nam Á học hỏi công nghệ nông nghiệp của Israel Các công ty công nghệ nông nghiệp của Israel đang thấy nhiều cơ hội kinh doanh ở Đông Nam Á, do các nước như Thái Lan, Việt Nam và Philippines muốn học hỏi mô hình của quốc gia này để tăng sản lượng nông nghiệp. Vườn rau thủy canh theo công nghệ Israel tại Việt Nam - Ảnh: Nikkei Theo báo Nikkei ,...