Thầy say mê đổi mới dạy học, viết báo
Thầy là một tấm gương sáng về đổi mới phương pháp giảng dạy và nghiên cứu. Trong gần 7 năm dạy học, thầy đã viết được trên 700 bài báo, trong đó có 100 bài nghiên cứu về đổi mới phương pháp giảng dạy
Thầy làm chủ nhiệm và giảng dạy chúng tôi trọn năm lớp 10 và học kỳ I lớp 11 tại Trường THPT Số 1 Quảng Trạch (nay là Trường THPT Lương Thế Vinh, tỉnh Quảng Bình) nhưng ấn tượng về thầy không thể nào phai nhạt. Đó là thầy giáo Trương Văn Hà, người thầy đáng kính của tôi, hiện nay công tác tại Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Bình.
Tấm gương đổi mới và sáng tạo
Ngay tiết học ngữ văn đầu tiên của năm lớp 10, thầy đã để lại trong chúng tôi rất nhiều ấn tượng. Mỗi tiết lên lớp của thầy lúc đó đã thực sự lấy học sinh làm trung tâm. Mỗi ý kiến, luận điểm đưa ra trong bài học, thầy đều tổ chức cho chúng tôi nhận xét, phản biện dân chủ, làm cho không khí các giờ học lúc nào cũng sôi nổi, đầy hứng khởi. Thầy cũng đã có nhiều đổi mới trong việc ra đề kiểm tra ngữ văn.
Thầy Trương Văn Hà cùng đồng nghiệp và học trò cũ Trường THPT Lương Thế Vinh (tỉnh Quảng Bình) (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Khi còn dạy chương trình ngữ văn lớp 10 thí điểm phân ban, thầy đã ra cho lớp tôi một đề bài kiểm tra rất lý thú: “Em hãy tưởng tượng, nếu giả sử Mỵ Châu và Trọng Thủy gặp nhau ở thế giới bên kia thì họ sẽ nói với nhau những điều gì?”.
Có một bạn nữ trong lớp tôi đã viết một bài văn rất xuất sắc, được thầy chấm 9 điểm, rồi được thầy chọn gửi đăng ở một tờ tạp chí ở trung ương, làm cho cả khối lớp 10 chúng tôi ai cũng rất ngưỡng mộ.
Nhờ thầy hướng dẫn về phương pháp điều hành cuộc họp, các bạn trong ban cán sự lớp tôi đã trưởng thành lên rất nhanh. Thầy còn hướng dẫn chúng tôi tổ chức sinh hoạt lớp theo chủ đề hằng tháng kết hợp tổ chức sinh nhật chung cho các bạn có cùng ngày sinh trong một tháng… giúp cho lớp ngày càng đoàn kết hơn.
Thầy tôi còn là tấm gương sáng về phương pháp nghiên cứu khoa học và khả năng viết báo. Trong gần 7 năm dạy học, thầy đã viết được trên 700 bài báo các loại, trong đó có 100 bài nghiên cứu về đổi mới phương pháp giảng dạy được đăng ở nhiều tờ báo, tạp chí. Tiêu biểu như các bài viết: “Dạy thế nào để học sinh thích học văn?” (Báo Giáo dục và Thời đại, Chủ nhật, số 21, ngày 22-5-2005); “Dạy văn chỉ hỏi có nên không?” (Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, số tháng 7-2007); “Vận dụng dạy – học đặt vấn đề và giải quyết vấn đề như thế nào trong giảng dạy môn ngữ văn?” (Tạp chí Thế giới Trong ta, số PB2, tháng 8-2006)… Sau khi chuyển ngành đến nay, thầy cũng đã có nhiều bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí có chỉ số ISSN ở trung ương và địa phương.
Video đang HOT
Người dẫn bước
Tôi còn nhớ như in, năm 2007, chúng tôi đến thăm thầy tại dãy nhà tập thể cũ của trường tôi. Nhìn căn “nhà” vừa nhỏ vừa đơn sơ của vợ chồng thầy, lớp tôi ai cũng ái ngại. Với mong muốn được giúp đỡ thầy vượt qua một số khó khăn ban đầu, nhiều bạn trong lớp tôi đã bảo với bố mẹ đặt vấn đề với thầy, nhờ thầy tổ chức dạy thêm môn ngữ văn cho cả lớp. Nhưng thầy đã không đồng ý. Thầy bảo với chúng tôi, chỉ cần trên lớp cả thầy và trò cùng có quyết tâm cao thì chất lượng môn ngữ văn sẽ rất tốt. Chúng tôi đã hiểu rằng thầy từ chối mở lớp dạy thêm là bởi vì thầy không muốn lấy tiền học thêm của chúng tôi.
Tôi còn được biết tranh thủ sau giờ lên lớp và các ngày nghỉ cuối tuần, thầy tôi đã cần mẫn viết báo, còn vợ thầy thì đi làm kế toán cho các doanh nghiệp để kiếm thêm thu nhập. Mỗi lần nhận được tiền nhuận bút, thầy vẫn không quên dành dụm lại một vài trăm ngàn để làm quà giúp đỡ cho những bạn có hoàn cảnh khó khăn trong trường tôi. Những ngày nghỉ cuối tuần, được đạp xe đi theo thầy đến thăm, tặng quà cho các bạn, chúng tôi càng thấm thía hơn về tình cảm yêu thương mà thầy đã dành cho chúng tôi. Đó chính là động lực quan trọng nhất gieo vào trong tôi một niềm ước mơ giản dị nhưng hết sức cao đẹp là sau này sẽ quyết tâm làm nghề dạy học như cái nghề cao quý mà thầy tôi đã từng lựa chọn. Về công tác tại trường tôi được gần 3 năm, thầy đã được kết nạp vào Đảng.
Rồi nhờ những kinh nghiệm về tự học các môn, việc khai thác thông tin từ các văn kiện của đại hội Đảng bộ các cấp và các tờ báo, tạp chí để minh họa khi làm bài thi môn địa lý; kinh nghiệm làm bài thi ngữ văn và lịch sử mà thầy đã truyền lại, lớp tôi có nhiều bạn đã đạt kết quả rất cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi đại học năm 2009. Từ một học sinh chỉ có học lực khá, sau khi tốt nghiệp THPT, tôi đã thi đỗ chuyên ngành lịch sử Trường ĐH Vinh. Học tập theo tấm gương về đạo đức, nhân cách của thầy, tôi cũng đã vinh dự được kết nạp vào Đảng khi còn là sinh viên đại học và vừa tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành lịch sử văn hóa vừa tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành sư phạm lịch sử.
Được đọc các bài báo của thầy, chúng tôi cũng đã học tập được nhiều điều bổ ích về bài học làm người và làm nghề dạy học. Tôi còn nhớ như in một câu kết rất nhân văn trong bài viết của thầy kể về tình huống ứng xử sư phạm mang tên “Làm mai cho học trò”, đã được đăng trên Tạp chí Tài hoa trẻ: “Tình yêu học trò tựa như giọt sương ban mai, long lanh trên kẽ lá. Nó thật trong trắng, tinh khôi, ngọt ngào mà e ấp nhưng cũng dễ vỡ tan mỗi khi có ánh dương hé rạng… Nhưng nếu ta biết hứng lấy nó, nâng niu nó trong chiếc bình “pha lê” thì giọt sương kia sẽ là trường cửu”. Vâng, có lẽ chỉ có thầy tôi mới có một cách xử lý tình huống sư phạm độc đáo đến như thế!
Sau này mặc dù đã chuyển ngành nhưng thầy cũng đã có nhiều góp ý hết sức quý giá cho tôi, cho nhiều bạn học cũ của tôi hiện đang dạy học về phương pháp soạn giảng. Mới đây nhất, thầy đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho tôi về bài soạn, việc xây dựng tiểu phẩm mở đầu bài học, góp phần giúp cho tôi đoạt giải ba trong kỳ thi giáo viên dạy giỏi môn lịch sử THPT toàn tỉnh năm 2022. Thầy cũng đã nhiều lần biên tập bài viết, giúp cho tôi có nhiều bài báo được đăng tải ở các tờ báo có uy tín…
Vẫn gắn bó với học sinh nghèo
Sau trận lũ lịch sử năm 2020, nhân dịp trở lại huyện Bố Trạch để thăm, tặng quà cho gia đình một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn mà trước đây tôi đã từng giảng dạy, tôi đã được gặp lại thầy tôi cùng các đồng nghiệp của mình đang tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần đưa sách vở lên tặng cho học sinh nghèo ở đây…
Với nhiều thành tích đã đạt được trong quá trình công tác, năm 2021 thầy đã được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; được tặng bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình năm 2020 và của Thủ tướng Chính phủ năm 2021… Thầy cũng là chủ nhân của nhiều giải thưởng báo chí có giá trị.
Đổi mới phương pháp giảng dạy ở Nghĩa Đàn
Ngành Giáo dục huyện Nghĩa Đàn đang nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường các hoạt động trải nghiệm, nâng chất lượng dạy và học một cách toàn diện.
Cùng đó, ngành huy động nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đảm bảo tốt cho công tác dạy học.
Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học
Bước vào không gian Trường Tiểu học Nghĩa Hội, xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn, điều chúng tôi ấn tượng nhất là không gian thư viện xanh của trường. Khoảng sân rộng với nhiều cây xanh được thiết kế mở để học sinh vừa vui chơi, vừa có thể đọc sách, báo vào đầu buổi học và thời gian giải lao giữa các tiết học. Mô hình này được nhà trường xây dựng từ năm học 2017-2018, trở thành một không gian lý tưởng cho học sinh vui chơi, giải trí, góp phần lan tỏa văn hóa đọc. Đây là một trong những đổi mới về phương pháp dạy học gắn với rèn luyện kỹ năng tự học cho học sinh.
Không gian Thư viện xanh tại Trường Tiểu học Nghĩa Hội. Ảnh: Ngân Hạnh
Trường Tiểu học Nghĩa Hội còn chú trọng đầu tư trang thiết bị dạy học. Với nguồn ngân sách được hỗ trợ kết hợp với kinh phí tiết kiệm, huy động xã hội hóa, năm học 2020-2021 (năm đầu tiên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018), nhà trường đã trang bị 16 ti vi thông minh để phục vụ giảng dạy ở 16 lớp học.
Cô Hoàng Thị Chi Lan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Hội cho biết: "Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và sử dụng hiệu quả các khoản đầu tư nên cơ sở vật chất ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu dạy học. Từ chỗ nâng cao vật chất, học sinh với nhiều thành phần dân tộc, tôn giáo đã gắn bó hơn với trường lớp. Đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường luôn ý thức nâng cao nghiệp vụ, đổi mới giáo dục trên nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm để nâng chất lượng toàn diện... Những chuyển biến của nhà trường được nhân dân và các bậc phụ huynh tin tưởng, ủng hộ".
Các lớp học tại Trường Tiểu học Nghĩa Hội đều được trang bị ti vi thông minh. Ảnh: Ngân Hạnh
Hệ thống các trường tiểu học trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn luôn nỗ lực huy động nguồn lực, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng dạy học. Theo đó, 100% lớp 1, lớp 2 có đủ đồ dùng dạy học tối thiểu và ti vi kết nối mạng; 17 trường có 100% lớp học được lắp đặt ti vi thông minh (trong đó, có 284/414 lớp học được lắp đặt ti vi thông minh kết nối mạng từ nguồn tài trợ của cha mẹ học sinh); 100% trường có phòng học ngoại ngữ; có 8 khối công trình mới được hoàn thiện đưa vào sử dụng. Hạ tầng thiết bị khá đồng bộ, giúp giáo viên và học sinh tiếp cận, ứng dụng công nghệ trong dạy và học.
Tăng cường các hoạt động trải nghiệm
Đều đặn mỗi chiều thứ Năm hàng tuần, cô giáo Cao Thị Liên cùng học sinh trong Câu lạc bộ Tiếng Anh của Trường Trung học cơ sở thị trấn Nghĩa Đàn lại tổ chức gặp gỡ. Nội dung sinh hoạt lồng ghép nhiều chủ đề khác nhau, như vấn đề ô nhiễm môi trường, bảo tồn di tích lịch sử, các vấn đề xã hội... "Việc sinh hoạt Câu lạc bộ Tiếng Anh vừa nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ, vừa tạo môi trường giao lưu, bổ sung kiến thức cho học sinh. Qua đó, các bạn góp phần lan tỏa phong trào học Tiếng Anh trong nhà trường cũng như xã hội", cô Cao Thị Liên cho biết.
Buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Tiếng Anh của Trường Trung học cơ sở thị trấn Nghĩa Đàn. Ảnh: Ngân Hạnh
Qua trao đổi, cô giáo Quế Thị Oanh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở thị trấn Nghĩa Đàn chia sẻ: "Chúng tôi đề cao việc đổi mới phương pháp dạy học, đa dạng hóa hình thức học tập, tăng cường các hoạt động trải nghiệm và hướng dẫn học sinh tự học. Hiện nay, trường đã thành lập được các Câu lạc bộ Tiếng Anh, văn nghệ, thể thao,... để học sinh rèn luyện, phát triển kỹ năng cá nhân". Từ đầu năm học 2021 - 2022, Trường Trung học cơ sở thị trấn Nghĩa Đàn được UBND huyện chọn làm điểm triển khai Đề án "Xây dựng trường trung học cơ sở trọng điểm chất lượng cao của huyện, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030". Đó là tiền đề để nhà trường tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Thầy giáo Nguyễn Văn Hùng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghĩa Đàn cho biết: "Trong bối cảnh thừa - thiếu giáo viên cục bộ, nhưng ngành Giáo dục Nghĩa Đàn luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các ban, phòng, ngành cấp huyện, sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân. Những yếu tố đó cùng với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh đã giúp ngành Giáo dục Nghĩa Đàn đạt nhiều kết quả quan trọng trong năm học 2021 - 2022, tiếp tục được Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An ghi nhận là đơn vị xuất sắc".
Một tiết học tại Trường Trung học cơ sở thị trấn Nghĩa Đàn. Ảnh: Ngân Hạnh
Thời gian tới, thầy Nguyễn Văn Hùng cho biết, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tiếp tục thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; chú trọng công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh; ổn định quy mô trường lớp, nâng số lượng trường đạt chuẩn quốc gia; tăng cường kiểm định chất lượng giáo dục, đẩy mạnh phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt", tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy, nâng chất lượng toàn diện của ngành Giáo dục./.
Sao mỗi lần 'sạn' SGK được phát hiện không ai lộ diện chịu trách nhiệm? Vấn đề con người - yếu tố quyết định tất cả những vấn để của đổi mới giáo dục chưa được đặt ở vị trí quan tâm đúng mức. Thêm một lần nữa, xã hội hướng đến cuộc đổi mới giáo dục nước nhà. Là một người quan tâm đến giáo dục, tôi xin được góp tiếng nói vào công cuộc đổi mới...