Thay đổi cách tính điểm ưu tiên ĐH từ năm 2023 có thiệt thòi cho HS miền núi?
‘Cách tính điểm ưu tiên theo quy định mới sẽ khiến HS miền núi, vùng sâu vùng xa thiệt thòi vì nguy cơ thu hẹp cơ hội trúng tuyển ĐH’, vị Hiệu trưởng nói
Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, một trong những điểm mới của tuyển sinh đại học năm 2023 là sẽ thay đổi cách tính điểm ưu tiên để tạo công bằng cho thí sinh các vùng miền, thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.
Xoay quanh quy định này có nhiều luồng ý kiến khác nhau, trong đó, một số lãnh đạo trường trung học phổ thông cho rằng cách tính này sẽ làm học sinh ở miền núi, vùng sâu vùng xa bị thiệt thòi vì nguy cơ thu hẹp cơ hội trúng tuyển đại học.
Từ năm 2023 sẽ áp dụng quy định mới về cộng điểm ưu tiên cho thí sinh. (Ảnh minh họa: Ngọc Mai).
Còn luồng ý kiến trái chiều
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, vị Hiệu trưởng của một trường trung học phổ thông huyện Mường La, tỉnh Sơn La cho rằng, giáo dục cần thiết phải tạo ra môi trường công bằng. Tuy nhiên, điều chỉnh cách tính điểm ưu tiên để tạo sự công bằng nhưng điều kiện vật chất, đội ngũ, chất lượng đào tạo ở các vùng miền chưa đồng bộ thì sao có thể công bằng hoàn toàn?
Ở một khía cạnh khác, cách tính điểm ưu tiên mới sẽ có khả năng làm giảm cơ hội trúng tuyển đại học top đầu của học sinh miền núi nói chung, và của học sinh nhà trường nói riêng.
“Các trường đại học nằm trong top đầu thường xét tuyển rất gắt gao, tỷ lệ chọi lớn. Do đặc thù kinh tế vùng miền, điều kiện học tập thiếu thốn nên số lượng học sinh ở các huyện miền núi khó có cơ hội đỗ vào các trường top đầu đó.
Những năm trước, chính sách cộng điểm ưu tiên cho thí sinh miền núi giúp các em tăng khả năng trúng tuyển, đi học và trở về để nâng cao chất lượng kinh tế, đời sống, xã hội ở quê hương. Nếu áp dụng cách tính điểm ưu tiên mới, theo tôi, nguồn tuyển sinh của tỉnh vào các trường đại học sẽ bị hạn chế. Không học đại học sẽ không chỉ thiệt thòi cho bản thân học sinh mà còn ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, chất lượng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực chuyên môn công tác sau này ở tỉnh”, vị Hiệu trưởng trăn trở.
Có ý kiến cho rằng: những học sinh miền núi, dân tộc thiểu số đã được hưởng chế độ hỗ trợ (học phí, bán trú…) theo quy định, việc giữ điểm cộng ưu tiên như trước đây sẽ tạo ra độ chênh lớn về chính sách giữa thí sinh miền núi và các thí sinh ở đồng bằng – do không được cộng điểm cũng không có hỗ trợ. Về điều này, thầy Hiệu trưởng nêu quan điểm: về mặt chính sách, triển khai hỗ trợ cho học sinh miền núi là rất nhân văn, khích lệ cả về tinh thần và vật chất cho các gia đình khó khăn của tỉnh.
Theo vị Hiệu trưởng này, những khoản hỗ trợ như gạo, tiền học phí chỉ là một phần, còn về đặc thù kinh tế, khoảng cách địa lý, quãng đường các em đến trường vất vả, chật vật, phải ở trọ vì nhà xa, thì không khoản hỗ trợ nào có thể bù đắp được.
“Cho nên, nhất thiết phải cộng điểm cho thí sinh miền núi như trước đây thì mới tạo điều kiện để các em có cơ hội học tập, theo kịp miền xuôi”, vị này nhận định.
Có quan điểm khác với chia sẻ của vị Hiệu trưởng trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Vũ Trí Hào, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vũ Lễ (huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn) cho rằng, cơ chế mới về điểm ưu tiên cho thí sinh xét tuyển vào trường đại học, cao đẳng nhằm tạo đánh giá đồng đều giữa các vùng. Đồng thời, tạo thuận lợi cho các học sinh có động cơ học tập đúng đắn ngay từ đầu chứ không phụ thuộc quá nhiều vào điểm cộng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Video đang HOT
Sinh hoạt ngoại khóa của học sinh Trường Trung học phổ thông Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Website nhà trường).
“Tôi cho rằng, không “bênh vực” cho thí sinh thuộc vùng nào mà cần nhìn nhận khách quan, tổng thể trong công tác xét tuyển, thi tuyển đại học để tạo chất lượng giáo dục tốt nhất.
Không thể phủ nhận, thực tế nhờ có điểm cộng ưu tiên mà học sinh miền núi được mở rộng cơ hội tiếp tục học lên sau khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Có những học sinh người dân tộc thiểu số, điểm thi của các em có thể không trúng tuyển đại học, nhưng nhờ có điểm cộng mà các em đủ điểm đỗ. Khi đó, những thí sinh không được cộng điểm sẽ ít nhiều có thiệt thòi hơn”, thầy Hào chia sẻ.
Theo thầy Hào phân tích, các em học sinh thuộc đối tượng là người dân tộc thiểu số của trường hàng tháng đều được hưởng đầy đủ chính sách trợ cấp tiền học, ăn, gạo… trong khi học sinh ở khu vực phát triển hơn, vẫn có những gia đình cũng rất khó khăn, không được hưởng chế độ, chính sách cộng điểm. Vậy nên, việc hỗ trợ tiền, gạo hàng tháng cho học sinh thuộc đối tượng dân tộc thiểu số đã là tạo tính công bằng trong giáo dục, hoàn toàn có thể áp dụng quy định giảm ưu tiên điểm theo cách tính mới trong tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023.
Chính sách cộng điểm ưu tiên không nên dừng lại ở 2 năm
Liên quan đến quy định từ năm 2023, thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp, vị Hiệu trưởng của trường trung học phổ thông của huyện Mường La, tỉnh Sơn La cho rằng, quy định mới có ưu điểm là tạo “giới hạn” cho chính bản thân học sinh, để các em phấn đấu học và quyết tâm thi đỗ đại học.
Tuy nhiên, nếu duy trì cộng điểm ưu tiên được mãi mãi, không chỉ dừng lại ở 2 năm, thì vẫn thuận lợi hơn cho thí sinh, nhất là thí sinh có hộ khẩu và học tập tại các khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa.
Do đó, thầy Hiệu trưởng kiến nghị nên xem xét lại quy định hưởng chính sách ưu tiên khu vực có thời hạn 2 năm.
“Những năm gần đây, tình trạng “lạm phát” điểm thi đại học khiến cho tỷ lệ học sinh của trường, tỉnh đỗ vào các trường đại học top đầu về đào tạo các ngành y khoa, kinh tế, ngân hàng… rất hiếm. Việc này ảnh hưởng nhiều đến trình độ đội ngũ con người, cũng như chất lượng, tốc độ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Do điều kiện tự nhiên, việc phát triển kinh tế xã hội miền núi còn thấp cùng nhiều yếu tố khách quan khiến cho học sinh chưa thể đạt các mức điểm thi cao và chạm ngưỡng tuyệt đối như điểm chuẩn của một số khối ngành, khối trường top đầu quy định.
Trong khi đó, là địa phương miền núi nên tỉnh rất cần đầu tư cho đội ngũ nhân tài trẻ. Do vậy, cần duy trì chính sách cộng điểm ưu tiên, không dừng lại ở 2 năm để học sinh vùng cao có cơ hội rộng mở, được học đại học, tiếp cận kiến thức chuyên sâu về ngành nghề, nâng cao trình độ, theo kịp với xã hội”, vị Hiệu trưởng nói.
Cùng bàn về vấn đề này, thầy Hào cho biết: “Với công tác tuyển sinh đại học, tôi đề xuất giữ nguyên cách cộng điểm ưu tiên khu vực đối với thí sinh vùng miền như cũ, còn đối với đối tượng học sinh người dân tộc thì có thể áp dụng cách tính mới.
Bởi lẽ, dẫu sao, học sinh ở vùng miền sâu, xa, không thuận lợi cũng có những thiệt thòi hơn so với học sinh ở đồng bằng, thành thị.
Một quy định đã thành nếp quen, khi bỏ hoặc thay đổi sẽ có một bộ phận chịu ảnh hưởng bởi quy định đó tiếc nuối và khó đồng tình ngay. Học sinh ở vùng cao, người dân tộc thiểu số đang được cộng điểm ưu tiên nay lại giảm dần đều và giới hạn áp dụng 2 năm theo quy định mới thì sẽ có tâm lý hụt hẫng, khó ủng hộ quy định mới ngay lập tức được.
Song, điểm mấu chốt là chúng ta phải nhìn tổng thể xem thay đổi về cách tính điểm ưu tiên trong tuyển sinh năm 2023 có đem đến sự công bằng trong toàn hệ thống, có lộ trình và là tiền đề để nâng cao chất lượng giáo dục đại học hay không”.
Nhằm đảm bảo công bằng giữa thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên và thí sinh không hưởng chính sách ưu tiên, từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức riêng.
Cụ thể, nếu thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên, mức điểm ưu tiên mà thí sinh hưởng được tính theo công thức sau: Điểm ưu tiên = [(30 - tổng điểm đạt được)/7,5] x mức điểm ưu tiên theo khu vực, theo đối tượng của thí sinh.
Và với công thức trên, 1 học sinh khu vực 1 thi đạt 22,5 trở xuống thì được cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực. Nhưng cũng thí sinh đó đạt 27 điểm thì điểm ưu tiên chỉ còn 0,3 và đạt 29 điểm chỉ còn 0,1 điểm ưu tiên khu vực.
Theo Bộ Giáo dục và Đạo tạo, với công thức tính điểm ưu tiên này sẽ không xảy ra bất kỳ trường hợp nào điểm chuẩn trên 30 điểm, vì khi thí sinh đạt 30 điểm/3 môn nghĩa là điểm ưu tiên của thí sinh sẽ bằng 0.
Những người thầy đặc biệt 'mang thế giới' lên vùng cao, vùng sâu, vùng xa
Mang ngoại ngữ lên miền núi cao, vùng sâu, vùng xa dạy cho các em học sinh dân tộc thiểu số, những thầy cô ấy đã vượt qua muôn vàn khó khăn để 'mang thế giới' tới các em.
Đổi mới phương pháp dạy tiếng Anh ở vùng sâu
Trong suốt 15 năm làm công tác giảng dạy, thầy giáo Nguyễn Thanh Tuấn (SN 1989, Trường THCS thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) luôn trăn trở tìm ra hướng đi mới cho bộ môn Tiếng Anh để đảm bảo truyền thụ kiến thức hiệu quả cho học sinh.
Những năm đầu tiên cầm phấn, thầy Tuấn gặp rất nhiều khó khăn trong việc giảng dạy. Ngoài điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy và học chưa đảm bảo, bộ môn Tiếng Anh mang nặng ngữ pháp lẫn từ vựng cùng với tâm lý Tiếng Anh không quan trọng khiến học sinh có thái độ học đối phó, không mục đích.
Kể về chặng đường mang ngoại ngữ tới vùng sâu, thầy chia sẻ, việc dạy ngoại ngữ cho học sinh vốn đòi hỏi nhiều điều kể cả về năng lực giáo viên, trình độ hiểu biết của học sinh cũng như thiết bị dạy học đầy đủ. Thế nhưng, với địa điểm vùng sâu, vùng cao, việc dạy Tiếng Anh càng khó khăn hơn.
Không chỉ là những trở ngại về điều kiện dạy học, các em học sinh thường là dân tộc thiểu số, phát âm tiếng Anh chưa rõ. Trình độ và năng lực học tập của các em còn nhiều hạn chế, còn rụt rè, e ngại trong việc giao tiếp. Ngoài ra, phụ huynh, người thân trong nhà các em không biết nhiều về tiếng Anh để có thể hướng dẫn, hỗ trợ thêm các em học tốt hơn. Rất ít gia đình có thể trang bị được các phương tiện truyền hình có phát ngôn ngữ tiếng Anh từ các đài truyền hình nước ngoài, hay các bản tin bằng tiếng Anh... Chính vì vậy, thầy cô cần phải mất nhiều công sức, thời gian hơn mỗi khi đến lớp truyền thụ cho học sinh.
Thầy Tuấn bên các em học sinh của mình. Ảnh NVCC
Không dạy theo hình thức cũ, thầy Tuấn đã áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy giúp tiếng Anh trở nên sinh động, học sinh hứng thú hơn với bộ môn này. Trên đà tiến tới, thầy Tuấn tích cực tham gia các cuộc thi do các cấp tổ chức và đạt giải Nhất tại Hội thi Thiết kế giáo án tương tác cấp huyện năm học 2021-2022; Giải Nhì tại Hội thi Thiết kế giáo án tương tác cấp tỉnh năm học 2021-2022.
Bên cạnh đó, yếu tố tâm lý của học sinh cũng là một trong những điều thầy Tuấn chú tâm. Không chỉ giảng dạy, thầy còn chia sẻ, truyền cảm hứng cho học sinh về vai trò của tiếng Anh trong cuộc sống, khơi dậy niềm yêu thích, đam mê với bộ môn. Những tiết học tiếng Anh của thầy không còn nhàm chán mà hết sức hấp dẫn; học sinh phát triển được cả 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết.
Có ngày vun trồng, có ngày chăm sóc thì ắt có ngày thưởng hoa. Ngày càng có nhiều học sinh của thầy Tuấn đạt giải Học sinh Giỏi cấp tỉnh cấp THCS môn Tiếng Anh, đồng thời các bạn cũng đã tự tin hơn về năng lực tiếng Anh của mình.
Khó khăn chồng chất khó khăn
Cô Tạ Thị Kim Thoa (SN 1978), Tổ phó Tổ Văn - Tiếng Anh ở Trường PTDTNT THCS&THPT An Lão, huyện An Lão, tỉnh Bình Định cũng là một trong những người trăn trở với việc đưa con chữ ngoại ngữ lên miền núi. Ngôi trường cô công tác là một ngôi trường miền núi với đa số học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số (Hrê, Bana).
Cô Thoa chia sẻ, giáo viên dạy ở vùng cao với muôn vàn gian nan, khổ cực. Một phần vì cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đường đi đầy bùn lầy vào mùa mưa, ban đêm vắng tanh, chỉ có tiếng côn trùng rả rích. Một phần vì khả năng tiếp thu của học sinh rất chậm, học đâu, quên đấy, hay vắng học... Trong tất cả những khó khăn đó, có thể nói rằng khó khăn lớn nhất đối với một giáo viên trẻ phải đối mặt chính là khả năng học tiếng Anh của học sinh là người dân tộc thiểu số. Các em chưa nói thạo tiếng phổ thông, do vậy tiếng phổ thông được xem như là ngoại ngữ thứ nhất và tiếng Anh chính là ngoại ngữ thứ hai. Theo sau đó là trang bị tài liệu tham khảo, máy móc để cho các em học tiếng Anh. Khó khăn chồng chất khó khăn.
Cô Kim Thoa giúp học sinh nội trú ôn bài sau giờ học. Ảnh NVCC
Thế nhưng, với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ và lòng yêu nghề, yêu sự chân chất, hiền lành ẩn sau vẻ rắn rỏi của học sinh miền núi, cô quyết tâm vượt qua những rào cản về ngôn ngữ để giúp các em học tiếng Anh. Bằng những kiến thức mình đã học được và những kinh nghiệm ít ỏi của bản thân, cô Thoa đã từng bước cải tiến phương pháp dạy và học tiếng Anh cho học sinh miền núi.
Cô Thoa đã và đang áp dụng nhiều phần mềm hiện đại mới trong việc dạy và học tiếng Anh để chất lượng bộ môn ngày một chuyển biến hơn nữa và các em học sinh miền núi sẽ không bị tụt lại phía sau về CNTT. Khả năng nói tiếng tiếng Anh của học sinh ngày càng được nâng lên. Không những thế các em trông mạnh dạn, tự tin hơn khi giao tiếp tiếng Anh. "Nhìn các em tự tin giao tiếp tiếng Anh, tôi tin rằng các em sẽ trở thành những công dân toàn cầu trong tương lai" - cô Thoa chia sẻ.
Học sinh người Hrê, Bana dùng bảng tương tác học tiếng Anh trong giờ của cô Kim Thoa. Ảnh NVCC
Với những thầy cô như cô Thoa, thầy Tuấn, xác định dạy tiếng Anh cho học sinh miền núi, điểm số hay thành tích không còn là những áp lực quá nặng nề. Với thầy cô, mong muốn duy nhất chỉ là để các em hiểu và thật sự hào hứng với ngoại ngữ. Bởi vậy mà các thầy cô không quản ngại bao vất vả, khó khăn vẫn hết mình "mang thế giới" tới gần hơn những em học sinh gần biên giới, vùng sâu vùng xa còn khó khăn.
Đắk Nông thiếu gần 1.000 giáo viên, khó đảm bảo việc dạy và học Năm học 2022-2023 tỉnh Đắk Nông thiếu gần 1.000 giáo viên, công tác dạy và học ở nhiều địa bàn, nhất ở là ở vùng sâu, vùng xa đang rất khó khăn. Theo Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông, trước thực trạng thiếu giáo viên trầm trọng ở nhiều địa bàn, thời gian qua tỉnh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp...