Thầy cô giáo Hà Tĩnh chung tay vượt khó trước đại dịch Covid-19
Có rất nhiều tấm gương nhà giáo đang ngày đêm âm thầm cống hiến với một tấm lòng “tất cả vì học sinh thân yêu”, cùng sát cánh bên nhau vượt khó trước đại dịch Covid-19.
Tình thương và trách nhiệm
Trên nhóm Facebook “Giáo dục Tiểu học Hà Tĩnh”, sau khi chúng tôi đăng thông tin: “Hiện nay, chúng tôi muốn viết bài về tinh thần trách nhiệm, sự tâm huyết của giáo viên với học sinh trong đại dịch Covid-19. Cụ thể là hàng tuần giáo viên in Phiếu bài tập, thu và chấm bài cho học sinh. Trường nào thực hiện được điều này các bạn hãy viết vào phần Bình luận phía dưới nhé. Xin cảm ơn cả nhà”.
Chỉ một tiếng đồng hồ sau, chúng tôi đã nhận được hơn 190 bình luận của giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh gửi lên. Thật xúc động trước những tình cảm, trách nhiệm của giáo viên dành cho học sinh.
Là một trường ở huyện miền núi Hương Sơn, từ khi học sinh tạm nghỉ không đến trường do dịch Covid-19, giáo viên Trường Tiểu học Sơn Giang đã thường xuyên in bài tập phát cho học sinh; thu bài, chấm chữa, phản hồi kịp thời cho học sinh và phụ huynh. Cô giáo Hồ Thị Thanh Xuân tâm sự: “Học sinh trường em đa số là con em nông dân, giáo dân không có điều kiện học qua internet nên hàng tuần bọn em ra bài tập in trên phiếu và phát cho học sinh vào sáng thứ hai, thứ sáu thu bài để chấm chữa rồi thứ hai lại nhận bài mới, nhận xết quả đã chấm chữa của giáo viên”.
Giáo viên Trường Tiểu học Thạch Lâm (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đến tận nhà học sinh để gửi Phiếu bài tập
Cô giáo Lương Thị Thanh Xuân, giáo viên Trường Tiểu học Sơn Long (Hương Sơn) mặc dầu tuổi đã cao, sắp nghỉ hưu nhưng hàng ngày cô vẫn luôn gọi điện thoại cho phụ huynh hỏi thăm tình hình học tập của từng em, hướng dẫn phụ huynh cách đánh vần môn Tiếng Việt lớp 1 để phụ huynh giúp đỡ học sinh học bài.
Cùng với cách làm đó, Trường Tiểu học Thịnh Lộc – ngôi trường ở vùng khó khăn của huyện Lộc Hà đã bố trí giáo viên theo từng địa bàn thôn xóm, hàng tuần phát đề cương ôn tập cho học sinh, chấm chữa bài và phản hồi kịp thời cho học sinh. Cách làm này đã giúp học sinh thường xuyên được ôn bài và tự học trong những ngày tạm nghỉ không đến trường, được phụ huynh ghi nhận và đánh giá cao.
Phụ huynh Trường Tiểu học Đức Long (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) “vượt mưa gió” đến trường nhận Phiếu bài tập cho con.
Sáng tạo trong dạy học và ôn tập cho học sinh
Thật cảm động khi phần lớn các hình ảnh của giáo viên gửi về là minh chứng cho những cách làm sáng tạo trong dạy học và ôn tập cho học sinh. Thầy Cao Quang Thiện, giáo viên Trường Tiểu học Kỳ Phong (Kỳ Anh), chia sẻ: “Mình hàng ngày vẫn ra bài đều đặn cho học sinh và gửi trên facebook của lớp (facebook này do mình lập thuộc nhóm kín). Mặc dù lớp mình có 33 học sinh nhưng số thành viên đã là 50 người (một số phụ huynh lớp khác xin vào để lấy bài cho con ôn tập). Mình thấy rất vui vì phụ huynh hưởng ứng rất nhiệt tình. Nhiều hôm chưa đưa bài lên kịp là phụ huynh nhắc liền”.
Là trường tiểu học có số học sinh đông nhất tỉnh Hà Tĩnh (hơn 1.500 học sinh với 47 lớp, 02 điểm trường), Trường Tiểu học Hưng Trí (thị xã Kỳ Anh) đã có những cách làm sáng tạo phù hợp với hoàn cảnh của từng học sinh. Cô Lê Diệu Hải, giáo viên nhà trường chia sẻ: “Trường Tiểu học Hưng Trí thực hiện đầy đủ, thường xuyên và đồng bộ các giải pháp, đó là: Ra bài tập cho học sinh qua Zalo, Mesenger, VnEdu; hướng dẫn học sinh tham gia học trực tuyến trên truyền hình, tham gia học miễn phí trên Toliha,… nhiều lắm ạ!”.
Mặc dù tuổi đã cao nhưng với tinh thần “tất cả vì học sinh thân yêu”, cô Trần Thị Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Đức Lâm (Đức Thọ) đã mày mò, tìm hiểu các tiện ích và phần mềm dạy học trực tuyến để tổ chức dạy học cho học sinh. Với cô, hạnh phúc của nhà giáo đơn giản là được ngắm các gương mặt thân yêu của học trò.
Quản lí kết quả học tập và chữa bài cho học sinh qua Internet
Với tinh thần xung kích, “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, đội ngũ giáo viên trẻ của Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ (Đức Thọ) đã đi đầu trong việc ứng dụng CNTT để tổ chức dạy học cho học sinh trong những ngày học sinh tạm nghỉ không đến trường. Cô giáo Nguyễn Thị Gia Phú, Bí thư Chi đoàn giáo viên chia sẻ: “Giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ thường xuyên gửi bài và tương tác với học sinh qua gmail, facebook, mỗi lớp đều lập một nhóm zalo để gửi bài và kiểm tra bài làm của học sinh. Đặc biệt, từ ngày 16/3/2020, nhà trường đã thực hiện dạy học trực tuyến qua phần mềm Zoom, mỗi khối 5 tiết/tuần do Chi đoàn giáo viên đảm nhận”.
Hình ảnh học qua phần mềm Zoom của học sinh Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ (Hà Tĩnh).
Và còn rất nhiều, rất nhiều tấm gương nhà giáo khác nữa, họ đang ngày đêm âm thầm cống hiến với một tấm lòng “tất cả vì học sinh thân yêu”, cùng sát cánh bên nhau vượt khó trước đại dịch Covid-19.
Lắng nghe lời chia sẻ, chứng kiến việc làm của các giáo viên, chúng tôi thấy hạnh phúc vô cùng.
Mong học sinh sớm trở lại trường
Các thầy cô giáo đã rất nhớ học sinh, mong muốn các em sớm trở lại trường. Bởi với các em, đến trường không chỉ để học kiến thức mà quan trọng hơn là để phát triển nhân cách. “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, là mỗi ngày các em được gặp bè bạn, thầy cô, được chia sẻ và yêu thương.
Mong cho Việt Nam chúng ta sớm đẩy lùi được đại dịch Covid-19, sớm đón các em học sinh trở lại trường.
Phan Duy Nghĩa – (Phòng Giáo dục Phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh)
Theo dantri.vn
Thương học trò miền núi Hà Tĩnh, giáo viên biệt phái dồn tâm huyết, trí tuệ
Từ sự quan tâm, chia sẻ của đồng nghiệp và học sinh, các thầy cô giáo biệt phái về với vùng thượng Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đang nỗ lực góp trí tuệ, tâm huyết của mình cho những ngôi trường vùng khó khăn.
Thầy cô giáo biệt phái luôn cảm thấy ấm lòng trong những ngôi trường mới
Hiệu trưởng nhường phòng ở
Để đón 2 giáo viên nữ biệt phái bổ sung cho nhà trường, từ tháng 12/2019, thầy Vũ Anh Sang -Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Sơn đã nhường phòng ở của mình tại khu nội trú và chuyển sinh hoạt bán trú về phòng làm việc.
Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Sơn nhường phòng ở cho 2 giáo viên nữ biệt phái
Thầy Sang cho biết, từ đầu năm học, trường đã triển khai tu sửa, sắp xếp lại khu nội trú theo tinh thần dành sự ưu tiên về chỗ ở, tạo điều kiện sinh hoạt tốt nhất cho giáo viên biệt phái.
Đầu năm học, trường tiếp nhận 6 giáo viên, tháng 11 có thêm 2 giáo viên, tất cả đều được đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt tốt nhất trong điều kiện của nhà trường.
Trong điều kiện thiếu giáo viên tiếng Anh, thầy Thái Đường đảm nhận lên lớp ở cả 2 bậc học tiểu học và THCS
Đây cũng là tinh thần, cách làm chung của các trường học vùng thượng đón giáo viên biệt phái như: Trường Tiểu học - THCS Kỳ Lạc; các trường THCS: Kỳ Tây, Kỳ Lâm...
Việc động viên, hỗ trợ thầy cô làm quen với môi trường mới được ban giám hiệu, công đoàn các trường chú trọng nhằm san sẻ khó khăn với giáo viên xa nhà, vừa tạo mối đoàn kết tập thể.
Cùng với đó, lịch giảng dạy được nhà trường bố trí phù hợp để giáo viên biệt phái có thời gian cuối tuần về nhà trong điều kiện đường xa, cách trở.
Video: Thầy Thái Đường bày tỏ tình cảm tại ngôi trường mới
Thầy Thái Đường - giáo viên tiếng Anh từ Trường THCS Yên Thanh (Can Lộc) về hỗ trợ Trường Tiểu học - THCS Kỳ Lạc cho biết: "Dù giao thông khá cách trở nhưng chúng tôi thật ấm lòng với sự quan tâm, hỗ trợ của nhà trường, đồng nghiệp nơi đây.
Bên cạnh tạo điều kiện về đời sống, chúng tôi cũng được trường sắp xếp lịch dạy tập trung trong những ngày đầu tuần để có một khoảng thời gian nghỉ dịp cuối tuần về chăm lo cho gia đình".
Thương học trò, giáo viên dồn tâm huyết
Cô Phan Thị Thuận - giáo viên tiếng Anh, biệt phái từ Trường THCS Thành Mỹ - Xuân Mỹ (Nghi Xuân) về Trường THCS Kỳ Sơn đã gần 1 học kỳ.
Đảm nhận dạy tiếng Anh lớp 6 trong năm học đầu tiên theo chương trình mới, cô Thuận nhận thấy các em dù rất hiếu học nhưng còn yếu về mặt kỹ năng nghe, nói, không tự tin khi sử dụng tiếng Anh.
Video: Cô Phan Thị Thuận chia sẻ phương pháp giảng dạy
Thương học trò miền núi, cô đã dành tối đa thời gian, kể cả buổi tối, cùng đó là áp dụng nhiều cách dạy học mới mẻ, sinh động để hỗ trợ thêm cho học sinh. Thời gian chưa nhiều nhưng các em bước đầu đã chuyển biến về tâm thế học theo hướng tự tin, yêu tiếng Anh hơn.
Cùng với tinh thần đó, thầy Lê Văn Toán (từ Trường THCS Trà Linh ở Yên Lộc, Can Lộc được điều động về Trường THCS Kỳ Sơn), từng 3 năm giảng dạy ở vùng thượng Kỳ Anh nên rất hiểu vùng đất này. Khi nhận nhiệm vụ biệt phái, thầy đăng ký ngay về với Kỳ Sơn và cố gắng tranh thủ tối đa thời gian để hỗ trợ nhà trường, truyền thêm kiến thức cho học sinh.
Thầy Lê Văn Toán xung phong biệt phái về Trường THCS Kỳ Sơn đảm nhiệm bộ môn Toán - Tin
Theo thầy Hiệu trưởng Đường Văn Kiên, 4 thầy giáo về bổ sung cho Trường Tiểu học - THCS Kỳ Lạc trong năm học 2019 - 2020 đều phụ trách những môn học chủ chốt. Các giáo viên rất tâm huyết, có trách nhiệm cao với hoạt động của nhà trường.
Trong đó, thầy giáo Nguyễn Văn Bằng, dạy môn Toán - Lý xung phong nhận dạy bồi dưỡng học sinh giỏi; thầy Võ Trọng Kỳ nhận dạy Toán học sinh lớp 9 - lớp cuối cấp đòi hỏi tập trung nhiều thời gian, công sức; thầy Đoàn Đăng Hoài - giáo viên dạy Văn tổ chức nhiều hoạt động giáo dục đạo đức; thầy Thái Đường - giáo viên tiếng Anh nhận hỗ trợ dạy cả khối tiểu học để bù đắp cho việc thiếu giáo viên ở bậc học này...
Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Nguyễn Xuân Thủy cho hay: "Từ đầu năm học đến nay, huyện Kỳ Anh đã tiếp nhận 43 giáo viên biệt phái, chủ yếu tăng cường cho các trường học ở vùng thượng. Huyện đã sắp xếp giáo viên biệt phái về các trường có điều kiện chỗ ở nội trú đảm bảo, đồng thời chỉ đạo các trường, địa phương tạo điều kiện, động viên để giáo viên về hỗ trợ huyện yên tâm công tác. Theo báo cáo của các trường, giáo viên biệt phái đều gắn kết với tập thể mới, phát huy tinh thần trách nhiệm, góp sức nâng cao chất lượng giáo dục ở những ngôi trường mới".
Theo baohatinh
572 học sinh Hà Tĩnh đạt danh hiệu học sinh giỏi tỉnh lớp 12 Theo số liệu từ Phòng Khảo thí - Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 12 diễn ra vào ngày 3/12 vừa qua, Hà Tĩnh có 572 học sinh được công nhân danh hiệu học sinh giỏi tỉnh. Nỗ lực học tập của các em học sinh đã mang về kết quả đáng tự hào (Ảnh minh họa)...