Thật sự nguy hại nếu học sinh mới lớp 3 làm cán bộ lớp được phạt bạn bằng roi
Giáo dục không thể dùng một đứa trẻ để trị những đứa trẻ khác, không thể cho phép và khuyến khích hành động dùng bạo lực với bạn bè ngay trong môi trường giáo dục
Thông tin ba học sinh lớp 3 của Trường Tiểu học Ngũ Đoan (huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng) bị cô giáo đánh tím mông được người nhà chia sẻ trên facebook đã gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Cụ thể, nick T.Đ đã chia sẻ trên trang cá nhân facebook bày tỏ sự phẫn nộ khi em trai đang học tại lớp 3E Trường Tiểu học Ngũ Đoan và 2 bạn cùng lớp do không làm đủ bài tập về nhà nên bị cô giáo chủ nhiệm tên V.T.H dùng thước gỗ đánh.
Ba học sinh đều bị bầm tím vùng mông (Ảnh: GĐCC)
Người này nêu thông tin cho rằng các em bị đánh 70 roi vào vùng mông. Bất ngờ hơn, cô giáo H. phủ nhận việc đánh học sinh và cho biết các cháu bị ban cán sự của lớp đánh.
Và, chính nhà trường cũng khẳng định không phải do cô giáo mà các bạn trong ban cán sự lớp đánh ba học sinh trên.
“Cô giáo có quy định bạn nào không hoàn thành quá nửa số bài tập về nhà sẽ bị đánh đòn nên ban cán sự lớp vụt bạn tím mông chứ không phải cô giáo đánh như phản ánh trên facebook”.
Hiện nhà trường đang triệu tập các cháu để làm rõ là bạn nào đánh, nhận lệnh của ai, đánh bao nhiêu roi và hình thức đánh như thế nào. Chúng tôi đang hoàn thiện biên bản để báo cáo ngành, địa phương và các cơ quan liên quan” Ban giám hiệu nhà trường cho biết. [1]
Một cách dạy phản khoa học và làm hư lớp trẻ
Nếu là cô giáo phạt học sinh tím mông vì không làm bài tập cũng thật sự đáng trách nhưng hành động ấy của cô phần nào có thể cảm thông được. Bởi, có thể cô giáo bị ảnh hưởng bởi tư tưởng giáo dục cũ, vì muốn học sinh nhanh tiến bộ mà không kìm được sự nổi nóng của mình.
Còn nếu như “Cô giáo có quy định bạn nào không hoàn thành quá nửa số bài tập về nhà sẽ bị đánh đòn nên ban cán sự lớp vụt bạn tím mông” chắc chắn sẽ gây phẫn nộ cho mọi người bởi cách giáo dục này hoàn toàn phản khoa học.
Giáo dục không thể dùng một đứa trẻ để trị những đứa trẻ khác, không thể cho phép và khuyến khích những hành động dùng bạo lực với bạn bè ngay trong môi trường giáo dục.
Video đang HOT
Cũng chỉ là những đứa trẻ bỗng chốc được giao một trọng trách quá lớn mà theo cách nói của người lớn là “có quyền sinh sát trong tay”. Các bé được quyền kiểm tra bài của bạn, được to tiếng nạt nộ, được quyền truy vấn, được dùng cả vũ lực với bạn khi bạn chưa làm bài thì quả thật đáng lo ngại thật.
Đánh bạn đến 70 roi thì thật là khủng khiếp. Nếu không có sự “bảo kê” từ thầy cô, không được “bật đèn xanh” thì có đứa trẻ nào dám đánh bạn như thế hay không?
Liệu đây có phải là lần đầu tiên đánh bạn? Hay đã từng đánh nhiều lần nhưng chưa bị phản ứng? Chỉ vì muốn học sinh làm bài tập, việc giao quyền kiểm tra và xử lý học sinh chưa thực hiện nhiệm vụ, chính giáo viên đã biến những đứa trẻ vô tư trong sáng thành “hung thần” thành “la sát” trong mắt bạn bè.
Điều cô đạt được chỉ một nhưng điều mất mát lại gấp nhiều lần như thế. Cái mất mát lớn nhất là tư cách của những đứa trẻ trở nên hung hãn hơn, thích dùng vũ lực với người khác. Cứ thế, lớn lên các bé sẽ thế nào?
Dùng học sinh trị học sinh không còn là hiện tượng cá biệt
Trong thực tế, chuyện giáo viên dùng học sinh để trị học sinh không còn là hiện tượng cá biệt. Để giúp thầy cô quản lý lớp tốt ngay cả thời gian giáo viên không có giờ dạy không ít thầy cô đã bỏ công sức xây dựng và huấn luyện cho mình một dàn cán sự năng động có uy với bạn bè.
Các em sẽ theo dõi các bạn trong lớp bất kể lúc nào, từ giờ học đến giờ chơi. Vì có quyền, có sự “bảo kê” của giáo viên nên những học sinh này thường lấn át bạn bè trong lớp.
Nếu không ưng điều gì từ bạn, không vừa mắt ai, tất tật những hành động cùng lời nói của người đó cũng được ghi vào sổ theo hướng “có tội”.
Thường thì thầy cô rất tin tưởng vào đội ngũ cán sự của mình. Vì thế, cán sự nói gì giáo viên cũng tin. Học sinh nào bị lọt vào “sổ thiên tào” xem như sẽ bị thầy cô quở phạt. Bởi thế, học sinh thường sợ những bạn cán sự lớp một phép.
Sợ thì phải tính kế, không ít học sinh vì muốn được bỏ qua những vi phạm hoặc để không bị làm khó thường mua chuộc, lấy lòng cán sự lớp.
Thấy mình quan trọng, quyền uy trước mắt bạn bè nên không ít cán sự lớp tỏ ra oai phong, lấn lướt các bạn cùng trang lứa. Và như thế, nạn bạo lực học được cũng được nảy nòi, xuất phát từ đây. Một cách giáo dục sai nhưng không phải giáo viên nào cũng nhìn thấy được.
Trở lại sự việc học sinh Trường Tiểu học Ngũ Đoan bị đánh bầm mông, sau khi làm rõ là bạn nào đánh, nhận lệnh của ai, đánh bao nhiêu roi và hình thức đánh như thế nào, những thầy cô giáo đang sử dụng hình thức “dùng học sinh trị học sinh” cần rút ra cho mình một bài học sâu sắc trong việc giáo dục nhân cách cho các em.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Tiên học lễ, khi thầy cô dạy chữ "lễ"
Vừa rồi, câu chuyện "Tiên học lễ, hậu học văn" ầm ĩ chia phe. Tôi nghĩ mãi về chữ "Lễ" mà mọi người tranh luận.
Chúng ta đang hiểu về chữ "Lễ" này thế nào thì đúng là chục người mười ý. Có người thì cho chữ "Lễ" là sự phục tùng.
Lại có người cho rằng đó là cách ứng xử có văn hóa. Có người nói: Hãy hỏi học trò về chữ "Lễ" chúng đang hiểu thế nào? Tôi thì lại muốn hỏi các thầy cô: Chữ "Lễ" thầy cô đang dạy thế nào? Muốn "Tiên học lễ" thì phải xem "Tiên dạy lễ" chứ, phỏng ạ?
Có những chữ "Lễ" cũ kỹ
Thật không khó để tìm thấy những chữ "Lễ" cũ kỹ trong môi trường giáo dục hiện tại. Nơi mà tương truyền rằng có 2 điều học sinh phải nhớ: Điều 1: Thầy cô là cha là mẹ, thầy cô luôn đúng. Điều 2: Không có điều 2. Một phát biểu khác ý thầy, nằm ngoài hiểu biết của thầy có thể thành tội gây rối lớp học. Tôi đã từng bị tuyên bố cho thi lại năm đó ngay khi mới là những tiết đầu của học kỳ 1. Và quả thật, thầy nói thì không sai bao giờ, năm đó tôi thi lại môn của thầy thật.
Chưa bao giờ chúng ta bàn nhiều về chữ "lễ" như hiện nay... Ảnh: S.t
Khi kể câu chuyện này trên trang cá nhân của mình, nhiều phụ huynh chép miệng với tôi rằng: "Lễ" là lễ lạt. Giờ phụ huynh mà không "lễ lạt" trước thì con mình bị "lễ độ" ngay. Giờ phụ huynh không chỉ "lễ lạt" 20/11 mà còn là tết nhất, 20/10, 8/3 (tặng quà cho cô giáo và vợ, bạn gái của thầy giáo), sinh nhật thầy cô, ngày thành lập trường... Chưa kể, học thêm cũng là một thứ "lễ bái", nhiều đứa trẻ không đi học thêm là xác định luôn điểm kém. Họp phụ huynh đầu năm thành "lễ ra mắt" là chuyện bình thường.
Có nhiều chữ "Lễ" cũ kỹ như thế vẫn còn tồn tại trong môi trường giáo dục dù xã hội lên án gay gắt bao năm qua nhưng vẫn còn bao nhiêu phụ huynh chỉ vì "mong thầy cô để mắt đến con" mình mà không sao chấm dứt nổi. Trong một xã hội mà khái niệm "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn" rõ ràng chữ "Lễ" cũng bị nhuốm màu nhem nhuốc. Đến mức nhiều trường phải ra quy định, đặt "quota" mức quà mừng thầy cô không được quá 500K. Tức là không ngăn được văn hóa quà cáp mà phải chấp nhận nó bằng giới hạn.
Những chữ "Lễ" cũ kỹ ấy thật khó mà ngày một ngày hai loại bỏ đi được khi mà nó đã bén rễ đến mức thành "lễ nghi", "lễ tục". Và nó thật sự khiến chữ "Lễ" thành thứ nhiều người muốn loại bỏ nó. Những đứa trẻ học "lễ phép" theo hướng phục tùng, cấm cãi khiến chúng vào khuôn khổ, đánh mất cái tôi, bản sắc, sức phản biện, độc lập. Giống như văn mẫu, dù ban đầu ý nghĩa của nó là chia sẻ cái đẹp, cái hay để học được cái hay, cái đẹp nhưng cuối cùng nó lại thành "khuôn vàng thước ngọc" chính xác đến từng câu chữ, sai văn mẫu là điểm kém, đúng văn mẫu là điểm cao. Hàng ngàn đứa trẻ viết ra những bài văn vô hồn, giống hệt nhau khi tả về bà, về một lần về quê, những con bò giống nhau, những lũy tre làng giống nhau... Không đứa trẻ nào dám khác đi vì khác đi là điểm kém. Không cha mẹ nào dám khác đi vì khác đi có thể làm khổ con mình. "Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy". Chữ "Lễ" biến câu ca dao ấy thành kim chỉ nam cho lễ lạt là vậy.
Những chữ "Lễ" cũ kỹ, bao giờ thì ngưng?
Hiểu chữ "Lễ" để học chữ "Lễ"
Trong cuộc tranh luận liên hồi bất tận về việc bỏ hay giữ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn", nhiều người dẫn chứng về bộ môn Giáo dục công dân - một môn học đại diện cho chữ "Lễ" đang được dạy ở trường. Rằng môn đó đang bị coi là môn phụ. Đó là những tiết học về kỹ năng sống, ứng xử trong cuộc sống, đan xen là thường thức pháp luật. Ở các trường tư, Giáo dục công dân được "nâng level" bằng Công dân toàn cầu hay Kỹ năng sống. Chữ "Lễ" trong Giáo dục công dân ấy chính là học làm người.
Chữ "Lễ" trong những bài văn mẫu phân tích câu "Tiên học lễ, hậu học văn" là học làm người, chữ "Đức", phép đối nhân xử thế, tôn ti trật tự... Nên nếu chỉ nằm trong môn Giáo dục công dân thì quả là ít ỏi. Chữ "Lễ" học ở trường đâu phải chỉ ở môn Giáo dục công dân, phỏng ạ?
Tôi vẫn nghĩ rằng chữ "Lễ" cần phải được hiểu cho đúng trước khi học cho đúng. Là lũ trẻ của chúng ta cần phải được hiểu chữ "Lễ" trước khi được học về chữ "Lễ". Tôi có chị bạn vừa làm một khảo sát nhỏ với 10 bạn học sinh. Chỉ có 1 bạn nói rằng "Lễ là học làm người, học đối nhân xử thế". Còn đâu các em đều trả lời rằng lễ là lễ phép, lễ độ, ngoan, vâng lời, không cãi, kính trọng người trên, biết dạ thưa...
Tất nhiên, một khảo sát nhỏ xíu như vậy chẳng nói lên kết quả đúng. Nhưng tôi tin rằng có làm một khảo sát lớn hơn thì kết quả cũng sẽ vẫn vậy. Là bởi ngoài những bài văn mẫu và môn Giáo dục công dân, dường như chúng ta ít đề cập đến chữ "Lễ" một cách trực diện. Tất cả đều khá là chung chung và tùy theo giáo viên.
Thậm chí, khi được hỏi, nhiều em học sinh cũng không hề nghĩ bộ quy tắc ứng xử, nội quy trường, những tiêu chí đánh giá hạnh kiểm, điểm văn minh là một phần trong chữ "Lễ" mà các em đang được dạy. Dường như, với hầu hết học sinh, "Lễ" chỉ được hiểu là lễ phép. Hoặc cao xa hơn, "Lễ" là thứ lồng trong khung kính những bài văn mẫu, lý thuyết và chỉ có giá trị mô tả nhiều hơn là thực hành. Hỏi học sinh: Em đang học chữ "Lễ" thế nào trong nhà trường? Chắc chắn, câu trả lời có thể rất... sách vở.
Khi học sinh chưa hiểu chữ "Lễ" thì thầy cô giáo biết dạy các em thế nào?
Thầy cô dạy chữ "Lễ" thế nào?
Có nhiều nhà giáo nói với tôi rằng: Dân chủ học đường là thứ khiến chữ "Lễ" ngày nay bị coi nhẹ. Học trò ngày nay có thể đưa thầy cô giáo của chúng lên "đoạn đầu đài" chỉ bằng một clip quay lén tung lên mạng. Nhiều phụ huynh theo trường phái "Con tôi là nhất" mà sẵn sàng xông thẳng vào lớp tát giáo viên. Rồi dân chủ học đường là cái cùm trói giáo viên khi học sinh vô kỷ luật thầy cô nói không được. Chữ "Lễ" bị dân chủ học đường trói buộc và làm cho mai một.
Tôi không nghĩ vậy. Trái lại, tôi còn đồng tình với việc thực hành dân chủ trong học đường. Chữ "Lễ" cũ cần được làm mới lại bằng dân chủ học đường. Nhưng không phải dân chủ theo kiểu cào bằng hay coi giáo dục như một cuộc mua bán được tính bằng học phí, biến mối quan hệ thầy - trò thành người bán chư - khách hàng mua chữ. Dân chủ phải được xây dựng bằng sự tôn trọng. Không chỉ là tôn sư trọng đạo mà còn phải là sự tôn trọng trở lại từ chính các thầy cô với học sinh.
Chữ "Lễ" ở thời đại mới này chính là chữ "Lễ" từ việc học cách tôn trọng. Là chính các thầy cô bắt đầu học lễ trước khi dạy văn. Tôn trọng người học trước khi truyền thụ kiến thức hay khai phóng đầu óc cho họ. "Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa... Thầy". Tôi nghĩ vậy. Một học trò được thầy cô tôn trọng sẽ biết tôn trọng thầy cô. Dạy chữ "Lễ" cho học trò bằng việc sử dụng chữ "Lễ" khi làm thầy, làm cô.
Tôi biết nhiều phụ huynh ngày nay cũng không còn coi trọng việc con em mình đi hỏi về chào, vào bữa cơm không cần mời cha, mời mẹ. Khi nói chuyện với người hơn tuổi không cần thêm chữ "ạ" vào cuối câu, không ai bắt con em mình phải khoanh tay khi chào hỏi. Nhiều cha mẹ ngày nay hiện đại hơn khi cho phép con em mình không phải chào nếu như người lớn kia các lần trước đó không đáp lại lời chào của con họ. Kiểu "đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy", người thế nào ta đáp lại như thế. Nhiều bài học dạy con đừng làm người tốt vì "nước trong thì không có cá, người tốt quá thì không ai chơi".
Đến cả tôn sư trọng đạo cũng là tôn trọng những thầy dạy môn chính còn môn phụ thì... thôi. Những câu chuyện bên bàn ăn mà cha mẹ thoải mái bình phẩm thầy giáo, cô giáo của con là "thầy ngu" "cô dốt" chỉ vì một quy định cha mẹ thấy ngớ ngẩn.
Như một dạo trường con tôi quy định học sinh phải đồng phục đi giày mũi đen, nhiều phụ huynh bảo con: Đó là quy định ngớ ngẩn, nhà trường vẽ rắn thêm chân. Con không cần làm theo". Là chính các phụ huynh đang quên mất rằng việc học làm người của các con, chữ "Lễ" của các con phải bắt đầu từ kỷ luật, sự tôn trọng những quy định chung của nhà trường bây giờ và mai này là xã hội, những nguyên tắc xã hội.
Chữ "Lễ" mà thầy cô giáo nên dạy học trò cũng chính là việc xây dựng những nguyên tắc kỷ luật có trong chính những nội quy của trường. Xây dựng nội quy của trường theo hướng dạy các con thành người, tuân thủ những chuẩn mực đã được quy định chứ không phải là sự vô kỷ luật. Một đứa trẻ không tuân thủ quy định chung không thể nói được rằng nó là một đứa trẻ cá tính, có cái tôi được. Không thể đánh tráo khái niệm rằng 40 đứa trẻ đua xe bị bắt vừa rồi là những đứa trẻ cá tính mạnh mẽ, khát khao thể hiện cái tôi, có đam mê (tốc độ) và can đảm được. Hay những đứa trẻ không chịu mặc đồng phục là những đứa trẻ dũng cảm giữ bản sắc cá nhân.
Thầy cô dạy chữ "Lễ" cho học trò chính là bằng sự để tâm chứ đừng chỉ là để mắt. Để tâm mới nhìn ra sự thay đổi trong mỗi đứa trẻ, uốn nắn kịp thời, có buông có neo. Là mỗi người thầy phải bắt đầu từ sự gương mẫu của chính bản thân mình. Xin đừng để chữ "Lễ" chỉ để treo trong các ngôi trường và muôn năm vẫn chỉ là những chữ "Lễ" cũ kỹ. Thầy cô mới chính là người làm mới chữ "Lễ" đó, biến chữ "Lễ" đó thành thứ đáng học, cần học, nên học. Đừng đổ lỗi cho các phụ huynh hay dân chủ học đường trong con trẻ. Là thầy cô, chữ "Lễ" mà thầy cô muốn dạy là gì?
Thầy cô chủ nhiệm thay đổi, học trò hạnh phúc Với lòng nhiệt huyết, yêu nghề, muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho học sinh thân yêu, nhiều thầy cô giáo trong ngành Giáo dục Hải Phòng đã có thay đổi tích cực. Học sinh trường THCS cùng đập lợn góp vào phong trào chung. Nhờ đó mà mối quan hệ thầy - trò trở nên tốt đẹp, học trò cảm thấy...