Teen thờ ơ với chuyện học nghề
Học nghề, học cho… vui, học lấy lệ, học lấy điểm cộng thi tốt nghiệp và rất nhiều những lí do “chìm” khác khiến cho việc học nghề trở nên tẻ nhạt.
Những giờ học phởn phơ, thờ ơ…
Giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề là một trong những nội dung bắt buộc trong trường phổ thông. Cũng có nghĩa, teen đến trường sẽ được học thêm một nghề “lận lưng” từ khi bước vào cấp 3. Các buổi học nghề được tập trung vào năm học lớp 11, thường teen được tự chọn môn học: Nghề điện dân dụng, tin học hoặc nghề thêu..v..v… Nghe thì rất hợp lý và hay ho, nhưng “zoom” vào việc học nghề của teen mới thấy chuyện học nghề có gì đó cực kì bất ổn.
Khi được hỏi về việc học nghề trên trường, nhiều teen mủm mỉm cười rồi thú nhận, học mà như đi chơi.
Video đang HOT
“Trường mình cho học sinh học nghề thêu. Nhưng nói thật mỗi buổi lên lớp toàn chơi là nhiều. Bọn mình học cũng chỉ vì 1- 2 điểm cộng phòng sau này thi tốt nghiệp thôi”. -Thanh Nga – THPT Nguyễn Gia Thiều tâm sự. Đó cũng là tâm sự của Hiếu – THPT Mê Linh: “Chúng mình thì được học nghề tin. Nghịch máy thì tốt, nhưng bảo làm “nghề” thì chỉ vài ba buổi lãng đãng, làm sao gọi là nghề được. Mỗi giờ lên lớp được thực hành, mình… chơi trò chơi là chính!”
Chơi nhiều hơn học, coi nhẹ tiết học nghề, coi học nghề như một môn phụ là thực trạng của những tiết học nghề. Và nếu hỏi các teen lớp 12, có môn học nào mà bạn thấy dễ chịu nhất thì có lẽ đáp án chính là buổi đi… học nghề.
Không hiểu từ bao giờ, học nghề đã và đang bị teen lơ là, dù rằng nó được xác định là yêu cầu quan trọng của học sinh phổ thông khi tốt nghiệp. Đạt chứng chỉ nghề khá hoặc giỏi, teen được cộng điểm vào kết quà tốt nghiệp, vớt vát khối sau này í chứ! Vậy nên teen nào cũng học và thi cẩn thận. Có nghĩa là học một đằng, thi một đằng khác còn điểm số thi nghề thì cứ… tạm yên tâm!
“Mình thấy học nghề đúng là… lãng xẹt. Dù có chứng chỉ nghề nhưng nào ai muốn đi làm nghề ngay đâu? Mọi người đều có giấc mơ đại học, không thì cũng cao đẳng, học nghề bắt buộc nên học thôi”- Thanh – THPT Chu Văn An chia sẻ. Cùng chung suy nghĩ với thanh là hàng ngàn teen trước ngưỡng cửa trường phổ thông, học miệt mài với đích đến là trường đại học. Rất ít người xác định sẽ học nghề gì đó ngay sau khi tốt nghiệp, càng chẳng ai muốn gắn bó với nghề mà mình được học trong trường phổ thông. Và chừng nào điều này còn đúng, thì việc teen phởn phơ, coi nhẹ những giờ học nghề, cũng là diều dễ hiểu.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Vì đâu nên nỗi?
Có nhiều lý do giải thích cho cái sự học nghề lơ là, chểnh mảng của teen mình: Giờ học nhàn quá hoặc… nhàm quá. Môn học thì khô cứng, và quanh đi quẩn lại vẫn mấy nghề truyền thống.
Số tiết học thì ít, học thì chủ yếu học… chay, ai mà “mê” cho nổi!- Huy, THPT CVA thẳng thắn nói.
Quả thật, có thể trách teen mình lười. Lười nên ngại học, có ý đúng. Cũng có thể trách teen mình “sính bằng cấp”. Điều này có lẽ không sai. Chẳng ai muốn dừng lại ở mức bằng… nghề. Chúng ta đều mong có một tầm bằng đại học thậm chí cao hơn thế. Bạn nào có điều kiện thì chọn giải pháp du học và vô số lựa chọn khác. Vậy nên không mặn mà với những giờ học nghề là đương nhiên!
Tuy vậy, chúng ta chắc chắn sẽ không từ chối những giờ học thú vị, bổ ích thực sự. Nếu như những tiết học nghề sinh động và thực tế hơn. Nếu như teen được thực hành nghề mình học theo đúng nghĩa của từ này… Nếu như và rất nhiều nếu như được đặt ra cho buổi học nghề. Khổ nỗi, tiết học thì hết, giáo viên thì ít và phương tiện học tập thì hạn chế, bảo sao teen mình nhanh nản?
“Ban đầu thấy bảo học thêu, mình nghĩ cũng thú vị. Nhưng sau chán quá, gì mà toàn thêu trên… giấy!”- Nhung, NGT bộc bạch. Như thế nghĩa là các bạn ấy thực hành ít lắm, cuối cùng cũng chẳng đâu vào đâu.
“Thi nghề ở trường mình mới buồn cười. Chúng mình học tin. Hôm thi, mỗi bạn chẳng phải lo nghĩ nhiều. Vào phòng là được một thầy “pm” sẵn đáp án, thậm chí là có luôn đáp án trong máy rồi cơ.” Thu Hà, trường TP kể
Chuyện học nghề, thi nghề là bắt buộc, nhưng nhắc đến nó teen vẫn bàng quan, coi nhẹ và hoàn toàn ung dung. Chẳng biết đến khi nào teen mới có được những tiết học nghề thú vị và thực sự hữu ích…