Tạo động lực cho học sinh học nghề
Một thực trạng đang diễn ra là phần lớn học sinh xem học nghề là lựa chọn thứ 2 sau con đường vào đại học.
Có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra, nhiều nhất vẫn là tâm lý chọn theo đám đông, chịu sự ảnh hưởng bởi định kiến của xã hội (thường coi trọng “thầy hơn thợ”)… Tuy nhiên, thực tế đã và đang làm các em phải suy nghĩ lại, vì hiện nay học nghề đang mở ra không ít cơ hội nghề nghiệp.
Sinh viên nữ tham gia học các ngành khối kỹ thuật vẫn học tập rất tốt
Thành công nhờ chọn đúng
Xu hướng chọn nghề của học sinh vẫn còn bị cuốn theo tâm lý đám đông, chưa thực sự tìm hiểu về năng lực, sở thích của bản thân. Nhiều em học đại học, trong khi năng lực và điều kiện gia đình chưa đáp ứng được. Ngược lại, học nghề có thời gian đào tạo ngắn, chi phí thấp, cơ hội có việc làm lớn, là lựa chọn cuối cùng khi học sinh không thể vào đại học. Điển hình như ở ngành Cơ điện tử (đang được Trường Cao đẳng Nghề An Giang đào tạo) là nền tảng của nhiều ngành, nghề công nghệ cao, là xu hướng phát triển của thế giới, không riêng gì ở Việt Nam.
Tuy nhiên, học sinh chưa biết ngành Cơ điện tử là gì, đào tạo như thế nào… Thay vì dành thời gian tìm hiểu, các em lại chọn ngành quen thuộc, có số lượng sinh viên học nhiều, đồng thời chịu sự tác động rất lớn từ phụ huynh. Tâm lý của phụ huynh muốn tốt cho con em mình là chuyện hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, cha mẹ phải hiểu rõ năng lực của con mình, trao sự tin tưởng, chắp thêm đôi cánh để các em lựa chọn đúng sở thích, đam mê. Chỉ khi theo đuổi đam mê, có mục đích của bản thân, thì cuộc sống của các em sau này mới thật sự ý nghĩa.
Video đang HOT
Những năm học qua, bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, Trường Cao đẳng Nghề An Giang đã và đang thực hiện việc truyền thông, thay đổi dần định kiến về đào tạo nghề, học nghề đến với học sinh, phụ huynh. Điển hình như, đến trực tiếp trường THPT tổ chức hội thi về Robocon, trải nghiệm thực tế “Một ngày làm công nhân” tại trường… Đây là cách làm truyền thông hiệu quả, chứng minh học nghề trong môi trường chuyên nghiệp, với đầy đủ trang, thiết bị hiện đại, đạt tiêu chuẩn chất lượng. Quan trọng hơn hết là cơ hội việc làm rộng mở, có thể làm việc trong nhà máy sản xuất hiện đại, hệ thống sản xuất của các nhà máy sử dụng hệ thống cơ điện tử. Riêng những sinh viên có trình độ cao, có thể làm ở vị trí quản lý sản xuất hoặc thiết kế hệ thống cơ điện tử.
Con gái học kỹ thuật, sao lại không thể?
ThS Nguyễn Đức Tài (giảng viên Trường Cao đẳng Nghề An Giang) cho biết, trường triển khai nhiều hoạt động trong thời gian qua nhằm phát huy ý tưởng sáng tạo của học sinh khối trung học, đặc biệt là muốn giúp học sinh nữ tiếp cận ngành Kỹ thuật, thay đổi nhận thức xã hội về giới nữ học kỹ thuật. Theo đó, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tài trợ 2 suất học bổng (trị giá 24 triệu đồng) cho bạn nữ học ngành Cơ điện tử tại trường năm học 2021-2022. “Tại Hội thi Robocon diễn ra trước đó, học sinh nữ tham gia rất nhiệt tình. Ở các cụm thi đều có đội nữ đạt giải nhất. Đây là phương pháp hướng nghiệp thực tế, giúp các em phát hiện ra sở thích, đam mê của mình, lựa chọn ngành nghề phù hợp” – ThS Nguyễn Đức Tài thông tin.
Hiện nay, Trường Cao đẳng Nghề An Giang cùng Tổ chức GIZ triển khai chương trình học bổng trị giá trên 90 triệu đồng dành cho học viên khuyết tật theo học ngành Cơ điện tử tại trường. Theo ThS Nguyễn Đức Tài, ngành Cơ điện tử (trình độ trung cấp và cao đẳng) là lĩnh vực phù hợp với các bạn khuyết tật. Thuộc nhóm ngành công nghệ cao, các bạn có thể làm việc trên máy tính, như: lập trình, thiết kế hệ thống cơ điện tử, mô phỏng. Học bổng nhằm hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế có việc làm ổn định, tham gia tốt thị trường lao động. Bên cạnh đó, giúp thay đổi nhận thức của xã hội về người khuyết tật và giới nữ học kỹ thuật.
“Có thể nói, ngành Cơ điện tử là ngành dễ học nhất trong các khối ngành kỹ thuật. Đã có nhiều bạn nữ theo học, tiếp thu và ứng dụng dễ dàng” – ThS Nguyễn Đức Tài nhấn mạnh. Trường thành lập câu lạc bộ “Sáng tạo kỹ thuật – MEC” cho sinh viên có không gian học tập, nghiên cứu. Câu lạc bộ dành hẳn 1 phòng thí nghiệm mở cho sinh viên tham gia, phát triển ý tưởng đề tài của mình. “Em được học tập và thực hành rất nhiều, với trang thiết bị hiện đại, được thầy cô hướng dẫn tận tình, từ truyền dạy kiến thức cho đến thực hành. Bản thân em cho rằng, ngành Cơ điện tử rất phù hợp với các bạn nữ đam mê khối ngành kỹ thuật” – Thúy Liễu, (sinh viên năm cuối ngành Cơ điện tử, Trường Cao đẳng Nghề An Giang) chia sẻ.
Năm học này, Trường Cao đẳng Nghề An Giang đầu tư trên 1 tỷ đồng để mua trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học tại trường (Phòng IOT và Robot). Theo định hướng phát triển, thời gian tới trường sẽ thành lập Trung tâm Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch.
Lựa chọn cho "bước ngoặt" cuộc đời
Sau hành trình 12 năm đèn sách ở trường phổ thông, các em học sinh đứng trước những lựa chọn mang tính bước ngoặt trong cuộc đời.
Nỗ lực để trúng tuyển vào ngành học, trường đại học mà mình mơ ước, hay đi học nghề, tìm kiếm công việc phù hợp năng lực bản thân... cần được trả lời chính xác để tránh những tiếc nuối về sau.
Khi còn ngồi trên ghế trường phổ thông, học sinh cũng cần được định hướng nghề nghiệp để có những cân nhắc trong lựa chọn ngành, nghề theo học về sau. (Ảnh chụp trước 27-4-2021)
Lựa chọn...
Có sở thích với các ngành về tiếng Anh, song bố mẹ lại muốn con gái theo nghề Y của gia đình, vì thế năm 2020 em Nguyễn Khánh An, xã Hoằng Trung (Hoằng Hóa) đã nộp đơn xét nguyện vọng và trúng tuyển vào ngành Điều dưỡng của Đại học Y Hà Nội (phân viện Thanh Hóa). Tuy nhiên, sau gần 1 năm theo học, em đã quyết định ôn luyện để thực hiện nguyện vọng đỗ vào Trường Đại học Hà Nội của mình. Khánh An chia sẻ: "Để thi lại, hai môn Toán, Văn em tự ôn tại nhà, còn tiếng Anh thì phải đến nhà cô giáo để học thêm. Với kết quả thi đạt 26 điểm khối D, em hy vọng mình sẽ thực hiện được ước mơ trở thành phiên dịch viên".
Đang làm nhân viên bán hàng tại một cửa hàng "Thế giới di động" trên địa bàn TP Thanh Hóa, Hà Minh Phương 21 tuổi, ở xã Đông Thanh (Đông Sơn), cho biết: "Trước đây em theo học ngành du lịch tại một trường đại học trên địa bàn tỉnh được gần 2 năm. Sau đó em quyết định dừng lại, dù biết bố mẹ buồn. Nhưng điều này tốt hơn là sau 4 năm, ra trường, em lại phải bắt đầu với một lựa chọn khác. Hiện tại em hài lòng với công việc của mình. Em dự định, khoảng 5 năm nữa với số tiền dành dụm được, cùng kinh nghiệm tích lũy sẽ chuyển sang kinh doanh nhỏ. Đây là sở thích, phù hợp với năng lực của em".
Câu chuyện thi lại của Khánh An hay dừng học đại học giữa chừng của Minh Phương không phải chuyện hiếm. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), không ít sĩ tử mang tâm lý cố gắng chỉ đỗ vào đại học để "bằng bạn bằng bè"; hoặc lựa chọn học ngành, nghề theo sự định hướng của cha mẹ. Điều đó rất dễ dẫn đến tâm lý chán nản, mệt mỏi, thậm chí là bỏ cuộc. Mất thời gian, công sức, tiền bạc và một tương lai không rõ ràng... là hậu quả của những sự lựa chọn "không đúng". Để rồi sau đó, việc mỗi năm có hàng chục ngàn sinh viên ra trường không tìm được việc, làm trái ngành trái nghề, hoặc cất bằng đại học đi làm công nhân không phải chuyện hy hữu.
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 Thanh Hóa có 40.247 thí sinh đăng ký dự thi (hệ THPT là 35.306 thí sinh; GDTX là 4.941 thí sinh). Trong đó, số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp là 38.770 (số lượng dự thi tốt nghiệp thực tế là 38.722), tỷ lệ tốt nghiệp đạt 97,99%. Điểm trung bình tốt nghiệp của tỉnh Thanh Hóa xếp thứ 32 cả nước (tăng 12 bậc so với năm 2020), đứng thứ 3 toàn quốc về số điểm 10 (1.288 điểm 10).
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kết quả, các thí sinh đang gấp rút điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển của mình vào các trường đào tạo. Học ngành, nghề mình yêu thích, phù hợp với năng lực bản thân, hay theo nguyện vọng của gia đình; và liệu đại học có phải con đường duy nhất để đi đến thành công?... Tất cả đều cần đến sự suy xét cẩn thận.
Đừng để... nuối tiếc
Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh THPT, bà Chu Thị Hồng Hạnh, Tổ trưởng tổ giáo dục hướng nghiệp của Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp Thanh Hóa nhận định: "Việc lựa chọn ngành, nghề theo học của nhiều bạn trẻ hiện nay còn hời hợt, cảm tính. Trong khi đó, không ai khác, chính các bạn trẻ sẽ là người phải chịu trách nhiệm cho những lựa chọn của mình".
Cũng theo bà Chu Thị Hồng Hạnh, việc đưa ra lời khuyên giúp các bạn trẻ lựa chọn ngành, nghề theo học sau khi tốt nghiệp THPT thường căn cứ trên 4 yếu tố: Khả năng, sở thích, cá tính và giá trị nghề nghiệp. Đây được xem là yếu tố gốc rễ quyết định tính chính xác trong lựa chọn nghề nghiệp của các bạn trẻ. Tuy nhiên việc lựa chọn ngành nghề theo học hiện nay lại đang theo xu hướng: Điểm cao thì nộp đơn xét tuyển vào các khối ngành thuộc trường "top" trên, điểm thấp thì học ở trường "top" dưới, miễn là đỗ đại học; hoặc chọn lựa theo sự định hướng của bố mẹ, bạn bè rủ rê, thậm chí theo cảm tính cá nhân... Đây đều là những yếu tố "ngọn", "học" mà chưa nghĩ đến "nghề".
Để tránh lãng phí đáng tiếc trong sự lựa chọn ngành nghề của nhiều bạn trẻ, 10 năm qua Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp Thanh Hóa đều đặn phối hợp với các trường THPT: Hàm Rồng, Đào Duy Từ, Nguyễn Trãi, Đào Duy Anh, Tô Hiến Thành trên địa bàn TP Thanh Hóa tổ chức các buổi sinh hoạt giáo dục hướng nghiệp cho học sinh lớp 10, 11 và tư vấn hướng nghiệp cá nhân cho học sinh lớp 12. Qua đó giúp học sinh tìm hiểu về bản thân (khả năng, sở thích, cá tính) để có sự lựa chọn phù hợp; tìm hiểu về các ngành, nghề trong xã hội, tại địa phương; phân loại nghề cho học sinh tìm hiểu chi tiết; cách xây dựng kế hoạch nghề nghiệp... Bà Chu Thị Hồng Hạnh cho rằng: "Việc định hướng nghề nghiệp cần được thực hiện từ THCS. Bởi ở nhiều quốc gia, ngay từ tiểu học, cùng với học văn hóa, các cháu nhỏ đã có điều kiện tìm hiểu về nhiều ngành nghề, từng bước khám phá để đến khi tốt nghiệp THPT có thể biết mình thích gì, muốn gì và cần gì. Chứ không phải mông lung lựa chọn như nhiều bạn trẻ hiện nay".
Bên cạnh đó, khi ngồi trên ghế trường học phổ thông, chính việc chỉ tập trung quá nhiều vào việc học các môn văn hóa với những "cuộc đua điểm số" cũng hạn chế điều kiện để các em tìm hiểu về giá trị nghề nghiệp. Khi chưa hiểu rõ giá trị nghề nghiệp, bạn trẻ dễ rơi vào "bẫy" lựa chọn. Sự thực, chẳng có nghề nào hoàn toàn tốt. Không ít công nhân kỹ thuật bậc cao sau khi thành nghề ra đi làm có mức lương được trả hàng chục triệu đồng/tháng và không thiếu những cử nhân, thạc sĩ vẫn chỉ còm cõi với dăm ba triệu tiền lương mỗi tháng.
Tốt nghiệp THPT, đủ 18 tuổi, các em đã bắt đầu phải chịu trách nhiệm với những quyết định của mình. Thay vì áp đặt chọn trường, chọn nghề cho con theo học, cha mẹ hãy đóng vai trò là người định hướng, giúp con em mình nuôi dưỡng ước mơ. Đừng bắt con em mình phải thực hiện những giấc mơ dang dở của phụ huynh.
Chia sẻ về việc các bạn trẻ nên lựa chọn theo học những ngành, nghề để có cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, ông Lê Văn Trường, Trưởng phòng Dự báo thông tin thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa, cho biết: "Theo dự báo của các chuyên gia, các ngành nghề có xu hướng tuyển dụng cao trong tương lai, như: Công nghệ thông tin, phần mềm (đặc biệt là chuyên ngành lập trình, chuyên gia bảo mật). Ngoài ra, các nhóm ngành nghề đang được chú trọng trong phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Thanh Hóa, như: Truyền thông - Marketing, Thương mại quốc tế, Dịch vụ nhà hàng - du lịch - khách sạn, Kỹ thuật ô tô - cơ khí, Trí tuệ nhân tạo (AI), Công nghệ mới - vật liệu mới - năng lượng mới".
Công tác thi, tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022 đã được thực hiện theo đúng quy định Những ngày qua, dư luận trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là thành phố Đồng Hới rất xôn xao trước việc có hàng trăm học sinh không được vào học các trường THPT. Trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh bày tỏ bức xúc và có rất nhiều bàn cãi khi con em mình "lỡ bước" trước cổng trường THPT. Trước vấn đề...