Tăng học phí liệu có giảm ‘lạm thu’?
Mức thu học phí thấp là chủ trương nhân văn của Nhà nước nhưng lại xa thực tế để nâng cao chất lượng. Vì thế, tình trạng “lạm thu” có đất sống.
Từ ngày 1/1/2016, Hà Nội chính thức áp dụng mức thu học phí mới đối với các bậc mầm non, tiểu học, THPT hệ công lập. Theo đó, đối với khu vực thành thị, mức học phí mỗi tháng của học sinh là 60.000 đồng/tháng (hiện tại là 40.000 đồng). Khu vực nông thôn là 30.000 đồng (hiện nay 20.000 đồng). Khu vực miền núi 8.000 đồng (hiện nay không thu).
UBND TP Hà Nội cho rằng, mức thu học phí mới với các cấp học trên bằng mức thấp nhất trong khung học phí được Chính phủ ban hành để không đột biến so với mức thu hiện nay nhưng vẫn đảm bảo an sinh xã hội.
Học phí thấp, nhưng đòi hỏi chất lượng giáo dục cao là xa thực tế. Ảnh: VOV.
Có thể nói, mức thu học phí như trên không hề tăng nhiều so với hiện tại và còn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Với mức học phí trên, cũng có thể nói, giáo dục từ cấp tiểu học đến THPT gần như được Nhà nước “bao cấp”.
Tuy nhiên, vấn đề đáng bàn là nếu học phí tăng thì chất lượng đào tạo ở hệ thống trường công lập có tăng theo. Mặt khác, việc tăng học phí có chấm dứt được tình trạng thu thêm nhiều khoản phí ở trường học nữa không?
Đưa ra vấn đề trên là hoàn toàn có cơ sở vì hiện nay, chất lượng đào tạo ở hệ thống trường học từ mầm non đến THPT công lập ở Hà Nội còn nhiều bất cập. Nhiều trường tiểu học mang danh hiệu “trường đạt chuẩn quốc gia” nhưng vẫn thiếu lớp, phòng học, phải cho học sinh học luân phiên cả thứ bảy, chủ nhật và bù ngày nghỉ vào một ngày thường trong tuần.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, nếu trường đạt chuẩn quốc gia thì mỗi lớp học không được phép quá 35 học sinh. Thế nhưng trên thực tế, ở các trường tiểu học công lập mang danh ấy vẫn còn nhiều lớp học có sĩ số đến 60 học sinh.
Video đang HOT
Học sinh đông như vậy, chưa chắc giáo viên có thể bao quát hết lớp học. Đặc biệt là từ năm 2014, Bộ GD&ĐT ra Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT quy định không dùng điểm số đánh giá thường xuyên đối với học sinh thì giáo viên phải làm việc nhiều, có trách nhiệm hơn so với trước đó.
Tuy nhiên, điều đáng nói là, với mức lương vẫn thế mà áp lực công việc nặng nề hơn, nhiều giáo viên chưa thực sự chuyên tâm vào giảng dạy nên dẫn đến chất lượng đào tạo ở hệ thống trường học công lập chưa được như mong muốn.
Học phí thấp, chất lượng cao: Xa thực tế!
Với mức học phí hiện tại chỉ có 40.000 đồng/học sinh/tháng không đủ để các trường công lập đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị dạy học. Vì vậy, họ đã nghĩ ra nhiều cách như phối hợp các trung tâm đào tạo, công ty may mặc, du lịch, một số cơ sở chụp ảnh… để kêu gọi phụ huynh đóng góp cho con học thêm, mua sắm đồng phục, đi tham quan, chụp ảnh lưu niệm.
Sở dĩ nhà trường phải bất đắc dĩ “bắt tay” với các công ty, đơn vị thực hiện những việc làm trên cũng là để có thêm khoản “hoa hồng”, đóng góp vào công quỹ của trường, lớp.
Chưa hết, các khoản đầu tư, nâng cấp xây dựng trường, lớp, mua sắm trang thiết bị dạy học và hoạt động của trường còn dưới hình thức kêu gọi đóng góp “tự nguyện”. Điều này phần nào giải thích vì sao có tình trạng “lạm thu” ở trường học và nó vẫn ngang nhiên tồn tại nhiều năm nay cho dù ngành giáo dục đã đưa ra nhiều biện pháp khắc phục và ngăn chặn nhưng không hiệu quả.
Rõ ràng, mức thu học phí thấp là chủ trương rất nhân văn của Nhà nước nhưng lại xa thực tế. Bởi vì mức thu học phí của các trường hiện nay không đủ để phát triển chất lượng đào tạo mà Nhà nước cũng không có đủ kinh phí, ngân sách đầu tư cho địa phương để phân bổ xuống trường học thì không khác gì thả nổi chất lượng giáo dục.
Thực tế trên đang khiến ngành giáo dục đứng trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, giữa một bên là những chủ trương tốt đẹp cho người dân và một bên là sự đòi hỏi của phát triển giáo dục nhưng không có đủ ngân sách để đầu tư cho trường công lập.
Chính vì những lý do trên, đã đến lúc chúng ta cần nghĩ tới phải sửa đổi Luật Giáo dục nhằm huy động sự đóng góp của người dân cho phát triển giáo dục đào tạo.
Việc nghiên cứu tăng dần học phí cũng như khoản thu ở các cấp học sẽ do địa phương quy định theo điều kiện kinh tế của từng nơi, thông qua khảo sát mức sống của người dân.
Các khoản thu học phí có thể áp dụng chia theo khu vực trường chất lượng cao và trường bình thường. Số gia đình có thu nhập cao có thể cho con theo học ở những trường có cơ sở vật chất tốt hơn với mức thu học phí cao. Còn phần đông gia đình có mức sống trung bình thì nên chấp nhận cho con học ở những trường bình thường với các khoản thu do Nhà nước quy định.
Ngân sách Nhà nước sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng thêm trường học ở các địa phương có đông dân cư, cũng như xây thêm mới, nâng cấp cơ sở vật chất ở những vùng, miền khó khăn. Học sinh ở những nơi này và con em các gia đình thuộc diện chính sách được miễn hoặc giảm học phí theo quy định chung.
Khi thực hiện được những biện pháp trên thì chất lượng giáo dục mới được nâng cao và mới khắc phục được tình trạng “lạm thu” đang ngang nhiên tồn tại ở các trường học núp dưới hình thức “tự nguyện” khác nhau nhưng nhiều người vì còn e ngại hoặc chưa mạnh dạn đứng lên phản đối.
Theo Bích Lan/VOV
Hà Nội thống nhất tăng học phí từ 1/1/2016
Mức học phí khu vực thành thị tăng từ 40.000 đồng lên 60.000 đồng/tháng, nông thôn tăng từ 20.000 đồng lên 30.000 đồng/tháng.
Chiều 2/12, 100% đại biểu dự kỳ họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 của thành phố Hà Nội.
Mức thu học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập năm học 2015-2016 được áp dụng: Khu vực thành thị tăng từ 40.000 đồng lên 60.000 đồng/tháng/học sinh. Khu vực nông thôn tăng từ 20.000 đồng lên 30.000 đồng/tháng/học sinh. Khu vực miền núi trước không thu nay thu 8.000 đồng/tháng/học sinh.
Mức trên áp dụng cho các cấp học Nhà trẻ, Mẫu giáo, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Giáo dục thường xuyên cấp THCS, Giáo dục thường xuyên cấp THPT.
Học sinh tiểu học trong giờ ăn trưa. Ảnh: Thành Long.
Đây là mức thu thấp nhất trong khung học phí của Chính phủ tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP. Mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao thực hiện theo Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND, ngày 17/7/2013, của HĐND TP về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục chất lượng cao trên địa bàn thủ đô.
Việc miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, thực hiện theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, ngày 2/10/2015, của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Riêng đối với đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo thực hiện theo chuẩn nghèo, chuẩn cận nghèo của Thành phố.
Từ năm học 2016-2017 trở đi, học phí được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm của thành phố. Các trường công lập chất lượng cao sẽ được chủ động xây dựng mức học phí tương xứng để trang trải chi phí đào tạo, trình UBND thành phố phê duyệt.
Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp vẫn được giữ nguyên theo mức mà các trường đã thu cho năm học 2015-20016, song phải công bố cho cả khóa học.
Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa Xã hội, HĐND Hà Nội đánh giá mức thu học phí mới là phù hợp. Tuy nhiên, do con em các hộ dân miền núi sẽ không được hỗ trợ học phí theo quy định mới nên Ban Văn hóa Xã hội đề nghị thành phố, các huyện làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích chính sách mới về học phí và hỗ trợ chi phí học tập.
Theo Zing
'Chính sách học phí mới không tác động lớn đến người học' Đó là ý kiến của ông Bùi Hồng Quang - Phó vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT - khi trả lời về chính sách mới về học phí, miễn giảm học phí. - Nhiều chuyên gia cho rằng, chất lượng đào tạo đại học còn hạn chế một phần nguyên nhân vì mức học phí còn rất thấp và mang...