Tăng cơ hội cho tiêu thụ nông sản
Dịch Covid-19 bùng phát khiến xuất khẩu nông sản gặp rất nhiều khó khăn. Để hỗ trợ tiêu thụ nông sản, Sở Công Thương Hà Nội đã liên tục tổ chức nhiều Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành tại Hà Nội.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, người sản xuất cần chú trọng xây dựng thương hiệu, nắm rõ tình hình cung – cầu, từ đó chủ động sản xuất, kinh doanh.
Một gian hàng trưng bày sản phẩm trong Tuần lễ hàng trái cây, nông sản các tỉnh tại Hà Nội 2020.
Người tiêu dùng thêm cơ hội tiếp cận đặc sản vùng miền
Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, TP tại Hà Nội 2020 (diễn ra từ 20 – 22/11) tại khu vực Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ với quy mô 80 gian hàng đã thu hút nhiều DN của 15 tỉnh, thành tham gia như: Sơn La, Hải Dương, Hà Giang, Lào Cai, Thanh Hóa, Bắc Giang, Bến Tre, Lâm Đồng, Bình Thuận, Quảng Ngãi…
Video đang HOT
Chọn mua các sản phẩm đặc sản Tây Bắc, chị Nguyễn Thị Liên ở 53 đường Hồng Hà chia sẻ: Tuần hàng diễn ra vào những ngày cuối tuần tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm nên chị có cơ hội mua các loại nông sản như măng khô, khoai sọ mán, rau cải mèo… Hà Giang, Sơn La chất lượng đảm bảo, giá cả phù hợp. Thực tế cho thấy, việc tổ chức Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, TP tại Hà Nội 2020 đã giúp người tiêu dùng chọn được những sản phẩm nông sản, đặc sản của nhiều vùng miền, sản phẩm thương hiệu mỗi xã một sản phẩm (OCOP) bảo đảm chất lượng, giá cả phù hợp.
Nhiều DN tham dự sự kiện đánh giá: Tuần hàng đã giúp DN, HTX kết nối cung cầu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản tới người tiêu dùng Thủ đô. Đại diện HTX Nông nghiệp Mường Bú (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) Nguyễn Thị Toán chia sẻ: Tuần hàng không chỉ giúp HTX Mường Bú tiêu thụ sản phẩm mà còn kết nối với hệ thống siêu thị, tìm được đầu ra ổn định cho hàng nông sản. “Sau nhiều lần tham gia Tuần hàng nông sản, chúng tôi đã kết nối được với DN bán lẻ lớn như Big C, Vinmart tiêu thụ sản phẩm của HTX” – bà Toán chia sẻ. Trong khi đó, Trưởng phòng kinh doanh – Công ty Xuất nhập khẩu và Phát triển công nghệ Nhật Bản Nguyễn Thị Trang nêu rõ: Tuần hàng giúp DN quảng bá, giới thiệu với người tiêu dùng nông sản qua chế biến như tỏi đen, hà thu ô đỏ, trà tỏi đen Kochi sản xuất theo công nghệ Nhật Bản.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: Cuối năm cũng là thời điểm có nhiều sản phẩm nông sản, trái cây của nhiều tỉnh, thành vào vụ thu hoạch. Nguồn cung tăng, trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến hoạt động xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế thị trường nội địa đang là “điểm tựa” tiêu thụ sản phẩm, đồng thời cân đối cung – cầu cho thị trường Hà Nội.
Cần chú trọng xây dựng thương hiệu
Theo các chuyên gia bán lẻ, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa chất lượng cao, nhiều tỉnh đã quan tâm đến việc sản xuất hàng nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP, Global… Tuy nhiên, hoạt động xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản của nhiều DN, HTX chưa tương xứng với giá trị của sản phẩm.
Theo Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các nhà kinh tế (VEC) Đặng Đức Thành: Nguyên nhân khiến việc xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam gặp khó khăn do chất lượng không đồng đều, ổn định. Nhiều sản phẩm chưa đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường gây ảnh hưởng đến thương hiệu và giá trị thương hiệu của sản phẩm. Quan trọng nhất là DN chưa thoát khỏi tư duy sản xuất nhỏ, manh mún từ trong cách làm thương hiệu, cách quản lý, sản xuất những mặt hàng nông sản. “Cái thiếu của Việt Nam hiện nay là thương hiệu và xuất khẩu thô quá nhiều. Điều đó làm giảm giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông sản, gây thiệt hại cho nền kinh tế”- ông Thành phân tích.
Để thúc đẩy xây dựng thương hiệu nông sản Việt, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ cho các thương hiệu của đặc sản vùng miền và sản phẩm OCOP phát triển thông qua việc tổ chức quảng bá, hội chợ, triển lãm… Về phía Hà Nội, TP cũng đã ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND triển khai mô hình chỉ đạo điểm chương trình OCOP TP Hà Nội 2020. Tại kế hoạch này, TP đã đưa ra các nội dung triển khai cụ thể như: Tổ chức các sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa từng vùng miền tại các tuyến phố đi bộ; xây dựng thực hiện thí điểm một số điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP… qua đó hỗ trợ ngành nông nghiệp Thủ đô xây dựng thương hiệu nông sản.
Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, địa phương còn đòi hỏi chính bản thân DN phải thay đổi nhận thức theo hướng đặt chất lượng lên hàng đầu, đa dạng hóa sản phẩm, áp dụng các phương thức khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Đồng thời đẩy mạnh liên kết với DN bán lẻ để mở rộng kênh phân phối… đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Để tiêu thụ nông sản một cách bền vững bên cạnh việc nâng cao chất lượng, DN và người sản xuất cần quan tâm đến mẫu mã, bao bì, giá cả… Đặc biệt, cần quan tâm đến xây dựng thương hiệu. Khi thương hiệu được người tiêu dùng chấp nhận, sản phẩm sẽ đứng vững trên thị trường.
Hà Nội hỗ trợ các tỉnh tiêu thụ nông sản hậu Covid-19
Dịch Covid-19 khiến xuất khẩu nông sản gặp khó khăn.
Để hỗ trợ các tỉnh, thành tiêu thụ mặt hàng này, Sở Công Thương Hà Nội đã và đang tổ chức nhiều chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giúp DN sản xuất và bán lẻ ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Khách chọn mua vải thiều tại tuần lễ vải thiều Bắc Giang tổ chức tại Big C.
Tăng cường kết nối cung - cầu
Nói về việc hỗ trợ các địa phương tiêu thụ nông sản trong thời kỳ hậu Covid-19, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin: Từ ngày 30/5 - 3/6, Sở Công Thương Hà Nội và siêu thị Big C sẽ tổ chức tuần hàng trái cây, nông sản 2020. Tuần hàng thu hút 17 tỉnh, TP tham dự như Sơn La, Hải Dương, Nam Định, Quảng Ninh, Điện Biên, Hưng Yên... qua đó giới thiệu hàng chục mặt hàng trái cây, nông thủy sản tới người dân Thủ đô. Đồng thời tạo cơ hội cho các tỉnh, thành kết nối, hợp tác với siêu thị Big C và các hệ thống bán lẻ tiêu thụ, ổn định đầu ra cho sản phẩm nông sản.
Không phải chỉ khi có dịch Covid-19, Hà Nội mới tổ chức kết nối cung - cầu đưa hàng hóa từ các tỉnh, thành về Hà Nội tiêu thụ. Những năm qua, ngành công thương Hà Nội đã liên tục tổ chức hoạt động này. Chỉ tính riêng giai đoạn 2018 - 2019, Hà Nội đã ký kết hợp tác giao thương, cung ứng hàng hóa với 44 tỉnh, thành, qua đó hỗ trợ DN đưa 350 sản phẩm vào hệ thống bán lẻ Hà Nội tiêu thụ. Đến nay, trung bình mỗi ngày có hàng nghìn tấn nông sản của các tỉnh, thành chuyển về tiêu thụ ổn định tại thị trường Hà Nội thông qua các siêu thị, chợ đầu mối. Quan trọng hơn, hoạt động này còn giúp nông dân cách thức sản xuất nông nghiệp tiên tiến, cải tiến mẫu mã bao bì.
Nói về lợi ích mà hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa mang lại, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail Nguyễn Thị Phương nêu rõ, kết nối cung - cầu là tiền đề vững chắc giúp DN nông nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế khi đã khống chế được dịch Covid-19. Đồng thời giúp DN đánh giá chính xác nhu cầu thị trường nội địa, từ đó chuyển hướng sản xuất phù hợp thực tế. Tuy nhiên, để làm được điều này, DN nên xác định rõ quan điểm không phân biệt thị trường trong nước hay nước ngoài để định hướng sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Khơi thông thị trường nội địa
Mặc dù ngành công thương Hà Nội đã nỗ lực kết nối giao thương cho DN các tỉnh, thành nhưng thực tế cho thấy, hoạt động này còn gặp nhiều bất cập.
Nói về những khó khăn trong hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Tiến Vượng cho biết, hiện người tiêu dùng đòi hỏi sản phẩm nông sản phải bảo đảm chất lượng, truy xuất được nguồn gốc, thân thiện với môi trường, giá bán hợp lý... Thế nhưng, hầu hết các hộ, hợp tác xã sản xuất nông sản có quy mô nhỏ lẻ nên nhiều loại sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, mẫu mã bao bì... Bên cạnh đó, việc nắm bắt nhu cầu thị trường một bộ phận DN, địa phương chưa sát thực tế, dẫn đến dư thừa sản phẩm, khiến người nông dân thua lỗ.
Nhằm hỗ trợ các tỉnh, thành kết nối tiêu thụ sản phẩm, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND về tổ chức hoạt động liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội với các tỉnh, thành trong năm 2020. Cụ thế, trong quý III và quý IV/2020, Hà Nội sẽ tổ chức 5 - 8 đoàn DN liên kết, giao thương với các tỉnh, thành; tổ chức 3 - 5 tuần hàng trái cây, nông sản; 5 hội nghị, hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa tại Hà Nội, qua đó tạo cơ hội cho các tỉnh, thành tiêu thụ nông sản mùa vụ. Ngoài ra, Hà Nội sẽ hỗ trợ các tỉnh, thành tổ chức 15 - 20 tuần lễ trái cây, nông sản tại Hà Nội...
9X chế biến món ăn lạ từ bí đỏ và đậu đũa muối chua, xuất khẩu thu tiền tỷ Có 200 triệu đồng trong tay, chàng trai trẻ liều vay bạn bè gần một tỷ để bắt tay mở xưởng sấy bí đỏ, trồng đậu đũa muối chua xuất khẩu thu hàng tỷ đồng... Vùng trồng đậu đũa mà Long phát triển ở Hải Phòn Học kỹ sư điện nhưng lại luôn thích làm nông nghiệp, chàng trai trẻ Nguyễn Đình Long...