Tâm sự giáo viên: Những bất cập khi xếp loại thi đua cuối năm
Vào cuối năm học, có những giáo viên (GV) tỏ ra bất mãn khi với công tác xếp loại thi đua trong nhà trường. Nhiều thầy cô cảm thấy buồn cho mình vì công sức phấn đấu cả năm học tự nhiên “đổ sông, đổ bể”. Nhiều bất cập trong công tác xếp loại thi đua khiến GV cảm thấy rất ấm ức và buồn rầu.
Ảnh minh họa
Theo như Thông tư 35 của Bộ GD&ĐT quy định, tỷ lệ Chiến sĩ thi đua (CSTĐ) cơ sở không quá 15% số cá nhân đạt danh hiệu “ Lao động tiên tiến” của đơn vị, trong đó bảo đảm không quá 1/3 là cán bộ quản lý, nếu có số dư thì được làm tròn lên.
Như vậy, nếu như các trường đăng kí CSTĐ vừa đủ số phần trăm quy định thì không nói làm gì. Riêng những trường đăng kí nhiều hơn số 15 % thì buộc phải bình xét để chọn cho công bằng. Từ đây mới có hiện tượng tranh cãi, tị nạnh đố kị nhau cũng vì công tác thi đua.
Để tạo sự công bằng khi xếp loại thi đua thì các trường thường đưa ra bảng điểm thi đua rất chi tiết, rõ ràng. Từ điểm cộng đến điểm trừ rất cụ thể. Ban chấp hành công đoàn và các tổ trưởng công đoàn sẽ làm nhiệm vụ giám sát chấm điểm thi đua. GV vào muộn, ra sớm, không đồng phục… đều bị trừ điểm cả. Rất nhiều thầy cô giận dỗi đồng nghiệp cũng chỉ vì bảng điểm chấm công này.
Video đang HOT
Ngoài điểm trừ, thì GV còn có điểm cộng. Thầy cô nào tích cực tham gia các phong trào sẽ được cộng điểm vào cuối năm. Tuy nhiên những điểm cộng này chủ yếu là dành cho các GV trẻ. Từ hiến máu nhân đạo đến các phong trào của ngành. Các GV trẻ thường làm rất tốt. Các em xứng đáng được biểu dương, cộng điểm.
Cuối năm nhìn vào bảng điểm thi đua sẽ thấy rất nhiều bất cập. Nhiều thầy cô năng lực rất tốt, đạt hết các tiêu chí rồi mà vẫn rớt danh hiệu thi đua. Thành thử họ cảm thấy buồn vô cùng vì công sức một năm coi như “công cốc”.
Một chị bạn rất thân của tôi đã từng buồn vô hạn khi trường xếp loại thi đua cuối năm. Chị đã phấn đấu từ đầu năm không nghỉ buổi nào. Thậm chí có lần bệnh mà chị vẫn cố gắng lên lớp. Mọi thứ chị đều hoàn thành xuất sắc. Từ hai tiết giảng đến sáng kiến kinh nghiệm đều rất tốt. Chị cứ nghĩ năm nay mình sẽ đạt danh hiệu CSTĐ. Vậy mà chẳng ngờ vừa rồi mẹ ruột chị nằm viện phải mổ. Nhà neo người, chỉ phải nhờ đồng nghiệp dạy đổi buổi để có thời gian chăm mẹ. Thế nhưng công đoàn vẫn trừ điểm thi đua của chị. Chị cảm thấy buồn vô cùng vì chuyện này.
Bản thân tôi là một GV cũng nhận thấy rất rõ những bất cập trong công tác thi đua. Cả năm phấn đấu tốt nhưng chưa chắc đạt được danh hiệu. Cả trường tôi chỉ xét CSTĐ có 4 người. Ban giám hiệu một suất rồi thì GV chỉ còn 3 suất. Trong khi đó, điểm cộng phong trào tôi không có. Vì thế năm nào tôi cũng chỉ đạt Lao động Tiên tiến.
Thế mới thấy việc thực hiện xếp loại thi đua theo Thông tư 35 của Bộ GD & ĐT kéo theo rất nhiều hệ lụy. Người phấn đấu tốt cả năm chưa chắc đạt được danh hiệu. Từ đó nhiều người mới có tư tưởng an phận, không muốn phấn đấu. Vì có cố gắng rồi cũng chẳng được gì. Thôi thì cứ tàng tàng làm “phó thường dân” thôi. Mà không thi đua thì GV cũng ngại đổi mới, ngại đầu tư. Phân việc gì họ cũng từ chối. Nhiệt huyết GV cũng vì thế mà thui chột.
Nên chăng, công tác thi đua trong trường học cần thay đổi lại. Khi thi đua cần có các tiêu chí cụ thể. Ai đạt tiêu chí thì sẽ đạt CSTĐ. Xin đừng giới hạn phần trăm nữa. Đôi khi tiêu cực cũng từ đây mà ra.
LT
(Tây Ninh)
Theo Dân trí
TPHCM rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới
Chiều 24-4, Sở GD-ĐT TPHCM đã có văn bản gửi trưởng phòng GD-ĐT 24 quận, huyện trên địa bàn TP về hướng dẫn triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cụ thể, Sở GD-ĐT giao trách nhiệm cho phòng GD-ĐT tham mưu, đề xuất với UBND quận, huyện ban hành kế hoạch thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông phù hợp với kế hoạch của TP.
Ngoài ra, tổ chức cho toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên nghiên cứu, thảo luận kỹ nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới trước khi kết thúc năm học 2018-2019.
Địa phương cần chuẩn bị cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới
Bên cạnh đó, phòng GD-ĐT còn có trách nhiệm rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học để xây dựng kế hoạch sắp xếp, bổ sung đội ngũ giáo viên, xây dựng kế hoạch và phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới phù hợp với kế hoạch của Bộ GD-ĐT.
Trong đó, ưu tiên chọn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán đủ về cơ cấu, đảm bảo số lượng và chất lượng để tham gia bồi dưỡng cũng như hỗ trợ địa phương trong quá trình bồi dưỡng đại trà.
Ngoài ra, nhằm thực hiện "Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025" do Thủ tướng Chính phủ ban hành, Sở GD-ĐT TPHCM chỉ đạo các đơn vị sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm, bổ sung, tự làm, sưu tầm, bảo quản và sử dụng thiết bị phục vụ dạy học và lựa chọn sách giáo khoa để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông bắt đầu từ năm học 2020-2021 bảo đảm thiết thực, hiệu quả.
Sở GD-ĐT cũng lưu ý các đơn vị đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, biểu dương kịp thời gương người tốt, việc tốt trong thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tổng hợp, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại địa phương.
THU TÂM
Theo SGGP
Bộ Giáo dục và Đào tạo lần đầu ra thông tư quy tắc ứng xử trong nhà trường Trong môi trường giáo dục, cán bộ quản lý, giáo viên, người học và phụ huynh phải có thái độ tôn trọng, ngôn ngữ chuẩn mực với nhau. Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 12/4 ban hành Thông tư quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên. Bộ quy tắc...