Bộ Giáo dục và Đào tạo lần đầu ra thông tư quy tắc ứng xử trong nhà trường
Trong môi trường giáo dục, cán bộ quản lý, giáo viên, người học và phụ huynh phải có thái độ tôn trọng, ngôn ngữ chuẩn mực với nhau.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 12/4 ban hành Thông tư quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên. Bộ quy tắc nhằm điều chỉnh cách ứng xử của giáo viên, phụ huynh và học sinh theo chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, ngăn ngừa hành vi tiêu cực.
Với quy tắc ứng xử chung, thông tư quy định cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người học và cha mẹ học sinh trong các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ công dân, công chức, viên chức,nhà giáo và người học. Mọi người thực hiện lối sống lành mạnh, tích cực, quan tâm chia sẻ và giúp đỡ nhau.
Về trang phục, tất cả phải sử dụng phù hợp với môi trường và hoạt động giáo dục, không dùng quần áo phản cảm. Nhân viên nhà trường sử dụng trang phục phù hợp với tính chất công việc; người học dùng quần áo sạch sẽ, phù hợp với lứa tuổi. Trong trường, mọi người không hút thuốc, sử dụng đồ uống có cồn, chất cấm và không tham gia tệ nạn xã hội.
Cán bộ quản lý, giáo viên, người học và phụ huynh không dùng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục.
Riêng cán bộ quản lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu khi giao tiếp với người học phải có ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, yêu thương, trách nhiệm, bao dung; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, lắng nghe và động viên. Cán bộ quản lý không được xúc phạm, ép buộc, trù dập, bạo hành người học.
Với giáo viên, nhân viên trong trường học, người quản lý phải có ngôn ngữ chuẩn mực, tôn trọng, khích lệ, động viên. Họ phải nghiêm túc, gương mẫu, đồng hành trong công việc; bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm và phát huy năng lực của giáo viên và nhân viên. Thông tư nghiêm cấm hành vi hách dịch, gây khó khăn, xúc phạm, định kiến, thiên vị, vụ lợi, né tránh trách nhiệm hoặc che giấu vi phạm, đổ lỗi.
Với phụ huynh, cán bộ quản lý phải tôn trọng, hỗ trợ, hợp tác, thân thiện; không xúc phạm, gây khó khăn, phiền hà, vụ lợi.
Trong quy tắc ứng xử của giáo viên, thông tư quy định họ phải có ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh khi giao tiếp với học sinh. Giáo viên phải đúng mực, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, lắng nghe và động viên người học.
Người thầy cũng phải tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học.
Phụ huynh TP HCM đưa con dự thi tuyển sinh lớp 10. Ảnh: Mạnh Tùng.
Video đang HOT
Bộ quy tắc cũng quy định cha mẹ người học phải có ngôn ngữ đúng mực, tôn trọng, chia sẻ và thương yêu con cái; không có hành vi xúc phạm, bạo lực. Trong ứng xử với thầy cô, nhân viên nhà trường, phụ huynh phải tôn trọng, đúng mực, không bịa đặt thông tin, không xúc phạm tinh thần, danh dự, nhân phẩm.
Thông tư quy định người học phải kính trọng, lễ phép, trung thực, chia sẻ với thầy cô, nhân viên nhà trường; không bịa đặt thông tin, xúc phạm tinh thần, danh dự, nhân phẩm người khác.
Trong quan hệ bạn bè, học sinh phải đúng mực trong phát ngôn, thân thiện, giúp đỡ và tôn trọng sự khác biệt. Người học không nói tục, chửi bậy, miệt thị người khác, gây mất đoàn kết.
Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục. Trước đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2017 quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường. Năm 2018, Thủ tướng phê duyệt đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025″.
Mạnh Tùng
Theo VNE
Tiêu cực trong nhà trường, vì sao dễ gây phẫn nộ?
Những nhức nhối xung quanh các vụ bạo lực học đường còn chưa dứt, dư luận lại tiếp tục rung chuyển bởi một vụ việc khác, liên quan đến nghi vấn thầy giáo lạm dụng tình dục 7 học sinh nam ngay tại Hà Nội. Giáo dục lại một lần nữa trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận...
Với sứ mệnh của mình, nhà trường mặc nhiên được kỳ vọng là "căn cứ địa văn hóa" (Ảnh minh họa)
Báo Giáo dục và Thời đại xin giới thiệu tới bạn đọc quan điểm của TS. Giáp Văn Dương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vietschool quanh vấn đề: Vì sao tiêu cực trong nhà trường dễ gây phẫn nộ?.
Bởi sứ mệnh sinh ra con người thêm lần nữa
Liệu như vậy có quá khắt khe với giáo dục, khi tiêu cực ở đâu, ngành nào cũng có, mà có thể còn nghiêm trọng hơn như thế rất nhiều?
Vây, tại sao những vụ việc của ngành giáo dục, đặc biệt liên quan đến đạo đức nhà giáo, lại thu hút sự quan tâm lớn đến như vậy của xã hội?
Theo TS. Giáp Văn Dương, muốn trả lời được câu hỏi này, cần thiết phải nhìn lại vai trò và sứ mệnh của giáo dục và của người thầy.
Từ xưa đến nay, ở khắp mọi nơi trên trái đất này, nhà trường luôn là nơi bồi đắp và nuôi dưỡng nhân cách con người. Thất học, hay không được đến trường, vì thế trở thành một ám ảnh đáng sợ, vì đồng nghĩa với việc đánh mất nhiều cơ hội được dạy dỗ trở thành người.
Đó là sứ mệnh cao quý của nhà trường. Và hiện thân của sứ mệnh đó, người bảo vệ và vun đắp sứ mệnh đó, không ai khác, chính là người thầy.
Với Tiếng Việt, nếu người sinh ra ta được gọi là thầy, thì người dạy học cũng được gọi là thầy. Vì thế, người Việt chúng ta đã quan niệm, người thầy, hay rộng hơn là nhà trường, là người sinh ra ta một lần nữa. Nếu ngày chào đời, mẹ sinh ra ta như một con người sinh học - cá nhân, thì ngày đầu đến trường, các thầy cô sẽ sinh ra ta một lần nữa như một con người văn hóa - xã hội.
Trở lại với câu hỏi chính: Vì sao khi các vụ việc tiêu cực, bạo lực, lạm dụng, gian dối... diễn ra trong nhà trường, đặc biệt khi nguyên nhân là do giáo viên gây ra lại gây phản ứng lớn như vậy từ xã hội?
Suy cho cùng, thầy cô cũng chỉ là một công dân, có tốt có xấu, bình đẳng như mọi công dân khác trước pháp luật. Hà cớ gì phải bắt thầy cô sống như thánh nhân, hoàn hảo không tì vết, không được phạm lỗi?
Theo TS. Dương, câu trả lời rất đỗi giản dị: Vì sứ mệnh của nhà trường, của người thầy làm cho xã hội kỳ vọng như thế, và phản ứng như thế cũng hoàn toàn dễ hiểu nếu mọi việc diễn ra trái với kỳ vọng.
Vậy sứ mệnh của nhà trường và người thầy là gì?
"Sứ mệnh đó không là gì khác ngoài nâng đỡ và phát triển con người. Đây là lẽ sống, là lý do tồn tại của nhà trường và của người thầy.
Vì thế, mỗi khi có vụ việc gì diễn ra trái ngược với sứ mệnh này, với kỳ vọng này của xã hội về nhà trường và về người thầy, dư luận lại bùng nổ, không khoan nhượng.", TS.Dương nhấn mạnh.
TS. Giáp Văn Dương
Bởi nhà trường là "căn cứ địa văn hóa"
Từ những phân tích trên, TS. Giáp Văn Dương nhận định: Theo thời gian, nhà trường và người thầy trở thành sự tin tưởng của cha mẹ, trở thành nơi trú ngụ của tâm hồn trẻ nhỏ. Cha mẹ trao con cho thầy cô, cho nhà trường, với sự tin tưởng chân thành. Còn trẻ nhỏ đến trường, đến với thầy cô với với sự hồn nhiên và sự tin tưởng gần như tuyệt đối.
Khi đã được tin tưởng gần như tuyệt đối như thế, thì sự tin tưởng đó không còn đơn thuần là sự tin tưởng, mà chuyển thành trách nhiệm, sứ mệnh và kỳ vọng.
Vì thế, mỗi khi có vụ việc tiêu cực xảy ra trong nhà trường, thì cảm xúc của xã hội, của các phụ huynh dễ dâng lên cao trào, trở thành bức xúc lớn và khủng hoảng đối với nhà trường. Tương tự như người được ta tin yêu, nếu gây ra lỗi lầm nào đó, thì ta sẽ thất vọng vô cùng.
Không chỉ nâng đỡ và phát triển con người, những hoạt động và truyền thống lâu đời của nhà trường trong mọi thời đại, mọi xã hội đã dần biến trường học trở thành " căn cứ địa văn hóa" và là nơi bảo vệ nhân tính, hoặc ít nhất cũng được xã hội mặc định vai trò của nhà trường là nhân văn và tốt đẹp.
Vì lẽ đó, mỗi khi có vụ việc nào đó phản văn hóa, phản nhân văn diễn ra trong nhà trường, thì dư luận lại sôi sục phản đối.
Cũng bởi vậy, việc coi người thầy là công dân bình đẳng trước pháp luật với mọi công dân khác tuy đúng về lý, nhưng không thấu về tình, về kỳ vọng của xã hội, và về cái hiểu mặc định của xã hội đối với nhà trường và với người thầy.
Đó là lý do vì sao những tiêu cực trong trường học lại gây chú ý và chịu sự phán xét lớn như vậy của xã hội.
Đó cũng là lý do vì sao nghề dạy học không đơn thuần chỉ là một công việc để kiếm sống như bao công việc khác. Và gánh nặng, trách nhiệm trên vai các nhà giáo thường lớn hơn rất nhiều so với những ngành nghề khác.
"Nếu nhà trường và nhà giáo không có nền tảng tinh thần vững vàng, không có các giá trị sống lành mạnh và rõ ràng để định chuẩn, không có triết lý giáo dục và triết lý sống đúng đắn để định hướng, thì rất dễ đánh mất mình, hoặc phạm phải những lỗi đạo đức, gây ra những cơn cuồng nộ cho dự luận.
Đã chọn làm nghề giáo, bạn đừng quên vai trò, trách nhiệm của mình trước vận mệnh tương lai của đất nước. Bởi khi đã chọn nghề thì cần đảm bảo bản thân có đủ tố chất để nhân lên điều tốt đẹp, phải trau dồi thường xuyên, để xứng đáng với kỳ vọng lớn lao của xã hội." - TS. Giáp Văn Dương
Kim Thoa ghi
Theo GDTĐ
Thầy giáo bị tố dâm ô nam sinh: Nỗi đau trong lòng con trẻ Trường THCS Trần Phú (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã tạm đình chỉ thầy giáo dạy Toán bị phụ huynh tố dâm ô hàng loạt học sinh nam. Sự việc trên khiến dư luận xã hội phẫn nộ, lo lắng về những nỗi đau, sự ám ảnh trong suốt cuộc đời của học sinh. Trường THCS Trần Phú - nơi xảy ra sự...