Tấm lòng bà Sáu với trẻ em hộ nghèo
Gần 10 năm qua, bà Huỳnh Thị Bảy (bà con lối xóm hay gọi là bà Sáu), Bí thư Chi bộ chợ Tân Phước (phường 9, quận Tân Bình, TPHCM), đã hết lòng duy trì lớp học tình thương tại nhà. Tấm lòng của bà Sáu với các trẻ em hộ nghèo được mọi người cảm kích.
Bà Sáu tận tình dạy các học trò nhỏ
Mong các cháu nhỏ học tốt
“Bà Sáu ơi! Hôm nay bài trên lớp con nhiều quá”; “Bà Sáu ơi! Chỉ con bài này với”; “ Bài toán này giải sao vậy bà Sáu” – tiếng của bé Hưng, bé Ngân, bé Vân, bé Huy… cứ rộn ràng lớp học tại căn nhà số 86/144 Âu Cơ. Lớp học của bà Sáu có các học trò nhiều lứa tuổi trong khu phố, vì học thêm buổi tối nên tụi nhỏ chỉ toàn mặc đồ bộ ở nhà. Dù đã 61 tuổi, bà Sáu vẫn rất minh mẫn, tỉ mỉ giảng giải, chỉ cách làm từng bài cho các học trò. Mấy đứa nhỏ chủ yếu học từ lớp 1 đến lớp 5 nên cứ giảng xong bài toán cho bé lớp 5, bà Sáu lại quay qua chỉ cho bé học lớp 2, rồi lại chỉ bé lớp 1 tập viết chữ. Mỗi tối, cứ dạy 2 tiếng đồng hồ từ 17 giờ đến 19 giờ như thế, chừng nào tụi nhỏ thiệt hiểu bài, bà Sáu mới coi như xong việc.
Nhà nghèo, cha làm thợ hồ, thu nhập không đủ lo cho gia đình; đã vậy cha mẹ còn thường xuyên cãi nhau, đánh nhau rồi ly dị luôn… khiến việc học hành của hai bé T.V. và M.H. ảnh hưởng ít nhiều. Thấy 2 chị em buồn buồn, lơ là việc học tại trường, bà Sáu ngỏ lời với người cha để kèm cặp dạy thêm buổi tối cho 2 bé.
Biết bà Sáu nhiệt tình, lại dạy miễn phí, người cha ngại ngùng: “Bà Sáu dạy vậy mà không có lấy tiền gia đình tui ngại lắm”. Bà Sáu chỉ cười, nói: “Dạy ở nhà thôi, có tốn tiền điện nước gì đâu. Dạy 10 đứa cũng như một đứa thôi hà! Cứ cho đám nhỏ qua nhà học đi. Sách vở thiếu gì tui lo cho”. Thế là, V. và H. mỗi tuần 3 ngày mang tập vở đi bộ qua nhà bà Sáu học.
Bé V.H. cũng có hoàn cảnh cha mẹ ly dị, sống với ông nội đã già, không có ai chăm lo kèm cặp việc học, cũng đã được bà Sáu nhận vào lớp, chỉ dạy tận tình suốt mấy năm. Bé K.N. (học lớp 5) có gia cảnh khó khăn, bé từng bị té rất nặng nên ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và việc học. Khi được kèm cặp thêm tại lớp học buổi tối của bà Sáu, bé học một chút là nhức đầu, phải cho bé nghỉ. Dù vậy, bà Sáu vẫn chưa bao giờ nản lòng chỉ dạy cho bé.
Video đang HOT
Tiếng học trò hỏi bài, đọc bảng cửu chương, học tiếng Anh… đều đặn vang lên đã gần 10 năm như thế. Trong chừng đó thời gian, đã có tổng cộng 63 em nhỏ theo học. Bà dùng tiền lương hưu của mình để trang bị tập, sách, viết, dụng cụ học tập cho các học trò. Kết quả, nhiều em đã củng cố kiến thức, theo kịp chương trình dạy trên trường, thành tích học tập ngày càng cải thiện và đạt thành tích khá, giỏi. Trong đó, em Nguyễn Hữu Thắng nay đã là sinh viên Trường Đại học Ngoại thương TPHCM.
Tận tâm với hoạt động của khu phố
Thấy trẻ em các gia đình cha mẹ bận kiếm sống ít có điều kiện quan tâm nên sức học yếu, bà Sáu đã đứng ra tổ chức lớp phụ đạo miễn phí tại nhà mình, duy trì từ năm 2011 cho đến nay. 2 người con gái của bà Sáu là Thanh Tuyền và Tú Quỳnh cũng thường xuyên phụ mẹ dạy các bé học tiếng Anh.
Chị Lê Thị Tú Linh (người dân khu phố 9, phụ huynh bé Thùy Dương từng theo học tại lớp của bà Sáu) kể: “Dì Sáu vừa giúp nhiều phụ huynh trông coi, vừa kiểm tra bài vở và bổ túc kiến thức còn yếu, dạy các bé thêm chương trình nâng cao. Dì cũng cho mấy đứa nhỏ tập vở, viết khi tới lớp học. Tấm lòng nhiệt thành của dì khiến mọi người trong khu phố ai cũng quý”.
Ngoài việc dạy học cho đám trẻ và bán cà phê sáng lo kinh tế gia đình, bà Sáu còn cáng đáng nhiều công việc khu phố. Hồi năm 1977, bà Sáu đi bộ đội ở Trung đoàn Thông tin Quân khu 7, tới năm 1982 thì về làm văn thư tại Tổng công ty Nông thổ sản. Sau này, bà nghỉ việc ở nhà, các cô chú, anh chị ở khu phố tín nhiệm, thuyết phục bà Sáu ra lo việc địa phương. Nay bà Sáu làm Bí thư Chi bộ chợ Tân Phước, Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ chợ Tân Phước, Tổ trưởng Tổ dân phố 53. Hàng năm, bà Sáu vận động tiểu thương chợ Tân Phước mỗi người một tay, góp một chút để lo những bữa ăn từ thiện vừa giàu chất dinh dưỡng vừa ấm áp giúp những người kém may mắn. Mỗi khi có hoạt động chăm lo cho người nghèo, người già neo đơn đau ốm trên địa bàn, chỉ cần bà Sáu vận động là bà con đóng góp liền.
Những chuyến đi thiện nguyện khiến bà Sáu càng thấy mình phải tận tâm hơn nữa, vì thấy có rất nhiều hoàn cảnh cần giúp. Năm ngoái, khi đi trao 200 phần quà và tặng 2 cái giếng cho người nghèo tại xã Phước Chỉ (huyện Trảng Bảng, tỉnh Tây Ninh) do phường 9 kết hợp với Chi hội Chữ thập đỏ chợ Tân Phước thực hiện, bà Sáu muốn rớt nước mắt khi chứng kiến cảnh một cụ già hơn 80 tuổi khóc bên giếng nước mới. Bà Sáu kể: “Ông cụ xúc động nói rằng cả cuộc đời sống mấy chục năm mới thấy giếng nước trong đến như vậy. Chỉ nói được vậy rồi ông đứng khóc ngon lành làm tui xúc động quá. Đi nhiều mới thấy cuộc đời mình cần phải san sẻ nhiều hơn”.
VÕ THẮM
Theo sggp
Làm sao để trẻ 'quên' tết chuẩn bị trở lại học tập?
Kết thúc kỳ nghỉ dài cũng là lúc học sinh bắt đầu vượt qua chính mình với tâm lý "vui như tết" để bắt nhịp với việc học
Giáo viên cùng học sinh bắt nhịp với việc học - HẢI ÂU
Những vấn vương ngày tết
Những ngày đầu trở lại trường, hầu hết học sinh còn nhiều "vương vấn" với không khí tết nên có tâm lý buông lơi, không hào hứng với việc học. Ở mỗi bậc học, học sinh có những biểu hiện tâm lý khác nhau.
Quan sát từ những năm trước, cô giáo Trần Thị Tú Quyên, Trường Mầm non Vàng Anh (Q.5, TP.HCM) cho hay, không khí những ngày trở lại trường tương tự như ngày đầu đi học, trẻ quấy khóc, nhõng nhẽo, buồn bã, các nền nếp đã được cô giáo rẻn trong năm như giờ ăn, giờ ngủ, giờ chơi bị xáo trộn.
Còn ở những bậc học khác thì giáo viên nhìn thấy sự uể oải, không tập trung, có khi ngủ gục trong lớp học, hay than thở "chán vì sao nhanh hết tết quá, chơi chưa đã"...
Vì vậy, cô Võ Thị Thùy Linh, giáo viên Trường tiểu học Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú, TP.HCM), chia sẻ, thời điểm trước ngày đi học, phụ huynh cần có nhắc nhở, khuyến khích con em sử dụng thời gian hợp lý, không nên vui chơi "quá đà". Thế nhưng, cô giáo Thùy Linh nhấn mạnh, cũng đừng nên tạo áp lực vào thời điểm này, nếu cha mẹ cảm thấy không yên tâm thì chỉ cần nhắc nhở trẻ "chạm" sách vở theo tinh thần vui chơi. Cũng như vậy, trong 2 ngày đầu đi học trở lại, giáo viên này cho biết, thường cùng học trò đố nhau bằng bảng cửu chương, khuyến khích viết chữ đẹp qua vài câu thơ chủ đề ngày xuân...
Giáo viên dẫn dắt sự hứng khởi
Chia sẻ về vấn đề này, nhiều giáo viên cho rằng, suy nghĩ cho học trò nhiều bài tập về nhà để các em không quên kiến thức có khi không hiệu quả mà còn gây tác dụng ngược khiến trẻ chán nản, mệt mỏi vì tết mà lại không được vui chơi thoải mái.
Vì vậy, giáo viên cần thể hiện năng lực để kéo học sinh về với tiết học của mình vì trong giai đoạn này người dạy đóng vai trò là người dẫn dắt. Chẳng hạn, bài giảng cần thiết kế linh hoạt, không gò ép, kết hợp với các hoạt động trò chơi để tạo cho học trò tâm lý vừa học vừa chơi. Bên cạnh đó, trò chơi trong bài giảng có đi kèm với phần thưởng có thể là bao lì xì có ý nghĩa tượng trưng hay điểm cộng.
Hãy thể hiện sự hiểu và đồng cảm với tâm lý học sinh nhưng cùng với đó là tác động tâm lý về bài học, về kiến thức, sự quan trọng của việc học... Thêm vào đó chia sẻ để các em biết vượt qua rào cản bản thân.
Tuy nhiên cũng cần đưa ra các nguyên tắc của tiết học là tập trung, chủ động, tích cực. Có thưởng cho cá nhân, nhóm thực hiện tốt và ngược lại trừ điểm những nhóm không thực hiện tốt nguyên tắc.Tóm lại cần tạo bài giảng cuốn hút với học trò, cần mềm mỏng nhưng không lơi lỏng để các em biết mục tiêu của mình là học tập.
Tương tự, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) cho rằng, tâm thế người thầy là quan trọng nhất, nếu người thầy không có sự nhiệt huyết, dứt khoát thì học trò dễ "lo ra". Vì vậy giáo viên cần hứng khởi sẵn sàng cùng học trò bước vào hành trình mới thì học trò sẽ cuốn theo.
Trước khi nghỉ tết, học sinh được thông báo cụ thể lịch kiểm tra giữa kỳ sẽ diễn ra sau ngày trở lại trường đúng một tháng để biết và có sự chuẩn bị cho việc học của mình. Ban giám hiệu đã khuyến cáo giáo viên không gây áp lực bằng bài tập về nhà mà để các em có một kỳ nghỉ sáng khoái và ý nghĩa. Và như vậy thì học sinh cũng cần có sự chủ động và ý thức sau khi vui chơi thoải mái thì bắt tay vào nỗ lực học tập trong thời gian tới.
Theo thanhnien
"Ngọn hải đăng" ở đảo Hòn Chuối dẫn lối tri thức mang tên Trần Bình Phục Gần 10 năm cặm cụi, miệt mài gieo con chữ cho những đứa trẻ ngây thơ, gần như hoàn toàn xa lánh, tách biệt với cuộc sống bên ngoài..., thầy giáo mang quân hàm xanh Trần Bình Phục như một "ngọn hải đăng" dẫn lỗi tri thức cho đám trẻ ấy, nhờ cái tâm sáng của mình. Lớp học 4 hướng "không giống...