Tâm huyết của thầy Hiệu trưởng gửi gắm tân sinh viên sư phạm
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội đã có những chia sẻ tâm huyết đến các tân sinh viên trong lễ khai giảng năm học mới.
GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội phát biểu tại lễ khai giảng năm học 2022-2023.
Hãy yêu thương và vượt qua định kiến hẹp hòi
“Bắt đầu từ hôm nay, các em là những người trưởng thành”. Gửi gắm điều này, thầy Hiệu trưởng mong các tân sinh viên sẽ là những người độc lập trong tư duy và đúng mức trong hành động; là chính mình, chịu trách nhiệm với chính mình, sẵn sàng vì người khác, nhưng không phải sống cuộc đời của người khác. Mỗi sinh viên cần vượt qua những định kiến hẹp hòi, rào cản trong tư duy, hệ lụy của nghèo khó.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của yêu thương, thầy Hiệu trưởng cho rằng, sinh viên cần trân quý những giá trị của gia đình, những tình cảm với người thân. Từ đó mới nói đến tình yêu thương đồng loại, và cũng chính từ đó mới nói đến đức hy sinh. Thêm nữa, một thế hệ sinh viên mới phải biết nghĩ đến những điều lớn lao và biết vượt thoát lên hoàn cảnh.
“Từ hôm nay, các em luôn nhớ rằng, niềm vui chính đáng, hạnh phúc thực sự của đời người chỉ đến với những ai vô tư làm cho người khác tốt hơn. Tình yêu thương sẽ tạo ra nguồn sống tích cực và vô hạn cho tâm hồn”, thầy Hiệu trưởng chia sẻ.
Để trở thành một con người chân chính, một nhà giáo chân chính là một quá trình khổ luyện. Nêu điều này, Giáo sư, Hiệu trưởng mong muốn sinh viên hãy coi khó khăn, trở ngại là một trải nghiệm thử thách. Đó là quá trình để trưởng thành. Hãy xây dựng một bệ phóng vững chắc, bắt đầu từ một sức trẻ, từ một tâm hồn trong sáng, từ một trí tuệ thông minh của những con người thời đại để đạt đến ước mơ.
GS Nguyễn Văn Minh trao bằng khen cho tân sinh viên xuất sắc tại lễ khai giảng.
Nghĩa vụ cao cả của giáo dục
“Quyền năng tối thượng của giáo dục là vì mục tiêu bình đẳng con người”. GS Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh và hy vọng ngay từ bây giờ, các tân sinh viên hãy nghĩ đến những đứa trẻ đầu trần chân đất, đến những bản làng cách trở, đến những lớp học phên nứa gió mùa đông… trước khi nghĩ đến những ngôi trường quyền uy của giàu có.
Giáo sư, Hiệu trưởng khẳng định nhà trường không áp đặt cách nghĩ của sinh viên mà chỉ mong muốn là bệ đỡ cho những ý tưởng tốt đẹp, những ý tưởng sáng tạo, những ý tưởng táo bạo… Từ đó, thầy mong mỗi nhà giáo, cán bộ của nhà trường – những người đang giữ lửa “mô phạm” – hãy tư duy và hành động một cách nhân văn nhất.
Video đang HOT
Thầy Hiệu trưởng gửi gắm: Bình đẳng không phải chỉ có công bằng trong cơm ăn, áo mặc; mà để mỗi người hiểu giá trị cuộc đời, biết họ được làm gì và họ phải làm gì, muốn thế thì họ cần được hiểu biết. Đây là nghĩa vụ cao cả của giáo dục; chứ không phải chỉ dạy trẻ học thật giỏi một môn học và lạc loài với cuộc sống.
Giáo dục là vì mục tiêu thức tỉnh lương tri. Dạy văn hay dạy toán, dạy tự nhiên hay xã hội, thì cuối cùng để mỗi người hiểu biết hơn, sống với nhau tử tế hơn, yêu quý nhau hơn và tôn trọng nhau hơn. Hãy cố gắng đánh thức lòng trắc ẩn trong mỗi con người. Vì rằng, một tâm hồn đẹp là vẻ đẹp hoàn mỹ nhất trên đời.
Là thế hệ Z – công dân thời đại kỹ thuật số – các sinh viên đủ tinh tế, thông minh, dần làm chủ các tiện ích để trau dồi tri thức, mở rộng nhãn quan để sau này phụng sự đất nước. Với lợi thế này, thầy Hiệu trưởng nhắn nhủ tân sinh viên hãy làm chủ công nghệ, đừng là nô lệ của công nghệ. Hãy là những người kết nối yêu thương và hãy dùng công nghệ để kết nối yêu thương; đừng để công nghệ đẩy xa hơn khoảng cách giữa những con người.
Kỳ vọng một thế hệ sinh viên hiếu học và học thật, GS Nguyễn Văn Minh cho rằng: Học để phát triển bản thân và để phụng sự, chứ không học vì những tham vọng, vì những hào nhoáng bằng cấp. Đừng coi bằng cấp chỉ là nấc thang vì mục đích danh lợi. Phải coi tri thức, sự hiểu biết là tiền đề cho sự khai phóng, mà trước tiên là khai phóng cho chính đầu óc của mình. Một xã hội phát triển bền vững chỉ khi có một nền giáo dục thực chất…
Chiều 11/10, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức khai giảng năm học mới 2022-2023 và chào đón hơn 4.000 sinh viên K72. Cũng ngày này, cách đây 71 năm, Bộ Quốc gia Giáo dục đã ban hành Nghị định số 276 về việc thành lập Trường sư phạm Cao cấp, tiền thân của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội ngày nay.
'Nếu không phải chúng ta, ai sẽ là người làm thay đổi giáo dục đất nước?'
Trong lễ khai giảng năm học 2022-2023 được tổ chức ngày 11/10, GS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - nhắc nhở các sinh viên đang theo học và hơn 4.000 tân sinh viên về trách nhiệm của những người chọn nghiệp làm thầy.
Ngày 11/10, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức lễ khai giảng năm học 2022-2023 và chào đón hơn 4.000 tân sinh viên khóa 72.
Dưới đây là diễn văn của GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tại sự kiện này:
GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đánh trống khai giảng năm học mới
Hôm nay, chúng ta tổ chức lễ Khai giảng năm học 2022-2023 của khóa sinh viên K72, vào một ngày rất đặc biệt, ngày 11 tháng 10. Ngày này cách đây 71 năm Bộ Quốc gia Giáo dục đã ban hành Nghị định số 276 về việc thành lập Trường sư phạm Cao cấp, tiền thân của Trường ĐHSP Hà Nội ngày nay.
Nhân sự kiện này, chúng ta tri ân các thế hệ tiền bối, những người đã dành hết tình cảm, trí tuệ và cuộc đời của họ để đem lại vinh quang, tự hào, ý nghĩa cho Nhà trường này, cho các thế hệ sinh viên đã trưởng thành từ đây.
Họ không để lại cho chúng ta tiền bạc, của cải, nhưng họ đã để lại cho chúng ta phẩm giá người thầy, sự thanh cao và sang trọng; sự tự học, sự dấn thân, đức tính phụng sự, lòng tự trọng, sự nhân hậu và khát vọng chân chính của trí thức.
Thầy trò chúng ta nguyện sẽ học tập, làm việc và bản lĩnh để chinh phục cái mới, vì một nền giáo dục tốt hơn, tiến bộ hơn.
Các em sinh viên K72 yêu quý,
Thầy và thầy cô nhà trường rất cảm ơn các em, vì các em đến với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, các em mang đến một sinh khí mới, một năng lượng mới, một sự trẻ trung và nhiệt huyết mới để sức sống của mái trường này luôn dồi dào, để đơm hoa kết trái cho đời ngày càng tươi đẹp.
Thầy cảm ơn các em vì các em không chỉ là những người thông minh mà còn rất dũng cảm. Vì rằng, trước những tác động nhiều chiều, có lúc xói mòn những tâm huyết của những người đang đứng trên bục giảng; có những tác động làm cho họ suy tư, trăn trở, nhưng các em đã không ngần ngại, sẵn sàng chấp nhận những va đập để tiếp sức cho những gì cao đẹp. Các em đã đem đến niềm tin thế hệ cho thầy cô, cho Nhà trường và cho đất nước. Thầy tự hào về các em!
Thầy cảm ơn các em, vì rằng, dẫu các em dự đoán được tương lai của mình, dự đoán được những nhọc nhằn phía trước, nhưng các em đã dám đến để mai ngày dám đi muôn phương vì hành trình yêu thương và tiến bộ. Trong ánh mắt ngời sáng của các em, ánh lên những tia hi vọng, sẽ là những người có tầm thức về trí tuệ và tâm hồn, những người giàu lòng yêu thương và độ lượng, những người mang nhịp sống hiện đại nhưng luôn là những người biết ơn và sẵn sàng dâng hiến tuổi thanh xuân cho cuộc đời, cho quê hương, đất nước muôn vàn yêu dấu của chúng ta. Thầy có niềm tin về các em và chúc mừng các em!
Sinh viên sư phạm trong lễ khai giảng
Hôm nay là một mốc son. Một điểm lưng chừng giữa đèo dốc của thời gian để chinh phục tri thức, và hơn cả là bồi đắp để tâm hồn rộng lượng để mai ngày lan tỏa cho đời. Vì các em nhớ rằng, ngày mai các em sẽ luôn sống với trẻ thơ, với những mầm xanh, với con người; và khoan dung, tha thứ có khi có sức mạnh diệu kỳ hơn nhiều lần với những hình phạt khắc nghiệt nhất trên đời. Trước khi dọn đường cho tài năng đi tới hãy tạo ra một môi trường thấm đẫm tình người.
Bắt đầu từ hôm nay, các em là những người trưởng thành. Những người độc lập trong tư duy và đúng mức trong hành động; mỗi em sẽ là chính mình, sống cuộc đời chính mình, chịu trách nhiệm với chính mình, sẵn sàng vì người khác, nhưng không phải sống cuộc đời của người khác. Các em sẽ vượt qua những định kiến hẹp hòi, những rào cản trong tư duy, những hệ lụy của nghèo khó; và nhớ rằng, không quyết định cuộc đời mình thì mãi mãi làm thân tầm gửi.
Thầy muốn nhắn với các em, trước hết là yêu thương và mãi mãi là yêu thương. Cạn tiền, cạn thóc, người ta làm ra được, nhưng cạn tình, cạn nghĩa thì hoang vu vô tận kéo về. Khi con tim nguội lạnh trước con người, trước cuộc đời thì cuộc sống chẳng còn gì đáng nói.
Hãy trân quý những giá trị của gia đình, những tình cảm với người thân; vì từ đó mới nói đến tình yêu thương đồng loại, và cũng chính từ đó mới nói đến đức hi sinh. Người ta dám xả thân vì người ta có tình yêu thương, yêu thương càng sâu nặng thì hành động càng cao cả.
Một thế hệ sinh viên mới phải biết nghĩ đến những điều lớn lao và biết vượt thoát lên hoàn cảnh. Thầy hi vọng các em không phải là những người chỉ biết ngồi kêu ca, trách cứ hoàn cảnh và âu sầu vào lúc bình minh. Nhưng các em hãy đắm mình vào cuộc sống thực tại này, dù còn nhiều sần sùi và thô ráp, nhưng dù sao nó cũng gắn với đời người, và dù sao thì cuộc sống vẫn đáng yêu, và khi yêu thương thì mỗi chúng ta sẽ mong muốn làm điều tốt đẹp; yêu thương thì sẽ hóa giải dần định kiến và cả những oán hơn.
Quyền năng tối thượng của giáo dục là vì mục tiêu bình đẳng con người. Chính thế, thầy hi vọng ngay từ bây giờ, các em hãy nghĩ đến những đứa trẻ đầu trần chân đất, đến những bản làng cách trở, đến những lớp học phên nứa gió mùa đông... sau rồi hẵng nghĩ đến những ngôi trường quyền uy của giàu có. Bình đẳng không phải chỉ có công bằng trong cơm ăn, áo mặc; mà để mỗi người hiểu giá trị cuộc đời, biết họ được làm gì và họ phải làm gì, muốn thế thì họ cần được hiểu biết. Đây là nghĩa vụ cao cả của giáo dục; chứ không phải chỉ dạy trẻ học thật giỏi một môn học và lạc loài với cuộc sống.
Giáo dục là vì mục tiêu thức tỉnh lượng tri. Không ít sự vô cảm đang hiển hình trong cuộc sống, không ít người tìm cách bao biện cho những hành vi ghê rợn đó. Dạy văn hay dạy toán, dạy tự nhiên hay xã hội, thì cuối cùng để mỗi người hiểu biết hơn, sống với nhau tử tế hơn, yêu quý nhau hơn và tôn trọng nhau hơn. Hãy cố gắng đánh thức lòng trắc ẩn trong mỗi con người, dù đâu đó có lúc ngủ quên. Các em là những thanh niên thế hệ Z, nhưng may thay đó là "những người trung thành, nhân ái, chu đáo, cởi mở, có trách nhiệm và quyết đoán", như một nghiên cứu đã chỉ ra. Báu vật này là vốn quý và sẽ là ngọn lửa ấm, sẽ là những nhịp đập đồng điệu của con tim, làm cho tâm hồn biết thán phục trước cái đẹp, và biết chùng lòng trước hoàn cảnh xót xa. Vì rằng, một tâm hồn đẹp là vẻ đẹp hoàn mỹ nhất trên đời.
Các em là thế hệ Z, là công dân thời đại kỹ thuật số. Thầy mong rằng, các em đủ tinh tế, đủ thông minh để dần dà làm chủ các tiện ích để trau dồi tri thức, mở rộng nhãn quan để sau này phụng sự đất nước. Hãy làm chủ công nghệ, đừng là nô lệ của công nghệ; hãy là những người kết nối yêu thương và hãy dùng công nghệ để kết nối yêu thương, đừng để công nghệ đẩy xa hơn khoảng cách giữa những con người. Một ngày đã xa cách, còn lại buổi tối bên gia đình, mỗi người đắm nhìn trên màn hình điện thoại với từng cung bậc, sắc thái quá khác xa nhau; hãy đừng a dua theo những gì tai nghe khác lạ rồi hùa theo hiệu ứng "đám đông" một cách thiếu suy nghĩ, chớ vội vàng ném đá gây tội trên không gian mạng, mà hãy là những người có đủ bình tâm, trách nhiệm và tự trọng. Đừng làm xước những con tim mà hãy là người đi làm lành những tổn thương nhân thế.
Thầy kỳ vọng một thế hệ sinh viên hiếu học và học thật. Học để phát triển bản thân và để phụng sự, chứ không học vì những tham vọng, vì những hào nhoáng bằng cấp. Kết quả học tập, bằng cấp, bản thân nó xác định nỗ lực và đánh dấu một giai đoạn học tập. Nhưng nội hàm ta thu được là gì và để có thể làm gì cho cuộc sống. Đừng coi bằng cấp chỉ là nấc thang vì mục đích danh lợi. Khi xác định được như vậy, thì các em ý thức được việc học; mai ngày các em ra đời sẽ góp phần chữa cái căn bệnh trầm kha "học giả, bằng thật", "nâng điểm, chạy trường", không học mà muốn có tấm bằng khoe mẽ với bàn dân thiên hạ thì xấu hổ biết bao. Phải coi tri thức, sự hiểu biết là tiền đề cho sự khai phóng, mà trước tiên là khai phóng cho chính cái đầu óc của mình. Làm chủ tri thức là quyền năng vô giá cho quá trình tiến đến sáng tạo, vì rằng có nung nấu bao nhiêu ý tưởng tốt đẹp mà không có bệ phóng tri thức chắc chắn thì cũng chỉ là hảo huyền. Ngay từ bây giờ, các em ý thức sâu sắc rằng, một xã hội phát triển bền vững chỉ khi có một nền giáo dục thực chất.
Những giáo viên tương lai của đất nước
Nhà trường này không áp đặt cách nghĩ lên các em mà chỉ mong muốn là bệ đỡ cho những ý tưởng tốt đẹp, những ý tưởng sáng tạo và cả những ý tưởng táo bạo, những ý tưởng chân chính mà người ta chưa từng nghĩ đến. Nơi đây, không có sự sợ hãi, chỉ có sự tôn trọng và đồng hành. Nơi đây chỉ có khát vọng chứ không hề có tham vọng.
Thầy cô mái trường này nguyện sẽ chắt lọc những gì tinh túy nhất có thể đề bồi đắp tâm hồn, nhân cách và trí tuệ cho các em, để con tim, khối óc của các em mãi mãi thuộc về các em, nhưng khi cần con tim sẽ có chung nhịp đập để nối những yêu thương và sẵn lòng dâng hiến cho đời.
Tôi mong rằng, mỗi nhà giáo, cán bộ của Nhà trường, những người đang giữ lửa "mô phạm" thiêng liêng này hãy tư duy và hành động một cách nhân văn nhất.
Từ hôm nay, các em luôn nhớ rằng, niềm vui chính đáng, hạnh phúc thực sự của đời người chỉ đến với những ai vô tư làm cho người khác tốt hơn; tình yêu thương sẽ tạo ra nguồn sống tích cực và vô hạn cho tâm hồn.
Để trở thành một con người chân chính, một nhà giáo chân chính là một quá trình khổ luyện. Có những lúc các bất cập gây nên những suy tư, trăn trở, và đâu đó mọi lỗi lầm đều chúng ta hứng chịu, nhưng hãy cố gắng bình tâm, coi đó là bổn phận của chúng ta. Vì không phải chúng ta, thì ai sẽ là người làm thay đổi giáo dục đất nước? Nghề này không giúp ai được tiền của cả, mà chỉ dẫn dắt thế hệ tương lai đến một tầng cao mới của trí tuệ và tâm hồn; từ đó, họ làm những điều ý nghĩa cho chính họ và cho đất nước; hãy nghĩ đến những người bạn muốn giúp đỡ để hành động, thay vì trách cứ, kêu ca. Liệu rằng, chúng ta có thực sự hạnh phúc để đi gieo hạnh phúc khi cái ăn, cái mặc, gánh nặng gia đình, những luồng dư luận, những quan niệm đang xối vào tâm tư chúng ta?
Mong rằng, mọi người, toàn xã hội hãy công bằng, đừng cắt xén những hạnh phúc còn lại của những người còn dám đối diện với khó khăn, đừng làm tổn thương hơn nữa với những người đi xây đắp tâm hồn, để họ bình tâm làm điều tốt đẹp cho tương lai, cho chính con cái của mỗi gia đình.
Với các em, hãy coi khó khăn, trở ngại là một trải nghiệm thử thách. Đó là quá trình để trưởng thành. Ở đây có nhiều điều bỡ ngỡ, có nhiều điều mới mẻ, và đâu đó cũng có những điều cám dỗ, hãy bản lĩnh để vượt qua; và đừng quên dành cho mình những khoảnh khắc tuyệt vời của tuổi trẻ.
Hãy xây dựng một bệ phóng vững chắc, bắt đầu từ một sức trẻ, từ một tâm hồn trong sáng, từ một trí tuệ thông minh của những con người thời đại để đạt đến ước mơ.
Hãy chào nhau và nở nụ cười mỗi khi gặp gỡ để đem niềm vui đến với mọi người, để lòng thảnh thơi, nhẹ nhỏm mỗi ngày và đến đây là đến với niềm vui.
Chúc các em hạnh phúc và thành công!
Đại học Huế công bố điểm trúng tuyển đợt xét tuyển bổ sung Hội đồng tuyển sinh Đại học Huế công bố điểm trúng tuyển bổ sung đợt 1 tuyển sinh vào đại học hệ chính quy năm 2022. Tân sinh viên Trường Đại học Sư phạm (ĐH Huế) hào hứng trong ngày nhập trường. Theo đó, điểm trúng tuyển vào các trường thành viên của bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm...