Tại sao người Nhật lại thích làm những món ăn phồng phồng mềm mềm thế nhỉ?
Có những món ăn bình thường, cứ vào tay người Nhật là đều sẽ có một phiên bản phồng phồng “lắc lư” độc đáo.
Có một sự thật là nhiều món ăn trên thế giới nổi tiếng gắn liền với nước Nhật mà có nguồn gốc từ nước khác, trong đó có các món với sự “phồng rộm” mà ở bản gốc không hề có. Khi người phương Tây gọi tên các món ăn này, hầu như họ đều sẽ thêm vào từ “fluffy (phồng)” ở phía trước. Chỉ với đặc điểm này, các món ăn được người Nhật tái tạo lại gần như áp đảo luôn cả “chính chủ”, ví dụ như những món sau:
Pancake vốn là một món ăn sáng kiểu Mỹ rất kinh điển, nhưng sang đến Nhật Bản, những chiếc bánh lại trở nên “đẫy đà” hơn hẳn, và dày hơn bánh pancake kiểu Mỹ đến vài centimet. Món này được gọi là fluffy pancake. Có nhiều cách để làm fluffy pancake kiểu Nhật, nhưng phần lớn là do kỹ thuật đánh lòng trắng trứng đến bông lên rồi mới trộn vào hỗn hợp, đồng thời sử dụng khuôn khiến bánh giữ được dạng đứng.
Pancake soufflé
Nếu như pancake kiểu Nhật đã tròn trịa và đẫy đà hơn bản gốc thì soufflé pancake của Nhật Bản đã đưa sự “phồng” lên tầm cao mới. Người ta thường nhầm hai món này với nhau, nhưng trang Tasty đã làm rõ bằng cách cho ra hai công thức riêng biệt. Fluffy pancake chỉ dừng ở mức dày hơn pancake bình thường, nhưng soufflé pancake thì khác. Khi tưởng tượng món pancake này, hãy nghĩ đến những đám mây, những chiếc kẹo bông gòn hay chiếc gối lông vũ mềm mại. Chiếc bánh này vừa phồng vừa có kết cấu tơi, mềm đến khó tin như vậy. Bên trong không đặc như pancake khác, nhờ vào lòng trắng trứng được đánh đến chín như meringue (một món bánh bằng lòng trứng trắng và đường). Soufflé pancake không có dạng đứng như fluffy pancake mà nằm bẹp xuống, trông mềm như bông gòn và được làm chín ở nhiệt độ cao hơn.
Omurice là cơm cuộn trứng. Ban đầu phần trứng chiên được làm dẹt và mỏng như một tấm chăn bọc quanh cơm, tuy nhiên, không biết là do niềm đam mê với những món ăn phồng phồng hay sao, mà người ta lại nghĩ ra phiên bản omurice phồng. Ấy là, lại đánh lòng trứng cho bông lên rồi đem chiên và cho cơm vào giữa. Cơm Omurice phồng có ưu điểm là không bị khô, bên trong có bọt khí nhiều nên không đặc mà phồng phồng trông dễ thương. Món này được cho là kết hợp giữa omelete phồng kiểu Pháp và Omurice kiểu Nhật.
Video đang HOT
Cheesecake Nhật Bản, hay còn biết đến cái tên là Cotton cheesecake – “bánh phô mai bông gòn” vì một lý do hết sức hiển nhiên: phồng. Cheesecake Nhật Bản là cả một câu chuyện dài về sự sáng tạo của người Nhật, và từng có thời làm mưa làm gió trên khắp thế giới, khi mà Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam và nhiều nước khác cũng bắt đầu đua nhau “bắt trend” với những chiếc bánh bông lan “lắc lư” một cách diệu kỳ. Ngày xưa, nhắc tới cheesecake thì ta chỉ biết đến cheesecake của các nước phương Tây, là loại cheesecake nướng đặc và có vỏ bánh giòn bên ngoài. Cheesecake của Nhật Bản lại là một sáng tạo gần như “không liên quan” gì đến bản gốc, và cũng thể hiện được sự yêu thích các món phồng phồng dễ thương.
Theo Trí Thức Trẻ
Điểm danh những món đồ ngọt có nguồn gốc phương Tây được người Nhật biến tấu tài tình đến mức "áp đảo" bản gốc
Chỉ với một chút biến tấu nho nhỏ, người Nhật đã tạo ra những chiếc bánh gốc Mỹ thành các phiên bản độc đáo thuộc về mình!
Có thể nói, bánh ngọt Nhật Bản là một trong những món ăn có "visual" đẹp nhất thế giới, với màu sắc, kết cấu được kiến tạo hài hoà. Những món bánh Nhật không những ngon mà còn đều có tiềm năng trở thành đồ "cúng" Instagram hoàn hảo nên rất được yêu thích. Tuy vậy, ít người biết rằng trong số đó có một vài món bánh nổi tiếng xuất xứ từ nước Mỹ, song chỉ thực sự "viral" khi vào bàn tay vàng đầy tài tình của người Nhật. Hãy cùng chúng mình điểm danh qua những món bánh kinh điển ấy nhé!
Pancake
Pancake là món ăn nổi tiếng của Mỹ mà ai cũng biết. Những chiếc bánh rán dùng để ăn sáng thơm mùi bơ, trứng và sữa ăn kèm syrup là món ăn được nhiều người từ bé đến lớn đều thích. Tuy nhiên khi sang đến Nhật, người dân nước này đã bỏ thêm một chút biến hoá nên khiến cho chiếc bánh trở nên phồng hơn, mềm hơn và còn ngon hơn. Đến mức mà người ta bây giờ phải dùng từ khoá Pancake Nhật để phân biệt với pancake bình thường.
Đáng nói hơn là từ lúc pancake Nhật ra đời, rất nhiều cư dân ở phía còn lại của bán cầu đã phải "phát sốt" vì nó. Công thức pancake Nhật hiện tại được cải biên, cải tiến, và chia sẻ rộng khắp. Các nhà hàng điểm tâm kiểu Mỹ cũng phải lần lượt thêm món này vào thực đơn nếu không muốn bị "quê mùa".
Sang đến Nhật thì chiếc pancake "đẫy đà" ra hẳn.
Strawberry shortcake
Nếu bạn từng xem những bộ phim tình cảm, hay những bộ truyện tranh thiếu nữ Nhật thì hơn 80% là đã chạm trán qua chiếc bánh này rồi. Strawberry shortcake là một loại bánh khá kinh điển được bán khắp mọi nơi trên Nhật Bản, từ thành phố lớn đến tỉnh lẻ, cứ có tiệm bánh là sẽ có món bánh này. Ở những nơi khác trên thế giới, Strawberry shortcake lại không nổi tiếng đến thế nên dù có nguồn gốc từ Mỹ thì mọi người vẫn hay gắn liền Nhật Bản với chiếc bánh này hơn.
Hồi xưa khi còn ở Mỹ thì Strawberry shortcake vốn là bánh quy kẹp whipped cream, sau khi sang Nhật, phần bánh quy được đổi thành bánh bông lan xốp, để rồi từ đó trở thành món bánh ngọt quốc dân của xứ Mặt Trời Mọc, triệt để làm người ta lãng quên luôn nguồn cội Hoa Kì.
Chiếc bánh mang hương vị "tình đầu" hay cameo trong các bộ truyện tranh thiếu nữ.
Cheesecake
Một chiếc cheesecake kinh điển phong cách New York.
Cheesecake có nhiều loại, nhưng có một loại đặc trưng khác hẳn những loại còn lại, ấy chính là cheesecake Nhật Bản. Loại bánh phồng phồng mềm mềm trông như thể đang nhún nhảy ấy. Cheesecake truyền thống có nguồn gốc từ Nhật, tuy nhiên nổi tiếng nhất phải kể đến Cheesecake New York (Mỹ). Từng có thời mà thế giới cuồng cheesecake Mỹ hết sức, cho đến khi Nhật Bản quyết định "phá game".
... và chiếc cheesecake "cute phô mai que" biết nhún nhảy của Nhật Bản.
Kể từ khi món cheesecake phồng phồng nhún nhảy ra đời thì dân tình lại lên cơn sốt xình xịch và đua nhau săn đón, rồi sưu tầm công thức làm theo cho bằng được. Dù cheesecake truyền thống đến giờ vẫn được yêu thích lắm, nhưng vẫn không thể phủ nhận là nó đã phải chia bớt "danh vọng" cho người anh em sinh sau đẻ muộn là cheesecake Nhật.
Chocolate tươi
Chocolate tươi, hay còn gọi là nama chocolate là một phiên bản chocolate được làm bằng cách nhồi kem tươi với hỗn hợp chocolate để tạo ra những miếng chocolate với kết cấu mềm mịn cực kì. Chocolate có nguồn gốc từ Bắc Mỹ, và cho đến bây giờ thì các nước châu Âu vẫn đứng top trong việc sản xuất các loại chocolate. Tuy nhiên, nama chocolate (chocolate tươi) là phiên bản độc nhất vô nhị của Nhật Bản.
Không dừng lại ở chocolate cơ bản, người Nhật còn sáng tạo ra vị chocolate trà xanh và anh đào.
Đâu đó những năm 1990, hãng bánh kẹo Meiji nổi tiếng đã cho ra đời một loạt sản phẩm nama chocolate, tạo nên một "cơn sốt" toàn quốc. Đến hiện tại, du khách nước ngoài ai đến Nhật cũng phải một lần thử nama chocolate với vô vàn những vị khác nhau.
Theo Trí Thức Trẻ
Hội những người con xa xứ ăn thử phở Thìn ở Nhật: ngon thì ngon nhưng mà... nhạt Chỉ mới khai trương được vài ngày, phở Thìn ở Nhật đã thu hút rất nhiều thực khách. Không chỉ người Nhật, rất nhiều bạn trẻ Việt Nam đang sinh sống cũng đã đến thử phở tại đây. Sống xa quê, một trong những điều khiến những người con đất Việt nhung nhớ nhất có lẽ chính là ẩm thực quê nhà. Chẳng...